Suốt đoạn đường từ Bình Châu về Hồ Cốc Hồ Tràm đường tốt, rất ít xe nên chạy băng băng dù mặt lộ chỉ có hai luồng.
Qua cầu Sông Ray rồi thì đường phẳng băng, bốn luồng với hai bên đều là rừng cây xào xạc. Từ xế chiều tới giờ trời u u chứ không nắng như hồi sáng khi tôi vừa rời Mũi Né nên dù đoạn đường khá dài vẫn không quá mệt mỏi. Ngược lại, ngắm nhiều cảnh đẹp thú vị nên tụi này quên mất cả buổi cơm chiều.
Chạy một đoạn thì vào thị trấn - Phước Hải như bao nơi khác: đông người, nhà cửa san sát và không có vẻ gì là một thành phố du lịch biển. Cứ theo đường chính thì ra chợ, chợ đối diện biển nhưng từ lộ chỉ nghe sóng vỗ rì rào còn bãi biển khuất sau rừng dương.
Trên đoạn đường qua khỏi chợ có một ít nhà trọ dạng như nhà dân thôi nhưng có căn khá đẹp, phòng trang bị đầy đủ đồ chơi và có giá 200k/ngày (Phẹc, chưa trả giá nghen).
Do chỉ lưu trú tạm một đêm nên mình chả cần phòng ốc cho ngon nên loay hoay một tý cũng có phòng, giá chỉ 100k (120k nếu chạy máy lạnh).
Thoạt đầu nhìn dãy phòng trọ, tụi này liên tưởng ngay tới mớ phòng trọ bầy hầy dưới bờ biển Cổ Thạch nhưng sau khi xem qua thì nơi đây khá hơn nhiều. Phòng bình dân, khóa chốt lộc cộc nhưng vào thơm phứt mùi nước hoa xịt phòng, giường tủ mới, máy lạnh quạt gì cũng mới - chỉ có cái TV truyền hình cáp hơi cũ nhưng xem tốt chán, xà bông kem đánh răng, khăn... gì đó đầy đủ nhưng tụi này toàn xài đồ mang theo > KS nhà trọ đỡ hao thêm tý chút.
Có chỗ vứt ba cái hành lý lộn xộn rồi thì trờ cũng đã sụp tối, phố lên đèn. Tắm rửa sạch sẽ xong, hai lữ khách đèo nhau xuống phố tìm cái... ăn.
Người ta bao giờ cũng nói "ăn ở" chứ chuyện phượt phẹo bao giờ cũng làm trái lại là "ở" rồi mới tới "ăn", thôi trước sau gì cũng đủ bộ. Món ăn thì tại đây cũng chả có gì đặc biệt có lẽ mùa này là mùa hiu quạnh của chốn không phải du lịch. Thôi làm quách một dĩa cơm gà cho xong, giá chỉ 15k.
Tối ngồi ăn chè - trời hanh hanh lạnh, gió nhiều. Do vậy nên làm xong ly chè đá tự nhiên cảm thấy mình như ở Đà Lạt, lạnh nổi gai...
Một đêm an giấc!
Sáng dậy trực chỉ chợ Phước Hải: hạ vàng thượng cám bán đủ mọi thứ ăn chơi - giá phổ thông. Xong bữa lơ thơ xuống bãi biển ngắm hóng gió một tý. Biển Phước Hải cát vàng sáng, sóng mùa tháng 12 thì phải lớn rồi.
Rác ít, đa phần là rác tự nhiên từ biển tấp vào. Khúc qua chợ thì chả có hàng quán võng dù gì cả (khúc tít trên kia thì có). Một số người dân tản bộ, tắm biển hoặc cào sò ốc gì đó phía xa.
Chơi cho gần thì được nhưng đẹp thì thua xa Bình Tiên, Nha Trang. Vả lại dịch vụ về du lịch tại đây mới chỉ là bước khởi đầu.
< Chợ Phước Hải.
< Cô chủ cho tụi tôi hai dĩa com tấm nghen!
< Buổi sáng vậy là đủ chất.
< Đường về Long Hải.
< Núi Minh Đạm xa xa...
Từ giã thị trấn, tụi tôi hướng về Long Hải. Trên con đường mà nhiều người gọi là đường hoa Anh Đào (thực ra là cây Đỗ Quyên) đã có một số resort mọc lên rải rác rồi.
Núi Minh Đạm xa xa, gần bên là chùa Hòn Một mái đỏ au chen giữa cây rừng. Núi Minh Đạm, nơi có rừng cây um tùm với nhiều hang đá và là căn cứ kháng chiến của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Theo VnEplore thì núi Minh Đạm cao trung bình khoảng 200m, ngày xưa núi có tên là Châu Long và Châu Viên.
Từ chân núi, một con đường trải nhựa ngoằn ngoèo đưa du khách lên tận đỉnh núi. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi ở khoảng hai phần ba đoạn đường đèo, toàn cảnh biển Long Hải bao la, với khung cảnh biển một bên, núi đồi một bên thật hữu tình, thơ mộng hiện ra trong tầm mắt. Phía dưới là khu du lịch Thuỳ Dương và con đuờng nhựa uốn lượn dưới chân núi. Ôm lấy biển là rừng hoa anh đào đỏ thắm, tuyệt đẹp. Nhiều người thích chinh phục đỉnh núi bằng cách đi bộ, để được len lỏi dưới những tán cây, gộp đá, nghe tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách.
Cái mệt nhọc dần tan biến sau khi bạn được rửa mặt, ngâm chân vào nước suối mát lạnh, tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng. Năm 1993, Khu căn cứ Minh Ðạm được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng.
Minh Ðạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch khá lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch: leo núi, dã ngoại sinh thái và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên...
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Tổng kết -
Điền Gia Dũng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét