1. Chả hiểu các ông nghệ sĩ bạn tôi mồm miệng ra sao mà thuyết phục được bà chủ Khách sạn Faifo tổ chức một chuyến đi chơi Nam Giang. Nhớ ông bạn già là tôi, hết ông này tới ông kia gọi điện thoại rủ đi khiến chiếc di động cũ kỹ của tôi nóng ran.
Khi tôi đến sân vườn khách sạn thì đã thấy dăm bảy ông vài ba cô đang quây quần bên hai chiếc bàn ghép lại. Các tay máy Hồ Xuân Bổn, Lê Hải, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, hai nhạc sĩ Nguyễn Đức và Quang Trung, nhà biên kịch Đỗ Tài, nhà thơ Phùng Tấn Đông, nhà báo Lê Anh Dũng, kỹ sư Lê Cảnh Hưng, kỹ sư Phạm Phước. Vài ba cô có vẻ đang nổi đình nổi đám quả thật xinh đẹp nhưng tôi không quen và cũng chẳng có ý định làm quen.
< Nhà Gươl của huyện Nam Giang.
Tôi già rồi, dẫu trái tim vẫn loạn nhịp khi mắt nhìn thấy một gương mặt xinh xắn, một làn môi gợi cảm, một dáng điệu thướt tha thì thời gian vẫn đưa cái barie ra, giữ một khoảng cách, ngăn không cho mình vượt quá giới hạn. Hỏi sao chưa đi thì bảo đang chờ “nhân vật chính” - là bà chủ khách sạn. Tranh thủ gọi một ly cà-phê, liếc mắt nhìn bức tường nước đang róc rách và hai cây lộc vừng với những dây đầy trái. Hoa lộc vừng bên hồ Gươm đẹp, ở bất kỳ đâu cũng đẹp. Những dây hoa ấy kết trái – những trái lộc vừng tròn tròn phơn phớt xanh rủ xuống tận đất, đẹp một cách khác thường.
“Nhân vật chính” xuất hiện, tươi tắn với chiếc sơ -mi màu tím Huế. Tôi vốn không biết đoán tuổi phụ nữ. Chợt nhớ lần nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu muốn biết tuổi cô bạn của tôi, vòng vo can chi mười hai con giáp hỏi cô ơi cô cầm tinh con gì! Tôi ước thiếu phụ tuổi ngoài bốn mươi, cái tuổi đối với người đàn bà như trái cây chín ửng trên cành, đằm thắm và ngọt ngào! Nụ cười của thiếu phụ tuyệt đẹp, làm sáng gương mặt của cô, làm lòng người đối diện với cô cười theo. Nhưng đuôi mắt người đẹp thì đã có nếp nhăn. Chợt nhớ câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh “Mỗi mùa thu hoa cúc vàng như trước/ Chỉ em là khác với em xưa”. Ừ, thì màu áo vẫn một màu tím Huế…
Xe rẽ vào quốc lộ 14B. Đường nhựa phẳng lì và sạch bóng, sạch tới mức tưởng như vừa quét. Thoáng cái đã tới Hà Nha - “Nước sông con đổ về sông cái/Anh trai Thu Bồn em gái Hà Nha/ Chiều nay hò hẹn đôi ta/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”. Câu ca gợi một cảm giác xa xăm, thế mà xe mới rời Đà Nẵng đâu chừng hai chục phút! Phía bên trái hướng xe chạy rừng cây xanh ngút mắt. Phía bên phải thấp thoáng một dòng sông - là sông Đăk Mi, sông Cái, sông Pờ Rằng đọc trại thành Giằng, sông Bung, hay sông Vu Gia? Hình như suốt chiều dài hơn hai trăm cây số, tên gì thì con sông ấy vẫn là nó, nuôi những bờ bãi, bồng bềnh những con thuyền trong ký ức, để về dưới này thì tách ra một dòng sông Yên đổ về Cầu Đỏ, một dòng hội lưu với Thu Bồn. Vậy là chúng tôi đang đi ngược dòng sông…
2. Bí thư Huyện ủy Chờ Rơm Nhiên đón chúng tôi, “Hôm nay chủ nhật, ngày nghỉ, mình giới thiệu với các anh thắng cảnh thác Grăng của huyện Nam Giang mình”. Không ai trong chúng ta không tự hào về quê hương. Nhưng không ai nói về một thắng cảnh của quê hương mình trìu mến như Bí thư Nhiên. Được biết ông Bí thư đã từng làm Chủ tịch huyện. Theo như quan sát của tôi, những người như thế thường quyết đoán, xử lý công việc nhanh và chính xác.
Thác Grăng, tiếng Cơtu nghĩa là “thác cá chiên”. Ông Bí thư bảo ngày xưa cái vũng dưới chân thác cơ man là cá chiên, có con tới bốn chục ký, vàng ươm. Còn cá chình suối, cá lăng- chục người ăn may hết nửa con! Tôi hỏi đó là ngày xưa, còn ngày nay thì sao? Một thoáng buồn trên mắt, bảo ngày nay không bằng ngày xưa! Ờ, sao ngày càng có nhiều cái không bằng ngày xưa thế không biết! Lại hỏi ông Bí thư gần cơ quan Huyện ủy có buôn làng nào còn nguyên vẹn không. Lại một thoáng buồn, bảo “134” hết rồi mà! “134” bảo phải “bốn bền vững” thế là nền vững, vách vững, cột vững, mái vững, thế là bê-tông và mái tôn! Câu chuyện giữa tôi và ông Bí thư là một câu chuyện buồn. Thật may ai đó đang kể một chuyện tiếu lâm, gây nên một trận cười bể rừng bể núi…
Xe tới gần chân thác. Con đường bậc thang len giữa rừng rậm đã xây tới tầng thác dưới cùng. Đôi chân đã mỏi đường đời không cho phép tôi đi theo anh em. Thoáng nghe bà chủ khách sạn nói với ông Bí thư chỉ nên làm con đường bê-tông tới thác dưới cùng thôi, còn từ đó nên căng dây để du khách bám vào leo lên mới thú vị. Mà sao không lát đá, gì chứ đá đâu có thiếu mà láng xi-măng? Chà, thưa bà chủ khách sạn lãng mạn, bà muốn nói gì tùy bà, nhưng cứ cái đà này không chừng những người thợ xây dựng còn bê-tông hóa cả rừng! Con người luôn khát khao những thứ mình chưa có, không có. Những mục tiêu, dù tốt đẹp, dù hướng thiện không phải lúc nào cũng trùng khớp với nhau. Ông trưởng phòng văn hóa yêu cầu bảo tồn. Nhưng yêu cầu của ông chỉ là lời nói, là văn bản. Còn đằng sau “134” là tiền, là xi-măng, là gạch, là tôn!..
Tôi ngồi lại dưới chân thác, lắng nghe tiếng chảy róc rách của nước len qua những tảng đá, những bụi rễ cây. Thời gian hòa vào tiếng róc rách của nước, tiếng rì rầm của cây, tiếng thở dài của gió. Mười một giờ, mười hai giờ, rồi một giờ trưa, vẫn không thấy bóng dáng người đi xuống. Tôi bấm điện thoại, từ chiếc loa vang lên tiếng thác nước ầm ào, tiếng cười ré. Bụng đói - “Đuổi mười con trâu đực không cực bằng chực một bữa cơm”! Tôi đoán phải có gì đặc biệt lắm mới khiến người ta quên cả ăn cơm. Tôi đoán phải có gì quyến rũ lắm mới giữ chân khách phương xa ở lại.
Lê Hải học và làm việc ở Nga tám năm, sang Mỹ bảy năm. Trong kho ảnh đồ sộ của Lê Hải không thiếu những bức ảnh đẹp. Mới rồi triển lãm ảnh về các di sản văn hóa thế giới, tuyển chọn còn hơn thi đại học, vậy mà Hải có mặt với hai tác phẩm. Hồ Xuân Bổn thành danh với bức “Ôm cả trời mây”, gót chân giang hồ in khắp mọi miền đất nước. Phùng Tấn Đông sáng nay xe máy từ Hội An ra, Nguyễn Thượng Hỷ từ Tam Kỳ về từ đêm hôm trước.
Đỗ Tài đang làm tượng cụ Huỳnh ở Thăng Bình bắt xe đò trực chỉ Đà Nẵng. Lê Cảnh Hưng, kỹ sư hải dương học một thời lênh đênh biển Bắc mơ màng những nàng mắt xanh tóc vàng. Phạm Phước, trước khi “gác kiếm” là Phó Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Quảng Nam, khoe không thiếu xó xỉnh nào của đất Quảng mà Phước chưa từng biết, ngay từ thời chiến tranh đã đóng quân ở Hòn Kẽm. Đại tá Lê Anh Dũng ăn lương nhà báo ca ngợi cái đẹp bằng những vần thơ. Và hai ông nhạc sĩ luôn tôn thờ cái đẹp của giai điệu, của ca từ…
Khi những cặp mắt đã từng no nê với phong cảnh đẹp ấy vừa nhìn thấy tôi ngồi đợi dưới tán lá cây rừng thì những cái miệng tranh nhau hét. “Tuyệt vời!”, “Đẹp hãi hùng”! “ Đáng một chuyến đi”!... Tôi cười, gì chứ các ông văn nghệ sĩ hứng lên thì một tấc đến giời! Tôi đưa mắt nhìn Phạm Phước. Cái ông nhìn đâu, nhìn cái gì cũng ra quy trình công nghệ này thì tôi có thể tin. Phước gật gù “Đẹp thật ông ạ”! Rồi như để chứng minh, mọi người tranh nhau đưa máy cho tôi xem.
Trong từng chiếc máy ảnh, thác Grăng hiện lên. Không dàn dựng, không dụng công bố cục, chỉ là những bức ảnh của một người đi chơi bình thường. Thác Grăng hùng vĩ trong máy Hồ Xuân Bổn, nguyên sơ trong máy Lê Hải, thủy mặc trong máy Nguyễn Thượng Hỷ. Nước và đá, nước và rừng cây rậm rạp. Ánh sáng và bóng tối. Rừng cây vách đá và thứ ánh sáng mờ mờ tạo cho thác nước một vẻ huyền ảo. Nếu chỉ là thác, Grăng không chắc đẹp hơn những ngọn thác tôi đã nhìn đã ngắm. Nhưng trong cái hoang sơ của rừng, Grăng bí ẩn một cõi riêng tư. Tôi đã từng đặt chân tới những vùng đất khác nhau, cả trong nước và ngoài nước, ngắm nhìn những ngọn thác, mỗi thác một vẻ đẹp. Nhưng bây giờ tôi tiếc. Chao ôi tôi tiếc thời gian đã qua, tôi tiếc bao nhiêu năm của tuổi trẻ tôi đã không lên thác Grăng…
3. Chúng tôi quây quần bên trong nhà hàng của Khách sạn Faifo 3. Ông Bí thư rót rượu tà vạt - rượu tà vạt nhậu với cá chình trộn rau răm. Rượu tà vạt nhẹ và thơm. Cá chình suối trộn rau răm sánh ngang hàng với bất cứ món nhậu danh tiếng nào. Cô giám đốc khách sạn mắt long lanh rót rượu, thì thầm “Say lên phòng nghỉ, phòng tiện nghi như ở Đà Nẵng!”. Ông Bí thư bảo chủ nhật, uống không say không về. Thì khi lên xe rời Đà Nẵng, Lê Hải tuyên bố tạm gác âu lo, tạm quên công việc mà! Nhưng rượu nhẹ thế này thì lúc nào mới say? Rượu và đàn bà, thứ này và thứ kia, cả hai cùng sóng sánh, cả hai đều có thể đổ quán xiêu đình! Phạm Phước bảo nhẹ vậy đẹp vậy chớ coi chừng say lúc nào không biết! Câu chuyện bên bàn rượu chuyện này chuyện khác chỉ một lúc lại quay về chuyện thác Grăng, về du lịch Nam Giang. Nghe ông Bí thư nói chuyên gia Nhật đang khảo sát giúp xây dựng sản phẩm du lịch cho huyện.
Làng Tà Bing sẽ là làng du lịch cộng đồng. Làng nghề truyền thống Giơ Ra sẽ là điểm đến cho những du khách say mê thổ cẩm. “Nhân vật chính” bảo thiên nhiên ban tặng cho Nam Giang thắng cảnh thác Grăng, giờ là lúc phải biến cái thắng cảnh ấy thành sản phẩm du lịch.
“Nhân vật chính” nhắm mắt mơ một phiên chợ Nam Giang gần thác, nơi những quầy hàng của người Cơtu, người Tà Riềng, người Ve khoe sắc, nơi những gánh rau rừng tươi xanh gọi mời, nơi những quả ươi không theo đường xuất khẩu mà ở lại chào mời du khách Đà Nẵng. Bữa cơm cho khách du lịch có bánh sừng trâu đặc sản, có món thịt nướng trong ống Dờ rá. Hơn một giờ xe ô-tô từ thành phố Đà Nẵng tới Nam Giang, từ phố xá tới đại ngàn. Xa hay gần?
Nguyễn Đức điểm vài nốt trên cây đàn guitar, bảo anh đã có “Đại ngàn Nam Giang” sau khi lên thác. Tiếng đàn guitar bập bùng âm hưởng của rừng của núi. Giọng Đức là giọng của núi của rừng. “Ơi tiếng suối róc rách bên mái gươl/ Cây lúa thấm đất thơm bàn tay em/ Thấp thoáng bóng núi nắng lưng đồi/ Khói bếp lam chiều nghe tiếng ai cười/… Ơi dòng nước thơm ngát như suối tóc em/ Nghe tiếng em hát thác Grăng mênh mang/Anh đã say đắm em gái non cao/Níu bước chân anh núi rừng Trường Sơn đại ngàn Nam Giang…
Du lịch, GO! - Theo báo Đà Nẵng cuối tuần, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét