Khu bảo tồn biển Hòn Mun

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Hòn Mun nằm ở phía nam vịnh Nha Trang, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Được gọi là Hòn Mun vì phía đông nam của đảo có những mỏm đá nhô cao, vách dựng hiểm trở tạo thành hang động, đặc biệt đá ở đây đen tuyền như gỗ mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác.

Từ năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun_ dự án bảo tồn biển đầu tiên ở Việt Nam chính thức ra đời. Dự án do Bộ Thủy sản, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Thế giới thực hiện. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Ngân hàng thế giới; Chính phủ Hoàng Gia Đan Mạch thông qua DANIDA và IUCN – Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tài trợ, cùng với vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam.
Khu bảo tồn biển Hòn Mun nằm trong Vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh. Diện tích khoảng 160km² bao gồm khoảng 38 km² mặt đất và khoảng 122 km² vùng nước xung quanh các đảo.

Mục đích của dự án nhằm “Bảo tồn một mô hình điển hình về đa dạng sinh học biển có tầm quan trọng quốc tế và đang bị đe dọa” và đạt được các mục tiêu “giúp các cộng đồng dân cư tại các đảo nâng cao đời sống và cộng tác với các bên liên quan khác để bảo vệ và quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học biển tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, tạo nên một mô hình hợp tác quản lý cho các Khu ảo tồn biển của Việt Nam.”

Kết quả khảo sát đa dạng sinh học và nơi sinh cư Khu bảo tồn biển cho thấy Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam. Nó có tầm vóc quốc tế vì nó có số loài tương tự như ở trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực ấn Độ- Thái Bình Dương. Và người ta cũng đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới.

Trong những hang động đá đen của Hòn Mun hàng năm có chim yến về làm tổ. Do địa thế của đảo rất gần với dòng hải lưu nóng từ phía xích đạo đưa tới nên thích hợp với điều kiện phát triển của san hô và nhiều loại sinh vật biển nhiệt đới cũng về đây quần tụ, đáy biển vùng Hòn Mun là một tập hợp quần thể sinh vật biển phong phú, đa dạng, là nơi quan sát, nghiên cứu rất lý thú, bổ ích cho các nhà nghiên cứu sinh vật biển, hải dương học và du khách muốn tìm hiểu về biển.

Đến Hòn Mun, du khách có thể lặn biển hoặc đi tàu đáy kính để ngắm nhìn các rạn san hô nhiều màu sắc với nhiều loài sinh vật biển tung tăng bơi lội.
Những hoạt động nhằm tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân khóm đảo đã và đang được tiến hành. Một số loại hình nâng cao thu nhập cho dân đảo như đan lưới thể thao, nấu chè từ rong biển, làm mành ốc đang được tiến hành.

Kế hoạch cho người dân vay tín dụng cũng đang được Dự án đưa vào hoạt động. Một số loài thủy hải sản có tiềm năng giúp người dân nâng cao thu nhập đã và đang được tiến hành thử nghiệm như rong sụn, vẹm xanh, hầu sú, cá mú, cá dìa và hải sâm.
Quỹ phát triển môi trường của Dự án đã được sử dụng để nâng cấp đường sá, chợ, bệnh xá ở các khóm đảo, và đặc biệt là công trình điện thắp sáng cho khóm đảo Hòn Một.

Ở Hòn Mun, chỉ cần đến độ sâu chừng 10m là bạn có thể chiêm ngưỡng được quang cảnh tuyệt vời của chốn thủy cung. Từ vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của “cánh đồng” san hô trải dài ngút tầm mắt với đủ loại san hô như san hô đỏ, san hô sừng nai… đến cảnh “sinh hoạt” sống động của những thần dân công chúa thủy tề.

Bạn có thể thỏa thích vui đùa cùng với những đàn cá đủ chủng loại, đủ màu sắc. Đôi khi, bạn còn bắt gặp cả con cá mú khổng lồ, nặng 7-8kg; những chú cá chình dài 3-4m, hay những đàn cá cơm khổng lồ với diện tích trên 1km² lướt qua người…

Nếu thích phiêu lưu, bạn có thể lặn sâu hơn. Ở độ sâu dưới 18m, đó mới thật sự là thám hiểm. Xuống độ sâu cỡ đó thì không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng có nhiều hang động cho bạn tha hồ khám phá. Có những hang sâu 10-15m, khách phải dùng đèn để quan sát những sinh vật biển chuyên sống trong bóng tối như tôm, mực, tôm hùm, cá đuối…

Thế nhưng, để bảo đảm an toàn khi lặn biển bạn phải chuẩn bị đồ nghề khá kỹ, từ bộ quần áo lặn, chiếc bình hơi 13kg đến kính mắt, chân vịt và cả sợi dây nịt bằng chì để cho đủ sức nặng chìm xuống nước…

Trước khi lặn, tất cả các du khách sẽ được trải qua một khóa học cấp tốc ngay trên tàu. Nếu chưa lặn lần nào, bạn sẽ được hướng dẫn viên cho thực tập ngay tại Hòn Mun trước khi bước vào phiêu lưu dưới đáy biển. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo, vì mỗi khi xuống nước bao giờ cũng có một hướng dẫn viên kèm theo “sát nút” cho đến khi bạn lên bờ.

Ở Hòn Mun hiện nay còn có những dịch vụ tổ chức đám cươi dưới đáy biển, những đôi uyên ương thường đến đây để tổ chức cho mình một lễ cưới thật là độc đáo và mới lạ. Hoà vào thiên nhiên, họ tổ chức ngày trọng đại nhất của đời mình cùng với khung cảnh lãng mạn, lung linh, huyền ảo dưới đáy đại dương. Đây cũng là một dịch vụ đang ngày càng thu hút được nhiều đôi bạn trẻ quan tâm và tìm hiểu.

Hiện nay, dịch vụ lặn biển đã được phát triển và mở rộng ở nhiều khu du lịch biển, thế nhưng Hòn Mun vẫn là điểm du lịch lặn biển đẹp nhất trong cả nước. Hòn Mun đã và đang để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với du khách tham quan trong cũng như ngoài nước.

Một số điểm Lặn quanh Khu Bảo Tồn Hòn Mun:

- Fisher man bay
Điểm lặn có độ sâu 16-18m với đủ lọai san hô mềm, cứng, san hô bàn, lòai cá Cóc (frog fish), cá Ma (Ghost fish), lòai cầu gai với thân hình gai tua tủa đầy uy lực. Nổi bật giữa các búi san hô mềm là các lòai cá Khoan cổ cam đỏ (clown fish), cá Thia xanh (Damse fish) di chuyển theo từng đàn trông thật vui mắt.

- Small hill
San hô mọc lan theo các vách đá đến độ sâu 45m. Nơi đây thuận tiện cho các ca lặn sâu bám vách. Mao tiên (Lion fish) - nữ hòang của lòai cá xuất hiện nhiều nơi này cùng các lòai Bạch tuộc (Octops), cá Mú mặt qủy (Scorpion fish), cá Cóc (Frog fish)… và nhiều lòai sinh vật khác xuất hiện tùy độ sâu.

- Small wall
Điểm lặn có độ dốc khá lớn, độ sâu từ 27 -30 m, thích hợp cho việc lặn sâu với các hốc đá lớn. Ẩn chưa trong các hốc đá là các lòai bạch tuộc (Octopus) với những cái vòi thật đáng kinh ngạc. Lòai cá Mao tiên (Loin fish), Thỏ biển (Nudi branch) đa dạng làm cho tòan cảnh thêm sinh động.

- South rock
Nơi ấy là một vườn san hô tuyệt đẹp với các tảng san hô bàn khổng lồ có tuổi thọ hàng trăm năm với dáng vẻ rêu phong là nơi cư ngụ nhiều lòai cá lạ. Bãi có độ dốc thỏai thỏai đến 20m, đa dạng san hô và Hải qùy (Animal fish) cùng với các lòai cá Cóc (Frog fish), Thỏ biển (Nudi branch), Mao tiên (Lion fish) …

- South reef
Độ sâu nơi đây khỏang 25-27m, rạn san hô tương đối còn nguyên vẹn với đa dạng chủng lọai, màu sắc, ẩn chứa trong rạn là các lòai: Thỏ biển (Nudi Branch), cá Nhồng (Baracuda fish), cá Đá (Stone fosh), cá Nàng đào (Moorish Idol) …


- Moray beach
Trên gọi của bãi đã gợi ý cho chúng ta sản vật của điểm lặn. Chình (Moray) săn mồi vào ban đêm, ban ngày chúng nấp trong hang. Khi thấy có khách, như thói quen, chúng thò đầu ra đớp mồi mà hướng dẫn đã chuẩn bị làm quà cho chúng. Chỉ trong một diện tích không lớn nhưng có đến 7-8 con chình với cái đầu to đến 25 cm, chiều dài khỏang 7m. Dần dà thành thói quen, chúng như những con vật trong vườn bách thú trông thật dễ tợn nhưng rất ngoan ngõan khi “tiếp khách”. Nơi đây có quang cảnh đẹp, độ dốc không lớn lắm nên rất thích hợp cho khách học khóa cơ bản, bơi hoặc lặn Khám phá.

- Pipe beach
Điểm lặn có độ sâu từ 13-15m với các lòai tiêu biểu: cá Ống điếu (Pipe fish), cá Ma (Ghost fish), cá Ngựa (Sea horse), Tắc kè (Flying Gurnard)… San hô nơi đây mọc dầy đặc, trải dài theo chân đảo, đa dạng về lòai và màu sắc, thích hợp cho khách học khóa cơ bản, bơi, lặn thử, lặn giải trí, …

- Lobster beach
Bãi có độ sâu khỏang 14-16m. Nơi đây san hô có phần thưa thớt hơn các nơi khác nhưng đây là nơi xuất hiện Tôm Hùm (Lobster)– một lòai có giá trị hải sản cao ở Việt Nam, cá Bống hoa (Dragonet), Tôm tít xanh (Mantis shrimp), cá kèn (Trumpet)… Trước kia đây đã từng là nơi cư ngụ, sinh sản của các lòai Rùa (Turtle). Dưới tác động của môi trường và con người, Rùa đã không còn cư ngụ tại nơi này. Môt vài năm trở lại đây, từ khi thành lập Khu bảo tồn biển, thỉnh thỏang chúng ta lại thấy Rùa quay trở lại sinh nở.

- Mamahanh beach
Bãi có địa thế dưới nước rất đẹp, độ sâu khỏang 15-16m với các lòai Mực nang (Cuttle fish), cá Mú mặt qủy (Scorpion fish), Mao tiên (Lion fish)… Bên trong các vách núi trên đảo là các hang Yến (Salangene) rộng, đem lại hàng triệu đola/năm cho tỉnh.

- Madona rock
Là nơi có nhiều hang ở nhiều độ sâu khách nhau. Ẩn chứa trong hang là nơi đẻ trứng và nuôi dưỡng cá con. Cá trong hang dầy đặc như ong trong tổ. Nắng hắt từ trên mặt nước xuống vừa đủ sáng làm khung cảnh nơi đây thêm huyền bí và lộng lẫy tạo cho bạn cảm giác luyến tiết khi vừa rời hang. Đặc biệt nơi này có lòai cá Mú (Big Grouper fish) nặng đến 40-45 kgs trông thật kinh ngạc cùng xuất hiện với các lòai hiếm thấy khác.

- Rom wall
Điểm lặn sâu 25-28m, thích hợp cho việc lặn sâu. Đây cũng là nơi cư ngụ của lòai cá Mú (big Grouper fish) nặng khỏang 40-45 kgs, cá Hòang đế (Angle fish), các tảng San hô bàn rộng đến 10 m2.
- Hard rock
Độ sâu 10-13m. Tòan cảnh nơi đây rất đẹp, trên vách núi là những hang Yến (Salangene) rộng được canh gác nghiêm ngặt, dưới nước là các hang sâu và rộng, vách đứng với độ sâu đến 35m, thích hợp cho việc lặn sâu.

- Small rock
Có nhiều hốc đá lớn với phong cảnh tuyệt đẹp, san hô màu xanh lục ẩn chức các lòai: cá Nhồng (Baracuda fish), Mó xanh (Parrots fish), cá Bò gai (file fish), Sơn rằn (squirrel fish), Nóc hòm (Smooth frunk fish)…

- Big wall
Điểm lặn lặn có độ sâu đến 45m, thích hợp cho lặn sâu với các vách đá lớn với hình thù kỳ dị. Đây là nơi hội tụ nhiều lòai cá lớn, đi theo đàn trong thật vui mắt: cá Bè (Bouble dotted queen fish), Hồng bạc (Mangrove),Thu (Rabit fish), Ngân (Yellowtail scard)…

Du lịch, GO! - Tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc