Được mệnh danh là “Đà Lạt của thành phố biển”, Hòn Bà (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) làm say lòng những ai thích khám phá đèo dốc quanh co cùng cảm giác đứng giữa làn sương mù dày đặc như ở Sa Pa. Nắm chặt tay nhau, chia nhau cái lạnh dưới 10 độ C vào thời khắc giao thừa trên đỉnh Hòn Bà thật khó quên!
Cách TP Nha Trang khoảng 40 km về phía tây nam, Hòn Bà thuộc địa bàn huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Với độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, Hòn Bà có khí hậu ôn đới mát mẻ và sương mù che phủ sáng chiều.
Theo tài liệu, bác sĩ Alexandre Yersin là người đã khám phá ra đỉnh núi này vào năm 1915. Thấy Hòn Bà có khí hậu và thổ nhưỡng khá đặc biệt, ông đã cất nhà ở và nghiên cứu thực vật, khí tượng. Cũng tại đây, bác sĩ Yersin đã trồng cây canhkina, loại cây được dùng làm nguyên liệu chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét.
Tết Dương lịch năm nay, tạm xa Sài Gòn với những lễ hội ồn ào, rực rỡ, chúng tôi quyết định đón thời khắc của năm mới trên đỉnh Hòn Bà.
14h 30 ngày 31/12, công cuộc chinh phục 30km đường đèo bắt đầu. Trước khi dẫn vào những con dốc quanh co, dựng đứng, hồ Suối Dầu trong xanh, yên ả hiện ra ngút tầm mắt. Men theo con đường uốn lượn quanh bờ hồ, đường cong quyến rũ của những cung đường hiện ra giữa chập chùng đồi núi, lau lách bạt ngàn.
< Hồ Suối Dầu yên ả dưới chân Hòn Bà. Khi đạt đến độ cao 500m, cái nắng chiều gay gắt mới vừa đây thôi đã tan mất, thay vào đó là cảm giác mát lạnh mơn man trên da.
Lên đến độ cao 1.000m, dù chỉ mới 15 giờ nhưng không biết từ đâu sương mù đã kéo đến dày đặc, mang theo cái lạnh buốt tay làm chúng tôi phải ngừng lại choàng thêm khăn, mặc thêm áo khoác.
Sau gần một tiếng lướt đi trong cảnh trí mù mịt như chốn bồng lai tiên cảnh, nghẹt thở qua những khúc ngoặc cùi chỏ, cuối cùng, ngôi nhà gỗ của bác sĩ Yersin cũng hiện ra trong mịt mù sương trắng.
< Một khúc ngoặt cùi chỏ.
< Những đường cong quyến rũ ẩn hiện trong sương mờ.
< Cỏ cây, leo lách chìm trong sương đẹp như tranh thủy mặc.
Trời sập tối rất nhanh, sương mù dày đặc, đứng cách 2m không nhìn thấy mặt nhau. Chúng tôi lấy đèn pin ra tranh thủ dựng lều và kiếm củi về đốt lửa trại.
< Ngôi nhà bác sĩ Yersin chìm trong sương mờ.
Khi ngọn lửa ấm áp bùng lên, cả đoàn quây quần ăn cơm tối (đã chuẩn bị từ trước). Có sẵn lửa, chúng tôi nấu nước uống trà, cà phê, nướng khô để nhâm nhi ly rượu ấm, ôn lại những chuyến đi cũ, chia sẻ những dự định mới và cùng đếm ngược thời gian khi thời khắc giao thừa vừa chạm ngõ.
< Lửa ấm bùng lên trong khoảnh khắc giao thừa.
Càng về khuya trời càng lạnh, gió rét buốt thổi lồng lộng, ngọn lửa hồng cũng gần tàn, ai nấy chui vào lều để trốn cái lạnh và dỗ giấc ngủ muộn trong những thời khắc đáng nhớ của một năm mới vừa sang.
7 giờ sáng ngày 1-1-2011, sương mù và gió vẫn rít từng cơn. Dù rất muốn nán lại chờ sương tan để ngắm TP Nha Trang cách đó 40km, tận hưởng cảnh trí hùng vĩ của Hòn Bà, nhưng vì phải chinh phục một hành trình khác nên chúng tôi đành thu dọn lều trại xuống núi.
< 7h sáng, sương mù vẫn còn dày đặc.
Khác với đường lên, con đường đổ dốc làm xe như lướt trên mây. Càng xuống thấp, sương mù bắt đầu mỏng đi, mặt trời hiện ra mờ ảo trong cảnh ngàn lau ướt đẫm sương.
Khi xuống độ cao dưới 1.000m, vừa qua khỏi một vách núi, sương mù đột ngột biến mất, ánh nắng mặt trời vàng tươi, trong vắt hiện ra rực rỡ.
Ánh nắng đầu tiên trong trong ngày và đầu tiên của một năm mới ngập tràn trên từng ngọn cây, lá cỏ Hòn Bà.
< Nắng mới trên Hòn Bà.
Một số kinh nghiệm khi chinh phục Hòn Bà
- Nên dùng xe số. Trước khi đi phải kiểm tra toàn bộ máy móc, thắng, đèn, còi và thay vỏ ruột mới.
- Chuẩn bị lều, đèn pin, nước uống, thức ăn đêm.
- Mỗi người phải mang theo ít nhất 2 áo khoác dày, bao tay, mũ len trùm kín tai, khăn quàng cổ, vớ dày và đặc biệt là túi ngủ cá nhân.
- Khi chạy xe lên đèo thì cài số 2 để tránh xe bị lỳ máy. Phải bật đèn lên khi có sương mù, liên tục bóp còi khi đi qua những khúc quanh vì có nhiều dân địa phương lên núi làm rừng đi ngược chiều.
- Khi xuống đèo nên cài số 3 để hãm bớt tốc độ xe.
Theo Người lao động
Rừng nguyên sinh Hòn Bà - Nha Trang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét