Nằm trên đường Trần Phú, con đường vòng quanh ôm Núi Lớn, lên Bến Đá và Bến Đình. Danh thắng Thích Ca Phật Đài gắn liền với vẻ đẹp của Bến Đá và cảnh quan thiên nhiên hướng Đông Bắc Núi Lớn. Nếu Bến Đá là cảng cá sầm uất, nhộn nhịp thì Thích Ca Phật Đài, là nơi tịch liêu, đượm vẻ huyền diệu của chốn thiên thai.
Thích Ca Phật Đài là thắng tích nổi tiếng nhất trong những thắng tích nổi tiếng của thắng cảnh Vũng Tàu. Hàng năm, Thích Ca Phật Đài đón chào hàng vạn người từ khắp nơi hành hương vãn cảnh.
Vùng núi Thích Ca Phật Đài trước đây cây cối tươi tốt không có người sinh sống. Khoảng năm 1957, Ông Lê Quang Vinh, một công chức thời Pháp thuộc, bất đắc chí lên đây dựng chùa để tu hành, gọi là Thiền Lâm Tự. Năm 1962 Giáo hội Phật giáo nhận thấy Thiền Lâm Tự toạ lạc ở một vị trí có khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, là vùng đắc địa tụ kết khí thiêng, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư tăng, phật tử thập phương hành hương nên đã lập đồ án xây dựng quy mô Thiền Lâm Tự thành Thích Ca Phật Đài. Sau hơn 19 tháng xây dựng, ngày 15 tháng 02 năm Quý Mão (1963), Thích Ca phật Đài được khánh thành với nhữmg công trình kiến trúc như ngày nay.
Thích Ca phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni gắn với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, sống động thành khu danh thắng đẹp mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử tôn giáo, là một trong những danh thắng thu hút nhiều khách du lịch nhất của Vũng Tàu.
Vào Thích Ca Phật Đài du khách đi qua Tam quan, trên có bánh xe luân chuyển đạo lý nhà Phật gọi là Pháp luân với tám căm biểu tựợng Trung đạo. Vòng ngoài có bốn núm biểu tựợng cho tứ Diệu Đế. Trên bốn cột của tam quan là bốn búp sen biểu tựợng cho sự trong sạch, tinh khiết, thanh cao của Nhà Phật. Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài được thể hiện trên triền núi như nửa vầng trăng, được chia thành ba cấp theo một hình tháp cao dần từ dưới lên.
Bảo Tháp mà du khách bắt gặp đầu tiên, sau khi bước lên hết cấp thứ nhất, là nơi ghi nhớ và tưởng niệm người đã có công dựng Thiền Lâm Tự: Nhà sư Giác Pháp tức quan phủ Lê Quang Vinh. Lối lên bậc thứ hai theo đường vòng cung nhỏ nhắn, bên trái là vách đá kỳ vĩ Bên phải dõi tầm mắt đến tận Núi Nứa - Long Sơn và xa xa là cảng Dầu khí với những cần cẩu vươn cao nối liên với phố xá, nhà cửa và làng cá Bến Đình, Bến Đá ngay dưới chân núi. Thích Ca Phật Đài được bao phủ bởi màu xanh của nhiều loài cây cao vút. Gió biển thổi rì rào.
Đi hết đường vòng cung, du khách tới độ cao 25m, không gian trải rộng ra trước mặt. Đây là khu vực của những công trình điêu khắc được xây dựng dựa theo những sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca, từ khi Người ra đời đến khi nhập cõi Niết Bàn.
Bảo tháp Thích Ca Mâu Ni ở đây có tôn trí 13 viên Xá Lợi Đức Phật, được đựng trong một hộp bằng vàng. Đây là niềm đại hạnh cho các phật tử Việt Nam nói chung và phật tử Vũng Tàu nói riêng. Bảo tháp ngọc Xá Lợi ở Thích Ca Phật Đài cao 17m vươn lên giữa sân hành lễ rộng khoảng 300m2, trên có búp sen. Lối lên Bảo tháp có đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu tượng trưng cho Đại Hùng - Đại Lực. Dưới chân tháp có một thích án để thờ, trên khắc chữ : “Nam mô Bồn sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (Hết lòng tôn kính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Dưới bốn cạnh chân Bảo tháp bát giác đặt bốn cái đỉnh lớn trong đặt bốn nắm đất thiêng được thỉnh từ Lumbini (nơi Ngài Đản sanh), Buddha Caya Uruvfla (nơi Ngài thành đạo), Isipatana (nơi Ngài truyền đạo) và Kusinara (nơi Ngài nhập Niết Bàn) về đây.
Sau khi chiêm bái và vãn cảnh ở vườn Lộc Giả, Bảo tháp, từ độ cao gần 29m có thể quan sát miền sông biển, đầm lầy rộng lớn phía bắc Vũng Tàu, từ Núi Nứa, Long Sơn đến cảng Dầu khí, du khách theo lối nhỏ bên phải xuống Tinh thất Giác Pháp, nơi ông phủ Vinh ở, tu hành trước đây. Trong Tịnh thất bây giờ có bức tượng, bình tro hài cốt của nhà sư Giác Pháp.
Thích Ca Phật Đài là một quần thề kiến trúc, điêu khắc với ý đồ diễn tả lại sự kiện chính trong cuộc đời Đức Phật. Chỉ riêng điều này thôi, Thích Ca Phật Đài đã là một công trình Phật giáo đặc trưng của Vũng Tàu nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Dulichvungtau
0 nhận xét:
Đăng nhận xét