Hôm qua (22.8.2010) bận việc nhà nên lỡ mất chuyến đi 10 chùa ở Long Thành, Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu và Long Hải, lòng tiếc hùi hụi, chả có dữ liệu gì nạp vô đầu để viết ra cho bà con coi chơi, he he...
Bà xã đi một mình, mới 4 giờ đã dậy rồi lui cui sửa soạn. Đi về trong ngày nên phẻ: khỏi ba lô ba liếc gì ngoài bộ đồ trên người với cái túi nhỏ chứa đồ linh tinh.
Khệ nệ ôm thùng dầu ăn (cúng chùa) bỏ vào hầm xe, khung cảnh lao xao của 50 người xúm xít tìm số nghế ngồi, an vị rồi chào hỏi, bàn tán những điểm sẽ đi trông vui lạ.
Vé xe là 150 ngàn, khởi hành từ 5 giờ và sẽ về nhà khoảng 7 giờ tối, Phật tử thì có dịp khấn cầu cúng bái còn nhà tôi chỉ cốt ý đi tham quan (nhà không phải đạo Phật) và tiện thể ủng hộ một chút trong khả năng của mình.
Bữa hổm tôi có giới thiệu đôi nét về 2 chùa Bún riêu và chùa bánh xèo - chuyến này có ghé hai nơi ấy.
Mèn ơi, đông kinh khủng! Khoảnh sân rộng của 2 chùa này xe đậu xếp lớp, toàn là xe 45, 50 chổ, xe đậu lấn cả ra đường cái. Ấy là chưa kể khách địa phương và mấy trăm công nhân tại khu công nghiệp gần đó có xuất ăn miễn phí hàng ngày.
Nhìn mấy người có tuổi trong đoàn cầm tô... ăn đứng vì hết chổ ngồi, bà xã pó tay chịu thua bèn khệ nệ ôm mấy bình dầu ăn vô trỏng rồi dzọt ra ngoài xe moi giỏ lấy cái bánh tét chay đã mua trước đó sơi tạm! thôi thì "tét" không thịt không mỡ cũng là thứ ăn chay.
Có lẽ theo cái đà này thì cả hai chùa (Tu Viện Phước Hải > chùa Bún riêu - Đại Tòng Lâm tự > chùa bánh xèo) sẽ... vỡ nợ mất với việc phải lo hàng ngàn xuất ăn miễn phí hàng ngày, những phật tử thiện tâm giúp chùa trong việc chế biến, nấu nướng có lẽ phải xoay vần như chong chóng đây! Mong rằng khi bà con xong bữa nên tự rửa chén bát mà mình đã dùng chứ cứ bỏ mặc nhà chùa lo vụ bát dĩa dơ, xếp chồng xếp lớp hàng đống thế kia thì khủng quá!
Chuyến đi này bã xã được đến vài nơi là lạ hoặc nơi đã có sự thay đổi nhiều. Ví dụ như đường lên núi Dinh, trước kia con đường lên núi ngoằn ngoèo này chỉ đến chùa Phật Quang là hết đường. Muốn đến các chùa khác trên ấy hay vào suối Tiên thì phải đi theo các lối mòn hay cắt rừng. Bây giờ đường đã kéo dài đến khu du lịch sinh thái trên đó, nghe nói còn đến tận Long Khánh kia!
Qua khỏi chùa Phật Quang có khoảng trống rộng rãi với bờ đá bao quanh, trên này nhìn bao quát xuống thị xã Bà Rịa, cảnh vật đẹp lắm.
Riêng Suối Tiên thì có nhiều thanh niên đèo nhau bằng xe gắn máy vào chơi, họ đem theo cả thức ăn cho buổi trưa. Chắc cảnh đẹp nhưng chưa có hàng quán gì > hoang sơ vẫn hơn hàng quán, rác rưởi ngập tràn.
À. vào Suối Tiên thì phải gởi xe rồi đi bộ xuống nhé, lô ca chân chừng 2Km theo lối mòn.
Vũng Tàu Long Hải thì bà xã đã đi nhiều lần nên chuyến này đón xe ôm (a ha, dành khám phá trước cả tôi á!) theo con đường 44 cắt qua rừng cây Đỗ Quyên (hoa cây này khá giống hoa Anh đào) đến ngã 3 núi Minh Đạm. Sau khi điều nghiên con đường lên núi (chắc dành cho chuyến sau) thì trực chỉ Phước Hải.
Đường 44 chạy theo bờ biển, trước kia rất nhiều đoạn hoang sơ với bờ cát sóng biển ì ầm nay mọc lên đầy nhà nghỉ, resort khách sạn... như có phép mầu của thần đèn! Múa một nhát là bê tông gạch mái mọc lên ì xèo, chắc sau này khách du lịch bụi, túi nhẹ tiền sẽ vất vả tìm cảnh bãi biển thiên nhiên đây.
Phước Hải không giống lắm với bản đồ, bãi tắm dù Chủ nhật nhưng không đông. Xem ra được đấy, tụi tôi sợ lắm cái cảnh người chen chút nhau, loi ngoi trong cái hồ tắm khổng lồ của thượng đế ban tặng.
15 phút tham quan sơ chợ Phước Hải rồi nhảy lên xe ôm quay về, thành quả đạt mỹ mãn vì mua được hai cái... bắp chuối! Chắc cái món này khó tìm thấy ở Sài gòn, ha ha...
Đường về xe ghé chùa Bồng Lai, Thiền viện Thường Chiếu. Do mình không đi nên đành mượn tạm chút thông tin trên net để nói về nơi này vậy.
Trở về nhà, hai cái đầu lại túm tụm bàn kế hoạch cho chuyến sau, xem như chuyến này là điều nghiên trước lộ trình. Xin chờ đó, hi hi...
Điền Gia Dũng
---------- oOo -----------
Thiền viện Thường Chiếu toạ lạc giữa cây số 76 – 77 Quốc lộ 51, cách Tp. Biên Hoà khoảng 44 km, và cách trung tâm thị trấn Long Thành 14 km (xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Thiền viện mang tên một vị Thiền sư Việt Nam nổi tiếng vào đời Lý (thế kỷ XII). Môn phong của Sư được các thế hệ sau phát triển rực rỡ và chuyển tiếp thành dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Danh Sư vì thế đã trở thành danh xưng của thiền viện Thường Chiếu non một thế kỷ sau.
Đi qua cổng tam quan, du khách sẽ thấy một khuôn viên sân chùa lộng gió với rất nhiều cây cảnh tạo nên một không gian vừa thanh thoát, tao nhã, vừa uy nghi, trang nghiêm.
Trước bãi giữ xe rộng rãi với tảng đá cao hơn đầu người có khắc chữ to: “Bãi đậu xe” và nhiều "thạch bảng" khác, bà xã tôi ấn tương với mấy phiến đá lớn này lắm. Do mình không đi nên đành mượn tạm chút thông tin trên net để nói về nơi này vậy.
Du khách vào thăm Thiền viện đi trên con đường dài trải đá thẳng tắp, xung quanh là khu vườn điều cổ thụ xanh um toả bóng mát, nghe thỏang đâu đây tiếng chim hót líu lo trong khu Thiền viện đầy yên tĩnh. Nội thất chánh điện rộng rãi, thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, con người.
Điện thờ Phật đơn giản mà trang nghiêm, chỉ thờ duy nhất Đức Bổn sư Thích ca Mầu ni, tay cầm bông sen, biểu trưng niêm hoa vi tiếu, hai bên có cặp độc bình bằng gốm cẩn xà cừ cao 3,5m. Toàn bộ cửa ra vào và cửa sổ đều làm bằng gỗ quý chạm lộng các đề tài: tứ linh, hoa lá…
Trước Chánh điện có lầu chuông và lầu trống, tả hữu có các công trình: Tăng đường, thư viện, Tông môn tàng thư – nơi lưu giữ nhiều bộ sách quý của Hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và biên soạn. Phía sau Chánh điện là Tổ Đình trang nghiêm tráng lệ, rồi đến trai đường; khu Thiền viện còn có nhà khách, Tăng thất, khu Thiền thất, bệnh xá, nhà trù…
Ngoài ra, khu nội viện, khu ngoại viện cũng đã được mở rộng để cho Tăng, Ni lớn tuổi nương về tu tập, số Thiền thất lên đến 200 ngôi.
Hằng năm, vào những ngày hội lớn của Phật giáo, đặc biệt là vào ngày giỗ Tổ 19 – 20 tháng 12 âm lịch, Thiền viện vinh dự đón hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử từ khắp nơi về dự lễ trong những bộ cà sa sang trọng, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều.
Nguồn tổng hợp từ internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét