Cá ở Sơn Đoòng - Phần 2

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Mỗi người đầy một tay lá lốt với ý tưởng món cá suối quấn lá lốt nướng làm mọi người càng hăng hái, quên bớt mệt nhọc của quãng đường. 

Như vậy, chúng tôi đã đi được gần 4 tiếng đồng hồ, chưa kể thời gian nghỉ. Theo thông báo của Hồ Khanh, chúng tôi chỉ còn chừng 5 km nữa là đến nơi. Mồ hôi ướt áo, hơi thở nặng nhọc nhưng ai cũng hồ hởi vì quãng đường sắp kết thúc.

Đồng hồ mới chỉ khoảng hơn 14 giờ một chút. Đi chừng gần nửa giờ, chúng tôi thoát khỏi rừng chuối, tiến đến một bờ suối trống và rộng. Khoảng suối rộng đến cả gần 30 mét, nước chảy và sâu ngang đùi vào mùa cạn này đủ để làm mê mẩn bất cứ tay câu fly nào. Hang Én đã nằm trong tầm mắt, chúng tôi chỉ còn khoảng hơn 2km nữa là về đến điểm tập kết. Dọc đường đi, ven suối đã đầy rẫy dấu chân nai, heo rừng. Vẻ hoang dã đã hiện hữu, có những dấu chân nai còn mới tinh, ước tính đến cả tạ một con vì vòng móng nó to bằng cả cái chén ăn cơm.
.
< Suối đẹp mê hồn.

Nhìn thì gần, nhưng cũng phải 16h chúng tôi mới leo được về đến Én. Lội qua những cánh rừng đã khó khăn vì nóng nực, cây cối, vắt, dốc, vượt qua các con suối của vùng Đoòng cũng chả hề dễ dàng.

Đá dưới suối trơn như mỡ, đầy rêu bám và thách thức tất cả những ai đi qua nó. Chỉ cần sơ sẩy một chút, sức nước chảy và rêu đá sẽ làm bạn ngã nhào. Nước suối thì lạnh như cắt vì được chảy từ khe đá mà ra.

Qua nhiều đoạn uốn lượn, chỗ cạn, chỗ sâu nhưng vẫn là con suối mà chúng tôi đã gặp cạnh bản Đoòng. Nó bắt nguồn từ mạch nước ven đường và chảy còn xuyên qua cả hang Én rồi đi tuốt đến hang Sơn Đoòng. Vào trong Sơn Đoòng rồi nó đi đâu nữa, chưa ai biết vì chưa ai qua hết hang Sơn Đoòng cả. Những bước chân càng về nơi tập kết, càng nặng nề hơn. Đoàn lúc này đã tách ra hẳn, mạnh ai nấy đi vì đích chỉ còn trong chốc lát.


Én có hai cửa hang, một cửa trên cao, một cửa nằm dưới thấp. Nó được mang tên Én vì chim én làm tổ dày đặc trong hang, nhiều nhất trong khu vực Phong Nha. Vào mùa sinh đẻ, én từ trong hang bay ra đen đặc như những đám mây vậy. Phân én rơi đầy xuống nền đất phía dưới, tạo ra mùi hôi nồng khó tả. May mà chúng tôi ở phía cửa thấp, chỗ này không có én ở và nước cũng còn sạch sẽ không dính mùi của phân én. Tất cả bày đồ ra dọn chỗ nghỉ ngơi trong vòm hang rộng rãi, suối chảy ngay trước mặt.

Ngồi nghỉ một lát ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, tôi định bày đồ đi câu thì Hồ Khanh cùng anh em cười quá trời. Vác trong ba lô ra 100 mét lưới đã chuẩn bị sẵn đưa cho anh em kiểm lâm đi rải, trong vòng 20 phút các anh xách về gần 5 kg cá suối, con nào con nấy to bằng ngón tay cái hoặc hơn. Thực ra, đánh lưới hay câu cá ở dòng suối này để có cá còn cả một nghệ thuật. Bởi dòng nước suối ở đây chảy khá xiết cho dù là mùa khô. Nếu bạn không có kiến thức về cách thả lưới sẽ khiến cho lưới thả căng như dây đàn, và không có chú cá nào dính lưới cả. Phải tìm chỗ nước quẩn hoặc thả lưới vào ven bờ, tránh sức ép dòng chảy.

Cùng anh em làm xong mớ cá này cũng đủ tối, chả còn tâm trí nào mà câu. Anh em thì cứ động viên, câu cá để ngày mai tính, chứ giờ phải uống rượu đã. Cá suối nên làm sạch ruột và để ý là mật nó nằm ở ngay sát phần đầu, nếu không làm sạch chỗ đó thì ăn thịt cá (nhất là phần đầu sẽ rất đắng). Một số cá được mang ra nướng, cùng với món khô cá lóc để anh em uống rượu. Phần còn lại thì kho và nấu canh. Đám canh cá nấu cùng lá lốt thái nhuyễn và thân chuối ăn rất ngon, cho dù hơi lạt một chút.

Khỏi phải mô tả cảnh cá suối kẹp cây rừng nướng ngon như thế nào, chỉ biết là nướng đến đâu là hết đến đấy. Số rượu ít ỏi mang đi (chừng gần 5 lít) hết bay biến cùng đám mồi đặc sản.

Trong bóng chiều chập choạng, tôi lần hỏi về cá ở cái xứ Đoòng này. Anh Phong ra chiều rất tâm đắc với những lưỡi câu chình của tôi. Anh kể về những chuyến sơn tràng gặp con chình hàng chục kg không thể bắt được vì cứ câu là đứt dây, cho dù là dây dù hay dây cước. Khi nhìn thấy bộ lưỡi chình bằng dây cáp lụa chuyên dụng, đã lấy máu của gần nửa tạ chình ở Cam Ranh thì anh mới trầm trồ thán phục, khẳng định chắc nịch: “Cho tui đám lưỡi này, thể nào cũng có tin chình to báo cho chú”.

Suối ở vùng Đoòng quanh co uốn lượn, đi qua nhiều hang hốc, có đoạn ngầm dưới đất, có đoạn lộ thiên sừng sững, rộng hàng chục mét. Vào mùa nước cạn còn thế, vào mùa nước lớn, nó mênh mông, ngập kín cả cửa dưới của hang Én. Cá ở vùng này cũng có nhiều loại, ngoài lũ bống suối, cá trắng (mè núi), chình còn có cả cá cồ. Cá cồ nhìn hình dáng như cá trắng nhưng nó tròn lẳn như cá trắm ta, có con to cả chục kg. Loài này chỉ đi ăn vào ban đêm nên cứ mắc cá con vào chỗ nước sâu, đêm nó ra kiếm ăn thì sẽ bắt được. Có lần, các anh đã bắt được những con cá cồ hơn chục kg chỉ bằng dây dù và lưỡi móc cá con nên nói như đinh đóng cột: “Chỉ cần đi thêm một ngày đường vào hướng sâu kia, cá cồ nhiều cơ man vì suối trong đó sâu thẳm”.

Cái máu của tôi như sôi lên thèm thuồng, thiếu điều chảy nước dãi. Nhưng chuyến này vào hang Sơn Đoòng chứ có phải đi câu cá toàn tập đâu, đành phải nuốt nước miếng nghe kể tiếp những câu chuyện kỳ bí về cá vùng Đoòng. Đám lưỡi câu chình mang đi để lại hết cho anh Phong – anh họ của Hồ Khanh – là người phát hiện ra hang Thiên Đường. Anh Phong có đám lưỡi câu mà lòng mừng hớn hở, bởi vì chưa bao giờ anh nghĩ dây cáp có thể buộc vào lưỡi câu và đám lưỡi câu lại to, khỏe đến như thế này.

Rượu đã hết từ lâu, chỉ còn đám lửa bập bùng soi rọi cả nhóm gần 20 con người nằm trong hang. Người thì ngủ, kẻ vẫn còn tự sự. Bác võ sư và bác Dương vẫn cứ cùng anh tiến sĩ dược nói chuyện trên trời dưới biển. Tôi thì co ro nằm trên võng, mơ đến hành trình vào hang Sơn Đoòng ngày mai. Bên cạnh là cặp trai gái Quảng Bình đang lịch uỵch cạnh nhau trong một cái võng, càng làm tôi khó ngủ. Ấy thế mà chả biết tôi thiếp đi từ lúc nào không hay.

Bình minh vùng Đoòng đầy sương mù huyễn hoặc. Sáu giờ sáng, tôi mở mắt theo thói quen chỉ thấy xung quanh đặc những sương mù và mọi người vẫn còn đang ngủ. Trời đêm khá lạnh khiến tôi phải buộc hai mép võng vào kín mít mới ngủ ngon nổi. Xung quanh, thi thoảng vẫn nghe tiếng ngáy của bác tiến sĩ dược. Nằm xoay qua xoay lại một lúc thì mọi người bắt đầu dậy làm vệ sinh cá nhân. Vậy mà đến tận 8 giờ sáng, sau khi cả đoàn đã ăn sáng, uống café điểm tâm xong mà sương mù vẫn chưa tan. Bữa cơm sáng hoành tráng chả kém bữa tối với thịt kho, cá kho và canh lá lốt.

Chiều hôm, lúc tắm suối định hái ít rau tàu bay để nấu canh nhưng lại lười biếng nên canh chỉ còn lá lốt và  thân chuối non. Do nguồn nước phía Đoòng đã được anh Hồ Khanh miêu tả là bị nhiễm mùi phân chim nên tất cả đều mang đầy đủ nước uống và cả cơm nắm. Cơm nắm cùng đồ ăn sẵn gói lá chuối như thủa khó khăn một thời làm anh em cứ vừa nắm, vừa cười. Chuẩn bị xong thì cũng gần 9h sáng. Đi vào vùng rừng núi, người ta tránh đi quá sớm để tránh nhiễm lạnh và ướt át từ sương đọng trên lá và dễ trơn trượt nếu trên đá. Cho dù cả đoàn đại đa số đều là dân đi bụi kỳ cựu và trang bị đầy đủ tận chân răng nhưng chúng tôi vẫn không chủ quan, đợi mặt trời lên cao hẳn cho khô ráo mới đi tiếp. Tôi vẫn mang đầy đủ dây câu, lưỡi câu để hành trình câu ở trong hang Sơn Đoòng.

< Rau tàu bay ven suối.

Hành trình do đã được Hồ Khanh khám phá theo nhiều hướng nên đây là con đường dễ đi nhất cho một đoàn nhiều thành phần không chuyên như chúng tôi. Tuy vậy, nó cũng chẳng dễ nuốt tí nào nếu bạn chưa từng hành quân dã ngoại hoặc luyện tập đôi chân và sức khỏe dẻo dai. Đường liên tục lên xuống, leo trèo sẽ làm bạn nhanh chóng kiệt sức hoặc bị co rút cơ bắp bất ngờ, chưa kể huyết áp sẽ tăng vòn vọt theo từng bước chân nếu bạn cố gắng dùng sức.

Hiện tượng đầu tiên bạn sẽ gặp là khô cổ, thở dốc sau đó là hoa mắt và ngã lăn quay. Do vậy, phải biết lượng sức và đừng cố khi đã cảm thấy quá mệt. Cố gắng bước thật ngắn có thể và cứ từ từ mà tiến sẽ làm bạn đỡ mệt hơn. Bà con dân tộc đi rừng quen có thể đi cả ngày đường mà không hề mệt mỏi là do họ đã quen và đi rất chậm. Tuy nhiên, nếu bạn đi theo đoàn thì hãy nghỉ ít nhất, xuất phát sớm nhất nếu mình là người yếu hơn những người khác để tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ hành quân của cả đoàn. Hồng Sơn đã áp dụng cách này để theo chân các bác có kinh nghiệm hàng chục năm đi rừng núi trong đoàn, vì vậy mà miễn cưỡng không quá thua thiệt.

Theo thông báo, cả đoàn phải vượt 1,7km qua lòng hang Én, thêm 4 km đường suối nữa sẽ đến hang Sơn Đoòng. Cả ngày hôm qua đã băng qua hơn 10km thì khoảng cách 6km này coi bộ chẳng thấm vào đâu làm ai cũng hồ hởi. Việc đầu tiên là chúng tôi phải băng qua một bãi cát vừa cao, vừa trơn ở cuối cửa thấp hang Én rồi băng qua một dòng suối rộng uốn lượn chỗ cửa trên. Đang ở chỗ sáng vào bóng tối, cả đoàn phải bật đèn cá nhân đội đầu để soi đường và hành quân. Lớp đá dưới cát đen như mun, ẩn hiện từng đoạn để lộ ra một hình thú vị. Mấy anh em nhìn thấy thì thi nhau ghi hình lại, gọi đó là “Yêu thầm”.

Qua đám cát và đá đen trơn láng do hàng triệu năm bào mòn bởi nước lũ, chúng tôi lên đến cửa hang Én trên cao. Một vòm hang cao cả trăm mét, chi chít các tổ én. Nhìn thật kỹ sẽ thấy rất nhiều đoạn dây nối chằng chịt trên vách đá cao chất ngất. Anh Hồ Khanh cho biết đó là cách mà một dân tộc ở vùng này leo bắt chim non vào mùa đẻ của nó. Chỉ bằng các rễ cây nối dài ra, người leo trèo đu bám và dựa vào vách đá để men ra đến tận nóc hang để bắt én non để ăn. Không một ai có thể tưởng tượng là con người có thể làm được điều khó khăn đó với những dây leo rừng to chỉ bằng ngón chân cái là cùng. Thế nhưng anh Hồ Khanh cũng cho hay là chưa một ai trong số họ bị ngã khi hành nghề và chỉ có 1 số người trong bản là có thể leo được do một … loại bùa riêng. Nghe mà ớn lạnh xương sống.

Hành trình tiếp theo là vượt qua một núi cát, rồi suối, rồi cát đầy mùi hôi của cứt chim và bóng tối. Các đèn đầu mang đi phát huy tối đa công suất, chỉ còn tiếng suối réo và tiếng chim kêu chíu chít trong màn đêm dày đặc. Do đã quen leo trèo nên 1,7km  chúng tôi chỉ lần mò hết khoảng một giờ đồng hồ là đã xong, cho dù có thở hơi dốc một chút. Hương rừng trong trẻo bên kia cửa hang đã biến mất, để lại một mùi nồng nặc cứt chim. Thế nhưng cửa sau hang Én còn cao hơn cả mặt trước bội phần, kỳ vĩ sừng sững mở ra như một cái cổng lên trời vậy. Ngay dưới cửa hang còn một cái thân quả bom khổng lồ, in dấu tích chiến tranh. Khi xưa, đây là khu hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn có vẻ giờ đã nhạt phai, còn chăng chỉ là những câu chuyện, những nỗi đau mà ngàn đời không hết.

Nước suối cả vùng sau hang Én bị ô nhiễm bởi lượng phân chim khiến nước trong trẻo bên kia là thế, đổ qua bên này mang màu xanh lơ lơ. Càng xa hang, mùi phân chim có giảm nhưng mùi nước vẫn còn thoang thoảng cái mùi khó chịu. Hết leo lên bờ lại lội dưới dòng, chỉ trong vòng hơn một giờ, chúng tôi đã đến cái nơi mà dòng suối như biết mất hút vào lòng đất. Cái lỗ nước đổ vào sâu thăm thẳm, đen thui có cái nắp bằng hòn đá to bằng cái nhà cao tầng che dấu những bí mật khó lường. Anh Hồ Khanh cho biết, nó lặn xuống và sẽ chảy vào hang Sơn Đoòng. Từ đây, chúng tôi bắt đầu leo như vượn lên cao độ chừng hơn 100 mét rồi mới tiếp cận được hang. Đích sắp là đây rồi. Tuy nhiên, chỉ cách xa chừng vài trăm mét, chúng tôi không thể tưởng tượng được phía xa xa kia lại là một cái hang khổng lồ. Nó hoàn toàn chả có một chút dấu hiệu nào cho thấy sự hùng vĩ đáng lẽ phải có của một cái hang xứng tầm thế giới cả.

< Dấu vết sơn tràng.

Thi thoảng lại gặp những lán bỏ hoang do dân sơn tràng để lại, đều bị các anh kiểm lâm phá đi cho bằng hết. Chỉ vừa leo một quãng, ám ảnh vắt xanh đã xuất hiện. May mắn là nó bị phát hiện ngay khi đang tác nghiệp trên áo một anh kiểm lâm.

Dưới đất đầy rẫy vắt đất, may mà anh em cũng đã đề phòng đầy đủ nên cũng không đáng sợ cho lắm. Phải leo như khỉ khoảng khoảng 30 phút, chúng tôi đã tiếp cận với Sơn Đoòng. Đồng hồ lúc này chỉ đúng 11h trưa.

Dừng trước hang thắp vài bó nhang xin với đất trời, cả đoàn bắt đầu quá trình khám phá. Cửa hang không quá lớn, chỉ rộng chừng vài chục mét với rất nhiều nhũ đá vươn ra lạ lùng. Gió lạnh lẫn hơi nước mù mịt từ trong hang liên tục tuôn ra, tạo nên vẻ huyễn hoặc như ở tiên động trong các phim giả cổ, thần thoại.
< Cùng băng qua suối.

Tôi thoáng rùng mình, nhìn xuống hang, thấy tối và sâu hun hút. Trong hang phìng rộng ra, nhưng muốn vào sâu thì phải leo xuống và đi tiếp. Do đã có một vài lần vào hang, nên anh Hồ Khanh chả lạ gì lối lên xuống. Anh dẫn đầu đoàn, leo thoăn thoắt như vượn xuống đáy hang. Thoáng thất vọng về cá mú vì nước suối bên này ô nhiễm và cũng vì hành quân gấp rút nên tôi và anh em bỏ hết hành lý ở cửa hang cho nhẹ nợ, và đây là điều mà tôi phải hối tiếc sau này. Từng bước lần mò, cả đám đã đi xuống đến đáy hang. Theo định vị mang theo, chúng tôi tuột xuống từ cửa hang là 114 mét.

Đi một quãng, cả đám đã trầm trồ trước những thạch nhũ khổng lồ, cỡ trong Phong Nha chỉ hàng con cháu. Đá như dát vàng dưới ánh flash tạo nên cảnh đẹp kỳ bí. Suối chảy rì rào, thi thoảng lại tạo thành các hồ nước khổng lồ mọc đầy thạch nhũ xung quanh. Vừa leo vừa mò mẫm, chúng tôi còn phải né tránh những chỗ đá bị nước bào mòn sắc như dao lam. May mắn là tất cả đều an toàn ra khỏi chỗ nguy hiểm được là do Hồ Khanh đã biết để chỉ trước.

Khoảng gần một km, chúng tôi bị một cái thác khá rộng chặn ngang đường đi. Nước réo ồ ồ, và thác khá cao nên ai cũng chùn chân. Theo anh Hồ Khanh, đoàn BCRA qua được đoạn khó khăn như thế này nhờ vào công cụ hỗ trợ. Họ có thể bắn dây, đi leo mình qua vách đá thẳng đứng một cách dễ dàng. Quang cảnh xung quanh nhìn rất tráng lệ. Cây đèn pha công suất 2 triệu nến chiếu không nhìn thấu đỉnh hang nhưng lại quét rất sâu được xuống nước. Dưới làn nước trong veo trên cửa thác, cả đám chợt ồ lên bởi bỗng từ dưới làn sâu thẳm xuất hiện lũ cá cồ. Có con dài chừng nửa mét, có con dài chừng cả mét lượn lờ chỗ quầng sáng rồi mất hút trong gộc đá xa xa. Tôi nhìn đàn cá mà tiếc đứt ruột cho đám lưỡi, dây và mồi để trong ba lô trước cửa hang. Nhanh tay, một anh bạn trong đoàn đã chụp được hình dạng chú cá khá to trong đám, trước khi chú này kịp lặn biến vào làn nước thăm thẳm.

Cả đoàn làm vài tấm ảnh kỷ niệm, đánh dấu sự kiện 20 người Việt nam đầu tiên đặt chân đến cái hang to nhất thế giới, bỏ xa nhiều lần hang thứ nhì hiện nay. Mọi người ai cũng vui mừng vì đam mê khám phá được thỏa mãn, còn tôi thì có 1 chút nuối tiếc vì chưa động được đến vẩy chú cá Cồ trong hang Sơn Đoòng. Đã thế, anh Hồ Khanh còn cho biết, nếu vào thêm khoảng 3 km, cá cồ lớn và dày đặc hơn nhiều, làm tôi chỉ muốn ở lại luôn cho xong. Thôi thì còn chút tiếc nuối và còn động cơ để quay lại nữa chứ.

Cả đoàn quay ra đến Én, nghỉ ngơi rồi lại làm một mẻ lưới cá suối cho bữa chiều. Thèm quá, tôi bỏ cần ra móc cơm nguội cũng làm được gần chục chú cá trắng, con nào con nấy to bằng ngón tay cái. Cơm chiều nay, tôi thấy cá kém ngon đi hẳn mặc dù vẫn gắp rào rào. Có lẽ là do những con cá Cồ lượn lờ trong Sơn Đoòng chăng? Nhìn vẻ mặt kém tươi của tôi, chỉ có anh Phong là hiểu, vỗ vai hứa hẹn sẽ thông báo khi bắt được cá to bằng những bộ lưỡi mà tôi gửi tặng. Lại một đêm trằn trọc nữa rồi.

Đêm hôm nay trời quang, trăng lên đỏ đòng đọc phía núi xa xa. Sương lạnh bắt đầu vương vấn là lúc anh em ngồi quây quần quanh lửa, uống chè Tà Xùa – Sơn La mà tôi mang theo. Một chút hương bắc pha lẫn nước của đất trời miền Trung làm cho chè Tà Xùa vốn nổi tiếng ngon bỗng mang vị ngòn ngọt lạ, làm cho hai chuyên gia núi rừng miền Bắc là bác võ sư Aikido tên Quang và bác Dương tấm tắc. Qua đêm nay, chúng tôi sẽ ra khỏi vùng Đoòng.

Ai cũng sẽ mang về những những tự hào về quê hương tươi đẹp, những kỳ bí của Miền Trung thân yêu. Còn tôi, sẽ còn sẽ phải nhớ mãi, kể mãi và sẽ ghé thăm những đàn cá ở Sơn Đoòng.

Du lịch, GO! - Theo Samichina - forum Cauca

Cá ở Sơn Đoòng - Phần 1

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc