24 giờ sống ở Hà Nội

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Nếu có 24 giờ để sống ở Hà Nội, bạn sẽ làm gì? Hãy tham khảo những gợi ý rất thú vị dưới đây.

Bạn tôi từng là một hướng dẫn viên du lịch kể rằng, có nhiều du khách nước ngoài một mình một ba lô đến Hà Nội. Nhiều người chỉ có vỏn vẹn 24 giờ để “sống” với thành phố này, vì vậy sau khi rời Hà Nội họ đã viết trên nhiều diễn đàn “than thở” rằng họ hầu như chỉ tiếp xúc được với Hà Nội như một điểm đến, chứ chưa thể chạm vào một góc tâm hồn của Hà Nội.

Vậy thì hôm nay, nếu bạn chỉ có đúng 24 giờ ở Hà Nội, tôi sẽ tình nguyện dẫn bạn đi, để bạn thực sự sống với Thủ đô của đất nước tôi, cảm nhận bằng tất cả các giác quan của mình về một thành phố có bề dày nghìn năm tuổi.

Phải tranh thủ dậy sớm nhé. Hãy bắt đầu bằng một buổi sáng sớm hơn thường ngày. 4 giờ sáng, tôi sẽ đón bạn và chở bạn ngang qua Hồ Tây, nơi sương mờ cứ lãng đãng như thế cả nghìn năm nay. Vào những sớm hè, khi Hà Nội còn chưa bị đánh thức bởi kìn kìn xe cộ, bạn sẽ còn được thấy mùi sen thanh tao thoảng đưa trong gió mát lành.
Nhưng bây giờ đang là ngày cuối năm, sen Hồ Tây đã vào mùa “rã sen” rồi. Nhưng bước vào chợ hoa Quảng Bá bạn sẽ có cơ hội chạm tới tâm hồn của người Hà Nội. Bởi ở đất này, mỗi chuyến xe hoa là một điểm nhấn trên phố, và mỗi bình hoa tươi luôn là thói quen của các gia đình Hà Nội.
Cũng như tất cả các chợ đầu mối khác, chợ hoa lớn nhất Hà Nội này họp từ nửa đêm, nhưng đến quãng 3, 4 giờ là đông đúc nhất. Người chen hoa, hoa chen người, tiếng gọi nhau í ới, tiếng nói tiếng cười xôn xao. Bạn sẽ không thể đừng được những cú bấm máy ảnh liên tiếp.
Và bạn có thể trò chuyện với những người dân quanh năm chăm sóc cho những ruộng hoa ngoại thành, để mỗi sớm mai, những chuyến xe hoa lại dập dìu trên phố phường Hà Nội, điểm tô cho một Thủ đô ngàn tuổi, mà tôi tin chắc, bạn khó tìm thấy ở những thành phố sôi động khác.

< Đào Nhật Tân vào mùa chờ Tết.

Trời tang tảng sáng tôi sẽ đưa bạn đến với quán phở nổi tiếng nhất của Hà Nội nằm trên phố Bát Đàn, hoặc Hàng Đồng để vừa thưởng thức hương vị phở nổi tiếng thế giới của người Hà Nội, vừa ngắm từng ô cửa của phố cổ mở ra đón một ngày mới. Rồi còn gì tuyệt vời hơn, nếu bạn và tôi cùng hòa vào dòng người đi dọc ngang khu phố cổ, xuôi bộ xuống Hồ Gươm vào buổi sớm.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe về Tháp Rùa, về Rùa Hồ Gươm vừa linh thiêng trong truyền thuyết, vừa là động vật quý hiếm của thế giới hiện nay nhưng lại đang bị đám rùa tai đỏ xâm hại môi trường sống. Đứng giữa cầu Thê Húc, tôi sẽ nói với bạn về “đặc sản” hồ của Thủ đô đất nước tôi.

Hàng trăm cái hồ trong thành phố thực sự là những tấm gương trong lành mà ít thành phố nào có được. Và vì thế, người Hà Nội rất tự hào về những cái hồ trong thành phố.
Sau đó, tôi sẽ dẫn bạn đến viếng Lăng Bác. Người Việt Nam chúng tôi thường gọi Hồ Chủ tịch bằng cái tên yêu mến ấy: Bác Hồ. Đi thăm Lăng Bác là dịp để bạn có thể tìm hiểu sâu sắc về một vị anh hùng dân tộc của đất nước chúng tôi, đã được cả thế giới công nhận.

Nếu bạn là một người yêu văn chương, tôi sẽ đưa bạn “thám hiểm” con ngõ quanh co trong phố nhỏ Bùi Xương Trạch, nơi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lặng lẽ sống nhiều năm qua.

Khu vườn của ông Thiệp tuy không còn được rộng như xưa, bức tượng Phật Quan âm chỉ lộ cũng không còn ở giữa sân vườn vì tác giả của “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Không có vua”, “Tướng về hưu” đã cắt bớt một phần đất gia tiên để lại bán lấy tiền xây nhà cho hai người con trai của mình nhưng cũng vẫn còn đủ rộng để bạn khám phá trong mấy tiếng đồng hồ.

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, cũng là tác giả có những tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (vì thế, có lẽ ông Thiệp là nhà văn Việt Nam nhận được nhiều tiền nhuận bút nhất từ các đơn vị xuất bản nước ngoài).

Nếu bạn không từ chối, vợ chồng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ mời bạn ăn một bữa cơm trưa với các thức rau cỏ trong vườn nhà và kể những chuyện văn, chuyện đời lí thú bằng cái giọng rù rì chậm rãi nhưng hấp dẫn trời cho của mình.

Nếu bạn là người mê tranh chữ, tôi sẽ đưa bạn về làng Võng Thị bên mép Hồ Tây, gặp ông Bùi Hạnh Cẩn, 91 tuổi, người vẽ tranh chữ khá đặc biệt của Hà Nội. Bất cứ chữ gì hay cả một ý thơ nào đó mà Bùi Hạnh Cẩn vẽ ra, bạn sẽ nhận thấy một sự ngạc nhiên, bất ngờ đến thú vị.
Bởi, được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nhưng đều mang tính chất tượng hình, lại được chú thích bằng chữ Việt Nam và cả quốc tế ngữ ở bên dưới để bạn đến từ quốc gia nào trên thế giới cũng có thể “đọc” được nội dung bức tranh. Chẳng hạn chữ “Mã” có hình dáng một con ngựa đang sải vó, tung bờm, kèm theo chữ “Ngựa” và chữ Eevalo bên dưới.

Còn nếu bạn là người yêu sách, tôi sẽ lại chở bạn vòng về phố Bát Đàn, nơi có cả một kho sách cũ trong lòng phố cổ của ông giáo già có tên Phan Trác Cảnh. Ngôi nhà số 5 lúc nào cũng khép cửa, như ngoảnh mặt trước con phố tấp nập tất đấc tấc vàng có khoảng... 10 tấn sách báo cũ chất đầy mọi ngóc ngách, dọc lối cầu thang.
Sách cũ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có những ấn phẩm đặc biệt quý hiếm, như cuốn “Souvernirs de Hue” in bằng tiếng Pháp từ năm 1867 của tác giả Michel Duc Chaigneau viết kỉ niệm về Huế đã sờn rách được bọc lại cẩn thận. Các quyển “Hán văn tân giáo khoa thư” xuất bản năm 1928 và “Ngũ thiên tự” năm 1929 cũng còn nguyên vẹn.

Chủ nhân của “thư viện tư nhân” ấy còn sưu tầm được bộ sách về Hà Nội khá ấn tượng. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài như giáo sư Yao Takao hay vợ chồng nhà khảo cổ Kikuchi Seichi và Abe Yuriko... cũng từng phải tìm tới “ngôi nhà sách” này để nhờ ông Cảnh tìm cho những tài liệu phục vụ công trình nghiên cứu.

Chiều Hà Nội, tôi sẽ dẫn bạn chạy ngang qua Nhà hát Lớn thành phố và không quên rẽ qua phố sách Tràng Tiền. Rồi tôi đưa bạn đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nơi đây tôi sẽ có nhiều chuyện để kể với bạn về truyền thống và lịch sử của người Hà Nội.

Tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ được xây dựng từ năm 1484 đến 1780 đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của thế giới và những hàng bia đá ấy đã trở thành di sản thế giới đầu tiên của người Hà Nội.

Rời Văn Miếu, tôi cho xe chạy thật chậm trên đường Hoàng Diệu, và chỉ cho bạn ngôi nhà giản dị của mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống cùng với gia đình nhiều chục năm nay. “Tướng Giáp” – chắc chắn cái tên ấy bạn đã biết, ông gắn liền với những cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc Việt Nam.
Khi thành phố đã lên đèn, tôi sẽ cùng bạn dạo những bước cuối cùng của một ngày tại Hà Nội, qua cửa Ô Quan Chưởng – một cửa ô duy nhất còn sót lại vừa được trùng tu để biến thành một người “khách lạ”. Và tôi sẽ kể cho bạn về những cửa ô đã mất, về những trận chiến đấu của quân dân Thủ đô để bảo vệ từng tấc đất nhiều thương mến này.


Bữa tối đã đến rồi. Tôi mời bạn đến nhà hàng Chả Cá – một nơi đã được có mặt trong danh sách “10 nơi cần đến trước khi chết” trên toàn thế giới. Lai lịch thăng trầm của quán này tôi nghĩ sẽ là câu chuyện làm bạn ngạc nhiên đấy.
Sau đó, chúng ta cùng lên cầu Long Biên – cây cầu bước qua tuổi 100, trở thành một biểu tượng thân quen của người Hà Nội.

Vừa đi dạo trên cầu, vừa nghe sóng sông Hồng vỗ nhè nhẹ ở quanh mình và để những làn gió bấc buốt lạnh đặc trưng của mùa đông Hà Nội lùa qua cổ áo. Tôi muốn dừng lại ở đây để mời bạn uống một ly cà phê trong một quán cà phê trên đường Thanh Niên, để bạn nhìn ngắm dòng người tấp nập ngược xuôi trên phố.

Cuộc trải nghiệm trong 24 giờ ngắn ngủi, tôi tin là bạn cũng đã chạm vào được chiều sâu, chạm vào một góc tâm hồn của người và đất Thăng Long.

Theo Đại Đoàn Kết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc