Một tour du lịch hành hương đúng nghĩa sẽ là một cuộc trải nghiệm tâm linh đầy thú vị cho những ai muốn tìm cảm giác an lạc sau những bộn bề lo toan thường nhật.
Trên suốt đường tour, du khách cùng với các vị đại đức thực hành pháp môn thiền hành, thiền tọa, thiền trà và đàm đạo, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống khiến cho du khách ngộ ra nhiều điều thú vị.
Tạm xa những ồn ào náo nhiệt, những tất bật, lo toan của cuộc sống đời thường, chúng tôi đồng hành cùng 37 du khách và 3 vị đại đức trên tour Hành Hương Việt đến khu nhà vườn Long Thuận, Q.9, TP.HCM. Đây là khu nhà vườn sinh thái, văn hóa - nghệ thuật của nhà thiết kế nổi tiếng Sĩ Hoàng, cách trung tâm TP.HCM khoảng 1 giờ ô tô. Khu vườn được chủ nhân đầu tư, xây dựng cách đây 8 năm, trên diện tích đất phèn 20.000m2.
Khi cánh cửa gỗ mở ra, chúng tôi bước vào một không gian trong lành và bình yên, với những hàng cau, hàng dừa rợp bóng. Đâu đó vẳng đưa tiếng chim, tiếng gà hòa lẫn với hương đồng nội tràn về. Bất chợt, du khách như được hòa mình vào thiên nhiên trong lành của làng quê thanh bình, yên ả, một không gian sống thuần Việt (có cá, gà, vịt, chó, mèo... đều thả rong).
Tất cả các ngôi nhà trong khu vườn được làm bằng gỗ quí, kiến trúc theo lối nhà cổ miền Trung. Trong đó có căn được chuyển từ miền Trung vào, do 60 nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, Quảng Nam phục dựng.
Trong vườn còn có gian nhà Thủy Đình mang tên Vọng Nguyệt Trà, nhà thờ Phật, nhà thờ gia tộc, cầu An Lạc... Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là hồ Chân Lạc rộng 5.0002, có sân khấu thiết kế chìm phục vụ các chương trình văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra nơi đây còn có bộ sưu tập 1.000 bánh xe bò mà theo chủ nhân mỗi bánh xe là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo: bàn, ghế, cầu, đèn...
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cho biết: đến nay đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng, nhưng một số hạng mục công trình vẫn chưa hoàn chỉnh nên ông chưa có ý định kinh doanh du lịch, mà chỉ xem như “chốn đi về” cho gia đình, người thân và bạn bè sau những ngày bộn bề công việc. Tuy vậy, anh cũng tiết lộ tương lai gần nơi đây sẽ có trường dạy năng khiếu hội họa, âm nhạc, thiết kế cho trẻ em và một bảo tàng trưng bày lịch sử trang phục người Việt Nam.
Sau phút giới thiệu “mở màn” của chủ nhân, du khách tạm rũ bỏ trang phục đời thường của mình để khoác lên người bộ đồ sắc màu xanh nhạt. Kể từ giây phút đó, du khách như có cảm giác “nhập” vào cõi giới nhà Phật (du khách dùng món chay trên suốt chuyến đi).
Liền đó, mọi người được Đại đức Thích Quảng Kiến - người đồng hành tour hành hương đưa đi dọc “con đường quê” (đi trong chánh niệm), gợi cho du khách có cảm giác như rong qua những miền kí ức của thời xưa cũ. Vừa chiêm ngưỡng nét độc đáo của khu vườn, vừa chia sẻ để hiểu hơn cuộc sống của chủ nhân - một nghệ sĩ tài hoa, một doanh nhân thành đạt. Thỉnh thoảng dừng lại một chút, Đại đức Thích Quảng Kiến, giải thích: Tour hành hương ở đây không chỉ đơn thuần tham quan, lạy Phật rồi về, mà còn là dịp để trải nghiệm tâm linh, giúp du khách tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo. Một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc qua gần 2.000 năm lịch sử.
Du khách Nguyễn Thiên Thuận, giảng viên của một trường du lịch ở TP.HCM cùng đi nhận xét: tour này có sự kết hợp giữa phật pháp và du lịch, các vị sư đi cùng trên đường tour giảng giải nhiều điều có ý nghĩa.
Cái cảm giác “thoát tục” như lướt qua suốt chuyến đi. Lúc vầng dương khuất dạng dưới hàng cau, kết thúc một ngày an lạc, mọi người cùng tham gia thả đèn hoa đăng dưới sự hướng dẫn của các vị đại sư. Những chiếc đèn hoa đăng như những thông điệp tích góp yêu thương được thả trên mặt hồ Chân Lạc, với lời cầu mong bình an cho mình và người thân, tìm sự an lạc và lan tỏa sự an lành cho những người hữu duyên.
Việc kết hợp giữa tour tham quan và yếu tố tâm linh để thiết kế các tour hành hương đang thật sự ngày càng hấp dẫn du khách, góp phần phong phú cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói trong tương lai.
Theo Baodulich
0 nhận xét:
Đăng nhận xét