Tháng 4, biển trời Trường Sa trong veo, phẳng lặng. Sự đổi thay diệu kỳ của miền đất thiêng trên biển khởi nguồn từ một tinh-thần-Trường Sa, gieo mầm sống mãnh liệt trên những rẻo cát san hô nung bỏng chân trần.
Màn đêm chớm buông, Trường Sa sáng lung linh giữa đại dương
Màu xanh quê hương chen giữa phong ba đại dương
Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng dữ
Có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa…
Lần đầu tiên trong đời tôi mới có cảm nhận đủ đầy sự rộng lớn, bao la của biển trời đất nước sau khi bước chân lên tàu HQ 996 của Quân chủng Hải quân trực chỉ quần đảo Trường Sa.
.
Được tận mắt nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trên hòn đảo Song Tử Tây xa xôi, bao mệt nhọc khi phải vượt qua hải trình gần 1.000 km trên biển suốt 3 ngày 2 đêm trước đó như vụt tan biến trong tất cả mỗi người.
Đảo xa
Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tạo thành một cánh cung kỳ vĩ bao bọc và chở che đất liền từ phía biển Đông, trong đó Song Tử Tây nằm ở cực bắc của quần đảo. Cũng như các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Trường Sa…, Song Tử Tây rợp bóng cây xanh ngắt với những âu thuyền cho tàu cá ngư dân neo trú bão, chùa chiền, nhà dân, trường học kiên cố và khang trang. Quần đảo Trường Sa bây giờ như những thành phố trên biển. Đêm xuống, các đảo rực sáng ánh đèn điện. Cảm giác thật gần gũi khi ngắm nhìn. Không nơi nào còn cảnh đèn dầu bếp củi. Bước đi trên đảo mà như ngỡ mình đang ở đất liền thân thuộc.
Sau khi tham gia giải phóng hoàn toàn miền Nam, thượng tá Trịnh Lương Vượng – Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 đã có mặt trên đất đảo từ tháng 6.1975, cùng cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày đêm canh giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từng làm đảo trưởng Trường Sa và Song Tử Tây, anh đã gắn bó gần cả đời mình với vùng đất thiêng trên biển. Anh bồi hồi nhớ lại những chuyến ra đảo công tác: “Ngày ấy hầu hết là đảo trần. Cây cối hoang tàn. Nhà cửa thưa thớt, nửa chìm nửa nổi, gọi là nhà hầm vì chỉ có mái nhô lên khỏi mặt đất. Đất đảo chỉ có hoa muống biển, lác đác vài cây phong ba, cây bão táp. Bóng mát trên đảo chủ yếu dựa vào… những đàn chim hải âu bay về dày đặc, tối đến kêu rền vang cả một khoảng trời, rúc vào giường… ngủ chung với bộ đội”.
Lần đầu tiên trở lại những hòn đảo thân thương sau khi chuyển ngành công tác, anh Trần Văn Thiết ngỡ ngàng khi thấy Trường Sa đang từng ngày bừng lên sức sống mới. Anh bất chợt nhớ lại những câu thơ mà đồng đội dành tặng nhau từ những năm thập niên 90 của thế kỷ trước ở trên đất đảo như một lời tri ân: Mai bạn về bãi bờ chào đón/Mai bạn về dẫu phố đông đèn sáng/Đừng quên những ngày bão giông/Những ngày nắng lửa/ Mai bạn về hãy nhớ rèn quân, rèn mình/Để mãi là điểm tựa nơi đảo xa…
Đảo xa những năm ấy theo hồi ức của anh là khung cảnh buồn hiu hắt. Có khi đến 5 – 6 tháng mới có tàu từ đất liền ra đảo. Lính đảo “khát” thư là chuyện thường tình. Áo quần mặc chung. Thư nhà cũng đọc chung đến lúc rã từng con chữ. Khi nghe tiếng kẻng báo hiệu tàu từ đất liền chuẩn bị cập đảo là anh em chiến sĩ đã nhào ra bờ biển chờ đón với tâm trạng háo hức vô cùng. Mùa nắng các đảo thiếu nước ngọt, vì “mặt trời treo trên bầu trời mỗi ngày mười hai tiếng. Có khi nghe nước biển réo sùng sục như sôi”. Những ngọn gió thì “như đã héo mất rồi”. Mỗi khi mưa đến, tất cả anh em quăng mình trên sân bãi tắm gội, tận dụng bạt nylon căng ra gom nước để dành. Thông tin liên lạc thì rất hạn chế. Cả đảo chỉ có vài chiếc radio cũ. Viết thư gửi đất liền dưới ánh đèn dầu ống bơ leo lét. Viết xong ngoáy mũi lôi ra cả cục than đen xì…
Đất đảo bây giờ
Sau “những ngày bão giông” là cuộc đổi thay diệu kỳ. Hoa đã tô thắm đất cằn sỏi cát thuở nào. Ở đảo Song Tử Tây, khi chứng kiến cảnh chị Trương Thị Liên (34 tuổi) và con gái Hồ Song Tất Minh (chào đời tại đảo vào ngày 16.5.2009) cùng chơi đu quay dưới bóng dương rợp mát, nhìn những đứa trẻ thong dong ngồi học bên những chiếc quạt máy mát rượi, chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính, được sử dụng nước sạch đủ đầy quanh năm…, tôi mới thấm thía sự hy sinh thầm lặng, kiên cường bám trụ giữa muôn vàn gian khó của những người lính đảo năm xưa.
Những con người từng gắn bó nơi này đều xem đất đảo như một phần máu thịt. Để dựng xây miền biên hải, tinh thần thép thôi thì không đủ bởi nó không thể nào đương đầu nổi với sóng gió khắc nghiệt – nơi có gần một nửa số ngày trong năm phải chịu bão giông. Sự đổi thay diệu kỳ khởi nguồn từ một tinh – thần – Trường Sa. Chính tinh thần thiêng liêng ấy đã làm cho sức người trở nên vô biên, chế ngự những con sóng bạc đầu dập dồn bất tận giữa trùng khơi, những tia nắng xuyên thấu thịt da, để gieo lên mầm sống mãnh liệt trên những rẻo cát san hô nung bỏng chân trần.
Không khí hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử như sống lại trên gương mặt đầy vẻ tự hào của người dân Trường Sa. Nơi đầu sóng ngọn gió, họ sống quật cường như những hàng cây bão táp trải dài tít tắp. Mềm mại nhưng luôn vững chãi và mầm lộc xanh tươi trước lốc tố bão giông. Đứng bên cột mốc chủ quyền Trường Sa ở tọa độ 8038’30’’ độ vĩ Bắc – 111055’55’’ độ kinh Đông, chúng tôi trào dâng niềm tự hào về lãnh hải biên cương rộng dài ngút ngàn của Tổ quốc mình.
Nơi đây, tôi đã gặp một người đặc biệt. Anh đã “viết” nhật ký hình ảnh về Trường Sa bằng tất cả tình yêu và nhiệt huyết của mình…
Đình Phú - Thanhnien
0 nhận xét:
Đăng nhận xét