Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Trên thế giới, chùa nào có được một phật tích đã quý lắm, vậy mà ở Bồ Đề Đạo Tràng ngay trung tâm thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang có đến ba phật tích.

Để hiểu xuất xứ của tên gọi Bồ Đề Đạo Tràng - một điểm du lịch tâm linh quý hiếm của Việt Nam, chúng ta cùng quay lại lịch sử.

Năm 1951“Đại đức Jinara Jadasa, cố Hội trưởng Hội Thông thiên học quốc tế tại Ấn Độ hiến cây bồ đề cho nước Việt Nam để làm quốc bửu. Bồ đề này là con của bồ đề bảo thọ mà xưa kia đức Phật tổ đã ngồi nhập định” (*). Người được diễm phúc ấy là “ông Phạm Ngọc Đa, Hội trưởng Hội Thông thiên Học Việt Nam xin được cây bồ đề và nhờ bà Nguyễn Thị Hai sang Ấn Độ thỉnh về để trồng tại tỉnh lỵ Châu Đốc”.

Theo truyền thuyết Phật giáo, khoảng năm 500 trước Công nguyên, hoàng tử Tất Đạt Đa khi đó là một nhà tu hành theo hạnh khất thực. Đến bờ sông Falgu ở gần thành phố Gaya, ngài tọa thiền dưới bóng một cây cổ thụ. Sau ba ngày ba đêm thiền định, ngài đã đạt được giác ngộ.

Bảy tuần sau, ngài tiếp tục thiền định dưới gốc cây ấy để suy xét trải nghiệm của mình thấu đáo hơn, rồi đắc đạo. Bảy tuần kế tiếp, Phật tới Sarnath (Lộc Uyển), bắt đầu thuyết pháp…

Thời gian sau, nơi Phật thiền định đạt chánh quả gọi là Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), và cây cổ thụ nơi Phật ngồi thiền định gọi là cây bồ đề (Bodhi - nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ). Và Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) trở thành nơi quan trọng nhất trong số hiếm hoi phật tích…

Có được cây bồ đề quý, không biết giữ gìn cách nào, ông Đa hiến tặng nó cho thị xã Châu Đốc và được chính quyền địa phương cấp đất trồng gần tòa nhà bát giác, nơi có tượng Phật Thích Ca nhập diệt và bây giờ gọi là Chánh điện. Phía trước cây bồ đề là hồ sen nhỏ, xung quanh xây tường rào. Từ đó, khu này có tên gọi Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc).

Trước khi trồng, người ta tổ chức xe hoa rước cây bồ đề đi khắp thị xã. Hạ thổ xong, phật tử dùng sữa tươi tưới cây bồ đề. Chẳng bao lâu, bồ đề vươn lên bốn tược xanh tốt. Bốn tược này được người ta phân tích là bốn chân lý mà Phật Thích Ca đã giác ngộ sau khi thăm các cửa thành Ca Tỳ La Vệ của vua cha Tịnh Phạn, gồm sinh, lão, bệnh, tử…

Khoảng năm 1991, Hội trưởng Bồ Đề Đạo Tràng Châu Đốc,  Lương Văn Hữu nhận thấy cần phải tôn tạo nơi thiêng liêng này nên đã bắt tay thực hiện bốn công việc: (1) Nới rộng Chánh điện, đường kính của nó tăng từ 3,5m lên tới 8m, cao 12m; (2) Xây Lầu chuông lầu trống; (3) Dựng Quan Âm các; (4) Xây Hậu tổ. (Năm 2003, ông cho làm hàng rào sắt bao toàn bộ khuôn viên, tạo cho Bồ Đề Đạo Tràng thêm phần tôn nghiêm.

Phật tích thứ nhì là vào năm 2000, ông Trương Hưng - một thành viên của Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc) có dịp đi Ấn Độ chiêm bái Bodh Gaya. Tại cội bồ đề linh thiêng, ông đã kính thỉnh nhúm đất nơi gốc cây này đem về đựng trong bảo tháp đặt tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Phật tích thứ ba, vô cùng trân quý, là viên ngọc xá lợi màu trắng bóng, nhỏ cỡ hai hạt gạo. Ngọc xá lợi được đựng trong một chiếc hộp đặt trong tủ kính ở Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc). Tủ kính này được đặt trong Xá lợi bảo tháp, tọa lạc giữa Chánh điện. Xá lợi bảo tháp hình tháp tứ giác, bốn mặt ghi kể phật tâm của những người góp sức làm nên Bồ Đề Đạo Tràng.

Vi bằng gắn tại Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc) có đoạn khắc: “Hôm nay, ngày mồng 8 tháng 7 năm Tân Mùi, nhằm ngày 17/8/1991, tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng tại thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, viên Xá lợi Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni do Thượng tọa Kim Quang thỉnh từ Ấn Độ về được tặng cho gia đình đạo hữu Nguyễn Văn Thi và Nguyễn Thị Tuyết (số 154 Lý Tự Trọng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Nay đạo hữu nhất tâm hoan hỷ dâng cúng về chùa Bồ Đề Đạo Tràng thị xã Châu Đốc, do ông Hội trưởng Nguyễn Văn Năm đại diện phụng thỉnh. Xá lợi được tôn trí trong một bảo tháp bằng đồng để từ nay tứ chúng phật tử muôn đời chiêm bái”.

Từ khi thành lập đến giờ, phật tích Bồ Đề Đạo Tràng luôn thu hút tín hữu khắp nơi. Đặc biệt số tín hữu đến viếng đông nhất từ tháng Chạp năm trước đến hết tháng Tư Âm lịch năm sau. Mỗi năm, Bồ Đề Đạo Tràng tổ chức bốn lễ chính: rằm tháng Giêng (Thượng ngươn), rằm tháng Tư (Phật đản), rằm tháng Bảy (Vu lan) và rằm tháng Mười (Hạ ngươn). Lễ lớn nhất là Phật đản, thường có khoảng năm, sáu ngàn phật tử tham dự.

Đến vùng biên địa Tây Nam, bái viếng Bồ Đề Đạo Tràng (Châu Đốc), khách du lịch sẽ thấy tâm hồn thanh thoát, đồng thời trải nghiệm được ít nhiều hiểu biết về những Phật tích xa xưa.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc