Ngảnh Tam Tân hấp dẫn du khách Sài Gòn

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Ngảnh Tam Tân (bãi Dinh Thày Thím) thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, cách thị xã La Gi 18km về hướng Đông, ven đường 709. Bờ biển Tam Tân là nơi có cảnh quan đẹp, cụm đá nổi Mỏm Đá Chim nối với bờ cát trắng mịn màng của Đồi Dương chập chùng sắc xanh thơ mộng và hoang sơ lại nằm gần thắng tích Dinh Thầy Thím đã trở thành điểm du lịch, nghỉ ngơi của khách mọi miền.

Mặt trời chưa lên cao, nhưng có khá đông người tập trung tại bãi tắm mải mê đùa giỡn với sóng nước… Họ từ chỗ ở của hơn chục nhà trọ bình dân gần đó đi ra biển… và nhiều người trong họ cho biết sẽ ở chơi tại Tam Tân nhiều ngày…
Theo những người buôn bán trong khu vực ngảnh cho hay thì từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, mặc dù có nhiều nỗi lo về kinh tế suy thoái, nhưng ngảnh Tam Tân vẫn thường xuyên đông khách, nhất là thứ bảy, chủ nhật.
.
Du lịch kết hợp và giá rẻ

Tại ngảnh Tam Tân hiện nay, không kể khu du lịch tương đối cao cấp “Mõm Đá Chim”, đa phần là các nhà nghỉ, nhà trọ đều dạng bình dân, với giá thuê qua đêm hết sức co giãn. Có lẽ chỉ ở ngảnh Tam Tân, mới có cảnh: khách du lịch ngủ võng với giá “bèo” 25.000 đồng/ người/đêm. Thấp hơn nữa là một chỗ nằm trên thềm xi măng, giá 15.000 đồng/ người… nhưng nếu ai đó muốn sang thì cũng có phòng với giá 200 – 250.000 đồng/đêm, cho 2 người.

Một chị là khách du lịch nói: “Tui đi ngảnh lần này là thứ 5. Lần nào cũng chỉ tốn vài trăm, trong khoảng 2 ngày. Tính ra, mỗi ngày 200 ngàn đồng. Mình tiết kiệm được là do đi chung xe với nhiều người. Ăn uống cũng chung, hoặc ăn đồ mang theo từ nhà, hoặc mua đồ nấu tại đây. Đồ ở đây ngon và rẻ”.

Trổ tài

Có lẽ ít khu du lịch nào mà sự kết hợp giữa yếu tố chợ và tắm biển lại có sự cộng hưởng tốt đến vậy. Ở ngảnh Tam Tân, sau khi du khách thuê nhà trọ, họ sẽ được giới thiệu ra nghỉ, chơi, hóng gió hoặc xem cảnh người tắm biển trong những căn lều bằng lá do chủ nhà trọ dựng trên bãi. Những căn nhà này đều treo khá nhiều võng, hoặc ván nằm để người ta “thoải mái” giờ này sang giờ khác, hoặc qua đêm ngoài bãi biển nếu không sợ lạnh, sợ gió.

Vào ban ngày, cách những dãy lều 20 mét, ra phía ngoài, là chợ di động của dân trong vùng. Họ mang đến đây nhiều thứ nông sản, hoặc hải sản tươi nguyên mà mờ sáng của ngày hôm đó, chồng, con họ đánh bắt được. Du khách sẽ rất dễ dàng hỏi mua con mực lá loại to, con điệp, hoặc con cá hố tươi rói, còn đầy phấn trắng…

Hàng trăm người có mặt trên bãi biển từ rất sớm…

Du khách cũng có thể mua cả con cá thu nặng ký, bỏ trong thùng đựng nước đá mang về thành phố. Và đây nữa, du khách có thể bước vào cửa hàng tạp hóa ở một góc bãi, tìm mua bia bọt, thức uống mình cần; cũng như các thứ rau, bạc hà, me chua… ở một một góc khác của bãi… để nấu lẩu hải sản ngay trên bãi biển! Giá cả của các loại hải sản đều không quá mắt, bởi những người dân nghèo đều mong muốn bán được hàng. “không thấy khách đòi hỏi sang trọng, hoặc đầy đủ tiện nghi.

Nhiều người nói: thích nhất khi đi du lịch ở ngảnh Tam Tân là thoải mái như ở nhà” - Liễu, cô học sinh lớp 12, phụ mẹ là chị Loan bán hàng hải sản nói. Còn anh Nguyễn Hoàng Qúy, Giám đốc Công ty T&N, chuyên cung cấp mực in, một trong hai người đàn ông đang cặm cụi nấu một số món ăn trong góc lều dựng trên biển, trong khi có rất nhiều phụ nữ nằm ngồi ở chung quanh, nói: “Kiểu du lịch dân dã này thích thật. Không bị gò bó đã đành mà còn được nấu những món mình thích đãi bạn bè. Bạn bè tui ở Sài Gòn từng đi ngảnh Tam Tân rồi, cứ hay nhắc cái cảnh nấu nướng này!”

Ông Nguyễn Văn B, cán bộ về hưu, ở sát ngảnh Tam Tân, nói “Chỉ cần Tam Tân làm tốt chuyện môi trường thì đây là khu du lịch cộng đồng lý tưởng của La Gi. Dân chúng ta đa số còn nghèo. Người nghèo rất khó đủ tiền để vô nơi sang trọng”

Theo báo Bình Thuận online thì các điểm du lịch như ngảnh Tam Tân, biển Cam Bình vẫn còn sự nhếch nhác, lộn xộn. Cam Bình thì che chắn lều trại, thậm chí dựng chòi ngoài bãi biển để bán hàng, nấu nướng phục vụ “thượng đế”. Dưới rừng dương mát rượi thì căng lều trại làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó.
Tại ngảnh Tam Tân cảnh buôn bán hải sản tươi sống, các loại hải sản phơi khô lấn chiếm cả lối đi, muốn ra biển phải qua một con mương nồng nặc mùi và đầy rác từ trên bờ xuống lòng kênh. Tiếp theo là những lều trại vừa được dỡ bỏ ngổn ngang như vừa trải qua thiên tai và nhiều vấn đề khó nói khác. Đây là vấn đề cần khắc phục tình trạng trên để du lịch La Gi là điểm đến, được du khách yêu mến và trở lại nhiều lần, xây dựng địa danh du lịch thành thương hiệu như một số nơi trong tỉnh.

Du lịch, GO! - Theo Lagitoday, Binhthuan online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc