Gần 100 năm trước, người Pháp đã phát hiện ra Mẫu Sơn như một viên ngọc được giấu kín giữa rừng già và biến đỉnh núi linh thiêng này thành khu du lịch lý tưởng. Gọi chung là “Mẫu Sơn” nhưng kỳ thực, nơi đây là một quần thể núi vây quanh, gồm hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ.
Xuất phát từ TP.Lạng Sơn, đi 15km rẽ theo Quốc lộ 4B hướng Lạng Sơn - Lộc Bình đến ngã ba Mẫu Sơn, tiếp đến là đoạn đường lên núi dài 15km gian nan và khó khăn với những khúc cua lượn, gấp khúc liên tục, những tay lái cừ khôi nhất cũng chỉ dám chạy với tốc độ 15 - 20 km/h.
Vùng núi Mẫu Sơn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, thuộc địa phận của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn (huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Đỉnh Mẫu Sơn cao 1.541m, được bao bọc xung quanh bởi núi Cha và hơn 80 ngọn núi con, núi cháu to nhỏ sum vầy, nằm cách trung tâm TP.Lạng Sơn 30km.
Chuyện kể rằng: Có một gia đình nọ gồm người Cha khoẻ mạnh và dũng cảm, người mẹ khéo léo, chung thuỷ và đảm đang, hai người con tuy nhỏ tuổi nhưng ngoan ngoãn. Họ sống hoà thuận và no đủ trong một mái nhà trên vùng núi quanh năm mây phủ, có con sông Kỳ Cùng chảy vòng quanh.
Một ngày kia, có quân ngoại xâm đến xâm lược. Vâng mệnh nhà Vua, người Cha theo đoàn quân của nhà Vua ra trận chiến đấu bảo vệ bờ cõi biên cương. Ngày trở về, người cha nghe kẻ ghen ghét, đố kị vu oan cho người mẹ có tình ý với một chàng trai hoàn cảnh khó khăn tên là Chóp Chài mà ba mẹ con đã cưu mang giúp đỡ. Người cha giận quá mất khôn, không nén nổi nỗi bực tức và không bình tĩnh nghe lời can ngăn của bất cứ ai, người Cha rút gươm giết chết vợ mình.
< Gọi chung là “Mẫu Sơn” nhưng kỳ thực nơi đây là một quần thể núi vây quanh, gồm hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ.
Sau cơn cuồng giận, người Cha chợt tỉnh ngộ, nhận ra sự nóng giận vô lý đã cướp mất người vợ yêu thương nhất mực thuỷ chung và đảm đang của mình. Người Cha tột cùng đau khổ, lập miếu thờ người vợ yêu quý của mình và đêm ngày gào thét cầu xin người vợ được sống lại.
Sau khi hồn lìa khỏi xác, người Mẹ tìm lên Trời, đòi gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế để kể về nỗi oan khuất và mong Người giải oan cho mình. Hiểu rõ oan tình, Ngọc Hoàng cho gia đình họ khi sống không được gần nhau, thì khi chết được ở bên nhau. Vì vậy sau khi chết, gia đình họ được chôn cất gần nhau, sau này những ngọn núi mọc cao lên, mang tên Núi Cha, Núi Mẫu, Núi Con, Núi Cháu. Cả khu vực cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ san sát những ngọn núi cao vòi vọi đó luôn xanh mát màu xanh cây lá, quanh năm khí hậu tốt lành.
Ngày nay, đến Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, bạn sẽ thấy những huyền thoại đó hiện hữu ở khắp mọi nơi. Đêm đêm, Mẫu Sơn ngày nay đã có ánh đèn điện sáng lung linh, song trong mờ mịt sương mù vẫn luôn được nghe nghe tiếng gào thét rền rĩ của gió, văng vẳng như những lời than vãn khóc gào bi ai của Người Cha sau khi giết nhầm người vợ yêu quý của mình. Càng về khuya, tiếng thét gào càng thảm thiết và ai oán, gợi trong lòng du khách- những người sống – gờn gợn những cảm nhận sâu sắc và đau xót về mối oan tình huyền thoại Mẫu Sơn.
< Mùa đông, Mẫu Sơn còn có tuyết rơi, nhiệt độ có lúc dưới 0°C vào ban ngày và ban đêm hạ xuống chỉ còn -2°C đến -3°C.
Nhiệt độ trung bình ở Mẫu Sơn là 15,5°C. Mùa đông, nơi đây luôn có mây mù bao phủ, những ngày sương giá còn có tuyết rơi. Mùa hè, nắng vàng rực rỡ trong cái lạnh se se như dát mật. Còn mùa xuân, cả vùng Mẫu Sơn hồng rực trong sắc hoa đào. Không khí trong lành, nhẹ nhõm và thiên nhiên phóng khoáng, nguyên sơ nên Mẫu Sơn là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Hễ ai đã từng một lần đến Mẫu Sơn, thưởng rượu nơi đây thì mãi không thể quên được.
Rượu Mẫu Sơn thơm ngon, trong vắt như nước suối, uống rất dịu, vị đậm đà, lại không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang hương vị đặc trưng, thơm dịu của lá và rễ cây thuốc miền núi Xứ Lạng.
Rượu Mẫu Sơn do chính tay những người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn(Lộc Bình-Lạng Sơn) chưng cất ở độ cao 800-1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống, được lưu truyền tứ đời này qua đời khác.
Với rượu Mẫu Sơn chính gốc, lỡ khi quá chén không hề gây đau đầu... Theo những người sành rượu, rượu Mẫu Sơn có những nét riêng ít loại rượu nào có được. Đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ khiến người ta giật mình, e ngại.
Đào Mẫu Sơn có vị thơm đến lạ, để mấy hôm cả quần áo, đồ dùng trong nhà lúc nào cũng phảng phất mùi đào. Nói như Phúc Lỷ thì “đào Mẫu Sơn ăn không giấu ai được”, không ăn vụng được. Vì đào Mẫu Sơn quý như thế nên trên thị trường có không ít “đào nhái”. Nhưng những người sành đào Mẫu Sơn vẫn cứ nhận ra quả đào nơi khác chuyển đến to hơn, ăn thì cứ sồn sột mà ít vị.
Mùa đào chín là mùa đào chung của cư dân biên giới, đâu cũng đào, chỉ khác một loại được nuôi trồng dạng công nghiệp, còn một dạng được phơi giữa nắng gió Mẫu Sơn, vì thế mà quả đào ngọt, giòn, tròn và chắc hơn.
Khi nhắc đến người Dao ở Mẫu Sơn, không ai ở quanh vùng không biết đến tiếng kèn pí lè, thanh la, chiêng, trống… qua những bản nhạc nổi tiếng khắp vùng. Những nhạc cụ này gắn bó với bao thế hệ của người Dao chúng tôi. Nó đã ăn vào máu, vào tâm can của dân làng, thiếu những nhạc cụ này như thiếu một phần của cuộc sống.
Các loại nhạc cụ này không ai biết và không ai nhớ rõ là nó có từ đời nào, thuở nào. Lớn lên đã thấy người lớn chơi những nhạc cụ này rồi. Chúng chỉ được sử dụng vào những dịp lễ hội truyền thống, như hội cúng nhang, cúng thần lúa, thần rừng, cưới hỏi, Tết… Đó là lời tâm tình của lòng người với trời đất, với núi rừng, lời tâm sự của những đôi trai gái tìm duyên, lời của con cái với cha mẹ".
Người dân trong bản quanh năm ở ngoài ruộng, ngoài nương. Khi tiếng kèn, chiêng, trống, thanh la cất lên và hòa quyện vào nhau, nam thanh nữ tú cùng hòa theo điệu nhảy làm "ngây ngất" đất trời. Họ cầm tay nhau, đứng bên nhau múa hát quên hết mọi mệt nhọc của cuộc sống thường ngày. Tiếng nhạc và con người hòa vào nhau, quyện với thiên nhiên cây cỏ, tạo nên nét đặc sắc của văn hóa người Dao Mẫu Sơn.
Du lịch, GO! - Theo Yeudulich
0 nhận xét:
Đăng nhận xét