Ngày xuân, về Hưng Yên thưởng thức đặc sản cá mòi

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Ngoài nhãn lồng Phố Hiến, tương làng Bần, nhắc tới Hưng Yên nhiều người nghĩ ngay tới món cá mòi - một thứ đặc sản dân dã chỉ sẵn có vào những ngày xuân.

Mùa xuân, khi cái lạnh đã tan dần, khí trời ấm áp hơn và dòng sông Hồng nước chảy hiền hoà, không còn buốt giá nữa thì cá mòi về. Cá mòi là giống cá sinh sống ở vùng biển và vùng nước lợ cửa sông, nhưng tới mùa sinh sản chúng lại ngược về sông Hồng để đẻ trứng. Cá mòi cũng xuất hiện  rải rác ở một số sông khác nhưng những người sành về ẩm thực đều khẳng định rằng cá mòi ở sông Hồng mới là ngon nhất.

Cá mòi chỉ lớn hơn cá diếc một chút, màu trắng bạc, vây lưng lại có chiếc “cờ” dài nhô lên nên rất dễ nhận biết. Mình cá dày, nhiều thịt, xương nhỏ nhưng có nhiều xương răm, đầu rất nhỏ, vảy bạc li ti. Thịt cá mòi ngọt và thơm, trứng cá lại càng ngon hơn, những người đã một lần được nếm thử thì không thể quên, thậm chí, nhiều người đâm “nghiện” loài cá bé nhỏ này.

Người Hưng Yên đi làm xa hay khách ẩm thực ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng Hai, tháng Ba âm lịch hàng năm lại tìm về Hưng Yên để thưởng thức. Sau rằm tháng Giêng là lúc cá lên rộ, con nào cũng béo và còn nguyên buồng trứng, những lứa cá đầu tiên là những lứa ngon nhất.

Vào mùa này ở Hưng Yên thực khách có thể dễ dàng tìm được những con cá mòi tươi ngon ở khắp các chợ cá. Cá mòi sau khi đưa lên mặt nước sẽ chết ngay chứ không giữ lâu được như các loại cá khác. Tuy nhiên khi chọn mua cũng chỉ cần để ý mắt cá có trong không, thân cá có chắc không là được, bởi cá mòi rất đắt hàng, hiếm khi nào lại có cá ế. Chỉ từ 30 đến 40.000 đồng là sẽ có một kg cá mòi loại to.

Xung quanh chuyện con cá mòi còn có hẳn một “truyền thuyết” kỳ lạ. Chuyện kể rằng cá mòi là do chim ngói hoá thành, khi mùa thu chim ngói bay từ rừng ra biển và hoá thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau thì cá mòi mới bơi ngược về rừng để biến thành chim ngói. Truyền thuyết này lý giải cho việc vì sao mà cá mòi lại vất vả bơi từ biển vào để đẻ trứng và vì sao khi mổ cá lại thấy cá có cái “mề” như mề của loài chim ngói vậy.

Nhưng chính xác thì cá mòi có một đồng hồ sinh học đặc biệt, khá giống với loài cá hồi của phương Tây. Chúng được cá bố, mẹ sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ tới mùa xuân, mùa sinh sản chúng mới trở về. Như một quy luật sinh tồn, cá cái phải vượt dòng nước chảy và về đúng nơi mình sinh ra trước kia vào đúng mùa xuân để đẻ trứng. Và đó cũng là mùa mà các ngư dân vùng sông Hồng có thể đánh bắt món quà thú vị này của thiên nhiên.

Nhưng để có một bữa cá mòi khó quên thì chế biến cũng khá công phu. Làm cá mòi không mổ dọc bụng như các loại cá khác, sau khi đánh sạch vảy cá chỉ cần cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá, và tiện dao khía những đường nhỏ quanh sườn cá. Con cá không to nhưng phải làm nhiều công đoạn và phải rất khéo léo để mật không vỡ, trứng còn nguyên, mình cá sạch vảy. Bởi vậy các cụ ta ngày xưa thường quan sát người con gái làm cá mòi để xem người con gái ấy có cẩn thận không, khéo tay không.

Sau khi làm sạch thì phải ướp muối, gừng, nghệ giã nhỏ cùng dưa chuột thái lát mỏng chà sát lên mình cá để khử sạch mùi tanh. Chế biến cá mòi cũng có nhiều cách: có người thích rán, có người thích nướng, có người lại ưa món cá mòi băm chả. Nhưng có một cách chế biến khá cầu kỳ nhưng lại rất ngon như sau: Sau khi ướp cá nửa giờ, dùng que tre tươi cặp ngang thân cá và đem nướng trên bếp than hoa. Cá đã nướng thơm thì gỡ khỏi que tre và cho ngay vào chảo mỡ nóng, rán nổi trên mỡ.

Mỡ rán cá phải là mỡ lợn chứ không phải dầu thực vật, khi rán phải tập trung để khi cá chuyển màu vàng nâu là vớt ngay. Mùi thơm của cá khiến ai thoáng cảm nhận đã thấy hấp dẫn.
Cá rán xong phải ăn nóng mới giữ nguyên được hương vị, kèm theo đĩa rau thơm và chén nước mắm chanh ớt. Nhiều người lại thích chấm cá với tương Bần, thêm chút tỏi băm nhỏ, vị mặn vừa và độ ngọt thơm của tương sẽ càng làm tăng thêm vị ngon ngọt của cá.

Trong bữa cơm gia đình đầm ấm, đông đủ giữa tiết trời xuân se lạnh, đĩa cá mòi đầu mùa nóng hổi mẹ vừa mang lên, cả nhà gỡ những buồng trứng vàng ruộm mời ông bà và cho trẻ nhỏ, ta không chỉ cảm nhận được mùi thơm ngọt của cá, của gừng mà còn cảm nhận được cả vị ngọt của nước sông Hồng quê hương và tình thân quây quần sum họp. Bởi vậy, cá mòi không chỉ là món ngon được nhiều người ưa thích mà còn là món ăn đậm đà hương vị của quê hương, khiến ai xa quê đến ngày xuân lại mong ngóng tìm về.

Theo báo Hưng Yên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc