Nghe lão nông tri điền Hai Thu, ở tận vùng Đồng Tháp Mười thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An) nói thật như đùa: “Bây giờ ăn toàn “đồ lai” không hà, bây ơi!”, chúng tôi chưng hửng. Ruộng đồng vốn là cái “ổ đẻ”, là môi trường sinh sống của hàng trăm, hàng ngàn loài cá, tôm, rắn địa phương. Nhưng nhiều loài đang bị ngoại lai hóa.
Sống giữa vùng đặc sản
Chỉ cần một cú điện thoại của anh Đề ở huyện Tân Thạnh (Long An): “Ông về chơi đi, nước chan ngập đồng rồi, cá chuột ta la đầy nhóc”, chúng tôi hăm hở “khăn gói” về đồng. Đến chợ xã Tân Lập, xe máy gửi lại, chiếc vỏ lãi xé nước băng đồng. Cánh đồng giờ là một biển nước mênh mông, trời nước gặp nhau ở cuối tầm nhìn. “Chiều tui chở ông đi dỡ xà di, tối đi giăng câu, gỡ lưới, sáng mai đi thăm bẫy chuột… Ông mà hổng bắt mê tui chết liền”- anh Đề “mớm mồi”, làm cái háo hức khoái săn bắt của chúng tôi càng lúc càng tăng thêm. Một lịch trình quá hấp dẫn!
< “Chiến lợi phẩm” tưởng đâu đồ đồng, ai dè… “đồ lai”.
Xà di chủ yếu bắt cá rô- loại cá rô từ trọng trọng trở lên, với mồi nhử là xác mắm trộn lúa ngâm vò đất sét thành viên, con cá mê mồi chui lọt qua cái hom nhưng không tài nào lách ra được. Côn chỉ dùng để bắt “cá đen”: lóc, trê. Lưới giăng “chuyên trị” các loại cá trắng. Ủ mô cỏ là “bãi đáp” của lươn. Lọp cũng “chuyên”: có lọp cá chạch, lọp tép, lọp cua. Trong khi, có những loại bắt “tổng hợp” như dớn, lưới rùng… từ cá trắng, cá đen, đến tôm tép, cua thậm chí rắn, lươn cũng “khó gỡ”. Chúng tôi đã kịp tiếp thu những kiến thức cơ bản đó khi cùng anh Đề chống xuồng đi gỡ lưới cá linh.
< Sản phẩm “hương đồng” giờ đâu còn mấy...
Ngày hôm sau, khi ánh nắng đầu ngày chồm qua rừng tràm, chú Hai Thu- cha anh Đề, chống xuồng đưa chúng tôi đi thăm bẫy chuột. Bẫy chuột đặt ở các gò cao, bờ đê rậm rạp. Chú Hai chống xuồng nhảy thót lên bờ. Một cái bẫy đã sập. Nhanh chóng, 2 con chuột mập ú không còn động đậy được gỡ ra, quăng lên xuồng. Bỏ vào nhúm lúa mới, chú Hai cài lại bẫy rồi đi thăm bẫy khác. Loại bẫy sập khá đơn giản, được nện bằng đất sét, khi con mồi sập bẫy bị sức nặng đè đến chết.
Nhưng nó không đơn giản chút nào. Vì ngoài chuột, ếch, bìm bịp cũng sập bẫy khi mon men ăn mồi. Đến một gò cao khác, chú Hai hồ hởi nói lớn: “Có mồi bén nghen bay”. Chúng tôi trố mắt: “Rắn!” Một con rắn bị bẫy sập đè ngang cổ, bất lực nằm ngay đơ giữa đám cỏ. Chú Hai vừa túm cổ, vừa nhẹ tay dỡ bẫy. Con rắn sọc đen vàng bóng oằn sức cuốn mấy vòng, nhưng đã bị gọng kìm tay của chú Hai thít chặt.
Qua mấy quãng đồng nước, các loại “đặc sản”: đọt nhãn lồng, bông súng ma, bông điên điển, rau muống đỏ… tươi non cũng kịp góp mặt cùng rắn, ếch, chuột trong khoang xuồng. Đám chuồn chuồn đua theo đuôi xuồng, nắng vãi đầy những chiếc cánh nhỏ lấp lánh, tạo nên cảnh sắc tuyệt vời. Chúng tôi cứ xuýt xoa: “Ở thành phố dễ gì có được mồi bén vầy chú Hai”. Còn chú Hai chỉ nói thật như đùa: “Bây giờ ăn toàn “đồ lai” hông hà, bây ơi!”
“Đồ lai” rượt đuổi “đồ đồng”
< Chú Hai túm đầu con rắn hổ ngựa bị dính bẫy.
Chúng tôi chưng hửng, vì từ nhỏ tới lớn mới nghe tới từ “đồ lai”. “Bây coi con ếch nè, lai ếch Thái rồi đó. Bây giờ kiếm con ốc lác, ốc bươu đồng chánh tông đỏ con mắt. Con rắn đầu đỏ “nhảy nọc” con rắn nước, đẻ ra cái đám ôn ăn tanh rình, bay thử biết liền!”- chú Hai xổ một hơi ra chiều “hổng ham mấy”.
Thì ra, “đồ lai” là để nói những đặc sản miệt đồng đã bị lai tạp bởi các loài có nguồn gốc từ nước ngoài. Người nông dân tự hào “đồ đồng” (cá đồng, ếch đồng, ốc đồng, cua đồng…) của mình là đặc sản tự nhiên thứ thiệt, để phân biệt với các loại “đồ nuôi” (cá nuôi, ếch nuôi,…) công nghiệp. Đâu ai ngờ bây giờ lại có “đồ lai”? Cái từ “đồ lai” chỉ mới xuất hiện từ đầu mùa lũ này, khi người nông dân bất ngờ phát hiện những được- mất- đánh- đổi diễn ra ngay trên đồng ruộng của mình.
Làm cuộc phỏng vấn “đầu bờ”, chúng tôi có được những thông tin thú vị và hiểu vì sao họ “hổng ham mấy cái giống lai”.
Cậu Chín Bốp nói rất mê ếch đồng. Ếch đồng mạnh mẽ, đùi bự, eo thon. Bắt con nào xứng đáng con đó, đến cả… nửa ký lô. Ếch đồng thơm- ngon- ngọt- thịt chắc. Những tố chất đó đủ để trở thành “hoa hậu” trên bàn ăn. Vì ếch đồng dù “ăn diện” với lá cách nước cốt dừa, mướp hay bầu, xào sả hay nướng nguyên da ai cũng bắt ghiền.
Vài năm trở lại đây, ếch Thái bụng bự, mập thù lù “nhảy cóc” từ vèo nuôi ra đồng. Nó không chỉ ham ăn, ăn tạp mà còn ham… giao phối. Không chỉ giao “đồng hương” mà còn day qua giao luôn ếch đồng. Sự kết hợp này sinh ra “đồ lai” nhỏ xíu con- bụng bự mà đùi… chút ét. Bây giờ đồng nhiều ếch lai, ếch đồng chạy đâu mất hết.
Rành sáu câu các món rắn: hầm sả, xào lá cách, nướng trui, nấu cháo đậu xanh, đến món dồi rắn… nên chú Hai giành nói “đồ rắn lai”. Rắn nước là loài rắn không độc, hiền lành sống rất nhiều ở miệt đồng. Không hiểu sao nó bị con rắn đầu đỏ “nhảy nọc” đẻ ra cái “đám ôn” gì ăn tanh rình. Rắn đầu đỏ không phải có nguồn gốc nước ngoài, nhưng “hổng giống ai” nên cũng liệt vào “đồ lai”.
Ốc lác, ốc bươu thì tôi biết. Mùa nước nổi chỉ cách nay 5 năm, về Đồng Tháp Mười tôi còn bơi xuồng đi vớt ốc. Đêm đêm ốc chui ra khỏi rừng tràm, nổi lềnh trên mặt nước ăn rong rêu. Ốc đồng to bằng nắm nay, hấp tiêu, nướng đều rất giòn ngọt. Vậy mà bây giờ kiếm con ốc đồng đỏ con mắt, đi đâu cũng thấy trứng ốc bươu vàng đỏ lòm bám dày đặc cây cỏ. Điều đó, chứng tỏ sự bành trướng của loài ốc Pháp nổi tiếng “đụng gì cũng ăn, đụng đâu cũng đẻ”. Ốc “đồ lai” mang đặc tính “bươu vàng” nhiều hơn “bươu đồng”, là kẻ gây hại không mong đợi trên đồng ruộng.
Rồi đây, sẽ có thêm đặc sản đồng nào tiếp tục bị “đồ lai” rượt đuổi, đánh bật ra khỏi môi trường sinh thái của mình? Ruộng đồng có thích nghi được với những “đám ôn” mới? Chú Hai xa xăm nhìn ra đồng nước: Hỏi chi lắt léo hả bây?
Du lịch, GO! - Theo Vĩnh Long Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét