Đối với mỗi người lính đóng quân trên đảo Song Tử Tây trong quần đảo Trường Sa, đất mẹ như gần hơn với những hình ảnh thân quen của làng quê Việt Nam.
< Hơn hai ngày hai đêm HQ 996 độc hành, lênh đênh trên biển cả, xã đảo Song Tử Tây hiện ra như một khu rừng thu nhỏ giữa biển khơi. Ai nấy đều không kềm được xúc động, cảm giác giống như ở đất liền.
Nếu nhìn từ trên cao, đảo Song Tử Tây là cả một mảng xanh với đủ các sắc độ khác nhau. Xanh sẫm của biển, xanh dương vùng nước gần bãi cạn, màu xanh của thảm thực vật...
< Tàu HQ 996 như một nhà khách di động trên đại dương, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác hành quân đến huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.
Song Tử Tây là một trong những đảo hiếm hoi trên quần đảo Trường Sa có nước ngầm (nước lợ). Tận dụng những ưu đãi của thiên nhiên, cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất với các loại cây ăn quả như chuối, đu đủ… Đặc sản của đảo là cây sâm đất mà bộ đội ta vẫn lấy nước để uống.
< Sân vận động xã đảo Song Tử Tây.
Sân cỏ duy nhất trên quần đảo
Sự tồn tại của một sân cỏ là điều khiến những người lần đầu tới Song Tử Tây phải ngạc nhiên. Bởi dù là đảo cấp 1, được thiên nhiên ưu ái ban cho chút nước lợ, nhưng không vì thế mà bão tố với nắng cháy lại buông tha con người, cây cỏ trên mảnh đất này. Tất cả sự tươi đẹp mà đảo có được đều nhờ công sức lao động của cán bộ, chiến sĩ qua bao thế hệ. Trung tá Trịnh Xuân Tô, chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết, để biến bãi đất trống toàn cát và đá san hô thành một “tấm thảm tự nhiên” đẹp đến vậy, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đã phải đổ biết bao đổ mồ hôi. Thế nhưng, để giữ gìn màu xanh cho sân cỏ cũng là một kỳ tích thật đáng khâm phục.
< Hải đăng Song Tử Tây cao 36 mét, mắt biển để định hướng hàng hải cho tàu thuyền xa bờ.
Để đảm bảo mặt cỏ đều tăm tắp, ngày nào người lính đảo Song Tử Tây cũng chia nhau chăm chút, xén tỉa. Mệt nhất là vào những tháng nắng cháy da cháy thịt. “Những khi nắng nóng kéo dài, nước ngầm trên đảo rút xuống, phần nước sinh hoạt dành cho cán bộ, chiến sĩ cũng giảm theo. Nhưng mọi người vẫn chắt chiu để có nước tưới cỏ. Vì thế, sân cỏ giữ được màu xanh”, trung tá Trịnh Xuân Tô chia sẻ.
< Âu tàu Song Tử Tây được xây dựng là nơi đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trú ẩn khi biển động và gió bão.
Nỗ lực duy trì một sân cỏ như vậy là để cán bộ, chiến sĩ có nơi sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe sau những giờ luyện tập, trực chiến căng thẳng. Hơn thế nữa, sân cỏ còn hiện thân của tinh thần và quyết tâm vượt khó của người lính Cụ Hồ. Trong bất kỳ hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn nào, họ vẫn duy trì tác phong, nếp sống lành mạnh, mẫu mực. “Bằng công sức của mình, bộ đội trên đảo đã làm việc trên tinh thần tự giác để cảnh quan của đảo luôn xanh, sạch, đẹp”, trung tá Trịnh Xuân Tô nói.
< Cây phong ba, biểu tượng sức sống mãnh liệt của Trường Sa trước thiên nhiên khắc nghiệt trong gió bão đại dương.
Đàn bò thích ăn… giấy
Đến với Song Tử Tây, mọi người còn bất ngờ khi thấy sự xuất hiện của một “gia đình” bò, tất thảy có 9 con. Trung tá Trịnh Xuân Tô cho biết, đây là một thử nghiệm mà cán bộ đảo Song Tử Tây đề xuất cách đây rất lâu, khoảng 17 năm, nhằm đánh giá khả năng chăn nuôi đại gia súc trong điều kiện tự nhiên và thời tiết của đảo.
Thật may mắn, kết quả là đàn bò phát triển tốt. Năm 2010, đảo còn vui mừng chào đón 4 chú bê non ra đời liền một lúc. Do điều kiện không cho phép, nên “dân số” của đàn bò chỉ được duy trì ở mức 7-10 con. Chiến sĩ đảo Song Tử Tây, binh nhất Phạm Quế Anh, quê ở Đông Anh, Hà Nội cho biết, ngoại trừ lúc sinh nở, việc nuôi bò trên đảo không có gì vất vả, hầu như không phải chăm sóc nhiều vì chúng rất ăn uống rất... tự giác.
< Chùa Song Tử Tây, một biểu tượng tâm linh gắn chặt hải đảo với đất liền mỗi khi chuông chùa gióng lên, ngân vang trên đại dương.
Liên hệ với sân cỏ, nhiều người sẽ nghĩ ngay rằng, đã có cỏ thì nuôi bò chẳng khó. Thế nhưng, cỏ và bò nơi đây chẳng liên quan đến nhau mấy, có chăng sân cỏ chỉ là nơi bò tắm nắng. Không biết có phải sống ở trên đảo, xa đất liền hay không mà bò trên đảo Song Tử Tây không thích ăn cỏ. Cán bộ, chiến sĩ ở Song Tử Tây nuôi bò bằng phần thức ăn thừa của mình, giống như với các vật nuôi khác như lợn, gà…
Món khoái khẩu của bò ở Song Tử Tây là… giấy. Từ sách, vở, bìa các tông tới bao xi măng, chúng không từ chối “món” nào. Vì vậy, mới xảy ra chuyện một đồng chí sĩ quan mất cả tháng trời soạn giáo án, lúc sắp hoàn thành thì bị bò mò vào phòng ăn mất. Tức nhưng chẳng ai lại đi “kỷ luật” bò, nên đồng chí kia phải hậm hực viết bài giảng lại từ đầu.
Câu chuyện này nhanh chóng lan khắp quần đảo Trường Sa, trở thành giai thoại vui về đàn bò trên đảo Song Tử Tây.
“Đúng là bò gây ra lắm chuyện cười ra nước mắt, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo quý đàn bò lắm, vì nó là một phần bản sắc của Song Tử Tây. Không chỉ vậy, hình ảnh đàn bò đủng đỉnh, thong dong đi lại trên đảo còn gợi nhớ hình ảnh ở đất liền, giúp lính đảo vơi đi nỗi nhớ quê hương”, binh nhất Phạm Quế Anh chia sẻ.
Theo DatViet, VanngheDongthap
0 nhận xét:
Đăng nhận xét