Dừng chân nơi bản nhỏ được bao bọc bởi màu xanh mướt của cánh đồng ngô đang độ trổ bông, bỗng thấy vơi đi mệt mỏi. Tiếng cười rộn rã của đám trẻ, dăm chiếc gùi qua lại, đạp xe thong thả. Chợt vương vấn khi gặp cô gái Nậm Cắn miệt mài bên khung cửi, nắng vàng ươm bên cửa sổ.
Xã vùng cao ấy nằm bên quốc lộ 7A nối xứ Nghệ với địa đầu cực Tây, cách thị trấn Mường Xén 20km lên phía Tây. Cái tên Nậm Cắn đã vượt ra ngoài những mái gỗ xám, bay cao hơn những con đường mòn vắt vẻo lưng chừng trời, hòa mình vào dòng chảy róc rách của dòng suối mát trong phân cách hai vùng lãnh thổ Việt - Lào...
... Bên kia là đỉnh Đia Đam, Pà Cả của huyện Noọng Hét, nước bạn Lào, bên này là Nậm Cắn của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Việt Nam.
Ở nơi tận cùng cực Tây ấy, Nậm Cắn giống như một cô sơn nữ, vừa căng tràn sức trẻ lại vừa e ấp vụng về. Dưới kia, thị trấn Mường Xén như một bức tranh nhiều sắc màu với mái nhà cao thấp lô nhô thấp thoáng trong cái xanh thẫm trầm mặc của đại ngàn và tha thiết chảy một dòng Nậm Mộ như sợi chỉ trắng yêu thương ôm ấp thị trấn miền sơn cước hùng vĩ.
Từ Mường Xén lên Nậm Cắn, đứng từ con đèo ngã ba Noọng Dẻ là cao điểm đẹp nhất để có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Mường Xén. Đường 7A uốn lượn mềm mại như một dải lụa vắt ngang thung lũng.
Ai đến Nậm Cắn mà chưa đi chợ biên giới Nậm Cắn thì xem như chưa đến đây. Chợ nằm ở khu đất bằng phẳng hình bán nguyệt bao quanh là dòng suối Nậm Cắn, họp vào đầu và giữa tháng.
Đặc biệt nếu đến đây vào mùa xuân, du khách sẽ được tham dự một phiên chợ độc đáo, thắm tình hữu nghị Việt - Lào.
Từ chiều hôm trước phiên chợ, từ hai ngả biên giới, từng đoàn xe chở người và hàng hoá lũ lượt kéo tới tập kết trước đồn biên phòng Nậm Cắn để xuống chợ. Quang cảnh đường biên nhộn nhịp, rộn ràng lạ thường. Họ dựng lều, quán để chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai.
Sang ngày họp chợ, từ sáng sớm đã nghe tiếng người mua kẻ bán xôn xao. Hàng hóa không xếp như ở trong quầy mà được bày trên mặt đất hay trên cỏ nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp. Hàng hóa tại đây rất phong phú: hàng Lào, hàng Việt, hàng Thái Lan đều có mặt ở đây và du khách có thể trả bằng tiền Lào hoặc Việt đều được. Phiên chợ cứ đông vui như vậy cho tới khi mặt trời sấp bóng.
Năm tháng qua đi, miền đất hùng vĩ ấy đã nhiều đổi thay, vẫn còn nguyên đó những mái nhà gỗ xám của người Mông im lìm sau hàng đào, hàng mận xanh trong trẻo, đón nắng sớm tràn về qua khe núi dệt thành tấm áo lưới óng mềm như tơ lụa.
Du lịch, GO! - Theo Bách Hội (An Ninh Thủ Đô), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét