Huyện Lệ Thủy: Địa linh nhân kiệt...

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013 0 nhận xét

Lệ Thủy là một huyện thuộc tỉnh Quảng Bình. Phía nam giáp huyện Vĩnh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị), phía bắc giáp huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), phía tây giáp tỉnh Khammouan của Lào, phía đông giáp Biển Đông.

< Cánh đồng ở Xuân Giang.

Về địa hình: Phía tây huyện là dãy Trường Sơn, địa hình dốc theo hướng đông với vùng núi, đồi, có suối nước khoáng Bang với nguồn nước khoáng đang được khai thác làm nơi nghỉ dưỡng và làm nước uống đóng chai. Phần giữa huyện là một dải đồng bằng hẹp hai bên bờ sông Kiến Giang. Ven biển là những dải cồn cát trắng kéo dài hàng chục cây số. Ngoài làng chài và một bãi tắm, đa phần còn lại đều hoang sơ.

< Một góc sông Kiến Giang.

Huyện có 2 thị trấn là Kiến Giang và Lệ Ninh cùng 26 xã: An Thuỷ, Cam Thủy, Dương Thủy, Hoa Thủy, Hồng Thủy, Hưng Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy, Mai Thủy, Mỹ Thủy, Ngân Thủy, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Phong Thủy, Phú Thủy, Sen Thủy, Sơn Thủy, Tân Thủy, Thái Thủy, Thanh Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Xuân Thủy.
Diện tích tự nhiên của toàn huyện là 142.052 ha với dân số 140.804 người (năm 1998).

< Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Lệ Thủy cũng là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm. Vì vậy, tương truyền rằng đây là vùng đất địa linh sinh nhân kiệt.

Trong Chiến tranh Việt Nam, nơi đây là chiến trường ác liệt với mật độ bom rải thảm của Không quân Mỹ với mật độ dày đặc.

< Quốc lộ 1 đoạn qua Lệ Thủy.

Huyện Lệ Thủy có các tuyến đường quan trọng cắt ngang như QL1, đường HCM Đông, HCM Tây... và các tuyến tỉnh lộ tốt như TL10, TL16... Có cửa khẩu Tà Rùng - Cù Bai tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hoá.

Lệ Thủy nổi tiếng với sông Kiến Giang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống.

Những thắng cảnh đẹp tại Lệ Thủy có thể kể như:

- Sông Kiến Giang: là một nhánh của sông Nhật Lệ. Sông chảy qua huyện Lệ Thủy với tổng chiều dài 58 km.

Hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông nam, riêng con sông này chảy theo hướng đông bắc nên còn được gọi là nghịch hà. Trước đây, hàng năm con sông này gây lũ lụt cho vùng đồng bằng xung quanh do sông dốc, ngắn. Sau khi có đập An Mã ngăn ở thượng nguồn, nạn lũ lụt đã được khống chế.

< Suối nước khoáng nóng Bang.

- Suối nước khoáng nóng Bang thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, cách thành phố Đồng Hới 60km về phía Tây Nam. Dòng suối thường bốc hơi tạo thành làn sương mờ ảo giăng mắc khắp không gian khiến cho du khách đến đây cứ nghĩ mình đang lạc vào chốn bồng lai.

- Chùa An Xá tọa lạc ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy. Đây là ngôi chùa làng có từ năm 1900, chùa hiện nay được xây dựng vào năm 1994. Chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc tông.
Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – Văn hóa quốc gia.

< Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở cõi miền Nam, một khu du lịch tâm linh đang được người dân Lệ Thủy tôn thờ và gìn giữ.


< Bàu Sen ở Lệ Thủy.

- Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị tướng tài lừng danh thế giới.

- Miếu thờ tiến sĩ Dương Văn An, tác giả của ’’Ô Châu cận lục’’.

- Bàu Sen là một hồ nước ngọt đầy sen thuộc xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Chỉ cách biểm tầm 2km, không có nguồn nước nào đổ vào, vậy nhưng giữa những muôn trùng nắng gió chang chang, bàu vẫn đầy ắp nước, xanh rì, ngọt lịm.

< Bãi biển ở Cam Liên.

Ngoài Bàu Sen, huyện Lệ Thủy có nhiều hồ lớn nhỏ khác như hồ An Mã, hồ Cẩm Ly, Bàu Dum, hồ Thanh Sơn, hồ Phú Hòa, hồ Đập Làng... v.v.

- Núi ở Lệ Thủy có nhiều, ví dụ như núi Răng Lược (xã Kim Thủy), núi Lệ Thuỷ (xã Tịnh Châu - Sơn Tịnh), núi Mã Yên (còn gọi là núi Thiên Mã)...

< Hoàng hôn trên bãi biển ở Lệ Thủy.

- Bờ biển huyện Lệ Thủy dài khoảng 20km kéo dài qua nhiều xã với cát trắng, sạch. Biển có làngchài Ngư Thủy khiến ta nhớ đến bộ phim 'Trở lại Ngư Thuỷ' dạo nào trình chiếu đã gây xúc động trong cả nước và làm dấy lên một làn sóng ủng hộ, hướng về Ngư Thuỷ. Ngư Thủy cũng có bãi tắm đẹp đã được đưa vào khai thác du lịch.

Đến Lệ Thủy một lần, hẳn bạn sẽ không quên con người và cảnh vật nơi đây và chắc chắn còn muốn đến thêm lần nữa.

Du lịch, GO!, ảnh internet.

Mường Lát: cào cào "tắm bùn"

1 nhận xét

(Autocarvietnam) - Cung đường tuy ngắn nhưng đầy đủ cung bậc cảm xúc, từ những khúc cua gấp cho đến những hố bùn sâu.

Đam mê không dành cho người yếu đuối

Mặc dù trải qua một ngày vất vả với hành trình trong đêm tối nhưng họ vẫn thức giấc khi những giọt sương vẫn ướt sũng trên những tán lá cỗi xác xơ, khi mặt đường vẫn còn bảng lảng làn sương sớm và ánh mặt trời đầu tiên chưa ló rạng.

< Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Phía chân trời, những dải mây trắng đang chuyển hồng, ẩn hiện chập chùng trên các ngọn núi nhấp nhô phía xa. Thấp thoáng, từng nhóm đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú,... với những trang phục chàm, đỏ, xanh sặc sỡ lặng lẽ gùi những sản vật từ trên núi, người tay kẹp con gà, kẻ tay kéo con lợn bản đi về phía chợ.

Họ đến từ các bản làng xa xôi hẻo lánh, mang theo những hàng hóa sản phẩm tự sản xuất để trao đổi, mua bán, nhưng cũng có những người thì việc đi chợ chỉ để gặp gỡ, giao lưu.

Đối với dân-đi-lại thì việc tham gia các phiên chợ chính là cơ hội để họ khám phá, tìm hiểu văn hóa của đồng bào khu vực vùng cao. Nhưng hôm nay, họ không có nhiều thời gian để la cà, sà vào các hàng quán như mọi lần.

Hành trình phía trước còn dài, khó khăn còn chưa lường trước được, vì vậy việc đầu tiên khi quay về là chăm sóc xe cộ: căng xích, tra dầu, kiểm tra nhớt, bổ sung nhiên liệu và giúp nhau sửa chữa những hỏng hóc của ngày hôm trước trước khi tiếp tục lên đường.

< Pù Luông yên bình với ruộng lúa đã vào mùa gặt.

Bữa sáng của anh em Dirtbike Friends có hương vị thật tuyệt khi cả đoàn đã nuốt gọn đoạn đường 25km cả đi lẫn về cửa khẩu Tén Tằn, khởi động cho một ngày vất vả phía trước.

Cung đường tuy ngắn nhưng đầy đủ cung bậc cảm xúc, từ những khúc cua gấp hoặc dốc đứng cho đến những hố bùn sâu dễ chừng đến cả mét, đầy nước trơn trượt. Độ khó càng tăng càng kích thích máu mạo hiểm trong anh em Dirtbike Friends, càng nhiều những pha xử lý ngoạn mục trước các tình huống khó.

Xuôi về Mường Lý, những chàng trai lại được thả hồn trên 20 cây số dở dang đường nhựa, đường đất đầu tiên của chặng đường. Bên phải là dòng sông Mã đục ngầu hung dữ, bên trái là dãy núi trọc hoang sơ vươn ra những vách đá lởm chởm. Đoàn cào cào nối đuôi nhau thả mình, thoắt ẩn, thoắt hiện sau những dốc cua xanh.

Càng đi, đường càng hẹp lại, có chỗ chỉ vừa đủ cho một bánh xe qua. Rồi bỗng nhiên, cả lối đi mỏng như sợi chỉ phía trước cũng như chìm vào bạt ngàn rừng tre, những dấu cũ còn lại chỉ còn là những vệt lờ mờ không xác định.

Tre ngả xuống, chìa ra những mũi chông nhọn chĩa vào đầu của bất kỳ ai đi qua lối này. Có lẽ những mũi chông nhân tạo đó là sản phẩm của khách qua đường, họ chặt những cành xòa xuống để lấy lối đi nhưng vô tình lại tạo nên một cái bẫy chết chóc vừa tầm cao của những người cưỡi trên chiếc xe cao như chúng tôi.

Nằm rạp trên xe, dứ ga thật chậm và tiến lên khi đã quan sát thật kỹ trước khi dấn bước vào con đường phía trước. Mũ bảo hiểm loại fullface và quần áo bảo hộ cũng hỗ trợ chúng tôi phần nào tránh được thương tích khi vượt qua quãng đường này.

Gió giật mạnh nhưng mồ hôi ai cũng vã ra như tắm vì căng thẳng, một hai người đã bị thương nhẹ khi đi qua rừng tre.

Họ dừng lại và bằng những thao tác khá chuyên nghiệp, sơ cứu nhanh những vết thương để tiếp tục lên đường. Nếu trời tối, có thể sẽ không còn bè để họ vượt qua con suối Quành phía trước.

< Bùn ngập ½ xe là chuyện phải vượt qua thôi.

Gọi là Suối Quành bởi nó chính là khúc “quành” cuối cùng, nhưng lại hung dữ nhất của dòng suối chính, được hợp lưu từ ba dòng suối bé hơn mang nước từ trên thượng nguồn về đổ vào dòng sông Mã. Đang là mùa mưa, địa hình đồi núi phức tạp nên chắc chắn nếu không có bè thì họ sẽ phải ở lại một đêm trong chốn rừng thiêng nước độc này.

Lại thêm một sự cố, một sự cố lớn. Xe của Matt đột nhiên trở chứng, không thể khởi động được. Hệ thống điện ổn định, dầu máy vẫn đủ bôi trơn, buzi sạch sẽ và đánh lửa đều, hệ thống nhiên liệu làm việc tốt nhưng xe vẫn không cách gì nổ được.

< Đồng đội luôn phải có mặt để giúp đỡ khi cần thiết.

Không đủ thiết bị sửa chữa cũng như phụ tùng thay thế đối với những hỏng hóc lớn, vì vậy họ quyết định để lại con xe sau khi kéo 2 cây số đường đồi dốc để gửi lại một bản gần đó và nhờ dân bản kéo ra đường 15A sửa chữa.

Nhưng đấy là câu chuyện của tuần sau, nhiệm vụ của họ bây giờ là thoát ra khỏi khu rừng này trước khi trời tối. Sự cố này làm giảm đi 2,5 giờ trong hành trình tìm đến đường 15A của cả đoàn.

Vội vã những guồng quay cuối cùng

< Một người bố đang cắt tóc cho đứa bé, bình yên những sau những phút mệt nhoài.

Họ đến con suối Quành khi chiều đã xế bóng, ánh mặt trời loang lổ dát trên dòng nước đục ngầu hung dữ, cuồn cuộn đổ ra dòng sông Mã. Bên kia dòng, bóng người lái đò nghiêng nghiêng đổ trong ráng chiều, rướn người đẩy chiếc bè kết bằng những thân luồng dài nặng nề vượt suối. Thật lạ, quanh đây không có lấy một bản nhỏ nào, nhưng chính giữa dòng suối này lại có một người phụ nữ lênh khênh, da mặt khắc khổ, đen sạm, gồng mình chống chọi dòng nước dữ đưa khách sang sông.

“Đò ơi, đò ơi…” họ vui mừng gọi vang cả một khúc suối. Hàng chục thân luồng được kết thành một tấm mảng lớn, đủ sức chứa cho khoảng 2 chiếc xe. Một sợi dây thép lớn được căng ngang qua dòng để giữ cho chiếc bè khỏi bị trôi và người lái bè cầm vào đó mà kéo qua kéo lại, không thể dùng sào chèo như những dòng sông yên lặng. Bởi mặt suối mùa mưa miền núi cuộn đỏ bùn đất, ầm ào chảy dữ dội lắm.

Cứ như thế, 2 chiếc xe một được đưa lên bè để kéo qua. Mặt trời đã khuất dần sau núi, đâu đó trên triền đồi lập lòe ánh đèn dầu le lói của tổ ấm nhà ai, màn đêm dần xâm chiếm. Họ cảm ơn và vội vã chào tạm biệt cô lái đò để tiếp tục những vòng quay của chuyến đi.

Con đường từ Trung Lý đến Co Lương là thử thách thực sự khi những trận mưa từ mấy hôm trước đã làm nền đất đỏ nhão ra, trơn như cán mỡ, trải dài suốt dọc hơn 30km. Tệ hơn, đoạn phía trước đang thi công nên toàn bộ phần đường còn lại đã bị cày nát bởi bánh Gaz 69, tạo nên những cái hố “bùn không chân” sâu hoắm, ngập hết bánh cào cào. Phần sống trâu ở giữa cũng lồi lõm, gồ ghề và hẹp nên hầu như không đủ để đặt bánh xe.

Thả lỏng cơ thể, người ngồi tụt ra phía yên sau, hai tay chồm ra trước để điều khiển xe. Lúc này trọng lượng dồn lên bánh sau và giảm áp lực lên bánh trước, từng chiếc cào cào mạnh mẽ rồ ga vọt đi, bùn vọt lên cuốn theo talong của lốp bắn ngược về phía sau.

Đối với một số tay lái chưa nắm vững được kỹ thuật và làm chủ được sức mạnh của con cào cào “mãnh thú” thì đoạn đường này thực sự là nỗi kinh hoàng khi phải liên tục gồng mình vật lộn với cái xe cao lênh khênh “bất kham”, cứ liên tục trượt dài không cách gì ghìm lại được. Mùi lá côn, mùi bùn cháy, mùi khói xe như cuốn lấy các tay lái mình vấn đầy bùn đất vàng ệch, ướt sũng.

Sau hai tiếng vật lộn với bùn đất, với hố voi, với sình lầy, những tay lái Dirtbike Friends đã bỏ lại chặng đường khốc liệt phía sau. Trong tiếng cười, tiếng nói rổn rảng. Họ quây quần chia nhau điếu thuốc thơm cháy dở, ngụm nước suối còn sót lại đáy chai, hay vụn lương khô còn lại dưới tận đáy ba lô. Niềm vui đơn giản đối với từng tay lái bởi họ đã cùng nhau dấn thân vào thử thách và chinh phục thành công đoạn đường khó khăn này. Đêm bình yên rớt dần trên những vòng xe…
Xem thêm >

Dirtbike Travel & Dirtbike Friends, Ovuong
Theo Autocarvietnam.vn
Du lịch, GO!

Đền thờ Trương Hán Siêu

2 nhận xét

Đền thờ Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). Đền được xây dựng cạnh chân núi Non Nước nơi ngã ba sông Đáy và sông Vân.

Đền được xây dựng năm 1998, có cấ tạo hình chữ đinh gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung. Hai tầng mái lợp bằng ngói ta, với các góc có các đầu đao cong vút. Nhìn bán diện rìa mái cuộn lên ở hai đầu như hình ảnh một chiếc thuyền rồng ngoại mục. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt.

Mặt tiền của đền có tấm đại tự bằng chữ Hán ''Trương Thăng Phủ Từ''. Bái đường có cửa võng, hương án và hai giá ở hai bên cắm bát bửu. Gian cuối của hậu cung có hương án để bài vị của Trương Hán Siêu.

Trương Hán Siêu (1354) người xã Phúc Thành, huyện Yên Ninh, Ninh Bình.  Ông là người có tài văn, võ; từng là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sau làm quan ở các triều vua từ Trần Anh Tông đến Trần Dụ Tông, được các vua Trần tôn kính gọi bằng “thầy”. Trương Hán Siêu cùng với Nguyễn Trung Ngạn đã soạn ra Bộ Luật “Hình thư” và sách “Hoàng triều đại điển”, đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật.

Ông còn là một nhà văn hoá, có tầm nhìn du lịch sớm nhất Việt Nam. Khi ông mất đã được lập đền thờ ở phía Đông Nam gần mộ ông. Nhưng trải qua thời gian do chiến tranh, đền Trương Hán Siêu đã bị san lấp.
Đầu năm 1993 trong quá trình thi công xây dựng nhà ở phường Vân Giang, nhân thị xã đã phát hiện ra bài vị đá và những tấm bia đá, chân cột, bậc thềm đá của đền vùi sâu trong lòng đất. Ngày 24/4/1998, công trình xây dựng đền thờ Trương Hán Siêu đã chính thức khởi công tại khu đất phía Tây Nam núi Dục thuý.

Ngôi đền là một công trình văn hóa thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của nhân dân Ninh Bình đối với danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu là điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình; nhân dân trong tỉnh cùng khách thập phương xa, gần và con cháu dòng họ Trương trong cả nước đã đóng góp kinh phí cùng thành phố tu sửa khuôn viên đền và đúc tượng thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Bức tượng được đúc bằng đồng với tỷ lệ 1/1, đặt ngồi trên bệ trong trang phục triều Trần, được đưa vào thờ tự tại Đền Trương Thăng Phủ.

Du lịch, GO!

Di tích chùa Tượng Sơn

0 nhận xét

(Travel Zizi) - Đến Hương Sơn, khách du lịch thường đến tham quan khu di tích lịch sử văn hóa Nghệ thuật độc đáo găn liền với Đại danh y Lê Hữu Trác. Nằm ở vị trí thuộc xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, đây là ngôi chùa cổ tuy nhỏ nhưng là một đại danh lam, xưa nay được khách thập phương tham quan vãn cảnh chiêm ngưỡng.

Chùa Tượng Sơn được xây dựng từ thời Hậu Lê, ( vào đầu thế kỷ XVIII) ở làng Yên Hạ, (cũng có tên là làng Quát) xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng, nay là xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa có tên Tượng Sơn tự vì sau lưng chùa có núi Voi ( Tượng), sát cạnh đầu núi Voi có ngọn khe băng qua ghềnh đá nước chảy ầm ầm, nên chùa cũng có tên là chùa Ầm Ầm.

Chùa Tượng Sơn do bà Bùi Thị Thưởng thân mẫu của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sáng lập và do hai anh em Lê Hữu Trác nhận trách nhiệm trực tiếp xây dựng.

Từ ngày xây dựng đến năm Mậu Thìn (1928 - Bảo Đại năm thứ 3) đã có 6 nhà sư trụ trì, mỗi nhà sư đều có công lao tu bổ xây dựng tôn tạo chùa ngày càng khang trang hơn, trong đó có 2 nhà sư đóng góp nhiều công sức hơn cả, đó là Thích Phổ Quang và Thích Quang Vận.

Trải qua thời gian, chùa Tượng Sơn đã trở thành ngôi chùa cổ, một di tích lịch sử gắn liền với Đại danh y Lê Hữu Trác, một di tích văn hoá nghệ thuật độc đáo. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng đây cũng là một đại danh lam, xưa nay được khách thập phương tham quan vãn cảnh chiêm ngưỡng. Chùa toạ lạc giữa một khu đất bằng phẳng, bốn phía có núi sông khe suối làng mạc.

Trước mặt là dòng sông Ngàn Phố, sau lưng là ngọn núi Voi sừng sững có khe suối chảy ầm ầm tạo thành âm thanh rộn rã nơi tĩnh mịch. Du lịch đến đây du khách cảm nhận được khung cảnh đẹp và không khí trong lành mát mẻ, cảnh chùa uy nghiêm, linh thiêng cho ta cảm giác thoát tục.

Chùa Tượng Sơn có 3 toà, chùa Thượng chính điện thợ Phật Thích Ca, bên tả thờ ông bà cụ Tham đốc quận công (tức ông bà ngoại của Lê Hữu Trác) và bà Bùi Thị Thưởng người sáng lập chùa, bên hữu thờ tổ tiên họ Lê Hữu, hai bên phía ngoài thờ các tiên vong quy y ký tiến. Chùa Hạ là một lầu chuông 8 mái được chạm trổ tinh xảo theo hoa văn kiểu tứ linh, tầng trên để gác chuông, tầng dưới làm nơi lễ bái.

Bên cạnh sát chùa Thượng là nhà Tổ, thờ tượng Tổ Đạt Ma, lịch đại Tổ sư, trong chùa có nhiều pho tượng Phật được tạo hình dáng nghệ thuật đẹp với nhiều dáng vẻ độc đáo, khác nhau, nhất là pho tượng lớn Bồ Tát Chuẩn đề 18 tay.

Trước sân nhà Tổ là cổng tò vò xây theo kiểu chồng diêm tiếp theo bên phải nữa là 3 gian nhà khách rộng rãi, phía sau là tăng xá phương trượng. Về phía góc trái vườn chùa có 7 am mộ của các nhà sư trụ trì viên tịch tại đây.

Hàng năm tại chùa Tượng Sơn ngoài những ngày lễ của nhà Phật như lễ Phật Đản, Vu Lan còn có những ngày lễ hội như Lễ Thượng nguyên và lễ cầu yên, lại có lễ Quan Âm ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày lễ vía đức Bồ Tát quan thế âm. Đây là địa điểm đáng để du khách ghé qua trong những ngày nghỉ lễ.
Xem thêm >

Theo Travel Zizi
Du lịch, GO!

Bãi Nồm mời gọi

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013 1 nhận xét

(Báo Cần Thơ) - Tàu rẽ sóng chừng khoảng một giờ, du khách đã đặt chân đến đảo Bình Ba (thuộc xã Cam Lâm, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).
Ở phía Tây đảo có bãi Nồm quanh năm sóng vỗ. Gió lồng lộng đẩy những con sóng lớn vào bờ cát trắng mịn như lời gọi mời du khách đến từ phương xa.

Ở đảo Bình Ba, phía Đông biển lặng như gương hồ và trời không chút gió, nhưng phía Tây, sóng rất dữ dội hoặc ngược lại. Cách nhau không xa nhưng “nết biển” lại khác nhau đến lạ - một bên này ồn ã, một bên kia lại dịu êm.

< Lên tàu ra đảo.

Vừa đặt chân lên cầu tàu trên đảo, mọi người đã háo hức di chuyển nhanh sang bãi Nồm đùa với sóng biển. Di chuyển từ Đông sang Tây chừng khoảng một cây số, chưa hết dãy nhà dân, đã nghe tiếng sóng vỗ mạnh từng đợt vào bờ ầm ầm.

Hết ngôi nhà cuối cùng, bãi Nồm hiện ra trước mắt đầy quyến rũ. Bờ cát trắng trải dài. Hai bên là dãy đá từ núi như hai cánh tay vươn dài ra biển, ôm trọn vẹn vịnh biển này, tạo thành hình cánh cung lý tưởng.

< Trong nhà nghỉ nhìn ra Bãi Nồm.

Người dân trên đảo Bình Ba mỗi sáng, mỗi chiều ra đây tập thể dục và tắm biển. Trên đảo có nhiều bãi nhưng bãi Nồm nằm gần khu dân cư nhất, biển xanh và trong. Cuối tuần, người dân Cam Ranh và vùng lân cận thường đi tàu ra đây “đổi gió” và tắm biển. Khu vực này không neo đậu tàu được nên không bị ô nhiễm. Người dân địa phương cũng ý thức giữ gìn nên bãi cát luôn sạch sẽ.

Một điều mà bất kỳ du khách nào cũng thấy hài lòng khi đến chơi bãi Nồm là sự thân thiện của người dân. Dù chỉ mới gặp nhau lần đầu nhưng bà con rất vui vẻ và thân mật như gặp bạn bè.

Họ sẵn sàng giúp đỡ khi du khách cần. Điều đặc biệt là du khách có thể mượn xe máy vi vu trên đảo mà không phải tốn tiền thuê. Dường như sự hào sảng của thiên nhiên đã định hình tính cách của người dân trên đảo. Biển trù phú và xinh đẹp nên người dân sống rất cởi mở và chia sẻ. Tương lai, khi vùng này phát triển du lịch, hy vọng những tính cách và sự thân thiện của người dân được phát huy như một yếu tố để thu hút du khách.

< Một góc Bãi Nồm.

Khi chưa có các dịch vụ du lịch, du khách đến bãi Nồm chủ yếu ở nhà dân với giá rất mềm. Tiền lưu trú chỉ vài chục ngàn đồng/người/đêm - bù vào chi phí điện, nước của bà con. Việc ăn uống của du khách cũng có thể nhờ chủ nhà phục vụ và bà con chỉ tính tiền đi chợ.

Bây giờ, đã có nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, nhiều du khách vẫn chọn ở nhà dân, vừa tiết kiệm lại vừa được trải nghiệm cuộc sống...

< Bãi Chướng có các chòi lá của một khu du lịch xây dựng dở dang nên vào ngồi thoải mái, miễn phí.

Đặc biệt đêm bãi Nồm thật hấp dẫn. Sóng biển như một khúc nhạc vang mãi, như lời ru êm cho giấc ngủ của du khách. Du khách có thể tổ chức tiệc tùng, sinh hoạt dã ngoại trên bãi biển đến khuya mà không một ai phàn nàn, quấy rầy. Người dân trên đảo rất thoải mái khi du khách vui chơi ca hát trên bãi biển. Nhiều người còn kéo ra xem du khách chơi và tham gia các hoạt động tập thể như một show diễn thú vị.

< Bãi Nhà Cũ là một trong những bãi biển quyến rũ nhất trên đảo lúc về chiều.

Đùa giỡn với sóng biển bãi Nồm thỏa mãn, du khách có thể khám phá những bãi biển khác. Trên đảo có nhiều bãi biển đẹp, như: Bồ Đề, Nhà Hành, Cây Me, Hòn Cò…nằm xen kẽ trong những eo núi mà chỉ có thể đi bộ hoặc ghe tàu mới tới nơi được. Các bãi biển dễ đi lại bằng xe gắn máy và ô tô là bãi Nồm, bãi Chướng và bãi Nhà Cũ…

< Bãi trước Bình Ba.

Khi trải nghiệm cuộc sống trên đảo, xen lẫn những câu chuyện đời thường, du khách được nghe kể những câu chuyện huyền hoặc.

Nét độc đáo và thú vị mà hầu như ai cũng thích thú khi đến thăm đảo Bình Ba là lặn biển và ngắm san hô. Sở hữu những rặng san hô tuyệt đẹp cùng mực nước biển thấp và màu nước trong xanh, bãi Nhà Cũ ở Bình Ba là một điểm để ngắm san hô hoặc bơi tung tăng với những đàn cá bảy màu tuyệt đẹp. Người thích mạo hiểm có thể men theo sườn núi khám phá các di tích đã hoang phế như ụ đại pháo, lô cốt phòng thủ…

Người thích thiên nhiên đi dọc theo bãi biển ngắm những vỏ ốc ngũ sắc tuyệt đẹp, những khối đá nhấp nhô dưới ghềnh, những vách đá dựng đứng cùng một số hang động gợi trí tò mò. Nhiều người lên đỉnh đài ra-đa ngắm toàn cảnh đảo Bình Ba với biển, trời mênh mông được thu gọn vào tầm mắt.

Thông tin thêm:

Bãi Nồm là một bãi biển đẹp nằm trên đảo Bình Ba (hay còn gọi là đảo tôm hùm) thuộc xã Cam Lâm, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Phương tiện ra bãi Nồm: Tàu gỗ chở khách xuất phát từ cảng Ba Ngòi trên vịnh Cam Ranh; thời gian di chuyển khoảng một giờ. Khi di chuyển trên đảo, du khách có thể đi bộ (ở khu vực trung tâm và bãi Nồm, bãi Chướng), thuê ô tô 15 chỗ hoặc xe máy trên đảo.

Lưu trú: Hỏi ngủ nhờ ở nhà dân (chỉ trả tiền điện, nước) hoặc thuê nhà nghỉ tại bãi Nồm.

Ăn uống: Hàng quán của người dân địa phương hoặc nhờ chủ nhà nấu, khẩu vị phù hợp đối với du khách miền Nam.

“Phố đêm” trên đảo Bình Ba

Nói là phố chứ thật ra là một điểm tập trung hàng quán ăn uống tập trung ở khu vực gần sân bóng đá của xã hoặc cầu cảng. Phố nhộn nhịp từ khoảng sau 4 giờ chiều đến tận khuya.

“Phố đêm” nằm gần bãi Nồm. Mỗi chiều, người dân địa phương dọn hàng qua đây bán, chủ yếu là phục vụ ăn uống với nhiều món đặc trưng như: Bánh xèo hải sản đổ khuôn đất nung kiểu miền Trung, bánh căn tôm mực, bún chả và sứa, hủ tiếu, phở và nhiều loại nước ép, sinh tố… Mỗi món giá bình quân từ 5.000-20.000 đồng. Một người mạnh ăn, chỉ tốn khoảng 50.000 đồng là thưởng thức được hầu hết các món đặc sản ở đây. Người có sức ăn bình thường chỉ tiêu tốn khoảng 30.000 đồng là no bụng.

Giá rẻ nhưng không vì thế mà chất lượng không ngon. Khẩu vị ở người dân vùng này khá gần với khẩu vị Nam bộ lại ít dùng bột ngọt chế biến nên rất dễ ăn. Đặc biệt vị ngọt của nước dùng ngoài xương heo còn có cá biển nên hương vị khá lạ.

Một tô bún giá khoảng 15.000 đồng nhưng đầy tủ hương vị và trình bày đẹp, nhìn là thèm ăn. Đối với du khách, người bán vẫn tính bằng giá thường ngày, không “chặt chém”.
Những người bán hàng nói: “Dân trên đảo hay khách cũng như nhau thôi. Bán như vậy là có lời rồi. “Chặt chém” mang tiếng xấu, ai dám ra đảo chơi nữa!”.

Ngày thường, “phố đêm” nằm ở cầu cảng. Những ngày có lô tô, hội chợ, “phố đêm” được dời về khu vực sân bóng trung tâm xã cho dễ mua bán.

Ăn uống ở phố đêm, du khách có cảm giác gần gũi như ăn uống trong gia đình lại vừa thưởng thức không khí sinh hoạt, ẩm thực của người dân biển đảo. “Phố đêm” trở thành điểm đến của du khách ngoài danh lam thắng cảnh khi đặt chân đến đảo.
Xem thêm >

Theo Thanh Nhàn - Báo Cần Thơ
Ảnh ThuyMoc, Photo Thiện, Alice Thuy...
Du lịch, GO!

Phố ăn vặt Bình Ba

Khám phá động Hoa Tiên

1 nhận xét

(Báo Hòa Bình) - Di tích động Hoa Tiên di tích tọa lạc trong lòng dãy núi đá vôi, núi Bà thuộc xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình. Cách nơi di tích khoảng 1km về phía Đông, có một hồ nước rộng, trong xanh dân trong vùng gọi là hồ tiên tắm. Từ hai địa danh đó nhân dân nơi đây đã chọn hai mỹ tự đẹp nhất để đặt tên cho động là động Hoa Tiên.

Muốn thăm quan động du khách có thể đến với di tích bằng 2 tuyến. Tuyến thứ nhất: Từ trung tâm thành phố Hoà Bình, theo đường đến bến cảng đập thuỷ điện khoảng 7km...

... Từ đây du khách theo thuyền ngược lòng hồ sông Đà 27km sẽ đến địa phận xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, xuống thuyền đi bộ khoảng 100m nữa là tới động Hoa Tiên.

Tuyến thứ hai: Từ trung tâm thành phố Hoà Bình theo quốc lộ 6A tới ngã ba chân dốc Cun khoảng 5km, từ đây theo đường Tây Tiến qua xã Bình Thanh tới xã Thung Nai huyện Cao Phong khoảng 18km. Từ đây du khách có thể đi theo đường vào xã Ngòi Hoa khoảng 11,7km. Từ đây tiếp tục đi bộ ra bến đò xóm Nẻ, dùng thuyền đi khoảng 9km, đến cửa Ngòi du khách có thể theo đường bộ khoảng 3,7km là tới di tích.

Động Hoa Tiên gồm 2 cửa cách nhau 18m: cửa phía Đông nam và cửa phía Nam. Cửa Đông nam có chiều cao 5m; rộng bình 6m. Cửa hư­ớng Nam cao 6m; rộng 9m. Cửa động cao hơn nền động khoảng 8-10m, muốn vào động du khách phải đi qua cầu thang bằng sắt, bắc ở hai cửa vào.

Ngay khi đặt chân vào trong động du khách hết sức ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt vời của đá với vô vàn khối nhũ đá, măng đá, cột đá đủ các hình thù kỳ thú, hấp dẫn du khách qua ánh sáng đèn những nhũ đá măng đá, cột đá phản chiếu ánh sáng lấp lánh như đèn màu sân khấu.

Động chính: Với chiều dài 61m; rộng 27m, từ cửa đi vào rẽ trái đi chừng 50m, động được chia thành 2 ngách nhỏ khi vào thăm quan động du khách bắt gặp vô vàn các nhũ đá nơi đây. Các khối có các hình thù vô cùng lý thú.

Hình thì như­ vân vũ, hình như ông Bụt, ông Tiên toạ lạc trên các đám mây hồng ngũ sắc rực rỡ muôn màu. Trên vòm trần ta bắt gặp nhũ đá trông mềm mại rủ từ trên xuống tựa như­ một chiếc chân váy mầu vàng rực rỡ như vừa được giặt xong vẫn còn vương trên đó những giọt nước li ti đọng lại long lanh.

Ngách động phía Bắc: Có chiều dài 60m; rộng 12m được ngăn cách với động chính bằng một dãy cột đá, măng đá cao xếp thành từng hàng lớn. Qua bức tường tự nhiên này du khách tiến vào lòng động. Nền động gồ ghề bởi các ruộng bậc thang nối tiếp nhau có chiều hơi dốc lên. Động này dài 60m, phía ngoài rất rộng có chỗ tới trên 20m, càng vào trong càng thu hẹp lại. Trần cao trung bình 15m.

Ngay tại đầu ngách này du khách bắt gặp một hồ nước nông, đây là điểm đầu cho cả một dãy dài các hồ nước nhỏ kế tiếp nhau tạo thành các ruộng bậc thang. Nước trong và mát lạnh dư­ới ánh sáng của đèn động hiện lên lung linh một cách lạ kỳ, du khách choáng ngợp bởi vẻ đẹp kỳ vĩ nơi đây.

Càng vào trong lòng động càng thu nhỏ lại, không gian nơi đây yên tĩnh để không khỏi giật mình trước một vài chú rơi rơi vỗ cánh bay vút vào bóng đêm, ở đây với vô vàn các khối nhũ đá, cột đá, măng đá nhiều hình thù kỳ bí, với ngai vàng lọng tía quả là một kiệt tác của thiên nhiên.

Ngách phía Tây nam: Ngách động này ăn sâu xuống và hướng ra phía ngoài núi, sau đó lượn hình vòng cung men theo triền núi đá vôi với độ sâu khoảng 48m, rộng trung bình 10 -12m, trần cao thấp không đều nhau có chỗ cao đến 30m, có chỗ thấp hẳn xuống tạo thành các cung bậc. Nền động gồ ghề và ẩm ướt, nền được tạo thành bởi nhiều tảng đá lớn xếp lại với nhau.

Dưới ánh đèn vô vàn các nhũ đá, cột đá hiện ra với nhiều hình thù như­ được bàn tay chạm nhân tạo của những nghệ nhân tài ba tạo thành. Từ trần cao rủ xuống các dòng thác đá uốn lượn mềm mại như­ những dải lụa mềm, khẽ đung đưa trong gió, những hình ảnh đó hoà vào nhau tạo thành các khối kiến trúc hình thành nên các cột lớn từ dưới vút lên cao xoè ra như chống lấy cả khối trần đồ sộ.

Có khối cao, khối thấp, khối đến mười người ôm không xuể, có khối chỉ như chiếc cột nhà sàn, có khối cao đến 20m, có khối chỉ cao 3- 4m. Tạo ra trong vách động này một bức tranh hoàn chỉnh mà trong đó hội tụ đầy đủ cả kiến trúc nghệ thuật tạo hình và hội hoạ.

Đã nhiều năm nay du khách trong cả nước biết đến lòng hồ sông Đà của tỉnh Hoà Bình nhiều phong cảnh đẹp “sơn thuỷ hữu tình”, non nước hùng vĩ, môi trường sinh thái trong sạch với những địa danh du lịch nổi tiếng như­ hang Dơi, đền Thác Bờ, Động Thác Bờ, Động Hoa Tiên cũng là một địa chỉ hấp dẫn du khách nằm trên tuyến du lịch lòng hồ sông Đà.
Xem thêm >

Theo báo Hòa Bình
Du lịch, GO!

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc