Bà Rá: nắng cháy và mây mù... (Phần 7)

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

(Phần cuối) Về à? Hôm trước đi, hôm sau về... là chuyện hiếm khi xẩy ra trong những chuyến phượt của bọn mình (trừ lần đi Đà Lạt, do chỉ đơn thuần là công việc)... vậy nhưng lần này Trời xui đất khiến, hết hứng khởi thì go home!

< Về thu xếp đồ đạc, trả phòng rồi đi. Nhà nghỉ HD mọi thứ đểu tạm được, ngon nhất là wifi nhưng nước rất tệ, go thôi!

Do thời gian còn khá sớm (lúc này chỉ mới gần 10h sáng nên bọn mình sẽ rời Phước Long theo đường nối từ ngã 4 cầu Thác Mẹ ra TL741 rồi xuôi theo đường nội ô 6 Tháng 1 để rờ phường Thác Mơ, hướng về Phước Bình.

< Từ ngã 4 cầu Thác Mẹ: con đường nối ra TL741 nhỏ thôi nhưng hai bên bạt ngàn vườn điều (vị trí ngã 4 tại đây).

Trong thật tế thì Bình Phước cũng có lắm cảnh đẹp mà mình đã đề cập tới trong bài trước. Tuy nhiên, nếu có thể thì bạn nên du lịch ở vùng này vào mùa mưa vì nhiều cảnh đẹp tại đây là thác và hồ - mưa mới có nước lai láng được. Với lại nhiệt độ cũng không quá sốc như lúc bọn mình đến.

< Bảng báo màu đỏ của con đường nhánh hướng lên đồi thuộc khu vực quân sự, mình vẫn chạy thẳng.

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam bộ. Ở vào vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên, phía bắc và tây bắc giáp Campuchia, phía đông giáp các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, phía tây giáp Tây Ninh.

< Đường khá vắng, thi thoảng mới có một chiếc xe nhưng không hề gì, vắng chạy càng phẻ.

Đây là tỉnh có nhiều rừng. Ở đông bắc có ngọn núi Bà Rá cao 733m và dãy núi thấp quanh Lộc Ninh, còn lại là rừng bạt ngàn. Rừng rậm nhưng đất khá bằng phẳng. Phần lớn là đất đỏ nên trồng cây công nghiệp rất tốt.
Bình Phước là nơi có nhiều rừng cao su lớn, vườn cây cà phê, điều, tiêu...

< Chạy ngang qua cây cầu Daklung bắt ngang dòng chảy của sông Thác Mẹ (sông Bé) - vị trí cầu tại đây.

< Bọn mình dừng lại, xuống tham quan một tý.

Tỉnh có hai con sông chảy từ bắc xuống nam: phía tây là sông Sài Gòn, phân giới giữa tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; giữa tỉnh là Sông Bé, có các nguồn từ phía bắc, đoạn dưới đi vào đất Biên Hoà, đổ vào sông Đồng Nai.
< Thật đáng công: từ đây nhìn về phía núi Bà Rá sẽ có một khung cảnh thật đẹp.
Cây cầu nhỏ (xe du lịch 4 bánh chạy được), đứng chụp ảnh nhưng xe chạy qua lại cứ lưng tưng...

< Nửa kia và con xế đứng bên vườn có các nọc tiêu xây bằng gạch. Xứ nhiều tiêu và điều... nhưng đừng đọc tắt là 'tiêu điều' nhé.

Khí hậu: Bình Phước chia 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Phía Bắc nhiều rừng, nên ẩm thấp hơn phía Nam, lượng mưa trung bình hàng năm 2.110mm.

< Thỏa lòng rồi lại lên xe đi. Mình thích những con đường nho nhỏ, xanh rợp bóng cây...

Bình Phước là một trong những nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử còn ít được biết đến. Đó là các thác Mơ, núi Bà Rá, thác số 4, đồng cỏ Bàu Lạch. Chính nơi đây trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã nổi lên bao địa danh lịch sử được chú ý như ban chỉ huy quân sự Miền, nhà giao tế Lộc Ninh, kho xăng Lộc Hòa, Lộc Quang.

< Mùa này nóng, nhưng giấc cuối năm tại đây s mát lạnh đấy.
Mé phải đường vẫn là vườn điều...

< Gặp bùng binh phía trước, đây là bùng binh có tượng đài Chiến Thắng cùng chiếc máy bay Mỹ bên phải.
Mình rẽ trái, hướng vào trung tâm thị xã để từ giã nơi này thông qua TL741.

Đặc biệt tại xã Phú Riềng (huyện Phước Long) nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên vùng Đông Nam Bộ, cũng là nơi diễn ra cuộc nổi dậy của hai anh em Điểu Mol và Điểu Mól (dân tộc Xtiêng) vào năm 1933.

< Rời phường Thác Mơ, bọn mình trở ra TL741 - lúc này đã là 10h15, nắng thật gắt, thời tiết rất nóng.


< Qua địa phận phường Phước Bình, nửa kia ngoái lại chụp thêm một tấm núi Bà Rá lần cuối. Có lẽ sẽ rất lâu nữa mới về lại chốn này.

Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau. Đồng bào dân tộc ít người chiếm 17,9%, đa số là người Xtiêng, một số ít người Hoa, Khmer, Nùng, Tày,...Vì thế Bình Phước có nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc Xtiêng.

< Vượt qua khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ rồi qua luôn ngã 3 Long Hưng, bọn mình hướng về trung tâm xã Bù Nho.

Tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc: Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số vào tháng 12 hàng năm, thường có: lễ hội cầu mưa của người Xtiêng; lễ bỏ mả; lễ hội đâm trâu; lễ mừng lúa mới của đồng bào Khmer.

< Bù Nho đây, một khu thị tứ nhỏ trên TL741. Tại đây có đường vào hồ Long Tân, Long Hà; hai hồ thủy lợi khá lớn.

< Rời Bù Nho, mình sẽ chạy ngang qua Tân Hòa để hướng về Phú Riềng. Nắng rất gắt nhưng trang bị kỹ áo gió, găng, vớ, khẩu trang và kiếng nên cũng không hề gì. Vậy nhưng nếu dừng xe lại là đổ mồ hôi ướt đẫm ngay.

< Vào địa phận Phú Riềng.
Theo đúng luật giao thông: xe gắn máy khi gặp các bảng này phải giảm tốc độ xuống 40km/h vì vào khu dân cư.

< Rời Phú Riềng để đến thị xã Đồng Xoài. Trên đoạn này có hồ Suối Lam (khu du lịch) và hồ Đồng Xoài (hồ thủy lợi).
Còn thị xã Đồng Xoài thì có hồ Suối Cam chia làm 2 phần: hồ trên và hồ dưới.

< Đến Đồng Xoài, đồng hồ đã chỉ 11h30. Vậy nên ghé chợ ăn buổi cơm trưa. Lúc này, theo dự định từ trước thì bọn mình sẽ theo QL14 từ Đồng Xoài về Chơn Thành rồi vào QL13 đi Bình Dương > TP Hồ Chí Minh.

< Vậy nhưng anh chủ quán cơm cho biết: nếu theo QL14 và QL13 về Sàigòn sẽ xa hơn nếu so với TL741 về Bình Dương và SG - Phần khác, vài đoạn trên QL14 sẽ nhiều bụi bặm vì đang sữa chữa...
Ảnh là một phần của một nhà lồng trong rất nhiều nhà lồng chợ tại Đồng Xoài.

< Nghe anh chủ quán nói vậy nên bọn mình chọn TL741 vậy, lặp lại tuyến đường cũ, khi về đến Cổng Xanh sẽ đi hướng khác cho lạ.
12h35 phút, bảng báo hiệu đã vào địa phận tỉnh Bình Dương, nhanh ghê ta!

< Chạy ngang Trung tân Hành chính huyện Phú Giáo - thuộc thị trấn Phước Vĩnh.
Huyện Phú Giáo nằm ở phía Đông Bắc tỉnh, cách Trung tâm Thành phố mới Bình Dương 35km và tiếp giáp với tỉnh Bình Phước. Khí hậu ôn hòa, thiên tai bão lụt ít xảy ra nên rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày nói riêng và nông nghiệp.

< Gặp ngã rẽ bến đò Tân Định (8km - vị trí bến đò tại đây), chạy thẳng là về trung tâm Bình Dương với khoảng cách là 42km nữa.

< Qua cây cầu Phước Hòa (nơi có chiếc cầu gẫy), lần này chụp mé bên kia.

< Trong địa phận xã Phước Hòa, lúc ni chỉ còn cách Cổng Xanh một vài cây số nữa thôi.

< Từ Cổng Xanh, mình rẽ vào tỉnh lộ 742, tức là đường Huỳnh Văn Lũy hướng về đại lộ Bình Dương. Vậy là không theo TL741 như lúc đi nữa.

< Đường Huỳnh Văn Lũy rợp bóng cây xanh của hàng loạt rừng cao su, mát rượi nên bọn này dừng xe nghỉ chân, uống nước.
Rừng cao su cũng có cái đẹp riêng đó chứ, bạn thấy không?

< Màu xanh cũa những tán cây đầy huyền hoặc làm lòng người tan biến cái mệt, cái nóng.

< Qua ngã 4 đại lộ Nguyễn Văn Linh cắt ngang thì đường mình đang đi bổng rộng thênh thang, vẫn là đường Huỳnh Văn Lũy đấy. Đây cũng chính là khu vực Thành phố mới Bình Dương.

Thành phố mới Bình Dương là tên của một đề án xây dựng đô thị trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị tỉnh Bình Dương. Thành phố này được xây dựng mới hoàn toàn không dùng tiền ngân sách và sẽ là trung tâm hành chính mới của Bình Dương thay cho thành phố Thủ Dầu Một.

< Cứ chạy thẳng để về Sàigòn, dân địa phương chỉ mình như vậy. Bọn mình đoán rằng đường này sẽ đâm thẳng ra đại lộ Bình Dương, tức là QL13 - trực chỉ TP HCM.
Huỳnh Văn Lũy đoạn này hẹp lại, nhưng vẫn là 4 làn xe.

< Hội đồng Nhân dân TP Thủ Dầu Một. Thành phố Thủ Dầu Một là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí tương đối thuận lợi cho việc giao lưu với các huyện, thị trong tỉnh và cả nước qua quốc lộ 13,cách Thành phố Hồ Chí Minh 30km.

< Hết đường Huỳnh Văn Lũy, mình rẽ trái vào QL13, cũng chính là Đại lộ Bình Dương.

< Dừng nghỉ tránh nắng nóng, uống cạn chai nước mang theo rồi lại đi. Qua cầu Vĩnh Bình, vậy là vào địa phận thành phố Hồ Chí Minh.

< Cầu vượt Bình Phước đây! Sớm ngày hôm qua đi, giờ lại 'hồi hương' chốn quê nhà.
Lúc này đã là 14h32 phút ngày 24 tháng 3 năm 2013, có lẽ chỉ mất chưa đầy một tiếng nữa là bọn mình sẽ có mặt tại nhà, kết thúc một chuyến đi ngắn - nhẹ nhàng nhưng thu hoạch... 'hơi bị ít'!

Nhưng phượt mà: Đi cho biết đó biết đây, ở nhà xem mạng biết ngày nào khôn. Ít nhiều gì cũng vẫn biết núi Bà Rá ở Phước Long nhứ thế nào, bạn nhỉ?
Hết

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc