Trường lũy Quảng Ngãi được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước bắt đầu nghiên cứu từ năm 2005. Sau 5 năm khám phá và khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được đoạn thành dài tới 127km (riêng địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là 111km), kéo dài từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đến huyện An Lão (tỉnh Bình Định). Nó đi qua địa phận 9 huyện, gồm: Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn, An Lão (Bình Định), chạy dọc theo dãy Trường Sơn.
Trường Luỹ bắt đầu được xây dựng vào năm 1819, dưới sự chỉ đạo của Lê Văn Duyệt, một vị quan cấp cao dưới thời Hoàng đế Gia Long. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Đây là trường thành dài nhất Đông Nam Á”. Trường lũy được được xây dựng bằng đá và đất đan xen, với một số đoạn cao tới 4m.
Năm 2002, Tiến sỹ Andrew Hardy, người đứng đầu Trường nghiên cứu châu Á Pháp, chi nhánh tại Hà Nội, đã tìm thấy thông tin về “Long thành ở Quảng Ngãi” trong cuốn “Mô tả địa thế của Hoàng Đế Đồng Khánh” được một quan triều Nguyễn biên soạn vào năm 1885.
Sau đó, nhóm của tiến sĩ Hardy đã tiến hành dự án thăm dò với tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông (một nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học). Bức tường thành đã được phát hiện sau 5 năm miệt mài làm việc của cả nhóm.
Mặc dù cái tên “Trường lũy Quảng Ngãi” khiến người ta nghĩ đến Vạn lý Trường thành của Trung Quốc, nhưng “Vạn lý trường thành Việt Nam” giống với bức tường Hadrian hơn, bức tường thành dưới thời La Mã ở biên giới Anh và Scotland.
Giống như Bức tường Hadrian, Trường lũy Quảng Ngãi được xây dựng dọc một tuyến đường đã có sẵn. Hơn 50 đồn (pháo đài) đã được tìm thấy dọc chiều dài bức tường, nhằm đảm bảo an ninh và để thu thuế.
Có bằng chứng cho thấy nhiều đồn, chợ, đền thờ dọc tuyến đường có “tuổi đời” lớn hơn cả trường lũy. Bức lũy nhằm phân định ranh giới và điều hòa giao thương, đi lại giữa người Việt ở đồng bằng và người Hrê ở các thung lũng dưới núi. Các nhà nghiên cứu cho rằng Trường lũy là mồ hôi công sức hợp tác giữa người Việt và người Hrê, nhằm phục vụ lợi ích cho cả hai cộng đồng người này.
Nằm dọc tỉnh Quảng Ngãi, Trường luỹ đi qua nhiều địa hình khác nhau. Cũng vì thế, việc xây dựng nó cũng rất đa dạng. Ở địa hình bằng phẳng, luỹ đơn giản chỉ được đắp bằng đất, nơi sườn núi có độ dốc vừa phải, luỹ được đắp cốt đất ở trong và ốp đá ở ngoài.
Đây là cách mà người xưa chống lại hiện tượng trôi trượt của luỹ trên sườn đồi, núi. Những địa hình có độ dốc lớn, hoặc trên đỉnh những ngọn núi cao thì Trường luỹ được xây hoàn toàn bằng đá. Với kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa, khiến cho luỹ có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi.
Theo các nhà nghiên cứu, khảo cổ thì hiện tại di tích Trường Lũy còn nguyên vẹn, đặc biệt là vùng núi, lũy và đồn xây dựng bằng đá. Còn ở những nơi địa hình thấp bằng phẳng, lũy được đắp bằng đất đang bị xâm hại bởi việc canh tác nông nghiệp của người dân địa phương, nhiều nơi bị phá để làm đường giao thông và cũng có không ít nơi bị tàn phá do thời gian và thiên tai…
Hiện Trường lũy đang trong quá trình xét duyệt để được công nhận là Di sản quốc gia, nhằm biến Trường lũy thành một địa điểm du lịch quốc tế.
Ngoài ấn tượng về “Vạn lý trường thành Việt Nam”, tác giả Adam Bray còn ấn tượng về tiềm năng du lịch của Quảng Ngãi. Tỉnh tự hào với những miền quê trập trùng đồi núi, suối nước nóng, đảo núi lửa ngoài khơi, thềm san hô và những bãi biển nguyên sơ dài bất tận.
Trải rộng khắp tỉnh là những địa điểm văn hóa độc đáo, với di tích của hơn chục tháp Chàm cổ, những thành lũy và những khu lăng mộ Sa Huỳnh có từ năm 1000 trước Công nguyên.
Theo Dân Trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét