Di tích bãi cọc Bạch Đằng
Bãi cọc Bạch Ðằng là các bãi cọc trên sông Bạch Đằng được sử dụng làm trận địa chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt nằm trong khu đầm nước của xã Yên Giang giáp đê sông Chanh thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Ðã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích lịch sử (số191 VH/QÐ ngày 22 tháng 3 năm 1988) nhân kỷ niệm 700 năm chiến thắng Bạch Ðằng.
Bãi cọc Bạch Ðằng tồn tại cùng thời gian là nhân chứng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nơi ghi dấu thiên tài quân sự của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn ở thế kỷ XIII. Vào thế kỷ XIII, sau 2 lần tiến quân xâm lược Việt Nam bị thất bại thảm hại (1258, 1285) năm 1288 quân Nguyên Mông quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa với 30 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy và 70 vạn hộc lương do Trương Văn Hổ chỉ huy tiến vào Thăng Long bằng đuờng bộ và đường thuỷ.
Đền Trần Hưng Đạo
Đền Trần Hưng Đạo toạ lạc trên đôi đất bên bờ sông Bạch Đằng thuộc địa phận xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh. Đền được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cùng với miếu Vua Bà (số 100 VH/QĐ ngày 21/ 1/ 1990) bổ sung cho di tích Bãi cọc Bạch Đằng.
Đền Trần Hưng Đạo trước đây được xây dựng ở khu hậu đồng, cách đền ngày nay gần 1.000 m về hướng đông, năm 1936 mới chuyển về cạnh miếu Vua Bà ở vị trí hiện nay. Đền được xây dựng ngay trên mảnh đất diễn ra trận đại thắng Bạch Đằng năm 1288 mà những cọc gỗ dưới đầm Yên Giang là một minh chứng.
Đền kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (J), gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo đối với giang sơn đất Việt, một bộ kiệu bát cống được chạm trổ, điêu khắc tỉ mỉ và bốn đạo sắc của các vua triều Nguyễn phong cho các chủ nhân đền Trần Hưng Đạo. Lễ hội đền Trần Hưng Đạo - Miếu Vua Bà diễn ra vào ngày 8 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Miếu Vua Bà
Miếu Vua Bà thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cùng với đền Trần Hưng Đạo.
Miếu được xây dựng từ thời Trần trên doi đất cổ, cạnh bến đò cũ ngày xưa và đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa. Đây là một trong số di tích nằm trong quần thể bãi cọc Bạch Đằng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc và đình Trung Bản, những dấu ấn của Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử 1288.
Lễ hội đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà cùng diễn ra ngày 8 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Tương truyền rằng trong chuyến đi thị sát địa hình chuẩn bị chiến trường, Trần Hưng Đạo qua bến đò gặp một cụ bà bán nước đã hỏi thăm vùng đất này. Bà cụ đã cung cấp cho Trần Hưng Đạo lịch triều con nước, địa thế dòng sông và còn bày cho chiến thuật hoả công để đánh giặc. Sau khi thắng trận, Trần Hưng Đạo đã quay lại bến đò tìm bà cụ bán hàng nước thì không thấy nữa, ông đã xin vua Trần phong sắc cho bà là “Vua Bà” và lập đền thờ tại đây.
Cây lim Giếng Rừng (Cây lim cổ thụ)
Hai cây lim Giếng Rừng nằm dưới chân núi Tiên Sơn thuộc phố Ðoàn Kết, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Hai cây lim này có tuổi thọ trên 700 năm cùng với các địa danh cổ còn lưu lại đến ngày nay như Sông Rừng, Bến Rừng, Chợ Rừng, Giếng Rừng... chứng tỏ xưa kia là vùng đất ven sông Bạch Ðằng là những cánh rừng cổ mà dấu vết còn lại đến nay có liên quan mật thiết với các trận địa cọc trên sông Bạch Ðằng năm xưa.
Mặc cho thời gian và khí hậu khắc nghiệt nhưng cây vẫn xanh tươi, như một tượng đài chiến thắng giản dị, đơn sơ và đầy sinh lực. Hai cây lim Giếng Rừng đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận di tích lịch sử số 191 VH/QÐ ngày 23/3/1998 bổ sung cho di tích bãi cọc Bạch Ðằng.
Ðình Yên Giang (An Hưng đền)
Ðình Yên Giang nằm trên một gò đất cao ở trung tâm xã Yên Giang, huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích lịch sử số 310 QÐ/BT ngày 13/2/1996 (bổ sung vào di tích bãi cọc Bạch Ðằng). Ðình xây dựng thế kỷ 16 nhưng đã trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng năm 1952; 1993 được xây dựng lại như ngày nay. Ðình thờ Thành Hoàng làng là vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo.
Ðình Yên Giang và đền Trần Hưng Ðạo có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ðền thờ Trần Hưng Ðạo là nơi thờ thường xuyên thành Hoàng của Làng. Do vậy vào các ngày sinh, ngày hoá của Trần Hưng Ðạo vào ngày giỗ trận (ngày 8/3 âm lịch, ngày chiến thắng Bạch Ðằng 1288) và các dịp làng có sự như cầu mưa, cầu phước...dân làng đều rước tượng Trần Hưng Ðạo từ đền về đình để tế lễ, cầu xin Thành Hoàng làng che chở. Ðình kiến trúc theo kiểu chữ Ðinh (J) gồm 5 gian tiền đường, 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung.
Hiện nay đình còn lưu giữ được một bát hương sứ thời Lê, 2 bia đá chạm nổi trên trán và diềm hình rồng thời Nguyễn, câu đối, đại tự và 6 đạo sắc của các vua triều nguyễn phong cho Thành Hoàng làng Trần Hưng Ðạo, 5 long ngai, 1 bộ kiệu Bát Cống và long đình được chạm trổ kênh bong sắc nét hình rồng và hoa văn hoa lá sơn son thiếp vàng thời Nguyễn. Lễ hội đình Yên Giang gắn bó mật thiết với đền Trần Hưng Ðạo - miếu Vua Bà và bãi cọc Bạch Ðằng vào ngày 8/3 âm lịch, kỷ niệm ngày chiến thắng Bạch Ðằng năm 1288.
Ðền Trung Cốc
Ðền Trung Cốc nằm trên gò đất cao ở giữa thôn Ðông Cốc, xã Nam Hoà, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)công nhận là di tích lịch sử số 310 QÐ/BT ngày 13/2/1996 bổ sung cho di tích bãi cọc Bạch Ðằng. Ðền được xây dựng từ lâu bằng tranh tre, đến năm Gia Long thứ 6 (1807) xây dựng lại như ngày nay. Ðền thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và Phạm Ngũ Lão.
Tương truyền, để chuẩn bị cho xây dựng bãi cọc đồng Vạn Muối ở cửa Sông Kênh, 2 ông đã bị cạn thuyền gò đất thôn Ðông Cốc (ngày nay) và phải huy động dân binh, thuyền chài tới kéo thuyền ra. Ðể ghi nhớ sự kiện này, sau chiến thắng Bạch Ðằng, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại chỗ thuyền bị mắc cạn trước đây.
Theo DulichVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét