Từ giữa tháng 4 năm 2011 trên ba miền đất nước sẽ tưng bừng tổ chức các lễ hội. Xin giới thiệu đến các bạn lễ hội tiêu biểu của Bắc Ninh – Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh.
< Lân sư rồng của người Hoa trong TP đều tụ tập về đây.
LỀ HỘI ĐỀN ĐÔ
Đền Đô được xây dựng vào TK XI trên khu đất phía Đông Nam Hương Cổ Pháp (làng Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh ngày nay). Tương truyền, xưa kia phía trước cửa đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua. Khu đất này theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về.
Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Lễ hội nổi tiếng suy tôn công đức 8 vị vua nhà Lý sẽ diễn ra từ ngày 17-21/4/2011 (15 - 19/3 ÂL). Lễ hội đền Đô có các trò chơi như chọi gà, thả chim, thi đấu vật, hát Quan họ và nhiều trò vui khác.
Năm 1994, lần đầu tiên ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng thúc Lý Long Tường về thăm đền Đô. Từ đó, hằng năm đoàn hậu duệ nhà Lý ở Hàn Quốc đều về thăm cố hương. Năm nay, có hơn 200 đoàn hậu duệ nhà Lý trong và ngoài nước về dự lễ hội.
LỄ HỘI THÁP BÀ – PÔ NAGAR
Lễ hội Tháp Bà – Pô Nagar diễn ra vào ngày 22-25/04/2011 (tức 20-23/3 âm lịch) tại phường Vĩnh Phước, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là lễ hội mang tính tôn giáo lớn nhất trong khu vực được tổ chức tại khu di tích tháp Pô Nagar, trên ngọn đồi bên cửa sông Cái ở phía Bắc thành phố Nha Trang.
Tên gọi “Tháp Pô Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét.
Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Umar, vợ của Shiva
Vào ngày 20 đến 23/3 âm lịch, nhân dân lại làm lễ cúng tế Bà rất long trọng với những nghi lễ. Lễ Thay y: người ta tháo bỏ xiêm y, mũ miện cũ, tắm rửa tượng nữ thần bằng nước lá thơm và thay xiêm y, mũ miện mới. Sau đó lễ cầu cúng được tiến hành rất tôn nghiêm, ca ngợi công đức Bà Mẹ Xứ sở và cầu mong cho dân sống ấm no và hạnh phúc. Phong tục - Văn hóa VN
Sau phần lễ là phần hội chủ yếu là múa bóng (điệu múa có động tác uốn người, ưỡn hông như các vũ nữ Chămpa có ở phù điêu tại khu di tích Tháp Bà), múa dâng bông và hát bộ diễn các tích tuồng cổ trước ngôi đền chính. Trước đây còn kèm theo các cuộc đua thuyền thúng dưới chân tháp rất độc đáo.
Lễ hội Tháp Bà không chỉ thu hút đông đảo bà con người Việt, người Chăm ở Nha Trang, Khánh Hoà mà nhiều người ở khắp nơi trong nước cũng nô nức kéo về hát múa chào mừng, dự lễ, biểu diễn sân khấu và nhiều trò vui diễn ra tưng bừng trước ngôi đền chính.
LỄ VÍA BÀ CHÙA THIÊN HẬU
Tọa lạc tại 710, đường Nguyễn Trãi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Bà Thiên Hậu hay còn nhiều tên gọi khác như: miếu Bà Thiên Hậu, Tuệ Thành Hội Quán là một chỉ du lịch, tham quan không thể không nhắc đến khi đặt chân đến thành phố.
Chùa được cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn xây dựng năm 1760 theo lối kiến trúc Trung Hoa cổ. Những bức tường gạch liền mí, những tấm phù điêu nhiều màu sắc rực rỡ, những bức tranh kể về điển tích xa xưa…tất cả làm nên một di tích tôn giáo rất đặc trưng của cộng đồng người Hoa ở đất Sài Gòn này.
Lễ vía Bà chùa Bà Thiên Hậu sẽ diễn ra tại 710 Nguyễn Trãi, quận 3, TP HCM vào ngày 25/04/1011 (tức 23/3 âm lịch). Trong những ngày diễn ra lễ hội, người Hoa hội tụ về đây rất đông. Họ thường làm hai hình nộm Ông Thiện, Ông Ác có chiều cao 3 thước và vào cuối ngày, họ sẽ đốt 2 hình nộm để dâng cúng Bà.
Sự tích Bà Thiên Hậu đề cao một người phụ nữ người Hoa có lòng hiếu thảo, đức hạnh, dám xả thân vì mọi người...Sự đề cao này nhằm mục đích giáo dục. Mặt khác trên bước đường nguy nan, nhiều sóng gió khi sang vùng đất mới để mưu sinh, người Hoa tin tưởng sự hiển linh của bà sẽ giúp họ vượt qua được mọi trở ngại và được an cư lạc nghiệp.
Lễ vía Bà là ngày hội chính của chùa. Vào ngày lễ, bà con đến rất đông. Người ta tổ chức Rước Bà qua các đường phố quanh chùa. Theo sau có thuyền rồng, các tấm bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa, các đội múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc… tạo nên một quang cảnh náo nhiệt trong các khu phố đông đảo người Hoa.
Chùa Bà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia 07/01/1993. Chùa Bà Thiên Hậu đang rất được quan tâm, bảo vệ và được hướng đến như một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với thành phố Hồ Chí Minh
Theo MASK Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét