Cà Mau là một vùng đất trẻ, bởi chỉ mới được khai phá từ những thập niên cuối thế kỷ 18.
Mảnh đất này được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho những điều kiện mà nhiều nơi khác không có được: Ba mặt tiếp giáp biển và một hệ thống sông rạch chằng chịt. Chợ nổi Cà Mau như là sự giao hòa của con người và thiên nhiên ở miền sông nước hữu tình này.
Cà Mau có khá nhiều chợ nổi nhưng có hai chợ được xếp loại là chợ nổi phường 8, trên sông Gành Hào, Cà Mau và chợ nổi Thới Bình, tại ngã ba sông Trẹm - Chắc Băng, huyện Thới Bình.
So với những chợ nổi mua bán trên sông nổi tiếng miền Tây Nam Bộ như: Cái Răng, Phụng Hiệp - Ngã Bảy, Phong Điền (Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang)… thì chợ nổi ở Cà Mau hãy còn “thua chị, kém em” về quy mô, cơ sở hạ tầng, số lượng ghe xuồng neo đậu trao đổi, mua bán hàng hóa.
Chợ nổi nhóm họp, buôn bán trên sông mang tính tự phát. Sản phẩm trao đổi mua bán chủ yếu là các loại hàng nông sản thực phẩm, trái cây, hoa màu… sản xuất tại địa phương, các vùng lân cận chuyển tới phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ hoặc đưa đi tiêu thụ tại các chợ huyện, xã…
Theo đó, nào là bắp cải, khoai lang, bầu, bí, sắn, quýt, cam… treo lủng lẳng trên mui ghe để giới thiệu, mời gọi khách mua hàng. Trong khu vực ĐBSCL có không ít chợ nổi vừa là đầu mối buôn bán sỉ hàng nông sản thực phẩm, vừa là điểm tập kết xuất khẩu trái cây.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, ngày thường tại chợ nổi phường 8 có trên dưới 200 phương tiện ghe, tàu neo đậu mua bán, trao đổi hàng hóa. Phần lớn ghe có trọng tải từ 2 - 2,5 tấn, chuyên chở, mua bán nhiều mặt hàng như: dưa cải, củ cải muối, bắp, khoai, bí bầu…
Đi chợ nổi Cà Mau những ngày sắp Tết này thật lắm chuyện buồn, vui, hàng trăm ghe tàu vận chuyển, mua bán hàng hóa neo đậu tấp nập, ken đặc cả một khúc sông. Người mua, kẻ bán rộn ràng, nhộn nhịp. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những chiếc ghe dưa hấu từ miệt vườn Long An, Cần Thơ chuyển xuống; nhiều chiếc khác trên mui chở đầy hoa, kiểng đủ màu tươi tắn từ Sa Đéc - Đồng Tháp, Cái Mơn - Bến Tre đến góp mặt cho chợ Tết Cà Mau thêm xôm tụ…
Trong vai người mua hàng, chúng tôi ghé vào ghe hàng của ông Nguyễn Văn Thuận, quê ở miệt Ba Tri, tỉnh Bến Tre, ông sống nghề sông nước gần 30 năm. Trong cuộc trò chuyện, ông Thuận nhớ lại: "Cuộc đời thương hồ nay đây, mai đó của tôi gần 30 năm qua. Tôi không biết mình đã đi bao nhiêu dòng nước sông, con rạch, ghé buôn bán hàng ở những chợ nào, nhưng có thể nói rằng, sông nước ĐBSCL này tôi rành rọt từng ngõ ngách, thuộc từng tên chợ như nằm trong lòng bàn tay".
Đời thương hồ của họ là vậy, hợp tan theo con nước vơi đầy, theo từng buổi chợ đông, chiều muộn. Họ buôn bán trên sông riết rồi quen, trở thành nghề nhưng cực khổ, vất vả. Nồi cơm, nồi canh nhiều khi nấu chín, chưa kịp ăn đã bị đổ sạch do bị sóng đánh mạnh làm chiếc ghe lắc lư. Đêm đến, ngủ không trọn giấc, gặp khi mưa to, giông, gió lớn thì không sao nhắm mắt được, lòng phập phồng lo sợ, mong gió, mưa sớm tạnh, mong trời mau sáng. Nghe chuyện đời sông nước của ông Thuận, tôi biết thêm chuyện tình duyên của đôi vợ chồng ấy gắn kết với sông nước lênh đênh. Rằng ông bà phải lòng, gá nghĩa nhau khi cả hai cùng neo đậu ghe ở chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ) chờ mua trái cây chuyển về Cà Mau bán.
Vợ ông Thuận vốn quê miệt vườn Cần Thơ, nhưng "không một cục đất chọi chim”, sống bằng nghề buôn bán trên sông - cái nghề đối với bà là cha truyền, con nối. Bà kể: "Hồi nhỏ theo ông nội đi ghe tứ xứ, khi thì ở Châu Đốc, Long Xuyên rồi về Cao Lãnh, Sa Đéc, Chợ Lách, Bến Tre, đi qua Vĩnh Long, đáo về Cần Thơ, xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Dù đậu ghe ở bất cứ nơi đâu, nhưng hôm nào thấy ông lên chợ mua lỉnh kỉnh thức ăn về nấu nướng, sau đó bày ra cúng và mời bạn ghe xung quanh cùng lai rai thì mới hay ông cúng giỗ ông bà, tổ tiên.
“Rồi khi năm hết,Tết đến, vào chiều ba mươi, ông tôi đều nấu mâm cơm, canh bày ra sạp ghe cúng ông bà về ăn Tết với cháu con. Tôi không nhớ hết đã cùng ông nội đón giao thừa mừng năm mới bao nhiêu lần nơi cửa sông, bến nước. Và qua Tết, năm nào cũng vậy, ông đều chọn ngày mùng chín tháng giêng làm ngày xuất hành, tiếp tục bắt tay vào công việc làm ăn với niềm tin sang năm mới mua may, bán đắt, gặp nhiều điều hên. Đến bây giờ, dù cuộc sống còn khổ cực, vất vả, khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn giữ gìn nền nếp gia phong ấy”.
Nhiều “hộ ghe hàng” đang neo đậu tại chợ nổi phường 8 đều gặp nhau ở cái chữ “nghèo” nên phải chọn nghề buôn bán trên sông nước làm kế mưu sinh, bươn chải trong cuộc sống. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một quê hương nhưng khi gặp nhau ở một chợ, neo đậu ghe cùng khúc sông thì họ sống với trách nhiệm cộng đồng rất cao. Họ kết nghĩa anh em bầu bạn, tri âm, tri kỷ và không ít người kết nghĩa thông gia, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn. Hèn gì mà cha ông ta ngày xưa đã nói: “Bớ chiếc ghe sau chèo mau tôi đợi. Khúc sông này bờ bụi khó qua”.
Ngoài sự cần cù, chịu thương, chịu khó và phải biết nhẫn nhục còn đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, nhất là qua từng buổi chợ, ở từng nơi đều phải biết tích lũy kinh nghiệm sống. Tuy vậy, họ tin vào hên - xui, may - rủi, tin vào “Bà Cậu” trên sông trong mua bán. Họ quan niệm đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, mua nhanh - bán nhanh, mua may - bán đắt nên khi mua hàng xuống ghe bao giờ họ cũng vui vẻ ra mặt, nhanh nhẹn trong từng động tác. Và, cứ mỗi buổi chợ sáng ra, họ cúng vái Bà Cậu cầu mong gặp người mở hàng “đắt”. Để lấy may mắn lúc mở hàng, người bán thường rao sát giá mặt hàng nhưng cũng không bán liền mà chờ người mua mặc cả một, hai lời để họ nài thêm đôi ba câu. Khi thuận mua, vừa bán thì họ tạm yên lòng vì đã tìm được người mở hàng may, hy vọng buổi chợ ấy bán được.
Tương lai chợ nổi ở đây ra sao? Theo giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Cà Mau cho biết: “Tỉnh đang tích cực đầu tư quy hoạch chợ nổi trên sông nhằm giải tỏa chợ nổi tự phát hiện nay, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho người dân buôn bán ổn định trên sông lâu dài, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Hình thành điểm tham quan du lịch chợ nổi trên sông, đây là cảnh quan đặc thù của một đô thị vùng sông nước.” Theo đó, khu vực chợ nổi này quy hoạch đầu tư xây dựng trên sông Gành Hào, phường 7, TP Cà Mau với quy mô diện tích gần 11,5ha, gồm nhiều phân khu chức năng.
Ngày xuân đi chợ nổi là về với một vùng sông nước thanh bình, sống lại với nền văn hóa sông nước sôi động mà sâu lắng. Chắc chắn một điều, nét văn hóa của chợ nổi sẽ còn sống mãi với nền kinh tế nông nghiệp.
Mai đây, cho dù chợ trên bờ quy hoạch với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp; những siêu thị mọc lên theo xu thế phát triển của thời đại văn minh, hiện đại đến đâu đi nữa thì chợ nổi vẫn tồn tại, phát triển như một yếu tố văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân cư vùng sông nước Cà Mau nói riêng và vùng đồng bằng Nam Bộ nói chung.
Bao giờ sông cạn nước thì chợ nổi mới không tồn tại. Có lẽ đây là một triết lý sống của những người mà qua nhiều thế hệ, gia đình họ chuyên sống bằng nghề mua bán trên sông.
Dân Trí + internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét