Đỉnh đèo Violắc ở độ cao khoảng 1.300 mét so với mực nước biển. Đường qua đèo khá quanh co uốn lượn, nếu đứng từ Ba Tơ nhìn lên ta có cảm nhận như một Hải Vân thu nhỏ, còn những ai lần đầu qua đây không tránh sự hồi hộp, bởi những cung đường gấp khúc và vách núi dựng ngược.
Mùa nắng đến giữa buổi sáng sương mù vẫn chưa tan hết, đây đó còn ôm ấp lưng đèo; khi chiều về mây che phủ mặt đường, có thể ôm mây vào lòng để tận hưởng khí thiêng rừng núi.
Những ngày thời tiết tốt lúc nắng ngả về tây, đứng trên đỉnh nhìn xuống chân đèo ta bắt gặp dòng sông Re mảnh mai chìm dưới lòng vực, len lỏi qua những chân đồi, rồi bất ngờ chảy ra thung lũng hay những cánh đồng nhỏ màu xanh lá mạ. Xa xa là những bản làng của người Hrê với những nếp nhà sàn còn nguyên sơ.
Từ đỉnh đèo nhìn về phía tây, núi và núi, là Trường Sơn đại ngàn. Khoảng tháng sáu (âm lịch) đứng trên đỉnh đèo nhìn về phía đông thấy nắng vàng rực rỡ, còn nhìn về phía tây thì mây mù che phủ.
Hình ảnh nên thơ này đã từng lưu lại trong ký ức, trong cảm xúc của bao người từng năm tháng sống với Trường Sơn "đông nắng tây mưa".
Đèo Violắc đẹp với tiếng gió. Những ngày không mưa, nhất là vào mùa xuân, mùa hạ, khi xe lượn sườn non gió dào dạt thổi vào lưng núi, hay vi vút qua khung cửa tạo nên chuỗi âm thanh như khúc nhạc hoang dã.
Còn nếu du khách đi bộ hay dừng lại nơi lưng chừng núi để nghe chim hót, thì độ xuân về tiếng chim ríu rít gọi đàn, còn vào hạ hay sang thu lại nghe loài chim lạ tiếng lảnh lót vang xa từ phía triền non. Và mùa xuân đến hoa rừng đua nở, đặc biệt sang tháng giêng, tháng hai hoa vẫn còn khoe sắc, có lẽ do lạnh nên rừng xuân thức giấc muộn.
Đèo Violắc đẹp với mây trời, nếu ngày nắng người qua đèo nhìn được vô số những đám mây từ biển bay về núi, hình dạng luôn thay đổi, nổi cộm trên nền trời xanh thẳm người ta thường gọi là phù vân. Còn khi chiều xuống hay ban mai, sương và mây bay là đà trước mặt, tạo nên cái cảm giác mát lạnh, ẩm ướt, hoang sơ.
Những ngày mưa gió, đèo vắng người qua, con đường rải nhựa đen ánh như sợi chỉ luồn qua triền núi, rồi thì lưng đèo, đỉnh đèo mây mù che phủ dày đặc, một cảnh đẹp đối với những ai thích ngắm núi rừng khi mùa đông sang. Đèo Violắc mùa hè ấn tượng với tiếng chim, còn mùa mưa có âm thanh của suối. Tiếng những dòng chảy trầm đục nghe như tiếng xe chạy trong lòng đất tạo cho núi rừng thêm vẻ hùng thiêng.
Đỉnh đèo Violắc là điểm mốc ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Kontum. Và như thế khi du khách tạm biệt Ba Tơ sẽ vào huyện Komplong, mà các xã đầu tiên là Pơ-ê rồi đến xã Hiếu (theo tiếng địa phương gọi là Mơ-năm). Tiếng nói của người Mơ-năm và người Hrê có khác nhưng hiểu được nhau, sự giao hảo của hai dân tộc đã tạo nên nhiều đôi chồng vợ. Tình cảm con người hai phía đông và tây đèo từ bao đời đã gắn bó, chung lòng xây dựng quê hương vùng cao.
Theo Quảng Ngãi Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét