Hang Đá Đen, thôn 2 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) nằm trong dãy núi đá vôi gồm 5 quả núi liên tiếp chạy theo hướng Đông Nam dài khoảng 500-700 m, hình thành cách đây ít nhất hàng chục triệu năm. Hang cách Quốc lộ 2 khoảng 300 m về phía Đông, nằm đối diện với Động Tiên. Bề mặt hang có diện tích khoảng hơn 20 m2, trần hang thấp. Hang bị trầm tích bao phủ lấp kín cửa hang.
Tháng 9-2005, Viện khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khai quật di tích hang Đá Đen. Đoàn khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh đã tiến hành chia tọa độ nền và vách hang, đục một số trầm tích trên vách, toàn bộ khối trầm tích được đánh số theo từng ô nhỏ để tìm hiểu mối liên hệ giữa các di vật, phá vỡ những khối trầm tích đã bị người dân đem ra cửa hang để thu thập các hoá thạch động vật.
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật xương răng hoá thạch của các loài động vật: Răng homoSapiens, răng đười ươi, răng khỉ, xương tai động vật, xương răng nhím, xương răng động vật ăn thịt, răng voi, răng trâu bò, răng hươu nai, xương răng lợn, răng tê giác, răng kỳ đà.
Trên cơ sở các xương răng tìm thấy, Viện khảo cổ học đã chia chúng làm 6 bộ: Bộ linh trưởng (họ người, họ vượn, họ đười ươi), bộ guốc ngón lẻ (họ tê giác), bộ guốc ngón chẵn (họ lợn, họ hươu, họ trâu bò), bộ có vòi (họ voi), bộ ăn thịt (họ gấu), bộ gặm nhấm (họ nhím, dúi, chuột). Ngoài xương răng (cơ sở quan trọng để phân loại họ), các nhà khảo cổ học còn dựa trên kết cấu răng (kết cấu mảng hay khối), dựa trên mấu trên mặt răng và dựa trên hình dáng răng.
Sự tồn tại của các loại xương răng hoá thạch trên đã chứng tỏ một hệ sinh thái đa dạng và đông đúc vào thời kỳ Cánh Tân. Để tìm hiểu tính chất, niên đại các hoá thạch Pleistocene muộn hơn ở hang Đá Đen, các nhà khảo cổ học đã so sánh quần thể động vật hang Đá Đen với một số quần thể động vật ở Bắc Việt Nam và Đông Nam Á.
Cụ thể các nhà khoa học đã dùng phương pháp so sánh giữa các hoá thạch trong Đá Đen với các hoá thạch được sưu tập tại hang Hùm, Khe Thắm (Yên Bái). Kết quả đối sánh cho thấy những hoá thạch mà các nhà khoa học tìm thấy ở quần thể hang Đá Đen có hình thái và kích thước hoàn toàn tương đồng với nhau. Từ đó có thể đoán định rằng, quần thể động vật ở hang Đá Đen có niên đại tương đương với quần thể động vật ở trong khu vực Đông Nam Á.
Việc phát hiện những hoá thạch xương răng động vật và thực vật tại hang Đá Đen là cơ sở để nắm rõ hơn diễn biến, sự thay đổi vận động của khí hậu, thời tiết dẫn đến những biến đổi lớn của môi trường trái đất cách đây hàng chục vạn năm. Đặc biệt trong số xương răng hoá thạch tại đây đã phát hiện được một số loài răng hoá thạch Homosapiens. Đây là giống người khôn ngoan đã hoàn thiện trong quá trình tiến hoá của loài người, là giống gần nhất với người hiện đại, chứng minh thêm nguồn gốc của loài người trên nước ta.
Di tích hang Đá Đen là di tích khảo cổ học thuộc loại hình di chỉ cổ sinh học có niên đại cách ngày nay khoảng 12-15 vạn năm, thuộc giai đoạn hậu kỳ Cánh Tân. Hiện nay, hang Đá Đen đã được đánh dấu “Địa điểm khai quật khảo cổ học hang Đá Đen năm 2005” trên vách đá. Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ khoa học di tích, khoanh vùng bảo vệ khu di tích, làm cơ sở pháp lý cho di tích. Qua đó gìn giữ nguyên hiện trạng của hang nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học cũng như phát triển du lịch. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử, tham quan du lịch, Bảo tàng tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh trình Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định xếp hạng di tích hang Đá Đen là di tích cấp quốc gia.
Du lịch, GO! - Nguồn từ TQDT, trang Thông tin ĐT huyện Hàm Yên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét