Đến những nơi không ai đến, núi cao, thung sâu bằng những chuyến đi “hành xác” mệt lử cả người mới thực là tận hưởng. Với chúng tôi, một đôi tháng không được đi “hành xác” một lần sẽ thấy trong người bứt rứt lắm. Chuyến đi về hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội chừng 300 cây số vừa thoả mãn thú “hành xác” ấy, vừa đủ xa để thoả nghiền... bệnh nhớ mặt đường
Kế hoạch đi Bắc Kạn của chúng tôi hoàn toàn ngẫu hứng, nhưng phương tiện được lựa chọn số 1 vẫn là xe máy. Cơ động. Tiện lợi. Có thể dừng lại bất cứ lúc nào để chụp ảnh hay chỉ đơn giản là ngắm một thời khắc đẹp nao lòng khó đến nhiều lần trong đời... Những chiếc ba lô được lèn tối đa cho chuyến đi bụi, được chằng buộc kỹ càng. Đối với những người ưa thích lượt phượt trên lưng xe máy, luôn có một vài thứ không thể thiếu, nhưng đối với riêng tôi, đó là bản đồ và một cái ba lô chắc chắn.
Khởi hành lúc 8g sáng, thẳng tiến Quốc lộ 3. Chạy khoảng 2 tiếng thì tới Thái Nguyên. Nghỉ chân một chút nào! Ngồi ngay giữa trung tâm thành phố uống nước mía, ngắm người qua lại nhộn nhịp trên phố. Bấm đồng hồ, chúng tôi quyết định chạy ngược lại một chút vào hồ Núi Cốc. Hồ vẫn thế, vẫn đẹp như chuyện tình nàng Công chàng Cốc.
Ngắm nghía chán chê, chúng tôi lại lao ra ngoài phố, ăn trưa và lên đường đi Bắc Kạn... Đến Bắc Kạn vào khoảng 4g chiều, lại dừng lại nghỉ một chút cho lại sức. Tỉnh lỵ đều có một cái vẻ nào đó giống nhau.
Những khối nhà, những con đường vuông chằn chặn, thẳng tắp, cắt ngang cắt dọc, những dải phân cách lớn với những hàng cây trồng ở giữa, đìu hiu nhưng xa lạ. Nó mang lại cảm giác cô đơn và trống trải... Những con phố xa lạ, những gương mặt xa lạ...
Chiều xuống dần, mặt trời dần dần lặn sau núi. Nhưng ánh nắng cuối ngày vẫn còn vương lại rất lâu. Dãy núi thẫm đen lẫn trong sương chiều. Hoàng hôn ở núi khác hẳn ở biển, nó không xuống một cách chậm rãi, từ tốn và yên lành mà cho dù mặt trời đã lặn từ rất lâu, thì ánh nắng vẫn cứ ở đâu đó rất lâu, rất sâu, sau những tầng mây, dãy núi, trong đáy mắt của những người đi đường...
Chúng tôi về đến ngã ba đường rẽ vào Ba Bể thì trời đã tối, mưa lắc rắc rơi... Cũng còn đến 50 cây số nữa thì mới đến nơi. Lọ mọ lần đi trong bóng tối. Đường vào Ba Bể lần này có vẻ hiền lành, không khiến ai cảm thấy lo lắng. Có người còn hát lên khe khẽ suốt đường đi...
Đi một lúc thì bắt đầu thấy trong gió có hơi nước, rồi thấy hiện lên trước mặt là cổng chính của Vườn quốc gia Ba Bể. Thu xếp được chỗ nghỉ xong xuôi thì cũng đã hơn 10g, khoác áo ra ngoài đi dạo. Đêm mịt mùng, chỉ có vài ánh đèn hắt ra yếu ớt. Lành lạnh, man mát, đêm khuya thanh vắng khiến đầu óc nhẹ bẫng…
... 8g sáng hôm sau, ánh nắng bắt đầu lọt qua khe cửa, chuông báo thức réo rầm rĩ. Từ chỗ nghỉ đi khoảng 2 cây số nữa là ra đến hồ rồi. Hồ Ba Bể rộng mênh mông, và rất sạch. Chúng tôi thuê một chiếc thuyền khá lớn với giá 300 ngàn. Anh lái thuyền là người Tày, rất hiền, nổ máy đưa chúng tôi đi thăm hồ.
Ở đây, bướm nhiều kinh khủng. Bướm trắng nho nhỏ cứ nối nhau bay thành một hàng dài quanh những ngọn núi đá nhô lên giữa hồ. Ba Bể giống như một Hạ Long hay Cát Bà thu nhỏ, có điều trên những núi đá vôi, cây cối mọc nhiều và dày, thỉnh thoảng lại xen vào một tàn lá vàng rực hay đỏ chói.
Khung cảnh đẹp theo một kiểu khác với sự hoành tráng của Hạ Long. Có những chỗ nước nông, một đàn trâu lội qua đó, thoả thuê tắm táp. Đôi lúc, gặp một chiếc thuyền độc mộc lướt đi giữa hồ, hay một chiếc thuyền nhỏ thả neo bên vách núi của ngư dân...
Thuyền cứ đi thế, cho đến khi gặp một bản người Tày sống dưới chân núi, giữa mênh mông hồ. Lại những ruộng ngô xanh ngát, những bóng cây ngả xuống ven hồ. Bình yên như một làng quê Bắc bộ ở đâu đó thật gần... Anh lái tấp thuyền vào sát bờ, cho chúng tôi leo lên đi bộ xuống một ngọn thác. Con đường nhỏ ven hồ, một bên là ruộng ngô, là mấy mái nhà của người dân tộc, cả một vòm tre mát rượi ở trên đầu, một cây đa to như ở đầu mỗi cái làng...
Về sau nói chuyện với lái thuyền, mới biết hoá ra con đường đó nối Bắc Kạn với Tuyên Quang. Người ta vẫn thường đi xe máy, xe đạp xuyên qua con đường này, chất xe lên thuyền để qua lại cho tiện. Và biết thêm rằng, nước ở hồ Ba Bể, vượt qua cái thác ở cuối hồ ấy, chính là nước chảy thẳng ra con sông Lô, sông Gâm. Giá mà có thời gian, thì đã rất muốn thử đi theo con đường mòn nhỏ đó, để đi sang một tỉnh mà con gái nổi tiếng da trắng, tóc dài...
Trên đường quay ra, anh lái tấp thuyền vào một một nơi gọi là Ao Tiên - một vùng nước nhỏ trong vắt nằm trên đỉnh núi đá vôi, là hồ chồng lên hồ. Có một đường nhỏ đi lên, lá cây ô rô to tướng mọc khắp lối đi. Ao nho nhỏ, phẳng lặng, lá rụng đầy trên mặt hồ, cây cối phía bên kia hồ nghiêng bóng trông không khác gì cảnh ở một nước châu Âu nào đó.
Không gian yên tĩnh đến độ nghe rõ tiếng lá chao nghiêng và lách cành rơi xuống nền đất ẩm. Không gian êm đềm như thể được… lên tiên! Ba Bể đẹp... vì sự nguyên bản của nó, và vì cả tình yêu mỗi người mang trong mình khi đến với vùng “biển” trên núi này nữa…
Đến Ba Bể, hãy chọn cách ở “homestay” trong nhà người dân tộc Tày ở bản Pắc Ngòi phía khởi nguồn của hồ Ba Bể với giá rất mềm: 20 - 50 ngàn đồng/người. Hãy mượn căn bếp và tự mình nấu một bữa ăn trong nhà của người Tày.
Thuê một chiếc thuyền đi thăm ba hồ lớn thông nhau, thăm đảo Bà Goá, thác nước Đầu Đẳng, hay Ao Tiên để được đắm mình trong một không gian tĩnh lặng đặc biệt. Đi trekking trong Vườn quốc gia Ba Bể.
Theo Blogkhampha
0 nhận xét:
Đăng nhận xét