Huế có 2 ngôi đình gắn liền với lễ hội vật ngày xuân đó là đình làng Lại Ân gắn với vật Sình và đình Thủ Lễ gắn với vật Sịa. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng, tiếng trống khai hội vật Thủ Lễ lại thúc giục những làng quê náo nức vào hội. Sân đình làng Thủ Lễ cũng là sới vật ngày xuân để các chàng trai khoẻ mạnh cùng đua sức, đua tài trong hội vật.
Làng Thủ Lễ- thị trấn Sịa- huyện Quảng Điền là một làng cổ vùng đồng bằng gần với phá Tam Giang. Lịch sử của làng Thủ Lễ gắn liền với lịch sử ra đời của vùng Sịa. Cũng như bao làng quê khác, cùng với sự hình thành của làng, hệ thống kiến trúc đình- chùa ra đời. Các công trình này dù lớn hay nhỏ cũng đều là sản phẩm của sự đóng góp chung trong cộng đồng dân cư từ những buổi đầu lập ấp dựng làng. Đến nay chưa có tài liệu nào nói rõ năm tháng hình thành làng Thủ Lễ cũng như thời gian xây dựng và kiểu dáng của đình Thủ Lễ. Chỉ biết rằng đình Thủ Lễ đã trải qua 3 lần trùng tu, lần trùng tu thứ 3 là vào năm 1893 tức năm Thành Thái thứ 2.
Đình làng Thủ Lễ nằm ở trung tâm của làng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử nhưng kiến trúc của ngôi đình này vẫn còn như nguyên vẹn gồm 5 gian, 2 chái, hai phía tả hữu của khuôn viên đình là 2 nhà tăng.
Trước đình là khoảng sân rộng, với bức bình phong, hồ sen và tứ trụ biểu nhìn ra cánh đồng trước mặt. Ngôi đình làng Thủ Lễ là biểu tượng sức mạnh của một làng quê giàu truyền thống văn vật, là ngôi nhà chung của một cộng đồng làng.
Nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết của mọi người dân trong làng đã được giữ gìn như một nếp sống truyền thống của dân làng Thủ Lễ. Cũng như bao làng quê khác, người dân làng Thủ Lễ đã sống trong phong cảnh hài hoà của ngôi đình, cây đa bến nước, luỹ tre làng…
Đó cũng là chứng tích hồn thiêng của một làng quê, là di sản văn hoá truyền thống của dân tộc trên một vùng đất cụ thể mà biết bao thế hệ đã cống hiến máu xương và công sức để vun đắp nên.
Đình làng Thủ Lễ là một di tích kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu ở Huế, có niên đại xây dựng tương đối sớm với nhiều giá trị đặc sắc.
Đây là một nguồn sử liệu vật chất trực tiếp, một dấu ấn văn hoá sâu đậm góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống thế kỷ 19. Mang phong cách nhà rường Huế, với kiểu dáng quy mô, kỹ năng mỹ thuật, các đồ án trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn.
Những đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của đình làng Thủ Lễ với những nét sáng tạo, cách tân, giàu tính nhân văn nói lên nguyện vọng thiết thân của cư dân nông nghiệp cầu mưa thuận gió hoà, vật lực phồn thịnh, nước nhà yên ổn…
Hiện nay, tại ngôi đình này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý đó là: một khánh đá dùng để làm hiệu lệnh tập họp dân làng; phiến đá bùa dùng để yểm các loại ôn dịch cầu mong cho dân làng bình an, làm ăn phát đạt, 57 sắc phong của các vua nhà Nguyễn từ thời Minh Mạng đến thời Bảo Đại…
Với trên 200 năm tồn tại, đình làng Thủ Lễ vẫn còn lưu giữ hệ thống kiến trúc cùng với những văn bản, hiện vật quý hiếm phản ánh mối quan hệ mật thiết trong tổng thể các công trình kiến trúc triều Nguyễn. Đình làng Thủ Lễ với những giá trị lịch sử của mình còn là chiếc cầu nối để giữ gìn một hành lang đô thị cổ: Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, thị trấn Sịa… góp phần tô đậm thêm truyền thống văn hoá lịch sử của một huyện lỵ Quảng Điền.
Du lịch, GO! - Theo Festivalhue
0 nhận xét:
Đăng nhận xét