10 ngày đến Trường Sa - Xa và gần (kỳ 1)

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Chắc chắn là trái tim trong con người chúng ta ngoài nhiệm vụ bơm máu nuôi sống cơ thể sẽ chia làm nhiều cõi khác nhau, trong đó có ngăn dành cho tình yêu, cho gia đình; ngăn dành cho bè bạn, tri kỷ và cũng không thể thiếu một chốn thiêng liêng: ngăn dành cho tổ quốc thân yêu. Quần đảo Trường sa hẳn là có một vị trí quan trọng trong ấy!

Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương. Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh gành trúc san hô.
Trường Sa ơi! Biên đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng bão giật, đảo quê hương! (Nhạc sĩ Hình Phước Long)

Với Trường Sa thì việc đi thăm đảo là mong muốn của nhiều người nhưng không dễ gì thực hiện được. Một chuyến đi như thế mất nhiều ngày, rất công phu, vì do quân đội quản lý cho nên dù có chủ trương cho các địa phương, ban ngành, đơn vị, tập thể ra với Trường Sa nhưng muốn đi phải đăng ký để Bộ Tư lệnh Hải quân sắp xếp từng chuyến đi vì các hòn đảo ấy đều nằm giữa biển khơi, cách đất liền khoảng 450 km.

Thường có hai hành trình ra đảo Trường Sa, hoặc phía bắc hoặc phía nam. Phía Bắc thì từ Hà Nội bay vào quân cảng Cam Ranh, rồi xuống tàu Hải quân đi ra đảo. Phía Nam từ Vũng Tàu trực chỉ đảo xa với thời gian hành trình hơn mươi ngày. Đến đảo nào thì tàu neo ở vùng biển sâu rồi thả xuồng lên thăm đảo (trừ đảo lớn vì có cầu cảng).

Dưới đây là bài viết cùng hình ảnh của Dudu 08 trích từ forum Phuot.com đã gieo cho tôi và sẽ trao cho bạn những cảm xúc sâu nặng về cuộc hành trình 10 ngày đến Trường Sa, những mảnh đất thiêng của tổ quốc mà không thể nào tách rời trong hồn dân tộc.
Bài sẽ chia ra làm nhiều kỳ vì rất dài và nhiều hình ảnh, cũng xin tạ lỗi với bác Dudu 08 vì tôi phải cắt bớt và chỉnh sửa đôi chổ vì đơn thuần Du lịch, GO! chỉ là một blog du lịch - Một nơi cá nhân nhỏ bé với mong muốn giới thiệu những địa danh, thắng cảnh, vùng đất và những chuyến đi tới mọi miền của tổ quốc với mọi người có cùng sở thích.

----------- oOo ------------

Đó là 10 ngày đáng nhớ trong cuộc đời, với rất nhiều cái đầu tiên của tôi, đi biển dài ngày, đi tàu thủy, thử sức mình với sóng gió đại duơng, và đến với Trường Sa. Trong 10 ngày hành trình ấy, tôi đã trải qua hơn 1000 hải lý, đã đến,đã thấy, và chứng kiến nhiều điều, nhiều tự hào, nhiều niềm vui và nỗi nhớ trên 9 đảo của tổ quốc, gồm: Song Tử Tây, đảo Nam Yết, đảo Sinh Tồn Đông, là những đảo nổi, với diện tích to nhỏ khác nhau, và các đảo chìm như Đá Nam, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát, rất nhỏ, nổi trên nền đảo san hô chìm, tất nhiên là đến và ngủ 1 đêm ở Trường Sa lớn, thăm nhà giàn DK1 Phúc Nguyên.

Chúng tôi đã dự 2 lễ tưởng niệm đầy xúc động: một trên khu vực Côlin - Gạc ma - Len đao, nơi 64 chiến sỹ ta đã hy sinh dưới làn đạn của kẻ thù. Một trên thềm lục địa phía Nam, bãi Phúc Nguyên, nơi hàng chục chiến sỹ ta đã hy sinh trong bão tố. 10 ngày miệt mài trên biển và dày đặc lịch làm việc, biết bao cảm xúc, nhưng có những điều không được nói, vì nguyên tắc, những dòng nhật ký viết vội trong ngả nghiêng sóng biển dường như chỉ nói được rất ít những điều tôi muốn nói.

Có 1 bài hát " không xa đâu, Trường Xa ơi..." Xa và gần, hẳn mọi điều đều là tương đối. Xa, vâng, rất xa, nhưng cũng thật gần. Trường Sa, nơi chúng tôi cảm nhận hơn về sự thiêng liêng của tổ quốc, về những máu xương và công sức của biết bao người, vì chủ quyền dân tộc nơi biển đảo xa xôi. Đã có nhiều người chia sẻ về Trường Sa, về những cảm nhận rất tuyệt của các bạn, nhưng tôi vẫn muốn góp thêm đôi dòng nhật ký Trường Sa của mình, và một số bức ảnh mà mình đã ghi lại được. Hẳn với mỗi chúng ta, nếu có dịp đến nơi này, những ký ức đó sẽ không bao giờ có thể phai mờ.

Cam Ranh, ngày D tháng M năm 2010

9h sáng, mình đặt chân đến Quân cảng Cam Ranh. Từ rất lâu rồi, mình mơ ước được đặt chân đến nơi này, nơi trong trí tưởng tượng của mình, là căn cứ hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam Á của cả Mỹ, rồi Nga. Nhưng trên thực tế, ấn tượng đầu tiên của mình, quân cảng Cam Ranh là những cồn cát trắng, những rừng cây lúp xúp. Cả một vùng bán đảo rộng mênh mông chỉ có sân bay Cam Ranh là đáng kể, ngoài ra, căn cứ Hải quân chỉ là những khu nhà khiêm tốn, nằm rải rác, và rất nhiều những con đường ngoằn nghèo chạy qua những đồi cát, phơi mình dưới cái nắng gay gắt của tháng 5.

Rồi sau những cuộc họp về hành trình, giờ phút chuẩn bị lên đường cũng đến. 16h, trên cầu cảng Cam Ranh, con tàu của mình cũng đã sẵn sàng chuẩn bị lên đường. Quân cảng chỉ có chừng 5-7 cầu tàu, hầu như được xây mới. Phía xa là 3-4 cầu tàu cũ bằng đá, là những cầu tàu dành cho tàu ngầm của Nga trước đây. Vài chiếc tàu vận tải đang nằm ở bến. Hôm nay là ngày huấn luyện, tàu chiến đều đã lên đường cả, mới chỉ buổi sáng thôi. Bến cảng trở nên rộng mênh mông, trời xanh, nước xanh, những đồi cát và những mỏm núi đá vàng sẫm trong nắng chiều, nếu không là khu quân sự, nơi đây có thể sẽ là một trong những điểm du lịch đầy ấn tượng của đất nước mình.

Tàu HQ 936, vốn là con tàu chở nước của Nga viện trợ, chở nước ngọt ra các đảo Trường Sa. Nhưng đây cũng là một trong những con tàu đưa người ra đảo tiện nghi nhất cho đến thời điểm này của Hải quân ta, bởi tàu có nhiều nước ngọt, việc tắm rửa và dùng nước ngọt cũng thuận lợi hơn nhiều các tàu khác. Chỉ có chỗ ngủ là hơi thiếu thốn. 8 người trong một phòng nhỏ chừng 10m2. Có 2 giường tầng, còn lại 4 người còn lại phải trải chiếu ra phòng để ngủ, hoặc là mắc võng.

Bởi tàu chỉ có tổng số 50 giường, mà đoàn ra thăm đảo lần này tổng số cũng đến gần 100 người nên hơn 30 thủy thủ trên tàu đã phải nhường toàn bộ giường cho khác, và mắc võng nằm rải rác đâu đó trong tàu, hoặc cũng rải chiếu nằm trong các phòng làm việc trên tàu. Âu đó cũng là cái khó khăn chung của Hải quân ta, mỗi người cùng chia sẻ, nên việc thiếu chỗ ngủ trên tàu ai cũng đều thông cảm và cùng khắc phục.

17h chiều, con tàu rời bến. 3 hồi còi dài rúc lên, chào đất liền nhé, chúng tôi ra thăm Trường Sa, vùng quần đảo mà chỉ nhắc đến thôi, mỗi người dân Việt Nam đều dành biết bao tình cảm quan tâm, thương mến.
Trên bờ, cán bộ chiến sỹ hải quân xếp hàng dài, giơ tay chào trang trọng. Các tàu khác cũng đáp lại bằng 3 hồi còi dài, đi thuận buồm xuôi gió nhé, hoàn thành nhiệm vụ chuyển tình cảm đât liền tới Trường Sa thân yêu.
Con tàu nhẹ nhàng rời bến cảng, lên đường. Nắng vàng rực lên ánh sáng cuối ngày, ở phía chân trời, đám mây hình phượng hoàng nhuốm đỏ, như dáng mẹ Âu Cơ tiễn chúng tôi, những người con đất Việt đang hướng về vùng biển xa xôi của tổ quốc với tất cả niềm tự hào về dân tộc mình, về quê hương xứ xở của mình.

Ra đến cửa vịnh Cam Ranh, gió thổi ào ào, và sóng làm ngả nghiêng con tàu to. Những con sóng đập vào thân tàu, tràn lên boong tàu, tiếng sóng vỗ rào rào làm chúng tôi phấn khích. Những người trai thành phố, chưa từng đi một hành trình nào xa xôi thế trên đại dương, đang dấn thân vào một thử thách mới mẻ trong cuộc đời, để nếm cái sóng, cái gió, đến với hải đảo xa xôi.

Có lẽ dân tộc mình xưa kia không phải là những người quá quen với sóng, với gió. Đất nước với hơn 3000 km bờ biển nhưng chưa từng có 1 hải đoàn nào đáng kể trong mấy nghìn năm dựng nước. Người dân Việt vốn xuất thân từ rừng núi vốn chỉ quen bám bờ, chưa từng mấy ai có ý chí vượt biển xa tìm xem bên ngoài đường chân trời cong cong của biển, thế giới bên ngoài có những gì.

Suy nghĩ ấy được thay đổi trong một thời gian ngắn của lịch sử dân tộc, cả cách ứng xử với các hải đảo xa xôi, như Hoàng Sa, như Trường Sa... Điều đó cũng phải bởi trong những thời kỳ loạn lạc, đói kém, con người ta chỉ lo miếng ăn trước mắt, chỉ tính toán trong ngắn hạn và xa lạ với những con sóng lừng của đại dương.
Khi bắt đầu có tiềm lực, những suy nghĩ về việc giữ gìn bờ cõi ở nơi cách xa hàng trăm hải lý mới được quan tâm. Ngay cả bây giờ cũng vậy, nói là đầu tư, quan tâm dù chưa tương xứng bởi vì đất nước còn nghèo, lực còn mỏng. Dẫu gì điều đó đã thay đổi dù hơi muộn. Và một tư duy quan tâm đến biển đảo ngày nay đã bước đầu hình thành, xây dựng càng ngày càng vững chắc.
Tất cả điều này, chúng ta đều thấu hiểu và thấm thía, và chấp nhận thua thiệt, những chuyện của lịch sử đã qua, muốn thay đổi giờ cũng khó. Đó cũng là những suy nghĩ chung, phản ánh tầm nhìn và tiềm lực chung của dân tộc ta của một thời đã qua về vùng biển và lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc hôm nay.

Những suy nghĩ ấy đến với tôi trong những giờ phút đứng lặng trên mũi con tàu đang hướng về đông, vượt lên trên những con sóng nơi cửa vịnh Cam Ranh, một vịnh biển được đánh giá là đẹp nhất và quan trọng nhất với hải quân trong khu vực, như những bài học địa lý ngày xưa của chúng tôi.

Một ngày đang qua đi và đêm xuống. Những vì sao lác đác mọc trên bầu trời, mỗi lúc mỗi dày hơn. Trời đêm trên biển, sóng gió thổi lồng lộng từ cửa vịnh Cam Ranh. Con tàu to lớn tròng trành theo sóng. Nhiều người bắt đầu thấy nôn nao, vội tìm thuốc uống. Con tàu bắt đầu tăng tốc, tiếng động cơ ù ù, những vạt sóng đập vào thân tàu mỗi lúc mỗi mạnh hơn, sóng có khi ùa lên sàn tàu, làm ướt những người đang ngồi trên sàn.

Nhưng với những người ít khi được ra biển, ít khi được bắt đầu một hành trình dài hướng tới Trường Sa, tất cả những điều đó càng làm thêm phấn khích. Nhanh lên nào, 36h đồng hồ nữa, chúng mình sẽ đến đảo đầu tiên của hành trình đến Trường Sa, đến với đảo Song Tử Tây, đảo xa nhất về phía đông bắc trong cụm đảo Trường Sa. Chào biển Đông, chào vùng biển thân thương của tổ quốc, chúng tôi đang hướng về biển đảo thân yêu!!!

Ngày D+1, tháng M, năm 2010

Tàu cứ mải miết đi, biển rộng mênh mông, bốn bề chỉ có sóng và gió, và đường chân trời cong cong. Tàu như chiếc lá giữa 1 vòng tròn của nước, trên có bầu trời, dưới là những con sóng đang nô đùa. Tháng 3 âm lịch, biển lặng. Ra ngoài khơi xa, dù gió có lồng lộng thổi, thì sóng vẫn chỉ hơi gợn lên, nếu so sánh, thì giống sóng nước Hồ Tây. Đó là bởi tháng Ba âm lịch, chứ chưa ai dám đùa với sóng nước của biển Đông, vốn nổi tiếng nhiều bão tố. Thuyền đi trên biển xa ngàn dặm, mà vẫn êm đềm. Chẳng có nhiều việc để làm trên tàu, không TV, không đài phát thanh, không sóng điện thoại, chiếc điện thoại trở thành phương tiện để nghe nhạc.

Cắm headphone, chụp tai nghe vào tai, chọn một chiếc võng trong bóng râm, hoặc một chiếc ghế nhựa, chọn một chỗ ngồi cao trên tầng 2, tầng 3 của tàu, hoặc là sát mạn tàu, nghe những giai điệu quen thuộc, và ngắm nhìn sóng biển. Những con sóng tỏa ra từ mũi tàu, lan ra xa, gặp những con sóng nhỏ đang xô vào, sóng gặp sóng, tung lên thành những hạt nước li ti, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Có cảm giác như sóng đang đùa theo chúng tôi, đang tinh nghịch trong những phút giây hiền lành của trẻ nhỏ, trong những khoảng thời gian yên bình lúc giao mùa.

Và biển thì xanh ngăn ngắt, xanh như màu mực Cửu Long, trong suốt và yên bình. Chúng tôi ngắm mãi màu nước của biển, màu bạc của bình minh, màu xanh của buổi trưa, và màu hồng của khi chạng vạng hoàng hôn. Trên boong tàu, chúng tôi ngắm nhìn những hình ảnh kỳ diệu của bầu trời trên biển - ngắm mặt trời lên, ngắm những dải mây đủ màu, ngắm sắc trời xanh ngằn ngặt, ngắm mặt trời mọc lên và chìm xuống ở phía đường chân trời.

Đêm trên biển, những đêm sao mọc lưa thưa trên màu đen thăm thẳm của bầu trời, sao như xà xuống, vì mặt biển cũng hòa lẫn với trời, tưởng như không còn ranh giới giữa trời và đất.

Trong màn đêm bao la ấy, chỉ có những ánh sáng xanh của những ngôi sao, những dải mở mờ của đám tinh vân cuối đường chân trời, ánh sáng của những con tàu trên biển mà chúng tôi nhìn thấy xa xôi, của những hòn đảo nổi, đảo chìm chúng tôi không biết tên và vị trí. Với chiếc headphone bọc vào tai, với những bản nhạc quen thuộc trong chiếc điện thoại, với vị trí ngồi ven mạn thuyền, tôi đã đi qua ngày và đêm, đi giữa trời và nước, giữa nắng và gió biển Đông.

Ngày D+2, đảo Song Tử Tây.

Sớm, 5 giờ sáng, loa thông báo trong khoang, tàu đến đảo Song Tử Tây. Chúng tôi háo hức lên boong, nhìn về chân trời xa, một vệt đảo mờ mờ. Cảm giác háo hức và hồi hộp, như khi đi mãi trên đường chợt tìm được một bóng người, một chỗ nghỉ chân. Và còn hơn thế nữa, đảo Song Tử Tây, đảo xa nhất trong số các cụm đảo phía Bắc của quần đào Trường Sa, điểm đến đầu tiên của chúng tôi, nỗi mong mỏi của chúng tôi sau 2 đêm 1 ngày lênh đênh trên biển cả.

Cách đất liền chừng gần 320 hải lý, đảo Song Tử Tây gần với Phi lip pin hơn là Việt Nam, đây cũng là một trong những đảo lớn và đẹp nhất của chúng ta trên quần đảo Trường Sa. Vài thông tin cơ bản: Đảo Song Tử Tây nằm ở cực bắc quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh 318 hải lý, có diện tích chừng 0,17km2, có ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m, có trạm khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, đây là nơi xuất phát của những cơn bão trên Biển Đông.

Hiện đảo đã được nhà nước đầu tư lớn, xây dựng 1 âu tầu có sức chứa lớn, phục vụ bà con ngư dân của ta hoạt động trên vùng biển này. Cùng với âu tàu có 1 trạm dịch vụ sửa chữa nghề cá, cung cấp dầu, nước ngọt cho ngư dân với mức giá như trên đất liền.

Đảo đã cơ bản hoàn thành hệ thống cung cấp năng lượng sạch, như điện gió, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, đảm bảo cung ứng tương đối đủ nhu cầu đơn giản cho sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đang sống trên đảo Song Tử Tây.
6h30 phút, chúng tôi xuống xuồng lên đảo. Nhìn từ xa, đảo Song Tử tây như một thiên đường du lịch, với 1 ngọn hải đăng cao 36m đứng sừng sững giữa đảo, với 1 ngôi chùa kiến trúc khá đẹp, cửa hướng về phía đất liền, với những dãy nhà dân vàng vàng, được xây giống nhau giống như 1 dãy nhà nghỉ của resort nào đó.

Giây phút lên đảo thật gần gũi, khi những người chiến sỹ hải quân và nhân dân trên đảo đứng đón chúng tôi, thân tình và cởi mở. Có cả trẻ em, cả thảy gồm 9 đứa trẻ, có cả đứa được sinh ra trên đảo.

Sau những lễ nghi thường tình của 1 đoàn công tác, chúng tôi có dịp lang thang trên đảo, thăm bệnh xá Song Tử Tây, thăm các hộ gia đình, thăm những người gác đèn biển. Ai cũng hiểu những vất vả của những người giữ đảo...

Chúng tôi leo lên độ cao 37m của ngọn hải đăng, từ vị trí này, có thể quan sát bao quát toàn đảo Song Tử Tây, và cách chừng 1,5 hải lý là đảo Song Tử Đông do Philippin xâm chiếm, cách 3,5 hải lý là đảo Đá Nam, một đảo chìm của ta. Có thể thấy sự quan tâm đầu tư rất lớn của Nhà nước ta cho đảo, giữa một hạ tầng tương đối tốt của đảo ta, so với sự hoang sơ của phía Philippin.


Bên ta, những âu tàu, rồi chùa, rồi trụ sở, trường học, nhà dân, rồi các cơ sở hạ tầng của quân đội, rồi những hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, hệ thống phong điện... tất cả làm cho chúng tôi yên tâm hơn về đời sống ở đây, và cảm thấy yên tâm hơn về chủ quyền biển đảo khu vực Song Tử này.

< Ngay sát gần bên chừng 1,5 hải lý là đảo Song Tử Đông do Philippin chiếm giữ trái phép. Mấy ông hải quân đùa nhau, ngày xưa giải phóng, không đi nhầm có 1,5 hải lý, bây giờ đã là của ta rồi không!
Đảo không có công trình gì đáng kể, hầu như chỉ có cây cối, có khoảng 20 lính canh giữ. Đông và Tây, rất gần nhau, nhưng lại thành rất xa nhau.

< Cách xa Song Tử Tây chừng 3,5 hải lý là đảo Đá Nam, 1 đảo nhỏ nhô lên giữa bãi san hô, khẳng định chủ quyền của chúng ta.

Chuyện vui vui trên đảo Song Tử Tây.

Nếu có ai đó hỏi tôi rằng, bò ở đâu có tinh thần học tập nhất, câu trả lời sẽ là: ở đảo Song Tử Tây.
Song Tử Tây có 1 đàn bò, chừng 9-10 con, con nào cũng cao to lừng lững, cỡ đầu người lớn, dáng đi đường bệ, oai phong, tất nhiên, do điều kiện ngoài đảo xa, đảo thì nhỏ, mỗi chiều 100 - 200 m, bò không có điều kiện đi chơi xa, và tất nhiên, làm gì có đất để trồng cỏ nuôi bò.

Cả đảo có mỗi 1 sân vận động, thì mùa mưa còn có tý cỏ, mùa khô thì trơ đất cát san hô. Nhưng đàn bò vẫn sinh sôi, phát triển, là nguồn thực phẩm tươi quý báu cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta, và vượt lên hoàn cảnh khó khăn, bò Song Tử Tây rất hiếu chữ, âuviệc ham chữ nghĩa cũng là cách để giết thời gian trên hòn đảo nhỏ bé giữa biển khơi này.

Hiếu chữ ở chỗ, cán bộ chiến sỹ ta công tác trên đảo, đi học hoặc huấn luyện, hễ chểnh mảng chút thôi là mất sách vở như bay. Mà thủ phạm, sau nhiều lần điều tra xét hỏi, hóa ra là đàn bò. Rất nhanh, bò thủ tiêu ngay sách vở của bộ đội ta. Để cho chữ nghĩa được nhớ lâu, bò có cách trau dồi độc đáo, đó là chén sạch cả chữ lẫn vở. Cho nên, từ ấy, chiến sỹ ta đi đâu phải giữ kè kè sách vở bên người, nếu không bò sẽ giữ hộ. Hiếu chữ đến độ, quà từ đất liền mang ra đảo, được bọc trong những chiếc thùng các tông, bò cũng chầu chực để được xin quà, bằng chính những vỏ thùng các tông đầy chữ. Chắc nhiều chữ nước ngoài, nên bò cũng có tinh thần tò mò ham hiểu biết hơn, đọc ngốn ngấu.

Do điều kiện trên đảo không có đủ cỏ nuôi bò, trước đây, Bộ Nông nghiệp đã phải tìm cách nuôi bò trên Song Tử Tây bằng một loại thức ăn độc đáo, đó là bìa các tông, tưới ẩm, ủ lên men, bò ăn vào thay rơm, và vẫn phát triển rất tốt. Lâu rồi thành quen, đàn bò trên đảo bây giờ sống chủ yếu bằng nguồn thức ăn chính là bìa và giấy ủ lên men, đâm ra, nhìn thấy giấy tờ sách vở, bò đâm nghiện, ăn riết rồi thành khoái khẩu. Chữ nghĩa vì thế mà cũng vào bụng được dăm ba phần.

Âu đó cũng là một câu chuyện vui nhưng đầy cảm động về sự khó khăn của bộ đội ta trên đảo , trước đây và cả hôm nay, để thấy trong khó khăn, thiếu thốn đủ đường, chúng ta đã sáng tạo, để vượt lên, và sống vẫn đầy lạc quan yêu đời. Những con bò thích sách vở đã trở thành một câu chuyện đầy tự hào của những người lính đảo Song Tử tây.

Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ cuối

Dudu 08
Nguồn từ Phuot.com forum

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc