"Phượt" ở miền Tây

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Đã từ lâu, tôi ao ước được đến miền Tây Nam Bộ với sông nước chằng chịt, cây trái sum suê, với con người phóng khoáng và những điệu đờn ca tài tử mê đắm lòng người.

1. Những ngày đầu tháng 4, ao ước đó thành hiện thực. Sau khi kết nối thành công với "thổ địa", tôi hăm hở vác ba-lô bước lên xe khách xuất phát tại TP.HCM thẳng tiến về Cần Thơ. Chiếc xe to rộng, sạch sẽ, lướt êm trên đường. Miền Tây dần lộ ra sau vòng quay bánh xe với những dải cây xanh tít tắp và những đồng lúa thênh thang, đó là Long An. Xe qua đất Tiền Giang, dọc bên đường có rất nhiều quán cà phê, quán nước giải khát và mỗi quán đều có mắc rất nhiều võng, đó là điều tôi thấy là lạ đầu tiên. Qua khỏi Vĩnh Long, Cần Thơ chào đón chúng tôi bằng cây cầu cùng tên kỳ vĩ, bên kia cầu đã là phố xá đông đúc của chốn phồn hoa đô hội.
.
2. Hội quân ở Cần Thơ, chúng tôi lên phương án cho hành trình khám phá miền Tây. Có đồng nghiệp địa phương rành rọt đường sá nên chúng tôi quyết định di chuyển bằng xe máy. Điểm đến đầu tiên là chợ nổi Cái Răng.

Trong vô vàn đặc sản của miền Tây, chợ nổi chính là một đặc sản và ở trên chợ đó có nhiều đặc sản khác. Vậy nên chưa đi chợ nổi thì coi như chưa biết miền Tây. Với phương châm "làm chủ" và "thích đâu dừng đó" nhóm tôi thuê chiếc ghe nhỏ với giá 150.000 đồng chứ không thuê thuyền lớn hay ghép tour.

Cả một khúc sông rộng tấp nập ghe thuyền từ to đến nhỏ và trên thuyền thì đầy trái cây. Thuyền chở loại trái gì người ta cắm cây sào rồi treo quả đó lơ lửng. Nắng lên, thuyền bè đến từ nhiều vùng miền xuôi ngược dậy sóng lấp lánh ánh vàng, một khung cảnh no ấm hiện hữu. Ở đó người ta cũng làm một cái quán nổi để bán trái cây cho khách du lịch.

Quả để dưới sàn, quả treo lủng lẳng từng chùm đầy gợi cảm… Khách đông mà quán nhỏ nên chúng tôi mua một ít rồi nhanh xuống ghe tiếp tục "lượn lờ" trên chợ. Thấy ghe bán hủ tiếu, cả nhóm bảo anh lái dừng lại ăn.

Lúc đó bụng đã đoi đói, nhìn thấy khói bốc lên nghi ngút trên nồi nước lèo cũng đủ chảy nước miếng rồi. Mà hủ tiếu ở đó ngon thật, giá lại rẻ, nhưng thích hơn vẫn là cảm giác ngồi ăn trên sông nước bồng bềnh, thật khác lạ! Ăn sáng xong lại tấp ghe vào thuyền bán dứa, leo lên hỏi mua 3 trái rồi nhờ chị chủ gọt ra, cả bọn cầm ăn ngấu nghiến...

Rời chợ nổi, nhóm nhằm hướng Hậu Giang - Sóc Trăng. Hậu Giang hoa quả, cây trái sum suê trải dài dọc bên đường. Sóc Trăng có nhiều nhà lá và người Khmer. Theo tư liệu, tỉnh có khoảng 350.000 người Khmer, đông nhất trong số các địa phương có người Khmer sinh sống và cũng là nơi nhiều chùa. Trước khi dừng nghỉ trưa, chúng tôi ghé chùa Đất Sét. Tất cả tượng phật đến linh thú, bảo tháp, đỉnh trầm đều được làm từ đất sét.

Điều đặc biệt, trong chùa còn có 6 cây nến lớn cao chừng 3m, to hơn vòng tay người ôm, nặng 200 kg; nếu đốt thì sẽ cháy liên tục trong vòng 85 năm. 2 cây nhỏ nặng 100 kg đã cháy liên tục trong 40 năm và hiện còn một đoạn cao khoảng 50 cm. "Đúng là độc quá!" - tôi thầm thốt lên như vậy sau khi nghe bà cụ tóc bạc phơ ngồi trông nến giới thiệu. Để nến chùa cháy, người ta phải dùng dao cạo từng lớp sáp mỏng rồi lùa xuống lòng nến, từng tí từng tí một; dường như sức nóng của lửa ở tim nến không đủ độ để làm tan chảy sáp.

Buổi chiều nhóm tiếp tục viếng chùa Dơi (tên gọi khác là chùa Mã Tộc). Các vị sư ở đấy rất hiền và cởi mở. Nghe đâu chùa được xây dựng cách đây 400 năm, chùa có tên là chùa Dơi vì từ lâu ở đó có khoảng 1 triệu con trú ẩn; dơi rất lớn, có sải cánh dài 1 - 1,2 m, nhiều con lên tới 1,5 m. Ban ngày chúng treo mình ngủ trên những cành cây trong vườn chùa. Ở chùa Dơi còn có loài lợn 5 móng, khi chết nó được đưa vô nhà thiêu hỏa táng rồi chôn thành mồ...

Rời Sóc Trăng, chúng tôi thẳng tiến về Bạc Liêu. Phải nói rằng các thị tứ, trung tâm tỉnh lỵ ở miền Tây rất đẹp ở khía cạnh quy hoạch, rất nhiều tuyến phố rộng rãi, bài trí đẹp và xanh, sạch sẽ; tất cả không như tưởng tượng ban đầu của tôi và càng không như ở một số tỉnh miền Trung bị vỡ vụn, băm nát và bẩn.
Leo lên đài quan sát ở vườn chim Bạc Liêu khi trời đã xế chiều, ánh nắng vàng đặc rọi từng ngọn cây thấy rõ vô vàn loại chim từ to đến nhỏ đang quẫy nước rỉa lông sau một ngày tìm kiếm mồi. Một khung cảnh thanh bình bao la đến lạ, như sự phóng khoáng của con người ở đây vậy.

Không lý gì chúng tôi không nhâm nhi ở nhà hàng, khách sạn Công tử Bạc Liêu - tòa biệt thự của công tử Ba Huy ngày xưa. Tòa nhà được xây dựng từ năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế, toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí được chủ nhân đặt hàng từ Pháp về. Các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris.

3. Kết thúc ngày thứ nhất có thể nói là thành công mỹ mãn, cả nhóm lâng lâng nâng ly cụng mừng tại nhà một người bạn với món gà luộc chấm muối tiêu và cá lóc chua. Chúng tôi tạm biệt Bạc Liêu bằng món bún bò cay buổi sáng. Bạn tôi nói là đặc sản, tô bún đỏ quạch màu ớt, hợp khẩu vị với dân miền Trung!

Mục tiêu ngày thứ hai là phải đặt chân lên mũi Cà Mau, gần 200 cây số chờ đợi phía trước. Có thông tin rằng hiện nay nếu xét lại thì mũi Cà Mau không phải là điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc mà chỉ nằm ở vùng cực Nam. Điểm cực Nam trên đất liền nằm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; mũi Cà Mau là điểm cực Tây của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên điều đó không quan trọng...

Có thể đến Đất Mũi bằng xuồng cao tốc từ TP Cà Mau nhưng nhóm không chọn mà tiếp tục hành trình bằng xe máy. Càng di chuyển gần về mũi Cà Mau, lòng càng trào dâng cảm giác khó tả, chỉ ít phút nữa thôi mình sẽ đặt chân lên vùng cực Nam đất nước.

Trên bộ dưới thuyền tấp nập rộn ràng. Đến thị trấn Năm Căn chúng tôi gửi xe ở một khu chợ đồng thời là bến thuyền để tiếp tục hành trình bằng xuồng cao tốc. Canh đúng giờ, chừng 5 phút sau, chuyến cao tốc cuối cùng trờ tới đón mọi người, đứng chờ cùng chúng tôi còn có các bà thương lái, học sinh, cán bộ. Chắc chắn tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác lướt trên sóng giữa mênh mông mát rười rượi; đặc biệt là mỗi lần con tàu "ôm cua" giữa rừng đước, những lúc ấy mạn tàu nghiêng xuống, nước tung lên trắng xóa. Đi một đoạn tôi phát hiện ra tàu cao tốc này giống như xe đò trên đường bộ; nó cũng dừng đón trả khách dọc sông kiểu "xe dù, bến cóc", ai muốn xuống đâu thì nói với lái tàu, ai muốn lên tàu hay gửi hàng hóa thì ra mé nhà đứng vẫy tay.

Điểm dừng cuối cùng trước chợ đất Mũi, từ đây thuê xe ôm 20.000 đồng đến mũi Cà Mau. Chúng tôi đi bộ xuyên rừng đước trên con đường bê-tông nhỏ được đúc cao lên, thật thỏa chí và không quên chụp ảnh những bộ rễ đước đồ sộ hiên ngang với thời gian. Khu vực đó có một vòng tròn nền xi-măng khá to, đồng nghiệp tôi bảo là sân cho trực thăng đỗ. Tranh thủ ăn trưa ở nhà hàng Thủy Tạ giữa biển, nhóm rời Mũi Cà Mau trở ra bến thuyền kịp lên chuyến tàu cuối cùng.

Rời Năm Căn, chúng tôi ngược lên huyện Cái Nước khi trời tắt nắng. Đêm cái Cái Nước gió lồng lộng thổi, tiếng ghe vẫn bành bạch chạy dưới sông.

4. Sáng sớm, vẫn tiếng bành bạch đánh thức mọi người, nhóm trở lại thành phố. Anh đồng nghiệp "thổ địa" dẫn vào ngõ nhỏ ngay nách chợ Cà Mau để mua đặc sản khô lóc.

Rời mảnh đất Mũi, chúng tôi hướng về Kiên Giang - nơi có rừng U Minh Thượng. 2 tiếng đồng hồ để khám phá khu rừng ngập nước đặc biệt này quả là quá ít ỏi đối với chúng tôi, nhưng hiện tại cũng chỉ mới có tour từng đó dành cho du khách. Được ngồi trên ghe chạy lướt giữa rừng bèo ken đặc mặt nước để nhìn từng đàn chim cò đủ loại, đủ màu sắc thật thú vị.

3 ngày 2 đêm cho hành trình tròn một vòng từ đông sang tây, tôi vẫn thấy tiếc nuối bởi còn quá nhiều điều chưa khám phá, nhiều điểm hấp dẫn chưa đặt chân đến. Tôi tạm biệt xứ sở sông nước với lời hẹn sẽ quay trở lại để đi cho hết con đường ước nguyện...

Du lịch, GO! - Theo báo Thanh Niên, ảnh internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc