Có nhiều lý do khiến tôi tìm gặp “dân làng trầm” ở xóm Đồn, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh thuộc “xứ trầm hương” Khánh Hòa giữa lúc cơn sốt “ngậm ngải tìm trầm” náo loạn những cánh rừng nguyên sinh phía tây thung lũng Ô Kha.
Xứ trầm hương
Hàng trăm năm trước, ở Vạn Ninh có nhiều làng, xã nổi tiếng thạo nghề đi địu, dân chúng quanh năm len lỏi khắp núi cao, rừng thẳm tìm kiếm trầm kỳ để cống nạp cho triều đình. Nhưng đến thời điểm này, duy nhất ở xóm Đồn vẫn còn 90% số hộ sống chết với nghề đi địu và không ít gia tộc phất lên nhờ nghề gia công chế tác trầm hương mỹ nghệ.
Sách Đại Nam nhất thống chí, phần viết về thổ sản của Khánh Hòa ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam và trầm hương, dân xã An Thành, huyện Tân Định hằng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam thì nạp thay bằng trầm hương”.
< Những cây dó to cao thế này ngày càng hiếm hoi.
Những năm cuối thập niên thứ 6 của thế kỷ trước, nhà văn-nhà thơ Quách Tấn đã dành nhiều công sức “lên rừng, xuống biển” để hoàn thành công trình biên khảo “Xứ trầm hương”; ông khẳng định có một thời, “hễ nói đến trầm hương là nói đến Khánh Hòa và nói đến Khánh Hòa là nói đến trầm hương”.
Trầm hương của Khánh Hòa tập trung nhiều trong những cánh rừng nguyên sinh ở phía nam đèo Cả, chạy dọc theo dãy Trường Sơn Đông, thuộc địa lâm phần của các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh... nhưng nổi tiếng nhất là vùng Hòn Chảo ở Tu Bông, Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Đến bây giờ, những xóm làng trải rộng dưới chân đèo Cả vẫn lưu truyền câu ca dao: “Cây quế thiên thai mọc bên khe đá/ Trầm Vạn Giã hương toả sơn lâm”.
Gặp tôi ở Vạn Giã, ông Sáu Mùi tự hào “có kinh nghiệm ba đời đi địu”, khẳng định: “Đi địu cũng như hái củi, đốt than... khổ quá thì bà con rủ nhau lên rừng tìm kế sinh nhai chứ làm gì có ai bày dạy mà biết ông tổ nghề. Cha con tui đi riết thành quen, làm hoài thành thạo, nghề này chỉ cần có sức khỏe và kiên nhẫn chịu khó, chịu khổ... Không “nếm mật, nằm gai” làm sao hái được lộc trời?”.
< Một thời dọc ngang, nay ông Trần Ngọc An thấy "không nghề gì sướng bằng nghề xoi trầm".
Trước năm 1975, dân các xã Vạn Ninh lên núi tìm trầm đông lắm. Nhiều đại gia đình khăn gói ra tận La Hai, Xuân Lãnh (Phú Yên), An Khê (Bình Định), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Quế Sơn, Trà My (Quảng Nam)..., dựng lán trại, trụ lại hàng tháng trời giữa “rừng thiêng, nước độc”; lùng sục khắp núi cao, vực sâu; vạch từng rễ cây để tìm kiếm trầm kỳ. Nhưng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Nhiều người đi địu gặp thú dữ hoặc bị lạc, bị thương hàn, sốt rét ác tính... không về, anh em họ hàng quá sợ mà bỏ nghề.
Chuyện xưa, chuyện nay
Vì sao mấy năm gần đây liên tục “sốt trầm kỳ” và cơ duyên nào xui khiến cả làng sống chết theo nghề đi địu? Ông Hùng - dân xóm Đồn chính hiệu - giải thích: “Bụng đói, đầu gối phải bò”, thời buổi kinh tế suy thoái, đồng tiền mất giá mà giá cả liên tục leo thang; đang túng thiếu, nghe đồn có người đổi đời nhờ tìm được trầm kỳ, ai mà không ham? Lâu nay dân xóm Đồn vẫn lai rai kiếm được lộc trời, nên không ai phụ nghề!”.
< Gia công trầm hương mỹ nghệ tại xưởng ông Hùng.
Lại nhớ, năm ngoái, ma lực trầm kỳ cuốn hút hàng ngàn người, bất kể đàn ông hay đàn bà, hối hả bỏ làng lên rừng, lãnh đạo huyện Vạn Ninh phải chỉ đạo các đoàn thể tập trung vận động, bà con mới trở về sản xuất vụ mùa. Trước khi đến Vạn Thắng, tôi đã nghe mấy bác ở huyện ủy kháo rằng, tuần trước có bầu (nhóm) dưới xóm Đồn rinh được gốc kỳ nặng 1,2 cân, bán được hơn 1,5 tỉ đồng. Nhưng, vào làng chỉ thấy vắng lặng, nhà nhà đóng cửa, hỏi thăm những người cần gặp đều “bận việc, đi xa!”.
Biết người lạ muốn tìm hiểu thông tin về làng trầm, chị Hai Thơ bán quán ven đường, nhẩn nha hát: “Con đi bảy chuyến điếng bugi/Bà, cậu trên cao thấy những gì/Dưới suối con đang hì hục lội/Trên đồi con dậm toát mồ hôi..” và nói to: “Rộ tin đồn, mọi người đua nhau lên Khánh Sơn. Nếu trúng hàng, phải làm lễ tạ ơn và khao cả làng, đông vui như đám cưới. Muốn biết chuyện xưa, chuyện nay, cứ hỏi ông Hùng, “cao thủ” đó!”.
< Nhẹ nhàng cẩn thận ngón tay, nếu như không khéo, sẽ bay áo trầm.
Thì ra, những người đàn ông trong gia đình ông Hùng từng lặn lội khắp những “con đường trầm”, từ Khánh Vĩnh, Khánh Sơn vào Bác Ái (Ninh Thuận), lên Đak Glei (Kon Tum), ra Đồng Xuân (Phú Yên), An Lão (Bình Định), Trà My (Quảng Nam)...
Ông Hùng kể: “Không ai cả gan một mình đi tìm trầm. Thường thì anh em dòng họ hoặc bà con xóm giềng rủ nhau lập bầu cặp đôi, cặp ba. Cha con tui đi địu từ hồi trước giải phóng, chưa bao giờ về tay không. Nhiều lần trúng đậm kỳ nam, chia nhau mỗi người cả chục cây vàng. Nhưng ai cũng “điếng bugi” vì bị sốt rét hành hạ đến vàng mắt, vàng da. Bởi vậy, gom được khoản vốn kha khá, anh em tui chuyển sang buôn bán trầm và mở xưởng gia công trầm hương mỹ nghệ”.
Dẫn tôi đến bên mấy bao tải đựng đầy gỗ dăm xỉn màu và phảng phất mùi trầm, ông Hùng nói: “Đây là hàng xô, dùng để làm nhang (hương), giá chỉ 200 ngàn/kg. Nếu phân loại theo công dụng và giá trị kinh tế thì có đến hàng chục thứ hạng. Những người buôn kỳ thường căn cứ màu sắc để xác định - “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”.
Bạch kỳ cực kỳ quý hiếm, có tiền tỉ chưa chắc đã mua được. Dân đi địu ở Khánh Hòa tin rằng trầm hương là hiện thân Bà mẹ xứ sở Thiên Y A Na, bà không thương thì của để trước mặt cũng không nhìn thấy. Trước ngày vào rừng, mọi người tắm rửa sạch sẽ, đi đường không dám nói to, tránh từ húy kỵ, luôn luôn cầu nguyện bà và cô, cậu..”.
Lên rừng, những người đi địu có một nguyên tắc bất thành văn, hễ tìm được cây dó già, lá vàng, thân nhỏ, nhiều u bướu, biết có trầm thì bầu phải lập đủ 15 bàn cúng, cầu xin Cửu thiên huyền nữ, Thiên y thánh mẫu, Sơn lâm chúa tướng, Tam cõi hội đồng, Sơn thần thổ địa, Âm binh bộ hạ... rồi mới hái lộc. Nếu thấy cây dó trọc lá, không còn giác, bầu phải lập am thờ bà trước khi xuống rìu.
< Chế tác trầm hương từ dó vườn đang là ngã rẽ đổi đời của xứ trầm.
Người xưa đi địu không bao giờ đốn hạ cây dó bầu mà công phu tỉa gọn những chỗ có trầm dù ở thân hay rễ; đối với cây non, họ cẩn thận chành vài nhát (mở miệng) tạo vết thương để nuôi trầm. Thời nay, người đi địu rất xô bồ, họ không chỉ chặt cây mà còn đào xới, lật tung gốc, rễ; đó là chưa kể có người ham hố nhổ bật cả dó bầu non.
Trầm hương mỹ nghệ
Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu, nhưng không phải cây dó bầu nào cũng sinh trầm. Ông Hùng kể tiếp: “Có lần chúng tôi đứng trước khu rừng dày đặc dó bầu, nhiều cây đã lớn mà chẳng hề thấy dấu hiệu của trầm”.
Nói đoạn, ông cho tôi xem thân cây dó bầu màu trắng ngà, cao khoảng 5 mét, vết thương cách đều, đẹp như tác phẩm điêu khắc, rồi giải thích: “Có 3 loại dó: Dó núi, dó vườn và dó xí (cây dó bầu mọc tự nhiên nhưng dân địu đã mở miệng xí phần).
< Các sản phẩm là từ Trằm hương.
Còn đây là dó vườn, người trồng chăm bón ít nhất 10 năm tuổi mới có thể mở miệng, cấy thuốc, rồi tiếp tục săn sóc kỹ lưỡng khoảng 12-15 tháng nữa. Tui mua cây này gần 50 triệu đồng, cho 2 thợ xoi, xỉa khoảng 1 tháng, hết phần gỗ trắng, lộ ra mạch trầm, nếu đẹp thì bán được khoảng hơn 100 triệu đồng. Cần phân biệt trầm hương mỹ nghệ với các mặt hàng lưu niệm, gỗ chạm trổ rồi nhuộm màu, xông hương liệu để bán cho khách du lịch”.
Quan sát công việc chế tác trầm mỹ nghệ, mới hay, trong tay chỉ có mấy cái dũm (giống như cây đục nhưng mũi bằng, cạnh vát, lưỡi khum) với hòn đá mài, những người thợ xuất thân từ nghề đi địu tỉ mẩn xoi từng thớ gỗ, cho đến khi mạch trầm hiện rõ như vân mây.
“Không phải bất cứ loại trầm nào cũng có thể chế tác thành trầm mỹ nghệ và trầm mỹ nghệ không đắt giá như kỳ nam” - ông Tư, thợ chính của xưởng nhà ông Hùng, giải thích: “Chưng cây trầm trong văn phòng hay nhà hàng, khách sạn không chỉ để trang trí mà còn có thể loại trừ khí độc, tà ma. Chúng tôi làm đến đâu, bán hết ngay đến đó, chủ yếu gia công theo yêu cầu của các ông chủ ở TPHCM để xuất sang Hồng Kông, Đài Loan... Nghề này đòi hỏi cẩn thận, khéo tay, nếu chăm chỉ thì thu nhập ổn định hơn đi địu”.
< Người dân cảm thấy thích thú với các cây trầm được triển lãm nhân Tuần Văn hóa Phật giáo tại Nha Trang.
Trở lại câu chuyện “sốt trầm hương”, những vị cao niên ở làng trầm cho hay: “Dưới triều Nguyễn, tìm trầm không phải là công việc tự do làm ăn của người dân. Sau khi xác định vùng núi nào có trầm hương, triều đình cắt cử đội canh tuần và bắt buộc người dân trong vùng phải đi địu tìm trầm - tháng 2 âm lịch vào rừng, tháng 6 trở về - lấy được nhiều, thưởng nhiều; được ít thì thưởng ít. Những người lấy trộm, hoặc lấy được trầm mà không nộp đủ cho quan, thì bị tù tội. Thời thực dân Pháp, bãi bỏ lệ cống nạp trầm hương cho vua quan, mọi người tự do “ngậm ngải tìm trầm”, nhưng khi tìm thấy cây trầm, phải xin phép sở kiểm lâm mới được đốn hạ. Tự tiện chặt cây, nếu gặp lính tuần phòng thì còn bị phạt tù”.
Quả thật, không thể cấm cản dân lên núi tìm trầm, nhưng tại sao từ ngày đất nước thống nhất đến nay, chưa ai đề xuất giải pháp tổ chức, hướng dẫn bộ phận dân cư chuyên sinh sống bằng nghề đi địu và quản lý việc khai thác, sản xuất, kinh doanh trầm hương?
Du lịch, GO! - Theo báo Lao Động, ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét