Khu du lịch Lăng Cô là một trong bốn vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Với diện tích gần 14.000 m2, địa điểm này kết hợp được vẻ hoang sơ của rừng núi và không gian thoáng đãng của biển cả.
Lăng Cô ngày xưa là nơi nghỉ mát của vua Khải Định và gia đình mang tên Hành cung tịnh viên. Hiếm nơi nào hội tụ được nhiều ưu thế của tạo hóa như nơi đây: có đầm phá, núi non, biển đảo, gò đồi... lại cách chân đèo Hải Vân có 1km.
Bãi biển Lăng Cô là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam – với bãi cát trắng dài tới hơn 10 km, làn nước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp, bên cạnh đó là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn (800 ha) đầy huyền bí.
Địa danh "Lăng Cô" có người cho rằng là do người Pháp đọc trại tên "An Cư", vốn là làng chài ở phía nam đầm. Cũng có người cho rằng lúc trước ở Lăng Cô có nhiều đàn cò, nên được gọi là Làng Cò, sau đó được dân địa phương đọc trại lại là Lăng Cô.
Lăng Cô có vị trí địa lý nằm giữa 3 trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thế giới là: Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An và Khu Thánh địa Mỹ Sơn với bán kính là 70 km. Lăng Cô có thể thu hút khách tham quan, nghiên cứu tại các trung tâm trên và giải tỏa áp lực những thời điểm đông khách.
Lăng Cô nằm trên tuyến du lịch Bắc-Nam cách thành phố Đà Nẵng 30 km và thành phố Huế 70 km, có thể hỗ trợ phát triển các loại hình du lịch đa dạng cho 2 trung tâm du lịch quốc gia trên và tăng ngày nghỉ của khách dừng chân tại Lăng Cô, như các du khách thường nói: “Lên non gặp Người Hùng Bạch Mã, xuống biển gặp Người Đẹp Lăng Cô”
Lăng Cô được định hướng phát triển gắn kết lâu dài với cảng nước sâu, khu công nghiệp và thương mại quốc tế Chân Mây, đô thị Chân Mây, bảo đảm cân bằng toàn diện các chức năng nghỉ ngơi, sinh sống và làm việc của một đô thị lớn.
Lăng Cô là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch phong phú: bờ biển, bãi cát mịn, đầm hồ, sông suối, núi đồi, bên đèo Hải Vân, gần rừng nguyên sinh Bạch Mã và các di tích lịch sử.v.v. sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng nhất thỏa mãn các loại hình du lịch
Điểm cập bến của du khách là cảng nước sâu Chân Mây. Cả bãi biển dài 11km trắng ngời lên trong nắng.
Nằm gần khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô kết hợp được không khí hoang sơ của rừng núi và đặc trưng ồn ào, nhộn nhịp của vùng biển nhiều tàu thuyền qua lại.
Du khách đến với Lăng Cô theo nhiều nhóm khác nhau, người đến để câu cá, lặn biển, người khác muốn leo núi, thăm rừng. Cũng có cả những du khách lớn tuổi ghé Lăng Cô đơn giản là để tĩnh dưỡng.
Con người hiền hòa, khí hậu khi mưa không mưa nhiều, khi nắng không nắng quá, cảnh quan trật tự, ngăn nắp. Khu nghỉ dưỡng Lăng Cô có khoảng 70 phòng, trong đó 45 phòng là dạng biệt thự có kiến trúc theo kiểu nhà vườn Huế. Cây xanh xen lẫn cảnh vật, nơi đây đầy đủ tiêu chuẩn của khu nghỉ mát 4 sao. Với những du khách mới đến, từng nhịp cầu cong đặt bên những chiếc ô che kiểu Hawaii, tán thông xanh mơ màng ngay cạnh những gốc cau cảnh... mang một vẻ đẹp rạng ngời, giống y như màu nắng và màu cát trắng nơi đây.
Nếu lấy vũng Chân Mây làm tâm điểm, quay một vòng tròn có bán kính 30km, chúng ta sẽ có được cả một vùng du lịch rộng lớn, đa dạng và khép kín. Ở đó có biển, có rừng, có suối nước nóng Mỹ An chữa được nhiều bệnh, rồi lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn, cả dòng Hương Giang văng vẳng giọng ca Huế trong đêm hoa đăng và đàn Nam Giao nơi các triều vua tế trời xin cho dân lành nước mạnh khi xưa.
Ở Lăng Cô, ẩm thực của Huế và Đà Nẵng hòa hợp với nhau nhịp nhàng và ăn ý. Món bánh canh ngọt lịm vị chả cua, đĩa ghẹ luộc nguyên con đỏ au mời gọi, bát bún riêu có thêm miếng càng cua đã bóc vỏ trắng muốt ăn cho vui miệng... Ăn xong mới hiểu thế nào là miếng ngon nhớ đời!
Du lịch, GO!- Theo Diendan.Yeutretho, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét