Kiên Giang, một tỉnh nằm ở vị trí cực Nam của Tổ quốc, có tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích vùng biển rộng tới hơn 63.000 km2 (gấp khoảng 10 lần diện tích tự nhiên trên đất liền), với 145 hòn đảo nổi trong đó có 43 đảo có dân cư sinh sống. Đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và thế giới. Thị xã Hà Tiên sẽ là thành phố văn hóa du lịch trong tương lai.
Nguồn tài nguyên vô tận
Kiên Giang là một tỉnh nằm ở tận cùng phía Tây Nam của Việt Nam, lại có những đặc thù riêng về con người, tiềm năng và có một đặc trưng văn hóa đậm nét Nam Bộ mà không phải nơi nào trong đồng bằng sông Cửu Long có được.
Kiên Giang sở hữu một vùng biển rộng 63.290 km2 và có đường biên giới trên biển giáp Campuchia, Thái Lan và Malaysia . Vì thế đây là địa điểm lý tưởng để khai thác du lịch, đặc biệt là du lịch biển quốc tế. Bên cạnh đó, Kiên Giang còn có bờ biển dài hơn 200 km, biên giới trên bộ dài 57km giáp với tỉnh Campốt (Campuchia). Chính vì vậy, Kiên Giang có vị trí rất quan trọng về kinh tế và là một trong các ngư trường quan trọng của cả nước, là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các nước trong khối ASEAN
Biển Kiên Giang có độ sâu trung bình 25-30m, nơi sâu nhất là 50m. Đây là vùng biển ít sóng lớn, độ cao của ngọn sóng lớn nhất không quá 5m và không có sóng ngầm. Với những điều kiện tự nhiên trên, biển Kiên Giang là môi trường thuận lợi cho các loài hải sản sinh sống và phát triển quanh năm. Ngoài ra, vùng biển Kiên Giang có khoảng 200 ha san hô cùng với 12.000 ha thảm cỏ biển sẽ là nơi cư trú và là nguồn thức ăn của nhiều loài cá biển, loài động vật biển quí hiếm như cá ông sư, cá heo lưng gù, cá heo mõm dài, cá heo sọc, rùa biển… đồng thời tạo ra nguồn sinh vật cảnh biển rất đa dạng và hấp dẫn để khai thác du lịch.
Tháng 10 năm 2006 UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang là Khu dự trữ sinh quyển thứ 5 của Việt nam và đây cũng là Khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á với hơn 1,1 triệu ha.
Từ thành phố Rạch Giá, chuyến tàu biển cao tốc đưa chúng tôi đến Hòn Tre (huyện đảo Kiên Hải). Hòn Tre đông đúc và ồn ào hơn chúng tôi tưởng tượng lúc ban đầu. Đảo mang hình dáng giống như một con rùa khổng lồ đang bơi giữa biển, cũng vì vậy, người dân địa phương quen gọi nơi đây là đảo Rùa. Huyện đảo Kiên Hải có diện tích 2.652,39 ha, bao gồm 23 hòn đảo. Là điểm đầu mút nằm ở cực Tây Nam của tỉnh Kiên Giang, bốn mặt được bao bọc bởi biển cả bao la và trù phú.
Ngoài nghề chính là đánh bắt hải sản với gần 1.000 chiếc tàu cá; những năm qua, người dân ở các đảo thuộc huyện đảo Kiên Hải phát triển nghề nuối cá, nuôi tôm lồng bè. Đây là nguồn lợi kinh tế to lớn và dự đoán sẽ là ngành kinh tế chủ lực trong tương lai ở huyện đảo này.
Do cấu tạo chung, Kiên Hải là một quần thể núi đảo, nên hầu hết cảnh quan các nơi đều có những hình ảnh lạ mắt, một số địa danh của đảo như: Bãi Ngự (An Sơn), Đá Chuông, Suối Vàng (Hòn Tre), miều thờ cá Ông (Nam Du) cùng các hang động rất đẹp và kỳ thú, có nhiều chim muông sinh sống nên cũng rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch.
Phú Quốc- đảo ngọc
Chuyến tàu cao tốc chất lượng cao mang tên Super Dong II đưa chúng tôi từ thành phố Rạch Giá ra Phú Quốc. Chỉ 2 giờ 30 phút sau chúng tôi đã có mặt ở hòn đảo ngọc du lịch lớn nhất Việt Nam. Đảo có hình tam giác, chiều dài lớn nhất của đảo theo hướng Bắc-Nam là 49 km, nơi rộng nhất trên đảo theo hướng Đông-Tây nằm ở khu vực Bắc đảo với chiều dài là 27 km. Chu vi của đảo Phú Quốc tổng cộng khoảng 130 km. Tổng diện tích của Phú Quốc là 56.500 ha.
Đảo Phú Quốc được mệnh danh là thiên đường rực nắng, với nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía Bắc đến phía Nam, có 99 ngọn núi đồi và dãy rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú. Chúng tôi đã có những cảm giác thú vị khi tận hưởng những không gian yên tĩnh, hoang sơ hay khi tham gia các hoạt động du thuyền câu cá, khám phá đảo hoang và dã ngoại chinh phục, khám phá đỉnh núi Chúa ở độ cao 565m – nơi được coi là nóc nhà của Phú Quốc. Núi Chúa nằm trong khu vực vườn Quốc gia Phú Quốc, là môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn. Đứng trên đỉnh Núi Chúa, chúng tôi có thể ngắm nhìn không gian mênh mông, bao la và rộng lớn; một khung cảnh đầy thơ mộng, trữ tình của thiên nhiên.
Cái thú của bất cứ khách du lịch đến Phú Quốc là nằm trên bãi biển cát dài mịn ngắm bình minh và hoàng hôn. Du khách sẽ có cảm giác bồng bềnh giữa đại dương mênh mông với biển trời bao la và thanh khiết. Một thú vị nữa là đi thăm những nghề truyền thống lâu đời như nghề sản xuất nước mắm và nghề trồng hồ tiêu. Hai sản phẩm này của Phú Quốc đã nổi tiếng thế giới lâu nay.
Phó bí thư tỉnh ủy Kiên Giang, nguyên Bí thư huyện ủy Phú Quốc, ông Nguyễn Thanh Sơn đã phác họa vị trí quan trọng của Phú Quốc bằng hình ảnh: “… nếu vẽ một vòng tròn có bán kính 1.000 km, Phú Quốc sẽ là trung tâm tất cả thủ đô của các nước ASEAN…”. Đúng là vị trí và tiềm năng của Phú Quốc đã được đánh giá rất cao. Trên chuyến tàu trở về Rạch Giá chúng tôi chuyện trò với một đoàn khách đến từ châu Âu, họ hỏi chúng tôi rằng, Phú Quốc tuyệt vời mà tại sao chưa phát triển trở thành như Singapore? Vâng, niềm băn khoăn đó của du khách quốc tế chúng tôi đã chuyển đến lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và ông Nguyễn Thanh Sơn bộc bạch: “… Chính phủ hiện nay ưu tiên mọi thứ cho Phú Quốc từ xây dựng sân bay quốc tế, đường giao thông hiện đại quanh đảo, cảng hàng hải quốc tế, ưu đãi về thuế, cho xây dựng casino và bất cứ du khách quốc tế nào bất chợt đến Phú Quốc đều có thể lưu trú trong vòng 15 ngày mà không cần visa…, thế nhưng con đường xây dựng Phú Quốc trở thành một trung tâm du lịch mang tầm cỡ thế giới quả thật không dễ dàng cho Kiên Giang chút nào…”.
Chúng tôi hiểu khó khăn đó, nhưng có một điều Phú Quốc đang thay đổi từng ngày và chắc chắn không xa Phú Quốc sẽ trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Hà Tiên, thành phố văn hóa du lịch tương lai
Từ thành phố Rạch Giá đến thị xã Hà Tiên chừng gần 100km, chúng tôi đi giữa một vùng biển, núi xen lẫn những cánh đồng lúa mênh mông, những rặng cây thốt nốt chạy dọc ven đường.
Hà Tiên nhỏ mà đẹp và được ví như là một Việt Nam thu nhỏ vì có rừng, có biển, có đảo, có hồ, có sông và là nơi được ví như là cái nôi của nền văn hóa Nam Bộ. Nằm bên phía Đông Hà Tiên là một hồ lớn có diện tích trên 10 km2 được gọi là Đông Hồ. Đây là nơi hợp lưu giữa kênh Vĩnh Tế với sông Giang Thành trước khi đổ ra biển.
Từ trung tâm thị xã Hà Tiên, một con đường ven biển khá đẹp chạy quanh co đến Khu du lịch Mũi Nai. Đây là khu du lịch biển đẹp và thơ mộng nhất ở khu vực miền cực Nam này. Bãi tắm Mũi Nai không sâu, cát mịn, nâu, nước biển trong xanh, rất sạch và sóng êm. Nơi đây đang hình thành một khu du lịch với đầy đủ các loại hình du lịch biển.
Từ Mũi Nai chúng tôi ra thăm quần đảo mang tên Hải Tặc nay thuộc xã Tiên Hải trực thuộc thị xã Hà Tiên, cách đất liền 18 km, cách đảo Phú Quốc 40 km. Quần đảo Hải Tặc có tới 16 hòn đảo lớn nhỏ, năm 2008, tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt quy hoạch xây dựng nơi đây thành khu nghỉ, thể thao biển và các dịch vụ giải trí, du lịch khác trên diện tích khoảng 42 ha.
Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có về biển đảo, Kiên Giang chắc chắn sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển năng động của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi tin điều đó vì sự thay đổi đang hiển hiện từng ngày trên mảnh đất giàu tiềm năng và tươi đẹp này.
Theo Báo ảnh Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét