Những chiếc xe jeep chuyên dụng chạy vòng vèo từ chân núi lên đỉnh Lang Biang liên tục. Chưa bao giờ đến Đà Lạt tôi lại thấy người, xe đông nghẹt ở bãi xe chờ lên đỉnh đông như vậy. Xe du lịch của các công ty lữ hành cứ đậu thành hàng, dài mãi ra. Mấy cậu hướng dẫn viên cầm cờ hiệu tíu tít chạy từ phòng vé ra bãi xe. Tiếng loa từ phòng máy vang ra từng chập, từng chập để điều khiển, bố trí lượt xe lên núi.
Chả bù mấy năm trước, khách lên núi còn thưa thớt lắm; nay đường đã mở rộng, xe lên thuận tiện, hai bên đường uốn lượn dưới ngàn thông hiện ra cứ đẹp như một giấc mơ, du khách bị quyến rũ là phải thôi.
Đến đỉnh Lang Biang, khi cả buồng phổi căng ra đón từng luồng khí mát lạnh, trong lành thì cả một không gian kì ảo lung linh hiện ra trước mắt. Từ trên độ cao trên hai nghìn mét so với mặt biển, trải dài bên dưới là sương mù, là những cụm rừng, là thảm cỏ xanh, đồi đất đỏ ngút ngàn hòa quyện vào nhau tạo nên một Lang Biang hùng vĩ, thơ mộng.
.
Bao nhiêu lần lên núi rồi mà sao trong tôi vẫn dậy lên những cảm xúc tinh khôi như lần đầu. Đứng tựa vào rào chắn, nhìn xuống bên dưới, hít từng hơi thở thật dài, thật sâu, nghe cái mát lạnh, ngây ngây của sương mù gió núi len vào phổi để cảm nhận đến tận cùng sự trong lành của trời đất, của luồng không khí xanh hiếm hoi có được, hỏi sao lòng không bay bổng lâng lâng?
Có lẽ vì vậy mà từ khi đường lên núi được mở ra đẹp đẽ, khang trang, số khách du lịch mỗi năm mỗi đông đúc hơn chăng?
Thú vị của đỉnh Lang Biang đâu chỉ là cảnh quan, là không gian thoáng đãng đầy hấp dẫn khách nhàn du. Nếu câu chuyện tình yêu đẹp đẽ bi thương của đôi tình nhân Lang Biang một thời còn in dấu trên hai pho tượng đứng bên nhau tại chốn thơ mộng này vẫn còn gợi lên bao cảm hoài thì phiên chợ đầy sắc màu rực rỡ của đồng bào các dân tộc nơi đây lại có sức cuốn hút mãnh liệt với người lên núi. Thử đảo một vòng xem.
Bao sắc màu rực rỡ của những sản phẩm từ bàn tay người tộc Chil, tộc Lạt sống dưới chân núi bày ra trước mắt. Những chiếc gùi đan lát công phu, những túi xách, bóp cầm tay lớn nhỏ đủ kiểu, những chiếc hộp đựng nữ trang, đồ trang điểm tinh xảo, mấy chiếc dây thổ cẩm làm vòng thắt trên tay. Và, một chiếc chiếu trải trên mặt đất, một chiếc dù che bên trên cho các gian hàng. Vậy là phiên chợ trên núi đã nhộn nhịp, tưng bừng vào mùa du lịch này rồi.
Tôi dừng bước ở chiếu hàng của một cô bé khoảng hơn mười tuổi đang cắm cúi đan sợi dây thổ cầm trên chiếc khung dài bằng cây đơn sơ. Mấy bạn đi chung đoàn cũng ngừng lại, nhìn say mê bàn tay thoăn thoắt của cô bé. Hỏi: Con mấy tuổi mà ngồi bán một mình vậy?
- Con 11 tuổi.
- Mấy thứ này ai làm cho con bán?
- Ba mẹ và mấy anh chị con làm.
-Mùa này con bán khá không? Ngày được bao nhiêu?
- Ngày bán được, ngày không. Hôm nào được nhiều từ ba đến năm trăm ngàn.
Ngồi trì bên cô bé mới biết tên bé là Jan, người Cơ Ho, bộ tộc Chil nhà ở chân núi, có năm anh em. Từ ba mẹ đến các anh chị đều dệt, đan mấy đồ thổ cẩm này từ tơ sợi mua ở chợ Đà Lạt. Jan thứ Út, năm nay vào lớp 6 trường Trung học cơ sở xã Lát tại đây.
Nhìn vẻ lam lũ có nét già trước tuổi của cô bé người Chil rồi nhìn vẻ mặt hồn nhiên của mấy cô bé cùng tuổi Jan trong khung hình chụp cho các bé đột nhiên tôi thấy chạnh lòng. Những ngày nghỉ hè này với các bé kia thì là một chuyến du lịch thú vị, vui vẻ bên cha mẹ, còn với bé Jan thì… nắng gió, giá buốt ngày ngày trên đỉnh cao hơn hai ngàn thước, phơi mình từ sáng đến chiều phụ bán hàng cho gia đình. Lại nghĩ về con đường lên núi, xuống núi bằng đôi chân gầy guộc của cô bé mà bùi ngùi. Đúng là vẫn còn biết bao trẻ thơ trên đất nước này cùng tuổi mà không cùng phận như thế!
Dù sao, sáng nay chắc bé gặp hên nên nhiều người trong đoàn đã mua một số đồ thổ cẩm của Jan. Mấy chiếc túi xách, vài cái bóp nhỏ đựng điện thoại, đựng tiền, mấy sợi thổ cẩm đeo tay… Chưa hết, có bạn trong đoàn còn hứng chí ngồi bệt xuống chiếu giành lấy khung dệt đòi học dệt dây thổ cẩm khiến cả đoàn cười ngất.Nhìn những gian hàng trên đất nối tiếp nhau với những sản phẩm quen thuộc đan dệt từ những sợi tơ óng ánh sắc màu bên những bàn chân trần, những gương mặt đen sạm sùm sụp trong khăn trùm và chiếc nón vải mới nhận ra cuộc sống của các dân tộc vốn là chủ nhân vùng đất này vẫn còn nghèo khổ, nhọc nhằn biết mấy.
Những phiên chợ trên đỉnh núi cao trong những mùa du lịch dù góp thêm sắc màu rực rỡ phong phú cho sự thưởng ngoạn của bao khách tham quan nhưng đời sống của cư dân đất này liệu có khá hơn? Và nhiều cô bé trạc tuổi Jan đang ngồi bán hàng trên núi đây không biết sẽ đến trường tới lúc nào?
Theo xe trở xuống, Anh tài xế tên Hoàng, một người vui chuyện đã kể thêm vài điều về các bộ tộc thuộc dân tộc Cơ Ho tỉnh Lâm Đồng và chỉ cho tôi xóm nhà ở của bộ tộc Chil, bộ tộc Lạt phía bên phải con đường dưới chân núi. Trong khoảng xanh của những đồi cỏ, dãy nhà có màu đỏ, xám thấp thoáng trong nắng. Tôi lại nghĩ về cô bé Jan và khu chợ trên đỉnh núi, thầm mong một ngày gặp lại.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tuyết / TBKTSG
0 nhận xét:
Đăng nhận xét