(Cà Mau Online) - Cá bống có nhiều loại: bống mú, bống tượng, bống cát, bống trứng, bống mật, bống sao, bống bọt, bống xệ, bống kèo, lại thêm bống nhảy (thòi lòi)…
Nhiều loại bống, nhưng tôi đặc biệt nhớ nhất con cá bống dừa. Chúng sinh sản nhiều, sống thích hợp với địa thế dừa nước (lá dùng lợp nhà) sum suê mọc đầy ven sông rạch.
Hồi nhỏ, tôi đã thuộc lòng những câu ca dao “Ví dầu tình bậu muốn thôi/Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra/ Bậu ra bậu lấy ông câu/Bậu câu cá bống, chặt đầu kho tiêu/Kho tiêu, kho mỡ, kho hành/Kho ba lạng thịt để dành bậu ăn”.
Bây giờ nghĩ lại, con cá bống dừa có sức hấp dẫn ngọt bùi thế nào mà bậu phải “gieo tiếng dữ”, rồi “lấy ông câu” để được ăn… cá bống kho tiêu. Câu ca dao gieo cho tôi sự thương cảm miên man lẫn chút ngậm ngùi về cái nghèo, cái khó ngày xưa…
Mùa cá rộ thường từ tháng 6 tới tháng 8 âm lịch, cũng là mùa ép trứng. Cá mẹ cho ra đời biết cơ man nào là cá con li ti đeo bám đầy bập dừa nước, tự do đấu tranh sinh tồn.
Theo tập tính, lúc nước lớn cá bống lội theo dòng, ẩn mình cụm rêu, chà cây nơi ngọn rạch. Khi nước ròng thì ra giữa dòng để trú thân dưới mảnh ván bể, tàu mo nang mục, vỏ dừa khô lật úp…
Những bạn trẻ ở quê vào mùa cá rộ, canh ngày nước rong khoảng 14-16 âm lịch để đi câu (trừ tháng nước kém). “Thợ câu” rành nghề chỉ dùng mồi trùn bởi cá bống dừa rất khoái khẩu với món ăn này. Một ngày nhắp câu siêng năng có thể được cả ký lô cá bống dừa làm thức ăn cho gia đình, dư thì đem bán cũng được giá.
Nhưng điều thú vị khi bắt cá bống dừa không phải câu mà là mò bằng tay. Lặn lội trong mênh mông dừa nước, gồng mình chịu cho muỗi, bù mắc chích ngứa ngáy, gãi đỏ cổ, đỏ lưng cũng khá là giỏi rồi.
Nhẹ nhàng một tay chặn ngách, một tay thọc sâu vào kẽ hở bập dừa nước để mò. Chạm cá bống dừa rút vào trong, thấy tiếc nên đành nhịn đau móp tay quyết bắt cho bằng được.
Khi tóm gọn chú bống lưng đen nhẻm, lườn trắng, tròn mình gần nửa cổ tay, bụng núc ních trứng, cảm giác thật thích thú. Không khéo ém ngách để cá trơn mình phóng vèo mất tăm lại ngơ ngẩn, xuýt xoa với chúng bạn… ôi, con cá sẩy là con cá to! Nhanh tay nhanh mắt hơn thì êm êm tay móc, tay rổ hứng gọn con bống dừa lúc nó vọt lên định thoát thân.
Ngày ấy, đối với bọn trẻ vô tư chúng tôi thì chuyện mò cá bống dừa là một trong nhiều thú vui thôn dã. Nhưng những người dân nghèo quê tôi xem đó là việc mưu sinh hoặc chí ít cũng để cải thiện bữa ăn gia đình.
Tôi nhớ hoài hình ảnh má tôi đội nón lá chằm, áo vá vai, quần xăn quá gối, bên hông đeo giỏ đụt, nhẫn nại mò bắt từng con cá trong bộng dừa nước. Dáng gầy gầy của người lẫn vào rừng lá, thấp thoáng, nhạt nhoà đến rưng rưng nước mắt… Cá bống dừa thịt dẽ, ngọt, ướp nước mắm ngon kho tiêu bằng tộ sành hay ơ đất, hương thơm nức mũi.
Có người lại thích ram nghệ, kho sả ớt tóp mỡ hay nấu canh với lá bồ ngót, mướp hương, rau đắng…, cơm đã no còn thèm. Luộc cá rỉa thịt bỏ xương nấu nồi cháo nhỏ, múc ra chén rắc tiêu, trời lạnh các cụ già húp từng muỗng ấm bụng, luôn miệng khen ngon.
Rồi còn món xỏ lụi nướng trui hoặc nhúng bột chiên cặp rau thơm chấm nước mắm tỏi ớt cũng chẳng ai chê. Bằng như muốn lạ miệng thì um nước cốt dừa, phủ trên là đọt mì, chụm lửa riu riu vừa chín tới, ăn một lần cầm chắc khó quên…
Không là đặc sản cao sang, chỉ bình dị và thân thiết với con cá bống dừa quê. Đi đâu, xa đâu, cứ thấy rặng dừa nước là lòng tôi lại chùng xuống… nhớ cá, nhớ người!
Xem thêm >
Theo Nguyễn Kim (Cà Mau Online)
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét