Từ đỉnh Ngọc Linh kéo ra phía Bắc gặp những cánh rừng A Roàng, A Lưới (Thừa Thiên Huế), núi rừng miền tây Quảng Nam còn lưu giữ cả những bí ẩn của một vùng văn hóa đa dạng của các tộc người đã bao đời sinh sống nơi đây.
< Sương sớm bản làng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn từng nhận xét như vậy trong một công trình về văn học dân gian xứ Quảng. Chính vì thế, khám phá văn hóa, không gian, văn học dân gian… vùng cao không chỉ là cuộc khám phá tri thức, khám phá tình cảm mà còn sẽ giúp chúng ta quay về với cội nguồn, với bầu sữa mẹ quê hương.
Nhưng cội nguồn, bầu sữa mẹ quê hương ấy ngày một thay đổi. Dưới bóng rừng già, bao đời nay các dân tộc ít người ở Quảng Nam dựng bản làng, làm rẫy, làm nhà, sống hòa hợp với thiên nhiên. Không gian đặc trưng của vùng cao phải nhắc ngay đến rừng - bởi đó là tất cả cuộc sống của đồng bào. Có nhà nghiên cứu quả quyết: Không có rừng, họ sẽ khó tồn tại!
< Nhịp điệu hằng ngày.
< Kho thóc người Xê Đăng ở Trà Linh.
Những thửa ruộng bậc thang Chuôr có từ hàng trăm năm nay do bàn tay cần mẫn của đồng bào Cơ Tu kiến tạo vừa được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Những thửa ruộng trông như những “chiếc thang trời”, thuộc địa bàn thôn Arầng I, II, III (xã A Xan - Tây Giang), nằm trên tuyến đường A Xan - Ch'Ơm. A Xan là một trong 4 xã vùng cao Tây Giang, ở độ cao khoảng 1.300m so với mực nước biển, giáp ranh nước bạn Lào.
< Nét mới Tây Giang.
Khách đến đây nếu gặp mùa sắp thu hoạch sẽ được chiêm ngưỡng cánh đồng lúa chín vàng tuyệt đẹp. Có thửa chỉ vài chục bậc thang nằm vắt vẻo bên mé đồi, có thửa vút lên thẳng tắp theo hình chóp nón để lộ những bậc tam cấp uốn cong như những cánh cung đất, có thửa lúa đã chín vàng ươm, có thửa vừa mới chín, màu vàng của ruộng lúa hòa lẫn với màu xanh cây rừng tạo thành vẻ đẹp khó tả… Trong chiến tranh chống Pháp và Mỹ, cánh đồng lúa bậc thang Chuôr góp phần cung cấp lương thực cho cán bộ, bộ đội.
< Thác nước bên đường Hồ Chí Minh.
Tất cả các thửa ruộng bậc thang Chuôr đều được dẫn nước từ sông K'ool. Trước kia, khi chưa có hệ thống kênh mương, đồng bào Cơ Tu dùng thân cây thông to bổ đôi đẽo thành máng nước, rất cực nhọc vì vụ nào cũng phải thay “đường ống”. Bây giờ đã có đập và mương kiên cố, sản lượng lúa cao hơn, đôi khi cung cấp lương thực cho các đồn biên phòng, trường học, trạm xá...
< Núi rừng chập chùng...
Ruộng bậc thang Chuôr là kết quả của phương thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa nhất, hàm chứa tri thức bản địa của người Cơ Tu, trở thành điểm nhấn trong bức tranh cảnh sắc vùng cao Quảng Nam với không gian sinh thái trong lành hấp dẫn du khách. Mỗi mùa thu hoạch là một mùa lễ hội mừng lúa mới.
Theo: Xuân Ring/Quảng Nam Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét