“Xuất phát thôi” - trưởng đoàn Thắng ra hiệu bắt đầu hành trình chinh phục con đường offroad (đường rừng) Đà Lạt - Vĩnh Cửu - TP.HCM bằng xe đạp trong năm ngày. Con đường chưa ai trong chúng tôi biết đến.
Bỏ lại Đà Lạt đầy phượng tím còn ngái ngủ, chúng tôi guồng chân đạp đều hết dốc này đến dốc khác. Mặt trời tỉnh giấc, phóng tầm mắt ra xa, cả thung lũng huyền hoặc ánh sáng buổi ban mai. Tháng ba, hoa cà phê nở trắng cành, hương thơm quyện theo đường đi nồng nàn. Theo kế hoạch, năm thành viên sẽ tham gia cả hành trình, ba người bắt đầu từ Bảo Lâm, một thành viên nữ chỉ tham gia nửa chặng đầu.
Đến ngã ba Cửa Rừng, sau khi chia tay thành viên nữ, cả bọn lặng lẽ đi tiếp tỉnh lộ 725 ra quốc lộ 27. Rẽ vào Tân Hà bằng con đường đất đỏ đến hồ thủy lợi Nông Trường 3 thì mây đen cuồn cuộn kéo đến. May sao bên kia đường có một ngôi chùa. Hơn một giờ trú mưa, chúng tôi tiếp tục lên đường.
Con đường nhỏ đặc quánh bùn chỉ còn một lối mòn dốc thăm thẳm như hang chuột, lởm chởm đá cuội nhọn hoắt, trơn tuột. Bóp hết thắng nhưng mấy chiếc xe đạp chất đầy hành lý vẫn lao xuống. Đoạn dốc chỉ dài hơn 2km nhưng cao độ đột ngột hạ từ 950m xuống 600m. Hạ yên xe hết cỡ, lùi hết người ra sau để khỏi bị lộn nhào, năm anh em cứ thế đổ dốc. Tới bờ sông Đa Dưng trời đã sụp tối, nhóm quyết định hạ trại ngay bên bờ sông kết thúc lộ trình 80km. Đêm đầu tiên trong ánh lửa bập bùng, lời ca hòa tiếng đàn guitar giữa núi rừng cao nguyên sao mà tuyệt vời.
Ngày thứ hai cuộc hành trình là thử thách lớn nhất chuyến đi. Vượt sông Đa Dưng bằng đò kéo dây xong, suốt hai tiếng cả nhóm vừa đạp vừa đẩy xe từ lòng sông (600m) lên độ cao 920m. Trong khoảng 15km sau đó, cao độ liên tục thay đổi: xuống 700m rồi lại lên 1.100m. Có những đoạn dốc gần 20 độ, đi bộ còn phải thở dốc. Chuyến đi kỳ thú
Nhìn trên GPS (bản đồ định vị), con đường là một hình chữ W về cao độ, xuống rồi lên, lại xuống rồi lại lên. Đường đất đỏ uốn lượn quanh đồi núi trập trùng nổi bật trên nền xanh ngắt của rừng và rẫy cà phê giúp mọi người thêm sức lực.
Theo quốc lộ 28, chúng tôi đi tiếp về Bảo Lâm qua ngã ba Tân Thượng. Trời lại mưa lớn, phải rẽ mưa đi bằng đèn pin đeo trán và gắn xe trong đường rừng, thay ruột xe bể bánh trong cái lạnh, đói. Đến được thị trấn Bảo Lâm đã 21g, cả nhóm đều mệt lả.
Ngày thứ ba, thêm ba anh em nữa nhập đoàn cùng đi về hướng hồ Bảy Mẫu nằm giữa những đồi chè lúp xúp lóng lánh nước trong nắng. Tiếp tục đi dọc suối Dambri về hạ lưu, đổ dốc có cao độ bằng đèo Bảo Lộc nhưng dài chỉ 5km (dốc gấp đôi). Cùng mặt đường trơn trượt, con dốc làm hai thành viên té lộn nhào, rơi cả bánh xe.
Liều đi tiếp theo suối Dambri do công trường xây dựng thủy điện làm mất dấu lối mòn qua Đạ Teh, nhưng nhờ vậy chúng tôi lại tìm được con đường mới chạy ven suối với những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp. Cơn mưa xối xả làm nhóm phải bỏ đêm cắm trại ở Tà Lài, đạp về Tân Phú ngủ sau khi một cuarơ té ở đèo Chuối, rơi mất túi baga còn thơm mùi hoa cà phê.
Đường rừng ba ngày như vắt kiệt sức lực mọi người. Sửa xe xong, ngày thứ tư cả đội tiếp tục đường Tà Lài, đến ngã ba Năm Rưỡi để qua sông Đồng Nai bằng đò. Trời mưa mấy hôm trước đã biến 40km đường bọc theo rừng Nam Cát Tiên và hồ Trị An thành những bãi lầy và vũng nước lớn. Cả người lẫn xe bê bết bùn đất đỏ. Thêm baga và móc đề một xe khác bị gãy, không thể đạp tiếp, chưa kể một máy ảnh Nikon D70 sáu năm tuổi bị tắm bùn.
Một nửa đoàn phải đón xe về nhà. Ba anh em còn lại cắm trại bên hồ Trị An, ngày thứ năm tiếp tục đạp về TP.HCM.
Kết thúc hành trình kỷ lục về độ khó nhưng những trải nghiệm cùng vẻ đẹp của rừng núi quê hương vẫn thôi thúc chúng tôi trên những cung đường mới.
Theo Dulich Tuoitre
0 nhận xét:
Đăng nhận xét