Đèo Hòn Giao: phiêu du trên con đường nối liền rừng và biển

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Có nhiều con đường nối liền rừng và biển nhưng đây là con đường nối liền hai thành phố du lịch nổi tiếng tây nguyên và miền trung, Đà Lạt và Nha Trang, được mở ra và chính thức thông xe vào tháng 4.2007.

Trước đây muốn đi từ Đà Lạt xuống Nha Trang, ta phải đi qua đèo Prenn hay đèo Dran, đổ xuống Đơn Dương, lại qua đèo Ngoạn Mục xuống Phan Rang, từ đó theo quốc lộ 1 ra Cam Ranh, đến Ngả Ba Thành rồi rẽ về thành phố biển, tất cả dài 220 cây số. Bây giờ bạn có thể đi thẳng từ rừng xuống biển, chỉ 140 cây số. Buổi sáng bạn uống café ở Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương se lạnh, buổi trưa bạn có thể nằm tắm nắng trên bãi biển Nha Trang nghe sóng đại dương vỗ bờ.

“Đi thẳng” chỉ là một cách nói thôi nhé. Mà đi thẳng thì còn gì thú vị cho một chuyến du lịch phiêu lưu. Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, bạn theo con đường đi về hồ Than Thở, qua xã Thái Phiên là nơi nổi tiếng trồng rau với các vườn rau, hoa mượt mà khoe sắc rồi cứ thế theo con đường độc đạo xuyên rừng đi về phía đông. Đó chính là con đường mới mở nối liền rừng và biển.

Con đường này do hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa thi công từ hai phía và gặp nhau nơi ranh giới giữa núi rừng trùng điệp. Phía Lâm Đồng, dù đã thông xe, vẫn chưa hoàn chỉnh. Mươi cây số, từng chặng, vẫn còn những khoảng đang rải đá hay làm lại nền đường bị lún, hoặc mở ra những đoạn đường mới để tránh những uốn khúc quanh co đã làm xong nhưng quá nguy hiểm. Một cây cầu bắc qua sông vẫn còn là cầu tạm. Nhưng bạn cứ yên chí đi tiếp, qua khỏi xã Đạ Sa, đường đã êm mượt và rộng ra thênh thang, dĩ nhiên chỉ là thênh thang giữa núi đồi thôi chứ không thể so sánh được với những xa lộ dưới bình nguyên.

Nếu bạn chạy xe máy, đây là đoạn đường tuyệt vời khi tay lái bạn quanh co liên tục vài chục cây số trên những đường cong tuyệt mỹ giữa rừng thông bạt ngàn hoang dã. Dù hoang dã, bạn sẽ cảm thấy thông bao giờ cũng dịu dàng chở che với tiếng gió vi vu qua những tàn lá kim xanh mướt. Đây chính là cảm giác đặc biệt mà bất cứ du khách nào cũng cảm nhận được khi đến với Đà Lạt, thành phố ngàn thông, nơi rừng vẫn còn lặng lẽ đi vào trong phố. Bây giờ bạn đang chạy xe giữa rừng đại ngàn, tất cả các giác quan đều mở rộng để đón nhận làn gió, tiếng chim, màu xanh trùng điệp, mùi hương núi rừng trong tốc độ của một cánh bay giữa những vòng lượn duyên dáng mượt mà như những đường cong thiếu nữ. Đâu phải ai, lúc nào cũng có thể hưởng cảm giác hạnh phúc đó.

Ranh giới hai tỉnh, nơi cách Đà Lạt gần 60 cây số, bạn bất ngờ nhận ra rừng thông đã hết và tự lúc nào rừng đã trở nên hỗn giao và dữ dội hơn với những loài cây thân trắng mốc bạn không biết tên. Cũng từ đây, bạn bắt đầu đổ đốc từ cao nguyên xuống đồng bằng. Cuộc đổ dốc này khá ngoạn mục và nếu yếu tim bạn có thể hơi lạnh gáy khi chỉ trong khoảng 30 cây số đèo quanh co liên tục, bạn đã từ độ cao 1500m xuống 1000m, rồi dưới 500m, theo như bảng chỉ độ cao bên đường. Tai bạn sẽ bùng nhùng nhức nhối như khi bạn xuống máy bay vậy.

Theo một vài bài báo, đây là đèo dài và nguy hiểm nhất Việt Nam với 33 cây số đổ dốc liên tục, hơn cả đèo Pha Đin nổi tiếng ở miền bắc. Tuy nhiên biển báo giao thông ghi chính thức đèo dài 29 cây số với một số đoạn thường có sương mù. Bạn đừng nghe người ta hù dọa. Tôi đã chạy xe gắn máy xuống và lên con đường này trong chuyến đi từ rừng về biển mới đây. Chỉ vài chỗ gần như cua khuỷu tay, đã có gương lồi cho thấy phần đường ngưọc chiều bị khuất, phải giảm tốc độ dưới 20 cây số, những bờ vực đã có hàng rào chắn an toàn, còn lại những đường cong rộng, bạn có thể chạy với tốc độ 30, 40, thậm chí 50 cây số/giờ ở một vài đoạn ngắn. Dĩ nhiên là tay lái bạn phải vững và đã quen đi đường đèo. Còn nếu chưa quen, bạn hãy cẩn thận chạy chầm chậm để thưỏng thức cảnh núi rừng, đừng để xảy ra chuyện gì bạn lại đổ thừa tôi xúi dại đấy nhé.

Ngọn đèo này của phía Khánh Hòa được làm gian nan và công phu hơn phía Lâm Đồng rất nhiều. Trên cao đất lại tương đối bằng phẳng và chỉ xuyên rừng bằng cách phá các ngọn đồi đất đỏ badan, còn dưới này là núi đá dốc đứng hiểm trở. Có những nơi người ta phải phá đá lên cao vài chục mét, làm thành nhiều tầng có thiết kế mương nước chảy để khỏi sụp lở. Đá còn la liệt khắp nơi dọc theo con đường hoặc lăn xuống vực sâu ngút mắt, cho thấy việc thi công gian khổ đến ngần nào. Ở một đoạn cao nào đó nhìn xuống không bị khuất, bạn sẽ thấy con đường quanh co mải miết lượn tới lượn lui và mất dạng giữa núi rừng trùng điệp. Ở dưới nhìn lên bạn sẽ thấy con đường như xông thẳng vào vách núi sừng sững trước mắt không chút e dè. Bạn sẽ không ngăn được thán phục ý chí, trí tuệ, tài năng cùng với kỹ thuật, máy móc thi công hiện đại của những người đã tạo ra con đường kỳ diệu. Chạy trên con đường này, bạn nên ngừng lại đôi phút trước mấy ngôi miếu nhỏ để tưởng niệm và tỏ lòng biết ơn những công nhân và kỹ thuật viên đã bỏ mình khi góp sức làm nên con đường tuyệt vời cho tương lai mà bạn đang thong dong lướt đi.

Một điểm son nữa cho Khánh Hòa là đoạn đường này đã được xây dựng hoàn chỉnh với tất cả yêu cầu cần có của một con đường hiện đại. Mặt nhựa phẳng mịn, cầu cống, mương nước, rào chắn, gương lồi, vạch vôi, biển báo giao thông các loại chỉ tốc độ, khoảng cách, các đoạn đường nguy hiểm, độ cao… Bạn cứ yên chí chạy xe theo chỉ dẫn sẽ chắc chắn an toàn.

Nhưng Khánh Hòa vẫn còn nhiều việc phải làm cho con đường này. Xuống khỏi đèo là xã Khánh Lê với con đường cũ nhỏ khá gồ ghề mà hai xe hơi tránh nhau rất khó khăn, đến thị trấn Khánh Vĩnh, đi tiếp ra Diên Khánh, cũng vẫn là con đường cũ nhỏ, tuy ít gồ ghề hơn, tất cả còn khoảng 40 cây số. Ra quốc lộ  1 ngay cổng thành của Diên Khánh, bạn đi tiếp ra hướng bắc vài cây số nữa, đến Ngả Ba Thành, bạn rẽ  ra hướng đông về Nha Trang, trên một con đường rộng thẳng băng, có dãi phân cách, dài 10 cây số đến tận thành phố Nha Trang.

Nếu bạn đi xe gắn máy tôi nhắc bạn phải coi chừng bình xăng của mình. Từ cây xăng ở xã Đạ Sa phía Lâm Đồng bạn phải chạy 100 cây số mới đến cây xăng tiếp theo ở Diên Khánh. Nếu lỡ kẹt, bạn có thể đổ xăng lẻ ở Khánh Lê, dưới chân đèo, do mấy người dân tộc mang về bán hoặc cố chạy vài chục cây số nữa đến thị trấn Khánh Vĩnh, nơi cũng chỉ bán xăng lẻ, tuy nhiều hơn. Ở ngả tư trung tâm có chợ Khánh Vĩnh, bạn có thể thấy bảng chỉ đường về Đà Lạt cách 100 cây số và nếu bạn đói bụng có thể vào quán gọi bánh bèo, bánh hỏi, những thức ăn khá ngon và rẻ, hoặc uống một cốc café, một ly nước mía giải lao trước khi tiếp tục lên đường.

Đi trên con đường này, nếu là doanh nhân, bạn cũng có thể tìm kiếm một vài cơ hội đầu tư. Phía Lâm Đồng, khu vực dọc theo thung lũng ven các xã Đạ Sa, Đạ Chai, Đạ Nhim, Klong Klanh được quy hoạch là khu nông nghiệp công nghệ cao, đã có một vài cơ sở sản xuất hình thành nhưng đất thì còn mênh mông. Phía Khánh Hòa, dưới chân đèo là vùng đất hoang sơ có nhiều sông suối, nơi một người dân tộc đã tự phát làm một khu du lịch sinh thái kiểu dã chiến. Bạn có vốn đầu tư và trình độ tổ chức, quản lý chắc sẽ làm tốt hơn.
Hoặc bạn nghiên cứu thiết kế một tour du lịch mạo hiểm nối liền rừng và biển bằng xe gắn máy hay xe đạp, thể nào các bạn trẻ cũng hào hứng tham gia…

Khám phá những con đường mới bao giờ cũng là một điều thú vị. Dù là đường đi, đường đời hay đường đạo. Quan trọng là lên đường đến những chân trời mới. Ý nghĩa là luôn ở trên đường, trên cuộc hành trình tìm kiếm. Còn đến đích hay không đâu phải lúc nào cũng quan trọng. Bạn đồng ý không?

Đà Lạt đầu tháng 8/07
Đan Vy

Ảnh từ Quehuongtoi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc