Thất sơn Châu Đốc

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Châu Đốc là một thị xã trực thuộc tỉnh An Giang, nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, sát biên giới Việt Nam với Campuchia. Châu Đốc có chiều dài lịch sử gắn liền với những câu chuyện ly kỳ về Bà Chúa Xứ Núi Sam (có Lễ hội Bà Chúa Xứ vào khoảng tháng tư âm lịch hằng năm), cũng như những sự kiện trong công cuộc gìn giữ đất nước như huy động sức dân đào kênh thủy lợi, quân sự Vĩnh Tế; chiến đấu trong các thời kỳ Pháp, Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam.

Sau gần bảy giờ trên xe, chúng tôi tới Châu Đốc vào khoảng 4g sáng ngày đầu năm mới 2009 mà không biết mình có là những khách du lịch đầu tiên “xông đất” thị xã. Châu Đốc đón đoàn khách bằng vẻ ngái ngủ của một thị xã biên giới miền Tây với những con đường thắp đèn vàng yên tĩnh.
Thật sung sướng khi được hít thở làn gió mát lành buổi sớm từ sông Hậu, nhất là sau khi đã vượt qua chặng đường thành phố đông nghẹt trong đêm cuối năm để về đến tận nơi này.

Châu Đốc những ngày đầu năm mới thật rực rỡ. Đã bắt đầu vào mùa khô với những ngày nắng dài chói lọi trên sông Hậu. Tết sắp tới, hoa đã tập trung về trên phố. Cờ đỏ treo dọc những con đường lớn trong thị xã và trên khắp những con đường nhỏ trong làng mừng năm mới 2009.

Nhưng Châu Đốc, nơi sinh sống của đồng bào Kinh, Khơme, Chăm và Hoa vốn không cần đợi năm mới để rực rỡ. Bản thân nó và những huyện xung quanh luôn luôn hấp dẫn khách du lịch bởi nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc.

Thăm Châu Đốc lần này, chúng tôi không đi theo lộ trình quen thuộc của du khách với làng cá bè, làng Chăm Đa Phước, Thánh đường Mubarak, cụm di tích núi Sam mà thuê xe máy và chạy xe suốt ngày theo một lịch trình vô định của những khách du nhàn rỗi nhất. Rẽ vào những đường ngang ngõ hẻm, la cà ở những điểm tham quan vắng bóng khách du lịch và dừng lại ăn trưa ở những quán ăn ven đường nơi bọn trẻ con mải nhìn khách lạ quên ăn. Thế mới biết vẻ đẹp mới lạ và rực rỡ của điểm tham quan tưởng như đã vô cùng quen thuộc này.

Ngay ở thị xã, những chiếc xe lôi đạp gợi nên một không khí của những ngày xưa cũ với xe kéo tay. Một chiếc xe đạp lôi chậm chậm đi qua ngôi nhà cũ kỹ, người phụ nữ ngồi trên xe hờ hững nhìn xe cộ đi ngang, không khí ấy khiến người ta tưởng như mình đang xem lại những thước phim Người tình, quay cảnh chợ Lớn nhiều năm về trước.

Sau khi lang thang ở thị xã, ghé ăn mít được đem tới từ những làng Chăm ven thị xã, rất ngọt và giòn, chúng tôi đi dọc đường Bến Đá để thăm làng Chăm Châu Giang. Rồi qua phà Châu Giang chạy ngang sông Hậu, đi theo cung đường “vòng vòng hột vịt lộn” được một bác người Chăm lên giùm, thăm những làng Chăm yên bình của huyện An Phú.

Một ngày nắng đẹp, những dây phơi xung quanh nhà giăng đầy quần áo rực rỡ. Trước sân, người ta phơi cả những dây "tung lò mò” (lạp xưởng bò - một món ăn được yêu thích của người Chăm), trông như những tấm rèm béo ngậy màu đỏ. Bên lề đường phơi đầy củi gáo trắng, củi gáo vàng mới chẻ. Củi khô bó thành từng bó, xếp như hàng rào cạnh nhà.

Đường làng không rộng nhưng rợp bóng cây và rất ít xe cộ qua lại, là nơi trẻ con tụ tập, ăn đá bào pha màu xanh đỏ sặc sỡ. Những xe hàng rong đi lại tấp nập, bán quần áo, đồ gia dụng, trái cây, bún cá lóc đồng nấu với mắm Châu Đốc, các loại bánh: bánh xèo vàng ươm, bánh cam đổ đường thốt nốt trông giống như những trái cam vàng bóng.

Chiều về, cả nhóm vòng trở lại thị xã, đi về phía Nhà Bàng đến cầu Tha La để xem mặt trời lặn trên sông. Ráng chiều vàng lấp lánh dưới những bụi cây trên ruộng ngập nước, những đàn chim bay qua mặt trời. Sau bữa tối sớm, trẻ con và cả người lớn tập trung ngay chân cầu, mang theo chiêng trống, cử nhạc vang lừng ngay trong ánh hoàng hôn.

Qua Nhà Bàng, thị trấn nhỏ một đầu có biển ghi là Nhà Bàng, một đầu ghi... Nhà Bàn; cứ thẳng theo đường 948 là tới vương quốc của cây thốt nốt. Thốt nốt bạt ngàn, soi bóng xuống những thửa ruộng nước, nằm xen kẽ với những đồng lúa đang xanh hay những thửa ruộng đã gặt xong còn lại gốc rạ vàng ruộm. Dưới tán thốt nốt, bò trắng, bò vàng đủng đỉnh nhai rơm. Ven đường thỉnh thoảng lại gặp những ngôi chùa Khơme với vòm mái cong vút và vườn tháp đủ màu rực rỡ.

Đi đâu, chơi gì?

Khoảng cách từ thành phố Hồ Chí Minh đi thị xã Châu Đốc là 245km, nếu chạy xe buýt mất khoảng 6 tiếng.

Cách Thành Phố Long Xuyên khoảng 54km đi về hướng đông theo Quốc lộ 91. Châu Đốc được coi như một địa điểm mua sắm phong phú tại Việt Nam, nơi có những sản phẩm với xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia... Giá cả cạnh tranh một phần vì là hàng miễn thuế.
Từ Châu Đốc vượt khoảng 30km qua xã Khánh Bình, bên kia biên giới chưa đầy 1km, khách có thể đến các sòng bạc (casino).

Các di tích danh thắng của thị xã Châu Đốc gồm

Chùa Tây An

Chùa Tây An còn được gọi Chùa Tây An núi Sam hay Tây An cổ tự, là một ngôi chùa phật giáo tọa lạc tại ngã ba, cận kề chân núi núi Sam (cao 284m so với mặt nước biển), thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, cách thị xã Châu Đốc 5 km.

Chùa Tây An không chỉ là một danh lam để người tin tưởng đến lễ bái, mà còn là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng.


Lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Ðốc, lăng Thoại Ngọc Hầu là một trong số nhiều di tích ở chân núi Sam. Tại đây có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân được xây vào thập niên 30 của thế kỷ 20.

Thoại Ngọc Hầu được triều đình nhà Nguyễn phong tước hầu cử vào khai phá trấn giữ An Giang. Ông đã tập hợp lưu dân hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi về ở các vùng Ông Chưởng (Chợ Mới), Núi Sập (Thoại Sơn), Châu Đốc, Long Xuyên... Ông là người tổ chức đào kênh Thoại Hà (con kênh có bề ngang 20 tầm - chừng 51m, dài 31.744m) và kênh Vĩnh Tế dài hơn 90km.

Đến Núi Sam tham gia lễ hội Vía Bà Chúa Xứ

Núi Sam cao 284m nằm ở vùng đồng bằng, có đường nhựa dài khoảng 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Núi thấp có nhiều đường mòn, nhiều ngả lên xuống, ít cây cổ thụ. Theo truyền thuyết, núi có nhiều linh hiển, nên có nhiều chùa thờ Phật đã dựng lên tại đây gần 2 thế kỷ. Ðồng bào khắp nơi hành hương về đây cúng lễ rất đông. Có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và cả trên đỉnh. Trên đỉnh núi có một pháo đài được xây dựng từ thời Pháp.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Ðốc là một hoạt động tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời. Hàng năm, nơi đây đã thu hút trên 2 triệu lượt khách hành hương.

Chùa Hang

Chùa Hang, tên chữ Phước Điền Tự, tọa lạc nơi triền núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), Châu Đốc; là một danh lam - thắng cảnh của tỉnh An Giang và là một Di tích Lịch sử cấp quốc gia tại Việt Nam. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1840-1845, nằm tách rời với cụm di tích núi Sam trên độ cao hàng trăm mét, ở một nơi thanh tịnh, Phước Điền tự (chùa Hang) được biết đến như là một nơi trang nghiêm cổ kính với nhiều huyền thoại, truyền tụng từ đời này sang đời khác, tạo sức hấp dẫn du khách có tính hiếu kỳ.

Theo Dulich.tuoitre, Chudu24

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc