Vùng đất biên giới giữa hai tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và Sê Koong (Lào) sáng bừng trong những ngày nắng hiếm hoi đầu năm Tân Mão. Hơn 1 tuần đi giữa vùng biên và xông đất nước bạn Lào là những trải nghiệm thú vị.
< Bản Anoonh - đẹp và sạch sẽ.
Ông Bhriu Liếc - Bí thư huyện ủy Tây Giang ví von, nếu thôn Aur (xã A Vương) là một Singapore giữa rừng già thì bản Anoonh (thuộc xã A Nông) chẳng khác nào một Sài Gòn hoa lệ, sạch sẽ giữa miền biên ải. Bản nằm vắt giữa đường biên Việt - Lào, quanh năm bao phủ bởi trùng điệp núi rừng và sương mù.
A Nông là xã đầu tiên và duy nhất hiện nay của tỉnh lỵ Quảng Nam được chọn thí điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Và, nếu đặt chân đến bản Anoonh, sẽ có nhiều tiếng trầm trồ kinh ngạc bởi sự sạch sẽ, trù phú cũng như nét đẹp hoang sơ kỳ vĩ của núi rừng mà Anoonh đang sở hữu.
< Trẻ em xã A Nông vui tắm nước sạch.
Hơn 60 nóc nhà giữa thung lũng Anoonh trong ngày nắng mới đầu năm chợt bừng sáng khi chúng tôi vượt qua con dốc thoai thoải. Con đường đã được bê tông hóa, sạch như lau.
Ông A lăng Bao - Bí thư Đảng ủy xã A Nông chỉ tay giới thiệu: Mỗi ngày dân bản Anoonh quét dọn vệ sinh một lần cho tất cả các đường trong bản. Không cần lãnh đạo xã ý kiến, dân trong bản cứ thế bảo nhau, phân công quét dọn.
Hai dãy nhà hình vòng cung giữa thung lũng, khép lại ở giữa là một công viên cây xanh đang hình thành, với đường bê tông, ghế đá, cống thoát nước sạch sẽ. Cũng ngay giữa công viên đó, có đầy đủ sân bóng đá, bóng chuyền và cầu lông. “Cả bản bây giờ ngày nào cũng vui như hội” - Ngô Văn Luận - Phó Chủ tịch xã A Nông nói.
Luận sinh năm 1980, là một trong 3 người lãnh đạo chủ chốt của xã A Nông được Huyện ủy, UBND huyện Tây Giang cử về công tác nhằm giúp xã sớm hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới so với dự kiến. Theo Luận, tìm đỏ con mắt cũng chẳng thể thấy một bản làng nào đẹp và sạch cùng với những nét mới, trong kinh tế, văn hóa như Anoonh.
Nắng trưa tràn xuống thung lũng, vẽ nên bức tranh yên bình, đẹp như thêu hoa dệt gấm. A lăng Den là cô gái hiếm hoi ở nhà dệt vải, chờ chồng đi trồng cao su trở về. Den nói: Nhà có hơn 2ha cao su, một mình chồng làm là đủ. Ngày trước phụ nữ Cơtu phải chịu cực đi làm để đàn ông ở nhà trông con và uống rượu. Nhưng khi xây dựng thôn văn hóa mới, tập tục đã thay đổi.
Mình là phụ nữ phải ở nhà trông con dệt vải, làm việc nhẹ chờ chồng về. Den dệt 3 ngày thì hoàn tất một tấm thổ cẩm, bán giá 300 ngàn đồng. “Trước phải đi bộ ra tận ngã ba đường, nhờ người bày bán, bây giờ chợ phiên Anoonh mỗi tuần mở một lần. Bà con bản khác đến mua đông lắm. Ở nhà cũng kiếm được tiền” – A lăng Den vui vẻ.
Từ khi bản xây dựng chương trình nông thôn mới, A lăng Den cũng như bao phụ nữ Cơtu khác trong bản được ở nhà chăm con nên da dẻ trắng hồng, cười tươi môi đỏ. Thoăn thoắt đưa thoi, A lăng Den nói: “Tự thủa nhỏ đến giờ lớn lên ở Anoonh, chưa một lần bước ra phố huyện, chưa một ngày nghĩ đến chuyện xuống phố để nhìn thấy xe cộ, áo quần xinh tươi. Nhưng với em thế này là quá đủ”.
Những nóc nhà được lợp tôn xanh biếc, nằm san sát hình vòng cung, bên trong, đều được lát gạch hoa, sạch và mát rượi. Bí thư xã A lăng Bao dẫn tôi đến từng nhà một, dẫn một mạch ra sau khu vệ sinh, tẩn mẩn giới thiệu: “Tất cả đều được hiện đại hóa, nhà cầu xí bệt có dội nước. Nhà nào cũng có bình đựng nước sạch bằng Inox, là do nhà nước đầu tư cả”.
Nhà giữa thôn của chị Zơrâm Huệ mở cửa đón nắng. Chưa có nhiều đồ vật đắt tiền, nhưng với một gia đình trẻ 2 con, những ti vi Sony, đầu đĩa, karaoke, giường gỗ, tủ gỗ… thì theo bộc bạch của Zơrâm Huệ, chị chưa bao giờ nghĩ tới. Zơrâm Huệ đang làm gà, không phải đãi khách mà dùng cho bữa trưa. A lăng Bao giải thích: “Không phải như trước đây, bà con nuôi gà, vịt đem bán để có tiền.
Bây giờ, đời sống cao lắm. Gà vịt và những gia cầm, vật nuôi khác là để làm thức ăn chính”. Hình ảnh chị Huệ rửa sạch con gà, dưới dòng nước trong veo chảy ra từ bình nước sạch ngay giữa núi rừng, có lẽ là minh chứng cho cuộc sống đổi thay của đồng bào dân tộc Cơtu bản Anoonh.
A lăng Tiên có ngôi nhà thứ hai ngay sát đường, tự đào ao thả cá - ao cá duy nhất của bản: “Đây là vụ cá đầu tiên, chưa giăng lưới thu hoạch, nhưng cái ao nhỏ này đã được thả hơn trăm con rô phi giống, giờ con nào cũng to bằng bàn tay. Chẳng cần đi đâu xa, cứ đến chợ phiên Anoonh là bà con sẽ mua sạch. Cá suối ngày càng hiếm, mình phải tăng gia bằng cách đào ao thả cá thôi. Không thể bám vào của rừng mãi được”.
< Nụ cười dệt vải của A lăng Den.
Căn nhà đầu tiên từ đầu bản Anoonh được dùng làm nhà sinh hoạt chung. Nhà gỗ, chắc chắn và sạch sẽ. Trên vách nhà là vô số bằng khen treo từng dãy. Những thành tựu đạt được trong thời gian qua hiển hiện qua những tấm giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh treo lấp lánh trên tường. Cả buổi sáng đến tận trưa, các cụ già bản Anoonh họp bàn những công việc liên quan phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thôn trong năm mới.
A lăng Tươi - cụ già 70 tuổi kể rằng, từ khi Anoonh được xây dựng thí điểm nông thôn mới, hằng tháng, các bậc bô lão trong làng đều quây quần, hoạch định chiến lược cho sự phát triển đời sống đồng bào thời gian tới.
Bí thư đảng ủy xã A Nông A lăng Bao ví von: “Đời sống mới, các cụ họp bàn, không uống rượu, chỉ có trà đặc và bánh kẹo thôi, ấy mà sôi nổi như Hội nghị Diên Hồng vậy”. A lăng Bao khẳng khái: “Với Anoonh nói riêng và xã A Nông nói chung, giờ đây cái gì cũng là điểm hết. Từ nước sạch, điện đường trường trạm rồi văn hóa, kinh tế. Chúng tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước thời hạn (2014).
Du lịch, GO! - Theo Nam Cường (Tiền Phong), ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét