Quần đảo Hoàng Sa có nghĩa là "cát vàng" (tiếng Anh: Paracel Islands); là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Quần đảo nằm cách miền trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Philippines; cách Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) của Việt Nam khoảng 200 Hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý.
Ngày xưa quần đảo này đã mang tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triền lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay ít. Giáo sư Sơn Hồng Đức cho số lượng là 120 đảo; sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước đây cho biết có 130 đảo (Wikipedia).
Huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng cách bờ biển 390km về phía đông, song với những ngưòi đã từng sống một thời trai trẻ từ Hoàng Sa như ông Phát, ông Dân, ông Miễn... thì Hoàng Sa thật gần, thật thân thương.
.
Đo gió, nhìn trời Hoàng Sa
.
< Ông Nguyễn Giáo, nhân viên Ty khí tượng Hoàng Sa đang đo nhiệt độ, độ ẩm tại lều máy trạm khí tượng Hoàng Sa.
Tháng 2-1958, ông Ngô Tấn Phát nhận nhiệm vụ đi công tác tại Hoàng Sa theo nhiệm kỳ ba tháng. Các đồng nghiệp của ông trong Nha Khí tượng Sài Gòn lúc đó cũng đã từng mỗi người ra đảo vài lần, cứ đến lượt là đi. Mới ngoài đôi mươi, vừa được nhận vào làm quan trắc viên, lại chưa biết gì về đảo Hoàng Sa nên ông Phát hăng hái đi ngay. Chàng thanh niên Sài Gòn khăn gói ra Đà Nẵng, rồi cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng tình nguyện lên thuyền ra đảo.
< Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa (trước 1974).
Nhóm khí tượng ra công tác tại Ty Khí tượng Hoàng Sa mỗi kỳ có bảy người: bốn quan trắc viên khí tượng, hai truyền tin và một người làm công tác tạp vụ. Lúc quyết định đi ông Phát chỉ nghĩ đơn giản rằng làm nghề đo gió, nhìn trời như ông thì có dịp ra đảo xa cũng hay, không ngờ chuyến đi đó đã gắn bó với ký ức của ông suốt phần đời còn lại.
“Người say sóng nằm liệt sau một đêm dài đi biển, còn tôi may mắn vẫn tỉnh. Chính vì vậy mà tôi có cơ hội nhìn thấy được biển đêm, chứng kiến cảnh tàu cập Hoàng Sa giữa bình minh đầu tiên ở quần đảo, mặt trời đỏ mọc lên từ biển xanh mênh mông đẹp không có bút nào tả nổi”, ông Phát nhớ lại.
Ở nơi đón đầu những cơn bão thường xuyên từ biển Đông ập vào VN như Hoàng Sa, công việc của quan trắc viên túi bụi suốt ngày. Trong khi những người lính giữ đảo thảng hoặc vẫn lấy thuyền cao su chèo sang các đảo nhỏ xung quanh để chơi thì làm quan trắc viên như ông Phát bận bịu suốt ngày với công việc đo gió, nhìn trời.
Ông nói những gì ông và các đồng nghiệp quan sát, truyền vào đất liền để trở thành những bản tin dự báo thời tiết nóng hổi có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đồng bào nên ông không thể lơi lỏng một giờ. Ông yêu công việc này, yêu quần đảo mà ông mới sống cùng nó ba tháng, cho nên khi hết nhiệm kỳ ông đăng ký ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa.
Về sau, ông quyết định xin về làm thám không ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng để có cơ hội được trở lại Hoàng Sa. Không ngờ chuyến đi công cán đáng nhớ của ông Phát ra Hoàng Sa năm đó đã làm ông gắn bó luôn với mảnh đất Đà Nẵng. Ông chuyển hẳn từ Sài Gòn về lập gia đình với một cô gái Đà Nẵng, sống luôn ở thành phố này cho đến nay đã ngoài 70 tuổi.
< Quân đội Pháp - Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945.
Đặc sản đảo xa
“18 lần ra làm việc tại Hoàng Sa là quãng đời đẹp nhất của tôi”, ông Võ Như Dân nói như vậy. Kỷ vật quí giá trong những ngày sống ở Hoàng Sa từ những năm 1960 mà ông còn gìn giữ đến bây giờ là cái vỏ ốc tai tượng to bằng quả bóng, ông mang từ Hoàng Sa về phơi khô, đẽo và vẽ thêm vài chi tiết, nối dây điện vào làm thành chiếc đèn trang trí độc đáo. Bao nhiêu năm qua ông đặt chiếc đèn vỏ ốc ấy trang trọng trong tủ kính ở phòng khách để hằng ngày nhớ về những ngày ở đảo.
< Bia chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa năm 1930.
Ông có ý định tặng chiếc đèn ốc thú vị này cho gian trưng bày về Hoàng Sa của Bảo tàng Đà Nẵng, dù chiếc vỏ ốc này là cầu nối giữa ông với ký ức xa xăm bao năm mà ông đảm trách phần việc lao công ở Hoàng Sa để giúp những quan trắc viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
18 lần ra đảo làm lao công, một mình ông lo chuyện ăn uống cho cả bảy người của Ty Khí tượng Hoàng Sa. Ở đảo, ông tận dụng nước sinh hoạt ít ỏi để trồng bí đỏ, đu đủ, rau…. Hằng ngày ông còn tranh thủ đi đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn.
Hoàng Sa vắng vẻ, ngư trường nhiều cá nhưng không ai đánh bắt, thế là ông tha hồ câu cá. Câu cá trở thành thú vui đặc biệt của ông, một thú vui mà đến bây giờ mỗi khi nhớ về những ngày ở quần đảo, ông đều nhớ những lần câu cá giữa biển trời mênh mông.
< Ảnh quần đảo Hoàng Sa với những cơ sở quân sự, khí tượng của Việt Nam năm 1968.
Năm nào ông Dân cũng có mặt tại Hoàng Sa, mà lần nào cũng đúng mùa mưa bão. Có năm ông và cộng sự đón bảy trận bão ở Hoàng Sa, những cơn bão giật khiến những cơ sở được xây dựng kiên cố bằng bêtông ở đảo cũng rung rinh.
Những cơn bão giật dữ dội ở nơi đầu sóng ngọn gió ngày ấy đã giúp ông Dân thêm sức chịu đựng mà đến nay dù tuổi đã 70 ông vẫn không lo lắng gì mỗi lần có tin báo bão.
Ông nhớ có những lần đón tết ở Hoàng Sa, anh em ngồi lại chia nhau ít bánh trái ngày tết. Ai cũng buồn buồn nhìn xa xăm vào hướng đất liền và cảm thấy hạnh phúc vì đang phục vụ đất liền. Hỏi ông ví như bây giờ được tiếp tục ra Hoàng Sa công tác thì ông có đi không, ông không chần chừ: sẵn sàng đi vì ông đã có cả quãng đời tuổi xuân ở đó.
Hằng năm, cứ vào ngày “truyền thống” của những người đã từng đi Hoàng Sa, ông Dân lại có dịp gặp những đồng nghiệp năm xưa, và đó cũng là lúc ông Dân cùng mọi người ôn lại những năm tháng mà họ gọi là đẹp nhất trong đời.
18 năm ở Hoàng Sa
< Cơ sở hành chính của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945.
Ông Năm Miễn (Phạm Văn Miễn) dù đã 82 tuổi cũng mong mỏi có dịp trở lại Hoàng Sa một chuyến để ông trở lại với những năm tháng làm việc ở đó. Sinh năm 1922, hiện luôn đau yếu vì đủ thứ bệnh tuổi già, nhưng ông luôn nói rằng ước mơ lớn nhất của ông là thật khỏe để có dịp lại ra Hoàng Sa. Bởi ông Miễn là người ra làm việc lâu nhất ở Hoàng Sa: 18 năm!
Trong 18 năm (1956-1974) làm việc ở Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng, năm nào ông Miễn cũng có mặt ở Hoàng Sa, có năm ra đôi ba đợt. Hoàng Sa nằm trên vùng biển rộng 15km2, gồm 40 đảo đá, cồn san hô và bãi đá ngầm, đảo lớn nhất dài 900m, rộng 700m, song với ông Miễn thì hầu như thuộc lòng quần đảo ấy.
Ông Miễn có quá nhiều kỷ niệm về quần đảo mà ông đã từng gắn bó, kỷ niệm ấy được ông ghi thành nhật ký trong những ngày phục vụ ở đảo. Làm lao công ở đảo, ông trữ nước mưa, nuôi heo, trồng rau, đánh bắt cá… Chính vì có “nguồn thu” dồi dào này mà cứ mỗi lần thấy lính canh đảo ăn mắm vì thức ăn ở đất liền chưa chuyển ra kịp, ông đều mang thức ăn cho họ.
Hoàng Sa là nơi thường xuyên có tàu đánh cá của Trung Quốc và các nước ghé qua xin nước ngọt. Nước ngọt ở đảo là nước mưa được trữ trong những hồ xây lớn để dùng dần từ mùa này qua mùa khác, song khi thấy dân đánh cá các nước ghé lại xin nước trong ngặt nghèo, những người Việt đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa cũng sẵn lòng, bởi như lời ông Miễn nói, “cũng đều là người với nhau”.
Có lần mọi người ở đảo đào được một ché tiền với toàn là tiền thời Gia Long, ông nghĩ mai này nếu có điều kiện khai quật có lẽ sẽ còn phát hiện thêm nhiều hiện vật quí trên đất đảo. Rồi thấy cảnh tàu của chính quyền ra đảo để lấy phân chim, ông mơ ước mai này Hoàng Sa sẽ là mảnh đất tiềm năng kinh tế chứ không chỉ là quần đảo vắng bóng người. Đến bây giờ mơ ước ấy vẫn nguyên vẹn trong ông...
Du lịch, GO! - Theo Tuoitre online, Quehuong, Datviet...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét