Hình thức du lịch miệt vườn có cả chục năm nay nhưng dường như chỉ dành cho khách nước ngoài. Di chuyển bằng thuyền, ghe hay cầu khỉ là những “món lạ” chỉ lạ với khách quốc tế chứ dân Việt chẳng ai mặn mà.
Tuy nhiên, khoảng 2,3 năm nay, hình thức du lịch sinh thái ngày càng phát triển khiến người học yêu thiên nhiên mộc mạc như bản chất của cuộc sống ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt sau các kỳ thi của học sinh phổ thông, khi ông bố bà mẹ giật mình hay tin con mình không biết tả con heo khác con bò thế nào, cây chôm chôm khác cây mít, cây xoài ra sao… Ấy là lúc du lịch miệt vườn trở nên hấp dẫn các gia đình. Không chỉ đi nghỉ ngơi giải trí, miệt vườn còn trở thành trường học lý tưởng cho trẻ em thành phố.
< Du lịch miệt vườn là về với vùng sông nước...
Thành phố Mỹ Tho chỉ có vài ba khách sạn thuộc dạng “có sao” để khách du lịch đến nghỉ đêm. Chính vì vậy, những dịp lễ lạt, nếu không đặt trước thì bạn khó có phòng để qua đêm. Lý tưởng nhất là khách sạn Chương Dương nằm ngay bờ sông Tiền, phong cảnh nên thơ gió trời lồng lộng…
< Những món quà "cây nhà lá vườn.
Nghỉ ngơi một đêm sau chuyến tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề bánh, mứt… của Tiền Giang sáng hôm sau du khách sẽ rất hứng khởi với chuyến du hành trên sông để thăm các cồn. Nhiều người thích tham quan Cồn Thới Sơn vì có mô hình tham quan phong phú với các dịch vụ phát triển như tham quan làng nghề thêu tay mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, làm mắm… hay các dịch vụ đặc sản chỉ nghe tên món đã phát thèm chảy nước miếng như cá lóc nướng trui, gà nướng ngói, chuột đồng nướng lu, tai tượng chiên xù hay bát cháo cá rau đắng…
< Nấu kẹo dừa.
Sau vài khua mái chèo sang khu du lịch sinh thái Bến Tre tham quan cồn Phụng, cồn Dừa… thì không chỉ trẻ em mà người lớn cũng tròn xoe mắt ngắm nhìn từng thùng ong mật đang tỏa hương với những con ong thợ đang chi chít đậu quanh mép thùng tìm đường vào tổ; Nếu như ra siêu thị chỉ thấy những gói kẹo dừa đơn điệu 1,2 loại như dừa sữa, dừa đậu phộng thì tại quê hương xứ sở kẹo dừa, ngoài chuyện có dịp được nếm miếng kẹo mộc còn dẻo nóng béo ngậy vị dừa vừa ở lò cắt ra, còn là dịp được thưởng thức hơn chục loại kẹo dừa như kẹo dừa trái cây, dừa nhân điều, dừa dứa, dừa phọng hay kẹo chuối nhân dừa non… tại lò nấu kẹo thủ công.
Sau khi đã mỏi chân tham quan các làng nghề phổ biến ở vùng sông nước nơi đây, khách được phục vụ đờn ca tài tử. Đến điểm phục vụ đờn ca tài tử bằng chuyến xe ngựa, một loại hình giao thông đã mai một khá lâu, nay được khôi phục chỉ cho khu du lịch sinh thái. Thú đi xe ngựa cũng để lại ấn tượng khó phai cho trẻ nhỏ. Nhóm đờn ca nhỏ lẻ “cây nhà lá vườn” đúng nghĩa.
< Những câu vọng cổ, điệu lý và giọng hò ngọt lịm cứ thế cất lên, vượt qua tán lá, vang ra tận đường làng…
Từ nhạc công đến ca sĩ đều là bà con họ hàng trong một gia đình. Bình thường họ vẫn đi làm đồng áng vụ mùa nhưng khi có khách du lịch đến thì lại về nhà điểm trang, áo sống là lượt bước ra cất tiếng hát. Ngồi quanh bàn trà, nếm các loại trái cây đặc sản địa phương trong tiếng tích tịch tình tang… Những câu vọng cổ, điệu lý và giọng hò ngọt lịm cứ thế cất lên, vượt qua tán lá, vang ra tận đường làng… và bập bềnh sóng nước theo chân khách về lại thị thành.
Các ban nhạc tài tử thoạt đầu được hình thành một cách ngẫu hứng như tính chất và tên gọi của nó. Ông Sáu đờn cò xóm trên ôm đàn xuống chơi với ông Chín đờn kìm xóm dưới. Họ đến với nhau vì “tìm bạn tri kỷ, tri âm”. Họ chơi với nhau những lúc nông nhàn hoặc khi “trà dư tửu hậu”, rồi dần dà những cung bậc buồn vui với lời ca đậm nghĩa nặng tình đã đi vào đời sống, thấm sâu vào tâm hồn của người dân sông nước Nam bộ.
Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt bởi tính chất bình dân, ai cũng có thể tham gia. Phong cách chơi không hề bị câu thúc bởi lễ nghi phiền toái, trang phục đời thường, giản dị. Trong sân chơi này, người thưởng thức và người phục vụ thường không phân biệt. Người đến nghe không những trải lòng mình đồng cảm với lời ca, với từng ngón đờn tài hoa mà khi cao hứng họ cũng tham gia khi nửa bản phụng hoàng, lúc một đoạn nam ai hoặc vài ba câu vọng cổ...
Ngồi hát chán chê, rồi họ đứng lên hát ra bộ, có khi ca diễn cả một trích đoạn cải lương. Càng hát càng say, lúc hát một mình, khi hát cùng bạn tri âm, tri kỷ. Tùy theo hoàn cảnh mà người hát, người đờn chọn bài bản có giai điệu, tiết tấu, lời ca sao cho phù hợp với tâm trạng, tình cảm của mình lúc đó. Một tính chất khác của tài tử là hát ngẫu hứng. Khi chén trà, chung rượu ngấm vào tâm, trong cơn tửu hứng, họ cao giọng ngâm nga nỗi niềm riêng tư ngẫu hứng bằng lời ca mới nhưng đúng bài bản và rất điệu nghệ.
Nhờ vậy, hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này có sức sống riêng, thu hút rất đông "nam, phụ, lão, ấu" tham gia. Họ thường luân phiên tổ chức, quây quần bên nhau trên bộ ván gõ giữa nhà, hoặc trên một chiếc chiếu rộng trải giữa sân trong những đêm gió mát, trăng trong, đờn hát với nhau cho ấm áp tình làng, nghĩa xóm, gắn chặt những cuộc đời một nắng hai sương lam lũ với sông nước, ruộng vườn... và đôi khi tiếng đờn, lời ca mượt mà, sâu lắng, thiết tha làm ta nôn nao nhớ về cội nguồn ông cha một thời khai hoang mở cõi!
< Đi thăm thùng nuôi ong.
Một ngày trôi qua, ra về, hầu như tay du khách nào cũng trĩu nặng những món quà quê, từ trái cây, kẹo dừa các loại, dầu dừa bôi tóc, bánh phồng, nem chua… đến các món mỹ nghệ như giỏ trái cây đan bện bằng cói.
Với chuyến du hí hai ngày nghỉ cuối tuần về miệt vườn, được nếm đủ vị quà quê và nghe câu hò xàng xê xang xừ líu… Đêm đêm thèm nghe điệu hát ấy, lại muốn làm chuyến miệt vườn sinh thái cho thỏa lòng.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Lenduong, Congly và nhiều nguồn ảnh khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét