Người ta bảo rằng, trên đỉnh núi Pha Quen có những «hang ma», hàng trăm năm nay không ai dám một mình lên đó...
< Ngọn núi huyền bí có những "hang ma".
Từ những thông tin ít ỏi nhưng đầy chất huyền bí, ma mị kia đã thôi thúc chúng tôi tìm đến Hang Pha Quen, thuộc bản Bôn, xã Trung Thượng, Quan Sơn, Thanh Hóa để mục sở thị «hang ma» với những bí ẩn chưa từng được công bố...
< Để lên được hang ma phải băng qua những cánh rừng.
Xã Trung Thượng là nơi sông Lò nhập với sông Mã. Nơi đây có phong cảnh hữu tình. Chúng tôi vất vả lắm mới hỏi thăm được nhà ông Tiến, chủ tịch xã Trung Thượng. Nhưng ông lại xuống Thành phố Thanh Hóa từ hôm trước. Người nhà cho số điện thoại để liên lạc. Qua điện thoại, ông Tiến vui vẻ xác nhận: “Trên địa bàn xã có tồn tại một “hang ma” ở bản Bôn”.
Đường đến ‘‘hang ma’’
< Vách núi thẳng đứng.
Để giúp chúng tôi tìm hiểu về cái hang huyền bí này, ông cho số điện thoại và giới thiệu chúng tôi sang gặp đồng chí Hà Văn Hạnh. Anh Hạnh còn khá trẻ, nhưng đã làm văn hóa xã được hơn 5 năm nay.
< Đường lên hang.
Anh trò chuyện cởi mở, nhưng khi đặt vấn đề muốn mục sở thị "hang ma’’, anh bỗng e dè bảo: “Mới mưa nên đường lên đó khó đi lắm”. Nhưng khi thấy chúng tôi tha thiết, anh cũng nhiệt tình dẫn chúng tôi đến nhà trưởng bản Lương Văn Thướng, để gọi thêm một vài người rành đường hơn cùng hỗ trợ.
< "Hang ma" nhìn từ bên ngoài.
Không lâu sau, anh Hạnh đã gọi được anh Lương Văn Đào (con trai trưởng bản), thầy giáo Hà Văn Hợi và một người tên Kiến dẫn đường cho chúng tôi lên “hang ma”. Để lên được hang ma ở bản Bôn, anh Hạnh cùng mọi người chuẩn bị dây thừng, đèn pin, dao….
Đi sau cùng, thầy Hợi bảo, không biết cái hang này có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngày còn bé, thầy đã được nghe những người già nói trên đỉnh núi Pha Quen có ma, trẻ con không được lên đó chơi. Mấy lần thầy theo mọi người lên hang nhưng lần nào thầy cũng chỉ ngồi ngoài, không dám vào trong.
< Những chiếc quan tài trong hang.
Để sang dãy núi nơi có hang Pha Quen, phải lội qua sông Lò, tiếp tục mò mẫm đường rừng và những con dốc dựng đứng trơn trượt. Là “thổ dân” nên thầy Hợi dẫn đầu đoàn để phát cây, chúng tôi đi giữa, tiếp theo là anh Hạnh, con trưởng bản và anh Kiến người cùng bản.
Nhiều đoạn đường trơn, hay gặp những tảng đá to chắn đường, một người phải trèo lên trước, sau đó buộc dây thừng vào thân cây, để mọi người bám theo. Không những thế, trên đường đi, chúng tôi còn bị cây na cờ teo, với những chiếc lá có gai sắc nhọn cứa vào da thịt chảy máu…
Cả hành trình gần ba tiếng đồng hồ trèo đèo lội suối, cuối cùng chúng tôi cũng lên được khu vực gần miệng hang. Nhưng để lên được hang, mọi người phải đu dây qua những vách đá dựng đứng.
Thâm nhập ‘‘hang ma’’
Ngay miệng hang, đập vào mắt chúng tôi là 13 chiếc quan tài (cứ 2 cái quan tài được ghép lại với nhau thành một bó) gác chon von. Hầu như không có cỗ quan tài nào còn nguyên vẹn hai phần thân gỗ khum khum úp vào nhau. Mỗi phần của cỗ quan tài như con thuyền độc mộc, nằm chỏng chơ. Nhiều mảnh quan tài vỡ vụn, mục rỗng, rêu mốc xanh rì. Chúng tôi cứ thắc mắc không hiểu vì sao trước đây người ta làm cách nào mà đưa được những chiếc quan tài này lên đây.
Cả đoàn chưa hết thắc mắc thì anh Hạnh cho biết thêm, ngoài hang này có quan tài thì một cái hang khác trên đỉnh núi còn có nhiều quan tài hơn, nhưng để lên được hang phải đi qua một cửa hang khác. Cửa hang số 3 này thông với cửa hang chính ở phía trên, nhưng lại rất nhỏ. Cửa hang này cách cửa hang chính khoảng 3 – 4m và ngăn bởi một vách đá dựng đứng, không có điểm tựa, các hốc đá để bám được tay lại rất trơn, ở phía dưới là vực sâu, nếu sơ sẩy là mất mạng.
Tại đây, hàng chục chiếc quan tài được sắp xếp chồng chất nhiều tầng và lộn xộn không có quy luật nào. Mỗi tầng chứa khoảng 3 - 4 chiếc quan tài.
< Những chiếc đầu lâu trong hang khiến người dân khiếp vía.
Cửa hang có chiều cao khoảng 4 - 5m, có đáy rộng khoảng 1,5m, trên cùng rộng khoảng 2- 3m. Hang tối âm u và sâu hun hút vào bên trong. Đường vào hang dường như đã được bịt kín bởi những chiếc quan tài. Tất cả đều được xếp theo ngăn và đều có giá chống thẳng đứng rất chắc chắn. Tong những chiếc quan tài, chúng tôi quan sát vẫn còn khá nhiều xương cốt.
Nhìn đối diện sang bên phải cũng có một hang, tuy không lớn như hang chính bên trái này, nhưng lại kéo dài theo vách núi gần chục mét và hiểm trở hơn. Các quan tài được chất chồng lên nhau. Chúng tôi đếm được 13 tấm gỗ, tức là 6 bộ và một tấm lẻ, trong đó có nhiều bộ còn ép sát vào nhau. Tất cả các tấm gỗ đều đã sờn, mối mọt theo thời gian nhưng không thấy sự ẩm mốc như bên hang kia. Có một ít xương nhỏ nằm gọn trong những chiếc quan tài. Như vậy, tính tổng cả 5 hang cũng có hơn 20 cặp quan tài cổ.
Những người đi cùng chúng tôi cho biết, trước đó, ai cũng sợ, không dám vào hang chứ chưa nói việc nhìn mấy thứ khủng khiếp này. Họ không sợ chiếc đầu lâu, mà sợ một sự thần bí khác. Họ sợ đụng chạm vào nơi linh thiêng này sẽ bị “trả thù” hoặc gây chết chóc.
< Đồ tùy táng thời đó.
Trưởng bản Lương Văn Thướng, cho biết, ở dãy núi Pha Quen này, trước đây hổ, khỉ, báo rất nhiều. Ông Thướng còn lý giải thêm, có thể trước đây mực nước của dòng sông Lò cũng xấp xỉ cửa hang nên người ta mới vận chuyển được quan tài và xác chết lên hang?
< Những mảnh xương trong hang ma.
Được biết, hang động chứa nhiều quan tài cổ ở Trung Thượng là điểm được phát hiện mới nhất. Cùng huyện Quan Sơn, ở dãy núi Pha Dờn, bản Muỗng, xã Trung Xuân cũng có hàng chục chiếc quan tài được an táng kiểu này. Đến nay, giới khoa học vẫn chưa có giải thích cụ thể về những cỗ quan tài đó và những điều liên quan. Việc phát hiện thêm hàng loạt hang động có chứa quan tài cổ ở dãy Pha Quen này như bổ sung những điều bí ẩn cần được lý giải.
Kỳ bí động toàn xương cốt ở Thanh Hóa
Phi Bài, động táng kỳ lạ của người xưa
Du lịch, GO! - Theo VTC, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét