Hòn Bà nằm cách chân Núi Nhỏ khoảng gần 200m. Năm 1881 một người gốc Miền Trung tên là Hồ Quang Minh bỏ kinh phí xây một ngôi miếu nhỏ trên đảo gọi là miếu Bà.
Năm 1939 một sỹ quan người Pháp tên Archi-nard cho bắn bể miếu nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu. Viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại đây do một lần bất cẩn khi dùng súng. Vì vậy thực dân pháp đặt tên cho hòn đảo là Archi-nard, nhưng đối người dân Vũng Tàu thì vẫn gọi tên hòn đảo nhỏ này là Hòn Bà.
Sau này một người ở Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của để sửa chữa ngôi miếu vào năm 1971. Ngôi miếu hiện nay có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m, trong là điện thờ các vị thần linh. Bên dưới có một tầng hầm dài 6m rộng 3m; trước kia từng là nơi hội họp bí mật của đồng bào yêu nước.
Muốn ra nơi này thì bạn theo đường Hạ Long vòng Núi Nhỏ, từ Bãi Trước, qua Bãi Dứa đến mũi Nghinh Phong. Từ đây nhìn ra biển: du khách thấy một hòn đảo nhỏ, dưới chân đảo sóng biển đáng tung bọt trắng xóa rất thơ mộng, đó chính là Hòn Bà.
Muốn đến được Hòn Bà có hai cách thông thường: Một là đi thuyền, ghe khi nước lớn và cách 2 là đi bộ khi nước ròng. Du khách phải vượt qua một bãi đầy những con hàu dài, rộng, gập ghềnh để ra viếng miếu. Cần cẩn thận vì vỏ hàu sắc bén có thể cắt toạc chân người nếu vô ý sảy chân vấp ngã. Đa số vẫn chọn cách thứ hai, đó là đi bộ ra Hòn Bà khi nước cạn.
Khác với những cảnh quan thiên nhiên khác được con người trùng tu, xây dựng đổi mới hiện đại, Hòn Bà vẫn giữ cho mình nét đẹp hoang sơ, thiên nhiên thơ mộng hữu tình.
Nước biển nơi đây trong vắt, mát lạnh, phản chiếu xa xa là những phiến đá đủ kích cỡ với hình dáng lạ mắt, những viên sỏi nhỏ nằm rải rác trên khắp bờ biển. Sự kết hợp hoàn hảo giữa đá và biển tạo nên nét đặc trưng của Hòn Bà. Đặc biệt vào những lúc bình minh hay hoàng hôn, Hòn Bà lại càng mang cho mình vẻ đẹp rực rỡ do những ánh nắng nhẹ phản chiếu, lung linh mờ ảo. Trước không gian và thời gian tuyệt đẹp như vậy, Hòn Bà trở thành nơi lý tưởng được nhiều đôi bạn trẻ chọn chụp hình cưới cho ngày trọng đại của mình.
Trên đảo có ngôi miếu nhỏ: đây là một nơi thờ phượng theo tín ngưỡng dân gian lâu đời: thờ Bà Ngũ Hành. Bàn thờ chính đặt trang trọng ở giữa gian phòng rộng khoảng 30 mét vuông, hai bên có bàn thờ của ba Cô, bàn thờ bảy Cậu. Tất cả bàn thờ đều được bày biện trang nghiệm, thể hiện được niềm tin sâu nặng vào quyền năng siêu nhiên của các vị thánh.
Khác với không khí tĩnh lặng thường ngày, vào những ngày lễ hội, Hòn Bà rất đổi nhộn nhịp. Ví dụ trong ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm là lễ Thượng Ngươn hàng năm. Trong gian chính điện khói hương mờ mịt, nam nữ chen nhau thắp hương khấn vái, xin xăm. Nhìn vẻ mặt của họ ta thấy được tâm thành, cùng gửi gấm tâm tư nguyện vọng, mong cầu các vị thánh phù hộ cho họ được toại nguyện.
Bãi hàu trước Hòn Bà là nơi được chọn làm kế sinh nhai của những người bắt hàu. Hàu là một hải sản có nhiều chất dinh dưỡng, giá mua cũng khá cao.
Hòn Bà vốn là một thắng cảnh hữu tình bởi dáng vẻ nhỏ xinh duyên dáng như một thiếu nữ tuổi tròn trăng. Những ngày nắng ấm chan hoà, Hòn Bà trở nên lấp lánh, long lanh, mang dáng vẻ của một cô gái năng động. và khi chiều xuống, Hòn Bà nằm giữa trời xanh nước biếc, sóng vỗ trắng xoá miên man, cảnh buồn xao xuyến, chút cô miên chen lẫn trong lòng. Hoàng hôn bao trùm cảnh vật, tiếng chuông theo gió thanh tao, cảnh trở nên thần tiên huyền hoặc, ta chợt thấy lòng mình nhẹ tênh, ước muốn được làm một kẻ cô đơn lẫn tránh ưu phiền thế sự. Đến với Vũng Tàu và nhìn ngắm Hòn Bà để một lần được trút bỏ nỗi niềm.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thongtindulichvietnam, Huynhcongthao blog, Khachsanvungtau, ảnh Phto.net - internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét