Muốn phá kỷ lục của anh trai, cậu bé Nguyễn Phan Nhật Anh ở Thụy Khuê (Hà Nội) đã đặt chân lên đỉnh Fansipan khi mới 6 tuổi. Trước chuyến đi đầu đời, chú bé có nickname Nấc được bố rèn thể lực suốt 2 tháng.
< Chuyến đi của gia đình Nấc gặp đúng hôm thời tiết không thuận lợi.
Gần một năm sau hành trình leo núi, Nấc vẫn nhớ rõ từng đoạn đường khó và cả cảm giác phát chán khi đi mãi mà chẳng tới nơi. Cậu bé có khuôn mặt bầu bĩnh chỉ gói gọn hành trình leo Fan trong vài từ ngắn gọn là "thích", "mệt", "hét toáng" và "chết người".
< Sau chuyến leo Fansipan, gia đình Nấc đang dự định khám phá nhiều địa điểm khác.
Ngồi quây quần bên bố mẹ, anh trai Nhật Thành (12 tuổi) và chị gái tên Cầm (9 tuổi), thỉnh thoảng Nấc góp chuyện khi thấy anh kể về đoạn có tảng đá lớn bắc ngang qua một cái hố giữa đường hoặc những pha "nguy hiểm".
< Dù thời tiết không thuận lợi nhưng cậu bé quyết tâm phá kỷ lục của anh trai Rôm.
Năm 2008, anh trai Nấc có nickname Rôm từng đặt chân lên đỉnh núi cao hơn 3.000 mét khi mới 8 tuổi. Tháng 3/2012 cả gia đình Nấc cùng hai người bà con lại leo Fan.
< Trước chuyến đi, Nấc được bố rèn thể lực suốt 2 tháng nên cậu bé không ngại việc leo.
Cả nhà mặc định đây là "chuyến đi của Nấc". Còn cậu bé thì cho rằng leo Fan giống hệt mấy trò mạo hiểm "chết người" trong các bộ phim. Nấc hào hứng muốn khám phá và quan trọng hơn là muốn phá kỷ lục của anh Rôm.
< Phút nghỉ ngơi thưởng thức gà nướng.
Để có thể lực tốt cho chuyến đi, Nấc và anh trai được bố đưa ra công viên leo núi Nùng. Cậu còn tập đeo ba lô đựng đồ bên trong. Ở nhà, bố kiểm tra thể lực của hai anh em bằng cách xem nhịp thở khi đi lên đi xuống bốn tầng nhà.
< Nấc ngủ đêm trong lán trên núi.
Nhớ lại chuyến đi, Nấc cho hay: "Mỗi anh em tự đeo ba lô. Trong đó mẹ chuẩn bị cho anh chị và em một ít chocolate, phô mai, nước uống, diêm, một chiếc còi và cả áo mưa".
< Dọc đường, chị Cầm bị đau bụng nên ở lại lán với mẹ.
9h sáng 24/3/2012, đoàn nhà Nấc xuất phát và gặp trục trặc ở ngay cửa rừng bởi từ trước tới giờ chưa có trẻ 6 tuổi leo lên đỉnh Fan. Anh Tấn, bố Nấc, phải đứng ra bảo đảm và chịu trách nhiệm để chuyến đi được tiếp tục. Tháng 3 thời tiết không thuận lợi, trời u ám, có mưa và gió to. Nấc, anh Rôm và chị Cầm ngoài mặc bộ quần áo gió chống thấm nước còn đi thêm bịt đầu gối, đôi ủng và găng tay.
< Ba bố con Nấc vẫn tiếp tục leo lên tới đỉnh.
Đi được một đoạn, cả đoàn dừng lại để ba đứa trẻ nghỉ ngơi và trấn an tinh thần cậu út. Dọc đường, chị Tú, mẹ Nấc, phải thường xuyên chuyện trò để cậu bé đỡ chán. Qua đoạn rừng trúc dễ đi, lại có hoa ban, đỗ quyên nở muộn, bố mẹ dành thời gian đi dạo cùng nhau, không ai nói chuyện với Nấc khiến cậu hét toáng lên vì chán.
Trong lúc leo, bố mẹ Nấc phân công nhau kèm cặp ba đứa trẻ. Mẹ và chị Cầm luôn đi cùng nhau còn anh Rôm đi sau Nấc, bố Tấn sẽ đi chốt đoàn. Ngủ lại một đêm ở độ cao 1.800 m, sáng hôm sau gia đình Nấc tiếp tục hành trình. Lên tới 2.900 m, Cầm bị đau bụng và phải cùng mẹ nghỉ lại lán còn ba bố con tiếp tục đi. Khoảng 15 chiều 25/12, Nấc cùng các thành viên còn lại đặt chân tới đỉnh Fan.
< Mỗi anh em Nấc đều tự mình mang theo ba lô riêng bên trong đựng đồ ăn, áo mưa, đèn pin, diêm, còi...
Từng có kinh nghiệm leo Fan, Rôm ra dáng anh cả khi thường xuyên chăm lo và để mắt tới Nấc. Với Rôm, hai lần leo Fan mang lại cho cậu bé những cảm nhận khó tả. Lần đầu leo cùng bố, lần thứ hai cậu đi cùng cả nhà.
Rôm cho hay, khi leo núi để sử dụng chai nước mang theo hiệu quả, cậu sẽ uống một ngụm rồi ngậm trọng miệng để từng giọt từ từ thấm qua cổ họng thay vì tu cạn chai nước. Với cách đó, cậu sẽ tiết kiệm được nước uống và bụng đỡ óc ách. Lúc nhỏ, đi du lịch cùng bố mẹ, Rôm được bố dạy cách xem bản đồ, la bàn, cách sử dụng một sợi dây hay đơn giản là cách uống nước, cách thở ra sao khi phải leo dốc.
< Chuyến đi giúp ba đứa trẻ nuôi ước mơ, trải nghiệm, biết quan tâm, chia sẻ.
"Bố dặn nếu bị lạc trong rừng thì phải mặc áo mưa cho ấm rồi tìm một hốc cây, ngồi yên ở đó sẽ có người tới cứu. Bố muốn em có được các kỹ năng để nếu nhỡ bị lạc trong rừng thì vẫn có thể tự lo cho mình", Rôm nói.
< Rôm (ngoài cùng bên phải), anh trai Nấc, từng leo lên đỉnh Fansipan năm 8 tuổi.
Thừa hưởng đam mê và sở thích du lịch từ bố, ba anh em Rôm thường được theo chân "papa" trên các cung đường phượt. Không thích khái niệm chinh phục, vợ chồng anh cho rằng thiên nhiên không thể chinh phục và thật khó để lường hết tình huống xấu xảy ra giữa đường. Việc giúp các con leo lên đỉnh Fan thành công là cách giúp bọn trẻ thực hiện ước mơ. Anh chị muốn các con biết ước mơ và tạo điều kiện để các con biến mơ ước ấy thành hiện thực.
< Lên tới đỉnh núi, anh trai Rôm cởi áo khoác nhường cho Nấc vì sợ em trai bị lạnh.
Ông bố này thừa nhận, chuyến đi khá nguy hiểm với trẻ nhỏ nên nếu chưa có sự chuẩn bị tốt về thể lực và tinh thần, các phụ huynh không nên cho con leo núi. Anh Tấn khẳng định đã rèn luyện cho các con kỹ lưỡng trước chuyến đi, nhưng vẫn không thể lường được tình huống Cầm bị đau bụng. Sơ suất ấy nhắc nhở anh lần sau phải thận trọng hơn nữa.
"Chuyến đi giúp các thành viên trong gia đình gần gũi, biết quan tâm nhau hơn, đồng thời là cơ hội để bọn trẻ trải nghiệm cuộc sống, biết chia sẻ và vượt qua khó khăn. Hình ảnh khiến tôi xúc động nhất là lúc Rôm cởi áo khoác đưa cho Nấc mặc khi vừa đặt chân tới đỉnh núi vì sợ em lạnh", anh Tấn tâm sự.
Sau hành trình lên đỉnh Fansipan, gia đình Nấc đang lên kế hoạch cho những chuyến đi tiếp theo.
Du lịch, GO! - Theo Bình Minh (VnExpress), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét