APACHAI, chinh phục cực tây tổ quốc

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

A Pa Chải từ lâu đã được giới yêu thích khám phá những cung đường Việt Nam đặt là một điểm đến thú vị và khó chinh phục nhất, nơi mà gà gáy một tiếng, cả ba nước đều nghe.

Điểm này nằm trên đỉnh Khoang La San, cách bản Tá Miếu - bản cuối cùng về phía tây của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên 6 km đường rừng, khoảng hơn 4 giờ đi bộ do đường đi lại còn rất hoang sơ, khó khăn và nguy hiểm. Cột mốc biên giới được xây bằng đá hoa cương có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy ba quốc gia Việt Nam, Lào và Trung Quốc.

Mốc APACHẢI là cột mốc đầu tiên (không số) nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Mốc nặng 8 tấn cả phân đế, cao 1,8 mét và đuợc làm bằng đá hoa cương. Cột mốc có 3 mặt hướng về 3 quốc gia. Ở mỗi mặt quay về quốc gia nào là đánh dầu địa phận của quốc gia đó. Mốc nằm trên đỉnh núi cao 1824 mét so với mực nước biển. Phần Việt Nam thuôc huyện APACHẢI - TP.Điện Biên, phần bên Lào thuộc huyện Phong Sa Lỳ, phần Trung Quốc thuộc tỉnh Vân Nam và là cột mốc đẹp nhất Đông Dương.

A pa chải, cái tên có lẽ không nhiều người biết. Hỏi thử bạn bè, đồng nghiệp, 10 người thì 9 người nói chẳng biết đó là cái gì. Tuy nhiên, đối với người thích khám phá thì A pa chải là cái tên luôn vẫy gọi. Có 4 điểm đến mà dân du lịch, hay gọi là dân “phượt” luôn muốn chinh phục, đó là Lũng Cú, mũi Cà Mau, mũi Đôi và mốc 0 - A pa chải. Cà Mau thì đi rồi, nên quyết định đi điểm A pa chải, tranh thủ dự hội thảo trên Điện Biên. Rủ anh em đồng nghiệp nhưng không ai muốn đi cả, cuối cùng thì một anh đồng nghiệp nhận lời tham gia cùng.

Hê hê, tranh thủ xếp quần áo, lá cờ tổ quốc, đôi giày thể thao và một số vật dụng khác để lên đường tiến lên Điện Biên. Dự hội thảo xong, hai a em lên đường từ 5h sáng, đi xe của bệnh viện tỉnh, một chiếc Land Cruiser đời 90, hơi xâu một chút, nhưng dã chiến và đã quen thuộc với những con đường của vùng Tây Bắc khắc nghiệt “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”, đón một đ/c người y tế tỉnh dẫn đường. Mặc dù lên Tây Bắc nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên anh em đi một chặng đường xa và khó gặm đến vậy.

Đèo Cò Chạy xuất hiện khi vừa ra khỏi thành phố Điện Biên, còn đèo này thì đã quá quen thuộc rồi, gần 7h sáng thì xe đến Mường Chà, huyện miền núi mà trước đây là huyện Mường Lay cũ. Tranh thủ ăn sáng, lấy sức lên đường cho một ngày dài. Vượt qua cầu Mường Lay qua một con dốc cao, lần lượt qua các xã Ma Thì Hồ, Si Sa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa của huyện Mường Chà, đường đi thấy rừng núi Tây Bắc bị tàn phá, toàn những đồi núi trọc, những đồi cỏ khô bị đốt phục vụ chăn thả gia súc của đồng bào.

Qua Chà Nưa thì bắt đầu vào Chà Cang, địa đầu của huyện Mường Nhé, huyện Cực Tây của đất nước và cũng là huyện xa nhất của tỉnh Điện Biên. Lần lượt qua Pa Tần, Quảng Lâm, Nậm Kè, Mường Tong, đường xấu, đoạn cấp phối, đoạn rải nhựa, nhưng bị băm nát, đoạn đường đất bụi mù, xe liên tục vặn phải, vặn trái vì đường quanh co liên tục. Bắt đầu vào xã Mường Nhé và trung tâm huyện Mường Nhé thì đường tốt hơn, rải nhựa phẳng lỳ, không biết có duy trì qua mùa mưa tới không vì sát đường luôn là những núi đất dựng đứng, luôn luôn chờ đổ sụp bất kì lúc nào.

Đến trung tâm huyện Mường Nhé thì đã 11h30 trưa, đ/c cán bộ người Thái và một số cán bộ trẻ của y tế Mường Nhé đã chờ sẵn, tay bắt mặt mừng, nhìn người quen quen, thì ra là đã gặp nhau từ những năm 2001 khi đó chưa thành lập Mường Nhé và đ/c cán bộ đang làm tại y tế huyện Mường Lay cũ. “Đi đến mốc 3 thôi nhé”, đ/c lãnh đạo trung tâm nói. Hỏi cán bộ địa phương đã đi mốc 0 chưa, chưa ai di cả, hihi, hóa ra dân Hà Nội là hăng hái và nhiệt tình lên mốc 0 hơn cả. Giải thích một lúc, cả đoàn thống nhất cùng lên A pa chải trước đã, còn đi đến đâu thì lên đó hẵng hay.

Bắt đầu con đường đau khổ và khó khăn nhất qua xã Chung Chải hướng tới Sín Thầu, đường bụi mù, dốc lên dốc xuống, bụi cuộn trước xe, sau xe, phải xe, trái xe. Đã thế chiến mã Land Cruiser cũ từ những năm 90 không điều hòa, cửa sổ và cửa xe ko kín nên bụi chui vào trong xe, bám lên quần áo, hành lý. Hehe, có thế mới biết gian khổ của dân miền ngược chứ, ko sao, xe ta cứ đi. Qua 3 con suối với những tảng đá to bự, mùa này thì xe 2 cầu qua ngon lành, chứ mùa mưa thì cũng con suối này có lẽ cuốn phăng cả xe tải đi chứ là tới Tả Kho Khừ, trung tâm của xã Sín Thầu.

Cả đoàn ghé thăm trạm y tế xã Sín Thầu, cả trạm có 6 cán bộ, nhà cửa khang trang vì mới được đầu tư xong, nhưng trang thiết bị thì chưa có gì, duy nhất 1 chiếc bàn đẻ đã cũ rỉ. Người dân ở đây chủ yếu đẻ tại nhà, chưa có thói quen đến cơ sở y tế. Cũng may là các chị các mẹ vận động nhiều nên đẻ dễ . Sắp tới, trạm sẽ được đầu tư nâng cấp về trang thiết bị, con người, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tiếp tục hành trình, chúng tôi qua nhà đ/c trưởng trạm y tế xã xin dấu công lệnh đi đường, hihi, làm kỹ niệm chuyến đi đến xã cực Tây đất nước, sau đó vượt suối, theo con đường đất đỏ bụi mù, đang được san ủi, chừng 30&39; là tới đồn biên phòng 317.

Nhờ sự giới thiệu nhiệt tình của bác giám đốc trung tâm y tế Mường Nhé, sau một hồi "bàn lùi" của đ/c lãnh đạo đồn, cuối cùng anh em cũng được chấp nhận ở lại đồn qua đêm, sáng hôm sau lên đường tới mốc 0. Tranh thủ buổi chiều anh em đoàn ra thăm mốc 3 ngay gần cửa khẩu A pa chải, hihi, đã thấy xúc động và tự hào được đến cực tây rồi. Buổi chiều lang thang quanh đồn xem sinh hoạt các d/c biên phòng như thế nào. Vườn rau rộng, đủ các loại xu hào, bắp cải, cũng tạm đủ chất rau xanh cho cán bộ chiến sĩ. Cả ao cá, chăn nuôi, túm lại là mô hình VAC. Buổi tối thì khỏi nói rồi, vui hết cỡ, không ngờ lên đây vẫn có đặc sản RTC, hát hò, say quá.Sáng hôm sau 4h30 sáng đã tỉnh dậy rồi, ra ngoài sân thấy yên tĩnh quá, lại vào chăn chợp mắt tí nữa, thế là 6.30, anh em ăn cơm sáng đầy đủ chuẩn bị cho chuyến đi bộ leo đồi, leo núi.

Đúng 7h30, đoàn xuất phát từ đồn biên phòng 317, 5 chiến sĩ. 2 hà nội, 1 điện biên phủ, 2 chiến sĩ biên phòng. Nhóm đi ngang qua bản Tá Miếu, bản cực tây mới tách ra từ bản A pa chải năm 2005. Đường lên mốc số 0 có thể chia làm 4 chắng: chặng 1 là đi bộ đường bằng qua những ngọn đồi thấp, chặng 2 là leo vượt qua đồi dốc cỏ gianh cạnh sắc lẹm, chặng 3 là xuyên qua đồi cây bụi và hoa dại, chặng 4 là xuyên qua rừng già, đầy những cây giây leo chằng chịt, những cây cổ thụ. Càng lên cao, đồi núi càng dốc và khó đi, những bước chân ngày càng nặng nề, nhưng đã xác định lên đây là phải đến được mốc 0.

< - Đích đến là đỉnh núi đang phủ trong mây kia ư ? - Không, còn nhiều ngọn núi khác phía sau nó nữa!

Hết 4 đồi cỏ gianh, rừng già đại ngàn mở ra trước mắt chúng tôi một bức tường xanh rậm rì phía trước, nhìn về phía dưới xa tít là bản làng nâu nâu chìm trong thung lũng xanh mướt. Lúc bắt đầu vào rừng già, cảnh quan thay đổi làm chúng tôi thêm phần phấn chấn hơn, quên bớt mệt nhọc. Có đoạn dốc đứng, có đoạn thoai thoải, lại có đoạn đi qua suối nhỏ róc rách tựa như tiếng nhạc rừng.

Cuối cùng thì sau hơn 3h leo núi vô cùng mệt nhọc, nhóm đã lên tới mốc số 0 lúc 11h05 phút. Cũng phải nói thêm một chút thông tin về mốc 0 (theo báo Tuổi trẻ). Mốc 0 nằm ở kinh độ:102 độ 09’00”Đ - vĩ độ: 22 độ 23’53”B. Điểm này nằm trên đỉnh núi Khoang La San là ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc được các bên thống nhất cắm mốc vào ngày 27-6-2005. Cột mốc đẹp nhất Đông Dương này được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông mỗi cạnh dài 5m. Cột mốc hình lăng trụ, cao 2m tính từ chân đế ba cạnh, có ba mặt được viết bằng chữ quốc ngữ và khắc quốc huy của từng nước.

Hạnh phúc và tự hào vô cùng được đứng trên điểm địa đầu Tổ quốc, anh em "ôm" lấy cột mốc, chụp ảnh lia lịa. lúc thì sang trung quốc, lúc thì về Việt Nam, lúc thì sang Lào. Sướng thật, đi Tây liên tục . Dùng tạm bữa trưa tại cột mốc 0, cơm và thịt hộp do anh em đồn chuẩn bị sẵn, đũa vót tại chỗ là cây rừng, chợp mắt một lúc, mấy khi được ngủ tại đây đây, đúng 12h30 anh em xuống núi, xuống thì nhanh hơn lên, nhưng cũng không hề đơn giản vì độ dốc quá lớn, phanh hãm liên tục. Cuối cùng thì cũng về đến đồn biên phòng 317, chào tạm biệt các chiến sĩ, anh em trở lại Mường Nhé lúc 7h tối. Chân đau ê ẩm, ngón chân phồng rộp, xuống cầu thang không nổi. Tối ăn tại nhà bác GĐ TTYT Mường Nhé, lại một trận ra trò, nhưng phải đầu hàng sớm vì quá mệt.

Tổng thời gian cho chuyến đi từ Điện Biên-Apachai-Hà Nội mất 3 ngày. Hoàn thành một chuyến đi lịch sử, biết thế nào là leo núi vùng cao, biết một phần khó khăn của đồng bào dân tộc, biết được sự xa xôi của miền biên giới, thêm yêu đất nước, yêu quê hương . Tạm biệt 317, Tá Miếu, Apchai, Ta Kho Khu, Mường Toong, Pa Tần, Sin Thau, Chà Cang, Chà Nưa, Ma Thì Hồ, Mường Chà, hẹn ngày gặp lại.

Apachai 15/3, Hanoi 22/3
DD THIEN MOH
-----------oOo-------------

Lưu ý:

- Để lên được cột mốc, cần vượt qua 18km (đi + về = 36km) leo núi và đường rừng hết sức khó khăn. cần phải chuẩn bị tốt thể lực và trang bị đầy đủ: đồ ăn, nước uống...
- Tính từ APaChai ra đến điểm gần nhất bắt được sóng Viettel là ~70km. Vì vậy: ĐTDĐ của bạn không thể hoạt động khi không có sóng.
- Nếu bạn đi xe gắn máy thì phải mang theo xăng dự trữ, cả ruột xe, đồ nghề sửa xe, bình xịt dầu RP7 (đề phòng máy ngập nước)... rất lỉnh kỉnh nhưng đó sẽ là cứu tinh khi con xe trục trặc giữa đường rừng bạt ngàn.
- Nhất thiết phải thông qua đồn biên phòng 317 để có chổ nghỉ và có người hướng dẫn kiêm nhiệm vụ mở đường, điều tiết hành trình. Phải đi và về khi trời còn sáng, nếu đêm xuống sẽ rất dễ bị lạc trong rừng sâu với muôn vàn nguy hiểm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc