Cách không xa trung tâm Thủ đô Hà Nội, Hoà Bình là một tỉnh lỵ nằm ở cửa ngõ lên miền Tây Bắc Tổ quốc. Với diện tích tự nhiên hơn 4.600km2, phía Bắc giáp Phú Thọ, phía Nam giáp Thanh Hoá, Ninh Bình, phía Đông giáp thành phố Hà Nội, Hà Nam và phía Tây giáp Sơn La, vị trí địa lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Hoà Bình giao lưu thương mại, phát triển kinh tế-xã hội.
Trên bản đồ du lịch Việt Nam, Hòa Bình được đánh giá là một trong những điểm du lịch giàu tiềm năng. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, kỳ thú cùng bề dày lịch sử văn hoá phong phú và đa dạng đã cuốn hút du khách bốn phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có quần thể 177 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Những cái tên địa danh như Động Thác Bờ, Động Cô Tiên, suối nước khoáng Kim Bôi, rừng nguyên sinh Pù Hooc, bản Lác - Mai Châu, vùng lòng hồ sông Đà mênh mang sóng nước được ví như “Hạ Long trên núi”, công trình “thế kỷ”- Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình… đã để lại ấn tượng sâu đậm cho những ai từng một lần ghé thăm.
Vùng đất giàu bản sắc văn hoá
Miền đất sinh sống của người Việt cổ cách đây hàng vạn năm này là cái nôi của nền Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng thế giới, nơi cú trú của cộng đồng các dân tộc Mường, Thái, H’Mông, Kinh, Tày, Dao…
Dân tộc Mường chiếm một tỉ lệ khá lớn trong cộng đồng các dân tộc tại đây với bốn mường nổi tiếng là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động. Người Mường Hoà Bình thường ở nhà sàn, theo truyền thuyết dân gian gọi là nhà rùa: có 4 mái 3 tầng mô phỏng theo quan niệm vũ trụ dân gian Mường có 3 tầng 4 thế giới. Định canh, định cư lâu dài trên những triền đồi, thung lũng cạnh sông suối, bên nương lúa, nương ngô, những bản làng Mường thanh bình, thơ mộng với chiếc cối giã gạo, guồng quay nước hiền hoà chính là nơi lưu giữ bảo tồn giá trị truyền thống văn hoá đặc sắc được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nơi âm vang tiếng cồng chiêng ngày hội và sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”.
Cách thành phố Hòa Bình không xa, bản Giang Mỗ thuộc huyện Cao Phong được đánh giá là khu bảo tồn sống của văn hóa Mường Hòa Bình với nhiều nét nguyên sơ trọn vẹn, vừa chân thật, giản dị, vừa sống động và tinh tế như chính tâm hồn con người đang sinh sống trên mảnh đất này. Những căn nhà sàn cổ có tuổi đời hơn trăm năm với hàng cột gỗ vững chãi, trên vách nhà treo những nhạc cụ như đàn nhị, sáo, cồng chiêng hay đầu thú, nhiều món đồ đã cũ kĩ nhưng vẫn được gia chủ giữ gìn rất cẩn thận và gian bếp đỏ lửa, luôn nồng ấm đón chào khách quí tới chơi.
Đan xen văn hóa Mường, tiêu biểu là văn hóa Thái, tập trung ở thung lũng Mai Châu. Từ Hà Nội, men theo quốc lộ 6, qua dốc Cun quanh co, hiểm trở, đi tiếp đèo Thung Nhuối, một bên là núi đá cao, một bên là vực sâu, Mai Châu xinh đẹp và bình yên đã hiện ra trước mắt. Cả một thung lũng trải dài màu xanh của ruộng lúa, nương ngô, thấp thoáng những nếp nhà sàn xinh xắn. Đó là bản Lác có lịch sử đã mấy trăm năm, nơi sinh sống của người dân tộc Thái với 5 dòng họ Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc.
Người Thái Mai Châu đến nay vẫn bảo tồn được sắc thái dân tộc mình qua những lễ hội cơm mới, ném còn, múa quạt, xòe Thái, trong tổ chức cư trú, nghề nghiệp cổ truyền. Người phụ nữ Thái mặc áo váy trang trí những hoa văn mang biểu tượng thiên nhiên đa dạng: chim muông, cây cỏ, mặt trời. Đai thắt lưng và khăn Piêu là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Từ những sợi tơ mỏng manh, người phụ nữ Thái ở bản Lác đã khéo léo dệt nên những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, tấm vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn với nhiều họa tiết hoa văn độc đáo để bán cho du khách. Những đàn ông Thái cần cù và chịu khó chế tác nhiều cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ nhịp tre. Vào các dịp lễ, tết, người Thái thường xum vầy bên đống lửa, cùng nhau vào hội xoè hoa. Lời ca, điệu múa của người Thái mang đậm hơi thở của cuộc sống, chứa đựng ước vọng bình yên, cầu mong mùa màng tươi tốt, người người vui vẻ, gia đình ấm no.
Rời bỏ cuộc sống du canh du cư trên triền núi đá, người H’Mông Hòa Bình về định cư ở hai xã miền núi Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Cũng như những dân tộc thiểu số khác, người H’Mông lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Với họ, chiếc khèn, chiếc sáo là người bạn tâm tình, hiện hữu trong nếp sống và phong tục tập quán. Những điệu múa khèn thể hiện tâm hồn phóng khoáng, lạc quan yêu đời của những người con H’Mông dũng mãnh trong không gian núi rừng trùng điệp. “Bắt vợ” là một tục lệ thú vị mà người H’Mông vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Người Dao ở Hòa Bình tùy thuộc vào địa bàn cư trú ở vùng địa hình núi cao, trung bình và thấp mà phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Khi một đứa trẻ ra đời, mọi người thường tổ chức lễ “Dâng hương cúng Mạ” để cầu mong cho cháu bé được lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương. “Tết Nhảy” là một nét độc đáo của người Dao Quần Chẹt, một sinh hoạt tín ngưỡng nhưng lại mang đậm tính lễ hội. Tết tổ chức ở một vài nhà nhưng được bản coi như tết chung. Tất cả mọi người đều ăn uống, nhảy múa vui vẻ trong 3 ngày liền. Du khách nếu có dịp đến đúng vào “Tết Nhảy” thì khó mà từ chối một lời mời nhiệt tình của gia chủ, bởi họ là những chủ nhà thảo ăn và mến khách: Bạn chỉ được ra về khi đã ăn uống no say.
Có một cộng đồng dân cư khá đặc biệt ở Hoà Bình, đó là những kiều bào yêu nước từ Lào và Thái Lan trở về Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Từ những kiều bào sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá dọc bờ sông Đà, đến nay họ đã có cuộc sống sung túc, cùng nhau tập hợp trong “Hội thân nhân Việt kiều Lào- Thái” với hơn 300 hội viên, có tính cộng đồng cao, lưu giữ phong tục tập quán của người Lào-Thái, mảnh đất nơi họ được sinh ra. Ngày lễ tết, cả cộng đồng cùng nhau hội họp ca hát, múa lăm vông, cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống cũng như thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia với đồng bào trong nước những lúc thiên tai khó khăn. Họ chính là cầu nối những kiều bào Việt đang sinh sống tại Lào và Thái Lan với Tổ quốc Việt Nam, giúp những người con xa quê cảm nhận được hơi ấm và tình cảm của quê hương, trở về chung tay xây dựng đất nước
Những lễ hội Xuân ở Hoà Bình
Phần lớn các lễ hội ở Hoà Bình đều diễn ra vào mùa Xuân, mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, vạn vật sinh sôi nảy nở. Những lễ hội ở Hoà Bình không lớn, nhưng đặc sắc và rất nhân văn.
Với người Mường ở Hoà Bình, Xuân về là dịp để mọi người bày tỏ tấm lòng thành kính biết ơn tổ tiên, Thành Hoàng, Đức Thánh Tản Viên. Việc đầu tiên mà các cụ già trong bản nhắc con cháu phải làm trước Tết là ra đền thờ Thành Hoàng dọn dẹp, lau rửa đồ thờ cúng. Giáp Tết, nhà nào cũng tất bật đóng oản, trang trí nhà cửa, làm bánh chưng, bánh dày. Tết của người Mường bắt đầu từ ngày 2, 28. Đêm 30, tất cả con cháu sẽ tụ tập ở đền thờ để làm lễ "khai sáng". Một thủ tục không thể thiếu trong Đêm Giao Thừa của người Mường là lễ cúng ngoài trời gồm một con cá diếc và một cái bánh chay. Sáng ra, lễ này được mang cho con trâu ăn trước, vì họ cũng quan niệm như người Kinh - "Con trâu là đầu cơ nghiệp", cho trâu ăn trước để trâu đi làm.
Với người Mường, “Khuống mùa” ( xuống đồng) là lễ hội lớn nhất, diễn ra vào dịp đầu Xuân, như ở Mường Bi thường tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm. Mọi người cùng tham gia lễ hội, cầu mong cho mùa màng của năm mới được tốt tươi, no đủ. Đây cũng là dịp để người dân Mường nghỉ ngơi, vui chơi và bày tỏ những ước vọng của mình về một cuộc sống tười đẹp và bình yên. Trong lễ Khuống mùa, mọi người cùng dự lễ tế thần, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như đánh quay, đánh còn, thi bắn nỏ, chọi gà, chọi cỏ...
Đặc biệt, trong lễ hội mùa Xuân ở Hoà Bình không thể thiếu âm thanh bổng, ngân vang của những phường sắc bùa đi chúc Tết các gia đình. Nghệ thuật hoà tấu cồng chiêng cùng lối hát chúc trong hội sắc bùa là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo và hấp dẫn của người Mường còn được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay. Những chàng trai, cô gái Mường háo hức chuẩn bị áo, váy đẹp nhất để tham gia hội sắc bùa đầu xuân. Một phường bùa thường có 12 người, tương ứng với một bộ chiêng Mường gồm 12 chiếc; không phân biệt già, trẻ, gái, trai những người tham gia phường bùa là những người có lòng đam mê với văn hoá truyền thống. Tiếng “binh boong, binh boong” tấu lên bản nhạc xuân rộn rã, mọi người cùng quây quần bên vò rượu cần, thưởng thức những món ăn cổ truyền của dân tộc và cất lời ca tiếng hát, chúc cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi.
Cũng diễn ra vào dịp tháng Giêng đầu năm, Lễ hội Đền Bờ là một lễ hội độc đáo- biểu tượng của sự đoàn kết giữa ba dân tộc Kinh-Mường-Dao sống trên đất Hoà Bình. Đầu Xuân, những du khách từ bốn phương trẩy hội Đền Bờ để tưởng niệm, nhớ công ơn của hai người phụ nữ Mường và Dao đã có công giúp Lê Lợi, khi Vua đi dẹp giặc ở Mường Lễ và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình trên sông Đà.
Như mọi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ngày Tết cổ truyền là dịp người H’Mông thể hiện sâu đậm nhất truyền thống đoàn kết, bản sắc văn hóa và đời sống tâm linh của mình. “Nọttra” theo tiếng H’Mông có nghĩa là vui vẻ, ngày Tết. Khi ngô lúa từ nương rẫy được mang về cất trên gác bếp xong xuôi là lúc đồng bào H’Mông ở Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) chuẩn bị đón “Nọttra”. Tết “Nọttra” của người H’Mông đến sớm, thường diễn ra từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài hơn nửa tháng.
Theo truyền thống lâu đời, người H’Mông thịt lợn, thịt gà, quét dọn nhà cửa tươm tất từ sáng 30, mục đích là tiễn năm cũ và đón năm mới về với nhiều may mắn. Không khí lễ hội miền sơn cước như rộn rã hơn trong nhịp chày giã bánh dầy ngày giáp Tết. Đó là thứ bánh không thể thiếu trong Tết của người H’Mông. Đêm Giao Thừa, người H’Mông không ngủ, họ cùng nhau đón thời khắc chuyển giao thiêng liêng, mọi người cùng cất lên những âm thanh vang động núi rừng để tiễn biệt năm cũ, đón chào năm mới. Bàn thờ cũ được bóc đi, thay bằng bàn thờ mới là tấm giấy bồi truyền thống làm bằng cây sậy trên rừng. Trời vừa hửng sáng, trong tiếng gà gáy râm ran, nhà nhà mở rộng cửa chào đón buổi sáng đầu tiên của năm. Người H’Mông kiêng quét nhà những ngày đầu năm và không khí ấm áp luôn ngự trị trong những căn nhà bởi bếp lửa lúc nào cũng bập bùng reo vui.
Từ mồng 1 đến mồng 3 là tết của ông bà, tổ tiên. Những ngày này, mọi người đều nghỉ ngơi, ở nhà chuẩn bị cơm để đón tiếp người thân, bè bạn. Từ mồng 4, mọi hoạt động vui chơi mới bắt đầu với các trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc vùng cao như bắn nỏ, ném pao, kéo co, đánh quay, kéo đẩy…
Người già H’Mông bảo: người già đón Tết ba ngày còn thanh niên đón Tết cả tháng bởi đó cũng là mùa tìm hiểu, mùa tình yêu của các chàng trai, cô gái. Trong cái nắng, cái gió vùng núi cao, những nụ đào, nụ mận bắt đầu hé nở, những cô gái H’Mông đôi má ửng hồng, diện bộ váy áo mới họ đã mất cả năm thêu dệt, xúng xính đi chơi Xuân. Những tấm váy áo thổ cẩm diêm dúa, rực rỡ sắc màu thể hiện sự cần cù, khéo léo của người con gái H’Mông. Những chàng trai H’Mông khoe tài ném pao, bắn nỏ. Tiếng khèn lá, tiếng đàn môi dập dìu, da diết, níu chân người nghe "Tối đêm Xuân xem bạn có tình nghĩa không/ Xuân trăng lên khoe có bạn chơi không…".
Người H’Mông nồng hậu và mến khách. Đồng bào thường cho rằng, ngày Tết có ai đến chơi thì cả năm đó gặp may mắn, nên đón tiếp rất chu đáo, mời ăn, uống và ngủ lại nhà. Khi khách ra về, chủ nhà không quên mừng tuổi khách cặp bánh dày để lấy may cùng lời cầu chúc chân thành: “Sáng cò xông xe kháng khàng” nghĩa là “Chúc mừng anh (chị) năm mới mạnh khoẻ”.
Theo Quehuong.online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét