Từ đỉnh Ô Quy Hồ, xuôi về phía Tây 34 km, vừa hết chân đèo Hoàng Liên Sơn mịt mù sương gió, ta sững lại trước dòng Nậm Na sục sôi, ầm ào đang chồm qua những ghềnh đá hộc khổng lồ, xen giữa vách núi dựng đứng.
< Dòng Nậm Na bên chân đèo Hoàng Liên Sơn.
Với những chi lưu khắp các núi đồi phía bắc Phong Thổ (Lai Châu), chảy qua vùng xòe nổi tiếng Huổi Én, Vàng Bó, Vàng Bâu, về đến vùng thung lũng Bình Lư (huyện Tam Đường-Lai Châu), Nậm Na đã tích đủ một lượng nước khổng lồ. Từ đây, Nậm Na bắt đầu một hành trình vĩ đại, cuồn cuộn chảy qua vô vàn những ghềnh đá hộc to bằng cả gian nhà và xẻ đứt hoàn toàn sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn rồi hợp lưu với sông Đà tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Nơi dòng Nậm Na như chú ngựa bất kham băng mình hơn 150 km giữa những hiểm trở ấy, các nhà địa chất gọi là vết đứt gãy Phong Thổ.
< Du khách Anh vượt đèo Hoàng Liên Sơn.
Đổ hết đèo Hoàng Liên Sơn, khi đã thấm thía những hiểm nguy từ hành trình lớn dọc dòng Nậm Na hung dữ và heo hút, chúng tôi giật mình khi bắt gặp hai người phụ nữ nước ngoài đứng tuổi mặt đỏ gay đang gò mình vượt dốc trên chiếc xe đạp địa hình chằng buộc lỉnh kỉnh các loại balô, túi dết, săm lốp dự phòng…
Dòng Nậm Na đã trở thành một thử thách hấp dẫn đối với những người có máu phiêu lưu, đặc biệt phù hợp với du khách nước ngoài.
< Ven bờ sông, lô xô những nếp nhà sàn mái đá đen, vàng, xám của người Thái.
Sông Nậm Na vẫn không ngớt tung bọt trắng xoá dù lúc này chưa phải mùa mưa lũ. Tiếng dòng chảy ùng ục sục sôi như hàng chục chiếc xe tải đang gầm gào bên tai. Hai bên bờ sông, xen lẫn giữa núi đá nham nhở là những ruộng lúa, nương ngô xanh ngắt và những ngôi nhà đất vàng khè, mái ngói xi măng cứng quèo của người Mông. Nổi bật giữa cảnh sắc đó là những chiếc váy thêu sặc sỡ trên người các bà các chị làm nương, đi chợ hay xoè rộng trên hàng rào tre đan trông như những cánh bướm khổng lồ bay phất phơ trong nắng sớm.
< Hai bên bờ sông Nậm Na là những ruộng lúa, nương ngô xanh ngắt và các bản làng yên bình của bà con các dân tộc Lai Châu.
Sông chợt ngoặt qua đường sang trái, rồi dần mất hút sau núi đồi Bình Lư. Từ xa, Nậm Na giờ chỉ còn là một dải lụa trắng mảnh, uốn lượn quanh thung lũng. Bình Lư đã đổi tên thành thị trấn Tam Đường. Giữa thị trấn, chúng tôi thấy vài người đàn bà Lự bán hàng thổ cẩm. Tài nghệ dệt, may, thêu thùa của họ rất điêu luyện. Từ những chiếc quần của người đàn ông cho đến váy, áo, khăn của phụ nữ thường có hoa văn trang trí rực rỡ trên nền vải nhuộm chàm. Cổ đeo vòng được nối hai đầu bằng chuỗi dây xà tích bằng bạc, tay cũng đeo khá nhiều vòng bạc, đồng, hàm răng được nhuộm đen nhánh.
< Những người phụ nữ Dao ở đèo Lản Nhì Thàng.
Đi một đoạn nữa tới đèo Lản Nhì Thàng, chúng tôi gặp một nhóm phụ nữ Dao với trang phục rất lạ mắt. Toàn bộ trang phục màu đen, điểm thêm một dải tua rua dài hồng rực trước ngực. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến cái mũ bằng bạc, đội trên một búi những lọn tóc dài được tết chặt như dây thừng. Người dân nơi đây rất vui vẻ và cởi mở.
Đến ngã ba Phong Thổ cũ, tôi gặp lại cung đường đã đi 15 năm trước từ Vàng Ma Chải về thị xã Lai Châu cũ. Bám theo con đường cheo leo sườn núi cùng tiếng réo ào ào của dòng sông phía dưới, tôi bắt đầu một hành trình với đầy ký ức đan xen với thực tại.
< Trên đầu họ là cái mũ (có thể gọi là cái “vương miện” bằng bạc) đội trên một búi những lọn tóc dài được tết chặt như dây thừng.
Hồi đó, ngồi trên thùng xe tải Gaz 66, sau khi nó hoàn thành nhiệm vụ chở hàng Tết cho các chiến sĩ ở đồn Biên phòng Dào San – Đồn 281, vòng vèo quanh những con đèo tưởng như bất tận, gió giật từng cơn nghiêng ngả, tôi vẫn không thể quên cái ngã ba lẻ loi với tấm biển liêu xiêu “Đường đi Pa Nậm Cúm”. Nay tấm biển ấy đã được thay bằng tấm biển xanh chữ trắng ngay ngắn “Đường đi cửa khẩu Ma Lù Thàng”, xung quanh nhà cửa, chợ búa sầm uất. Hoá ra Pa Nậm Cúm là tên một con suối chảy qua biên giới Việt – Trung. Thị trấn Phong Thổ nay đã chuyển về cái ngã ba này. Một chiếc cầu to lớn đang xây nối hai bờ. Không còn cảnh vắng vẻ, hoang vu chỉ có núi rừng mù sương và sông chảy mê mải nữa, mà máy ủi, máy xúc, xe lu đang hối hả tạo dựng cho thị trấn một khuôn mặt mới.
< Những thửa ruộng ruộng bậc thang của bà con dân tộc Hà Nhì.
Qua Phong Thổ, những con đèo ngoằn nghèo dọc Nậm Na đưa tôi tới Pa Tần. Đâu rồi những xóm làng người Thái với từng đoàn thuyền đuôi én thảnh thơi gối mình nơi bãi cát ven sông. Những con thuyền gắn liền với cuộc sống của đồng bào Thái từ bao đời, nay không còn chiếc nào nữa. Tạt vào bản ven đường, hỏi ông Lò Văn Puốn về những chiếc thuyền xưa, ông lắc đầu ngao ngán “đóng thuyền đuôi én đã khó, mà chạy ngược dòng không nhanh như thuyền sắt gắn máy bây giờ. Em là người duy nhất hỏi tôi câu này từ cả chục năm nay. Có còn sót lại vài cái nhưng mấy trận lũ vừa rồi đã cuốn sạch cùng cầu treo và khối người đi rồi,” ông Puốn nói. Tôi thầm nghĩ, có lẽ nơi duy nhất có thể tìm thấy hình dáng những con thuyền đẹp như vầng trăng khuyết này là trong tủ kính của Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội, và may chăng bên phía sông Đà, sông Mã là còn nữa mà thôi.
< Phụ nữ dân tộc Thái vùng thung lũng Bình Lư tắm dòng nước mát chảy từ sông Nậm Na.
Tôi cũng không thấy cái cáp treo với chiếc ròng rọc gắn thùng gỗ đưa người qua sông khi xưa nữa. Những chiếc cầu treo chắc chắn và một bến phà đã thay thế nhiệm vụ của những chiếc ròng rọc gắn thùng gỗ đưa người qua sông năm xưa.
Còn 33 km nữa là tới Chăn Nưa (Sìn Hồ-Lai Châu). Đường càng lúc càng quanh co, các khúc cua tay áo lặp đi lặp lại liên tiếp khiến người ngồi trên xe phải hết sức tập trung quan sát. Sông Nậm Na vẫn hun hút sục sôi. Đôi lúc những vực sông dưới rừng già âm u có thể làm nhiều người lạnh gáy. Khung cảnh thật hoang sơ, hùng vĩ.
< Du khách nước ngoài chụp ảnh sinh hoạt của bà con dân tộc Lự (bản Hon 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường).
Vào đến những bản làng vắng vẻ, yên bình, Nậm Na đột ngột hiện ra trước mắt chúng tôi với một dáng vẻ mới. Sông Nậm Na, giờ như một con mãng xà nằm kẹp giữa hai vách núi, cuồn cuộn, réo gào. Đứng trên đường, tôi như bị hút vào cái vực sông đang ngoác ra đầy đe doạ. Nó cứ thế xé toang vách đá mà đi. Cả vạn năm nay nước cứ mải miết xô mình vào đá tảng, đá gồng mình chặn sóng lại, sóng nước lại tức tối xô sang hướng khác hay chồm mình qua. Những thác nước ào ào từ trên núi chui qua cống ngầm. Có lúc nước to quá, không cống nào chịu nổi, nó phóng thẳng qua đường, rồi hút mạnh vào Nậm Na. Có lẽ chính vì vậy mà chiếc cầu ngắn qua đó được mang tên Thác Bay, gợi nhiều hình ảnh liên tưởng thú vị cho những ai thưởng thức cảnh tuyệt đẹp ấy.
< Cầu treo vượt sông Nậm Na.
Ở Chăn Nưa, con mãng xà Nậm Na chợt chùng mình thay hình đổi dạng. Không còn vẻ dữ dằn với những dòng nước cuồn cuộn, trắng xoá, Nậm Na duyên dáng uốn mình cùng những cánh đồng lúa xanh mát rượi của Chăn Nưa. Ven bờ sông, lô xô những nếp nhà sàn mái đá đen, vàng, xám của người Thái nằm nép mình bên những hàng cơm nguội, dẻ, long não xanh tốt. Hình ảnh làng quê hiện lên thật thanh bình, êm ả. Tuy nhiên, những đống đất đá, gạch ngói, xi măng ngổn ngang của khu định cư mới ven đường đã thay thế màu xanh của đồi núi nơi đây. Đất đỏ quạch dưới chân người và không biết bao giờ mới xanh trở lại.
Dời Chăn Nưa, lòng ngổn ngang, chúng tôi tiếp tục hành trình tới ngã ba đi Mường Tè (Điện Biên). Nhìn cột mốc chỉ Mường Tè 85km, lòng ai nấy đều háo hức muốn rẽ vào, nhưng chúng tôi biết để tới hẳn địa đầu A Pa Chải chắc phải mất cả tháng trời nữa… Đành tiếp tục cung đường đã định về với thị xã Lai Châu cũ (nay là thị xã Mường Lay), nơi dòng sông không yên ả này tiếp sức cho Đà giang. Đứng trên cầu Hang Tôm, nhìn xuống dòng sông đang mải miết trôi, tôi khó có thể tưởng tượng ra Nậm Na lại là một con sông hung dữ nhất Tây Bắc khi mùa lũ, nhấn chìm, tàn phá thị xã Mường Lay trong làn nước đỏ ngầu, mênh mông.
Nhưng cũng chẳng có gì khó hiểu khi mà những cánh rừng đầu nguồn đã không còn khả năng ngăn nước mùa mưa. Vậy thủ phạm làm nên những trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng đâu phải là Nậm Na hay bất cứ con sông, dòng suối nào, mà chính là ý thức và trách nhiệm của chính con người.
Theo VNP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét