Quần đảo Thổ Chu (Thổ Châu) – lấp lánh cùng biển bạc

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Quần đảo Thổ Chu là quần đảo tiền tiêu phía tây nam của Việt Nam, nằm cách mũi Cà Mau khoảng 160km về phía tây bắc và cách đầu mút phía nam đảo Phú Quốc khoảng 100km về phía tây nam, gồm 8 đảo có diện tích rất khác nhau. 

Trước đây về phương diện hành chính, quần đảo thuộc tỉnh An Xuyên (Cà Mau); nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Đảo lớn nhất tên chính là Thổ Chu, người địa phương quen gọi là Thổ Châu. Trên các bản đồ cũ còn có tên là Poulo Panjang. Đảo có diện tích gần 10km2. Những đảo khác nhỏ hơn rất nhiều, có bề mặt lộ trên mặt nước biển từ vài mét vuông (Hòn Khô) đến 1km2 (Hòn Từ). Chúng có tên: Hòn Khô, Hòn Hàng (còn có tên là Hòn Chim, Hòn Nhạn), Hòn Kèo Ngựa (còn gọi là Hòn Xanh), Hòn Từ, Hòn Cao và hai đảo cuối cùng là Hòn Cao Cát và Hòn Mô (còn gọi là Hòn Cái Bàn) nằm hơi cách biệt khoảng 50km về đông bắc đảo Thổ Chu.

Muốn ra quần đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang), khách phải ngồi 8 giờ tàu sắt và ngủ một đêm lại Phú Quốc; hôm sau, tiếp tục ngồi 8 giờ tàu nữa mới đặt chân lên đảo chính của quần đảo này. Hành trình dài nhưng khi nhìn thấy đảo, những mệt mỏi chợt tan biến. Bờ cát trắng mịn trải dài ở Bãi Ngự, bãi chính của đảo; bên dưới là biển xanh trong vắt, có thể nhìn thấy những đàn cá tung tăng bơi lội.

Xã đảo chỉ có 420 nóc gia với dân số hơn 1.000 người, nên khách từ nơi khác đến là điều dễ nhận ra đối với cư dân trên đảo. Nhưng đừng ngại, người dân trên đảo rất hiếu khách. Vì thế, bạn luôn nhận được những nụ cười, những cái gật đầu chào ngay từ khi đặt chân lên đảo hay lang thang ở bãi biển...

Dân cư tập trung ở Bãi Ngự và Bãi Dong. Phần còn lại là doanh trại quân đội và hải quân. Vì vậy, muốn tham quan trên đồi cao, khách phải liên hệ với Chỉ huy quân sự của đảo. Điều này cũng dễ dàng, vì không ai lại làm khó khách từ phương xa muốn tìm hiểu vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc...

Bãi Ngự là một vùng biển nằm ở phía tây bắc đảo Thổ Chu. Do có núi bao quanh nên tạo thành hình chữ U chắn gió rất an toàn cho tàu neo đậu. Bà con cho biết, tên gọi Bãi Ngự là vì theo truyền thuyết, xưa kia nơi đây là bãi neo đậu tránh sóng của đoàn thuyền chúa Nguyễn trên đường tháo chạy đã tạm ẩn trú nơi này.

Về sau, dân gian gọi là Bãi Ngự và truyền khẩu cho đến ngày nay... Địa danh này cũng minh chứng rằng ông cha ta cũng đã góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của mình từ thuở xa xưa...
Quần đảo Thổ Chu có nhiều đảo nhỏ nổi và chìm. Trong đó, lớn nhất là đảo Thổ Chu với diện tích gần 1.400 ha. Người dân địa phương sống nhờ vào khai thác hải sản và mua bán nhỏ. Trên đảo không có nhà trọ và các dịch vụ du lịch, nên chỉ thích hợp cho những người thích khám phá với những tour “du lịch bụi”. Tắm nắng, tắm biển và du ngoạn núi rừng thì còn gì thú bằng. Rừng trên đảo là rừng nguyên sinh, được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì thế, nước ngọt trên đảo có đủ quanh năm, không xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Đảo

Theo các nhà khoa học, hệ thực vật trên bờ có ít nhất 200 loài. Dưới biển, hiện có 99 loài san hô đã được xác định.

Vùng biển này trong lành, không bị tác động nhiều và có nhiều rạn san hô rất thích hợp để làm tổ và săn tìm thức ăn của các loài rùa biển vốn đang bị đe dọa trên toàn cầu. Chính những ưu thế này, quần đảo Thổ Chu được đề xuất làm khu bảo tồn biển với tổng diện tích 22.400 ha; trong đó, phần đất liền khoảng gần 1.200 ha.
Biển Thổ Chu đâu đâu cũng có cát trắng mịn. Ra xa tầm 10-20 m cách bờ có thể nhìn thấy san hô dày đặc dưới đáy biển. Dọc trên bãi biển, du khách dễ dàng tìm thấy những nhánh san hô bị sóng đánh gãy, trôi dạt vào bờ. Dù chưa được thành lập khu bảo tồn, nhưng cư dân và quân đội trên đảo rất ý thức bảo vệ các loài san hô. San hô sinh sôi nảy nở là biển còn trong lành, bảo vệ được sự đa dạng sinh thái biển. Sống trên đảo phụ thuộc vào môi trường biển nên không ai nỡ “quá tay” với biển, mà sự đa dạng sinh thái biển là tô điểm cho vẻ đẹp, sự giàu có của biển.

Ra Thổ Chu mà không lên đến ngọn hải đăng của đảo là một thiếu sót lớn. Đỉnh cao nhất của đảo khoảng 167 m, nhưng hải đăng được đặt ở đỉnh cao thứ hai của đảo, khoảng 150 m so với mặt nước biển, vì vị trí này thuận tiện cho tàu bè quan sát.

Hải đăng được xây dựng và hoạt động từ ngày 25-1-2000 với tháp đèn cao khoảng 18 m, tâm sáng của đèn khoảng 140 m đủ sáng để tàu đánh cá, hàng hải quốc tế định hướng ở cách xa khoảng 12 hải lý vào ban đêm. Từ vị trí này, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ quần đảo Thổ Chu.

Nếu được đưa mắt vào kính viễn vọng, khách nhìn thấy được những tàu hàng hải quốc tế, mà mắt thường chỉ thấy được một chấm nhỏ trên vùng biển mênh mông. Quần đảo này là vị trí quan trọng để xác định hải phận Việt Nam trên vịnh Thái Lan.
Ai đã đến đây một lần không thể không thốt lên lời khen ngợi cảnh đẹp hoang sơ và trong lành của đảo. Chỉ tiếc rằng, chưa có một doanh nghiệp lữ hành nào tổ chức tour đến đây. Vì thế, những người yêu thiên nhiên chỉ có thể đến đây ngao sơn ngoạn thủy bằng những chuyến du lịch bụi. Nhưng để chuyến đi trọn vẹn, bạn hãy theo chân các đoàn kết nghĩa với người lính hải đảo. Đời sống quân đội và cảnh đẹp hoang dã của đảo tiền tiêu và cả những tấm lòng của cư dân bản địa... sẽ là những dấu ấn tốt đẹp khắc sâu trong tâm trí bạn...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Chudu24, Đất Mũi, Sotay dulich...

Ra đảo Thổ Châu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc