Xuống động âm phủ

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Ngũ Hành Sơn, từ ngàn xưa đã được xem là Nam Thiên Danh Thắng, là cái rốn của vũ trụ theo thuyết âm dương ngũ hành. Du khách đến Ngũ Hành Sơn không những được lễ chùa, trẩy hội mà còn có dịp thưởng ngoạn những vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng.

Hệ thống hang động trong quần thể Ngũ Hành Sơn là cả một thế giới kỳ bí. Với sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên, động Âm Phủ được xem là một trong những hang động lớn và huyền bí nhất trong quần thể hang động ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Động Âm Phủ có tên từ thời vua Minh Mạng (đầu thế kỷ 19), khi nhà vua vi hành đến ngọn núi này. Theo thuyết âm dương, trong đời sống con người và vạn vật luôn tồn tại hai mặt đối lập : có ngày phải có đêm, có sinh phải có tử.

< Lối vào động Âm Phủ.

Vì thế, trên ngọn Thủy Sơn có đường lên trời thì dưới chân có động xuống Âm Phủ. Trong động Âm Phủ có nhiều truyền thuyết vừa thực, vừa ảo. Thực ở đây là con người ai cũng có một lần sinh và một lần tử, còn ảo ở đây là sự phân xử của tạo hóa về cái thiện và cái ác của kiếp con người.

Bởi trong động Âm Phủ được chia làm hai ngách, đó là ngách lên trời và ngách xuống âm phủ. Âm phủ là thế giới của người chết. Theo giáo lý của đạo Phật, chết không phải là hết mà là sự chuyển tiếp để đầu thai về cảnh giới khác. Người tích thiện nhiều sẽ được siêu thoát, kẻ gây nên tội ác sẽ bị đọa đày. Thiện và ác đến đây sẽ được phân minh. Theo định luật âm ty, con người trước khi chết, các linh hồn phải qua chiếc cầu Âm Dương trên sông Nại Hà định mệnh.

Động Âm Phủ khác với những cửa địa ngục đã tạo ra chính là không khí lạnh do hơi đá toát ra cùng với thứ ánh sáng đêm của hang động. Nhưng nếu đường xuống địa ngục chập chùng, khó khăn và toàn những cảnh ghê rợn thì Thiên Thai giới là tràn ngập ánh sáng từ trên cao của hang đánh tan đi những gì tăm tối vừa chứng kiến khi bước chân qua âm phủ.

Qua vòm cổng tối om, đi vài chục mét chúng ta sẽ gặp những đài đỏ rực lửa như soi không gian mờ mờ ảo ảo. Trước mặt là vòng bánh xe luân hồi của Minh Vương điện với không gian thật thâm u như thể chỉ cần chồn chân là sẽ không vượt qua được. Hàng tượng thần (gọi là phán quan) để xem xét tội trạng những linh hồn xuống địa ngục được làm bằng đá, cùng một bàn thờ lấp lóa ánh đèn cho người dừng chân thắp một nén nhang.

Tương truyền rằng, khi đến Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng đã nhiều lần khám phá động Âm Phủ, vì đây là hang động tương đối hiểm trở, khó vào, bên trong hang có một đường chui sâu xuống lòng đất. Tại đây, nhà vua đã cho 12 quân lính cầm đuốc lần lượt chui xuống, lạ thay, mỗi lần chui xuống là mỗi lần tắt đuốc, có những người lính can đảm xuống không cần cầm đuốc, nhưng tất cả đều thất bại. Bởi lẽ, càng xuống càng tối, đường đi quanh co, không khí ẩm ướt, cảm giác ghê sợ.

Cũng có tương truyền rằng, vua Minh Mạng muốn tìm hiểu động Âm Phủ sâu đến đâu, ngài đã khắc chữ vào quả bưởi rồi thả xuống hang, hôm sau nhìn thấy quả bưởi trên bãi biển, điều đó chứng tỏ những ngọn núi nơi đây ăn thông ra biển. Chuyện thực hư thế nào chưa rõ, nhưng điều đó chứng tỏ động Âm Phủ rất sâu, rất hiểm trở.

Âm Phủ là thế giới của người chết. Theo quan niệm luân hồi của Phật giáo, chết không phải là hết mà là sự chuyển tiếp để đầu thai về cảnh giới khác.Tên gọi Âm Phủ đã đi vào tiềm thức mọi người, ở đó con người sẽ tưởng tượng là nơi đày ải ngục tù của kẻ gây nên nhiều tội ác, là thế giới ma vương cai quản và trừng phạt các tội đồ. Âm Phủ là nỗi ám ảnh thường trực đối với con người ở thế gian, cảnh tỉnh con người luôn hướng đến điều lành, tránh điều dữ, biết ăn ngay, nói thật, biết sám hối, ăn năn, làm nhiều việc thiện để hằng mong khi chết đi khỏi bị đày xuống Âm Phủ.

Theo Phật tích, “Mục Kiền Liên - Thanh Đề” là câu chuyện nhân - quả, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đầy tính nhân văn. Trong động Âm Phủ, lối xuống Địa Ngục Môn có các cửa ngục được sắp đặt từ cao xuống thấp dần và dưới cùng là ngục A Tỳ, nơi giam giữ bà Thanh Đề, người gây nhiều tội lỗi. Mỗi năm đến rằm tháng 7, Mục Kiền Liên lại xuống thăm mẹ và lòng hiếu thuận của người con đã làm cho người mẹ ăn năn sám hối và tiếp tục tu tâm sửa tính để trở lại cuộc sống an vui hạnh phúc.

Truyền thuyết xưa cho rằng sông Nại Hà có dòng nước đen ngòm, có nhiều thuồng luồng, cá sấu, rắn độc và thú dữ. Dòng sông được chia làm 2 phần : bên sinh và bên tử. Nếu tại thế gian, ai làm điều thiện thì khi mất, linh hồn người đó sẽ được Long Thần Hộ Pháp đưa qua cầu nhẹ nhàng, thanh thản. Ngược lại, ai làm điều ác sẽ bị chó dữ rượt đuổi, xô đẩy xuống sông, làm mồi cho các loài thú dữ.

Nếu khách “vào vai” một người bị kéo xuống động Âm Phủ, sẽ bắt gặp ông Thiện, ông Ác canh giữ cửa động nghiêm ngặt ngày đêm; bước qua cầu Nại Hà chia dòng sông làm hai phần, bên sinh, bên tử; đến suối Giải Oan nhiệm mầu chảy về một chữ Tâm, gội rửa oan khiên, tội lỗi. Nếu ở “dương gian” ăn hiền ở lành thì sẽ được rẽ trái bước lên “Thiên Thai Giới”, còn nếu ăn ở bất nhân thì sẽ bị đưa xuống trình diện Phán Quan Điện và Minh Vương Điện để xét xử tội trạng. Một chiếc cân Thiên Lý đặt trước chánh điện để cảnh tỉnh con người nhớ rằng: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” (Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt)…
Cầu Âm Dương trên sông Nại Hà là cửa ngõ đi vào động Âm Phủ.Động Âm Phủ còn có truyền thuyết rằng : Bà Thanh Đề, khi sống gây nhiều tội ác nên lúc chết bị đày xuống ngục này.

Con trai bà là Mục Kiền Liên, một chân tu đắc đạo, nhưng do nghiệp chướng của mẹ quá nặng nên Ngài không thể cứu thoát được mẹ. Song, Mục Kiền Liên vẫn tâm nguyện luyện tu để chuộc tội cho mẹ. Cứ thế, hằng năm đến rằm tháng 7, Mục Kiền Liên lại đi tìm mẹ để được báo hiếu công đức sinh thành. Từ câu chuyện Mục Kiền Liên tìm mẹ để báo hiếu đầy cảm động này, nên rằm tháng 7 hằng năm được gọi là ngày báo hiếu, là đại lễ Vu Lan của Phật giáo ngày nay.

Ta bước xuống Âm Phủ - Ngũ Hành Sơn không phải để xuống 10 tầng địa ngục, mà là để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, thiện hơn và thật hơn.

Với giá trị độc đáo về tự nhiên, về lịch sử và các truyền thuyết dân gian cũng như ý nghĩa Phật tích, động Âm Phủ được xem là điểm đến tham quan đầy ấn tượng của mọi du khách trong và ngoài nước khi đến Ngũ Hành Sơn.

Du lịch, GO! - Theo Báo Quảng Ninh, Nguhanhson, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc