Mùa biển động, hải sản tươi khan hiếm nên giá cả có thể tăng gấp hai, ba lần so với những mùa khác trong năm. Chính vì thế, dù mưa gió, nhiều ngư dân ở Phú Yên vẫn đi câu mực.
CHONG ĐÈN CÂU MỰC
Hai trận lũ vừa đi qua, trời chưa ngớt mưa nhưng ông Tám Trụ ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) quyết định gọi bạn, nổ máy thuyền đi câu mực. Tôi nghe một anh bạn rủ rê, thấy khoái nên vội lấy chiếc máy ảnh rồi đi theo. Chủ thuyền bảo: “Đi sáng mai vô, chú chỉ mang theo áo ấm để khuya khỏi lạnh, thức ăn đã sẵn cả rồi”.
Thế là tôi nhảy lên thuyền. Chiếc thuyền cỡ nhỏ (20CV) phụt khói, chở năm người chúng tôi ra phía đảo Hòn Chùa. Trời tối dần. Sau khi chọn điểm câu thích hợp qua ánh đèn, thuyền được neo lại. Từ vị trí này, nhìn vào TP Tuy Hòa chỉ thấy những dãy đèn xa mờ tít tắp. Sóng gió ầm ào, chiếc thuyền chao đảo, có lúc gió giật như lộn nhào. Bữa cơm chiều đạm bạc được dọn ra.
“Ăn ít thôi, tí nữa có mực rồi tính sau”, một người lớn tuổi nói. Trong khi tôi nằm nhừ vì say sóng thì những người khác rút câu, sửa lưỡi, chọn mồi để bắt đầu công việc. Ông Tám Trụ giải thích: “Câu mực có nhiều cách: câu xóc, câu rườn, câu suốt. Đây là cách câu rườn”. Tôi quan sát, thấy có một chùm lưỡi câu buộc chụm lưng lại với nhau tạo thành một chùm móc có nhiều chia, buộc phía dưới con... tôm nhựa màu xanh, đỏ làm mồi. Khi mực ham mồi bu lại, người câu giật mạnh dây câu, mực dính vào rườn.
Toàn bộ đèn chiếu sáng trên thuyền được mở hết công suất để “gọi” mực tụ lại quanh thuyền. Vì gió lạnh nên một bên cửa cabin thuyền được đóng kín, bốn người cùng ra ngồi phía khuất gió để quăng câu. Con tôm nhựa làm mồi và chùm lưỡi câu cột một sợi cước nối với chiếc cần câu khoảng 1 mét, mỗi người tay cầm cần câu nhịp nhịp, để cho con mồi trồi lên, chìm xuống… liên tục. Những con mực bị ánh đèn gọi đến, ham mồi nhấp vào coi như xong. Các ngư dân liên tiếp giật được mồi. Thích quá, tôi vội cầm cần câu giật. Lần đầu tiên trong đời câu được con mực lá gần một ký, cảm giác thật khó tả.
Khi mực “ăn” câu nhiều, tôi thành người phụ gỡ mực bỏ vào thùng đá to đã được chuẩn bị sẵn trên thuyền. Những con mực được bắt lên thuyền đủ cỡ, con to nhất gần một ký, nhiều nhất là loại 6,7 gram. Ngoài những chú mực lá “ăn” câu, dưới biển, lờ mờ trong ánh đèn là từng đàn mực cơm nổi lên. Ham quá, ông Tám Trụ quăng vội cái cần câu cho thằng con, rút cây vợt cán dài bên trong thuyền nhanh chóng vớt mực. Lần vớt nhiều nhất có khi trên một ký mực.
MÓN NGON VÀ NHỮNG NỖI NIỀM
Ngoài trời gió lạnh căm căm, bên trong buồng lái, hai hỏa lò đã đỏ rực. Anh “đầu bếp” đã chọn một thau đủ các loại mực để chuẩn bị nướng. Những con mực tươi ánh, được trải đều trên vỉ, tiếng nước chạm vào lửa kêu xèo xèo, mùi thơm bốc lên ngậy mũi, làm bụng cồn cào. Anh em ngồi thành vòng tròn. Ông Tám Trụ tuyên bố: “Hôm nay có chú T, mình chơi thoải mái!”. Thế là “cả nhà” cùng nhau thưởng thức, hết món mực nướng chấm muối ớt lại đến món mực ram ăn với cơm. Ăn những con mực vừa vớt từ biển, tươi roi rói, nướng chấm muối ớt, đúng là không gì ngon bằng! Trong bữa ăn, ông Tám Trụ nói: Mực có nhiều loại, ngon nhất vẫn là mực cơm và mực ống. Mực cơm chỉ cỡ hai ngón tay và dài cỡ gang tay người lớn, thịt rất ngọt, không dai, trong bụng chứa đầy trứng nhỏ, màu trắng. Mực cơm nướng là món ngon nổi tiếng của Phú Yên.
Mực ống lớn hơn, thân hình dài cỡ 40 phân, nặng 4 - 5 gram, thịt ngọt, có mùi thơm rất đặc biệt. Ngoài hai loại mực kể trên, biển còn có nhiều loại mực khác như mực lá, mực nang…
Thời gian trôi nhanh, câu chuyện của ông Tám Trụ về những kinh nghiệm trong mấy chục năm đi biển cũng bềnh bồng theo từng con sóng. Tôi nhớ những lời ông Tám Trụ tâm sự: “Cả đời làm biển, không có tiền sắm được thuyền lớn để đi xa nên tôi đánh bắt gần bờ. Làm nhỏ thì thu nhỏ nên vẫn còn nghèo”.
Được biết, những đêm câu mực như thế này, sau khi trừ chi phí, mỗi người chia được hơn 200.000 đồng. Ở nhà, vợ con họ chỉ trông chờ vào nguồn thu này nên cuộc sống của gia đình họ vẫn còn nhiều vất vả.
Theo báo Phú Yên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét